VTC News thông tin, sau ba năm thi công, tuyến đường tránh phía Nam xã Tây Sơn (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cũ) đã chính thức hoàn thiện và dự kiến sẽ được khánh thành vào ngày 19/8 tới. Dự án đóng vai trò then chốt trong chiến lược kết nối giao thông trục Đông – Tây giữa duyên hải miền Trung và khu vực Tây Nguyên.
Tuyến đường tránh phía Nam xã Tây Sơn được UBND tỉnh Bình Định (cũ) phê duyệt đầu tư ngày 3/12/2021, do Ban Quản lý dự án các công trình giao thông và dân dụng tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 440 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách tỉnh.

Tuyến đường có chiều dài khoảng 18km. Ảnh: Báo Công Lý
Tuyến đường có chiều dài khoảng 18km, đi qua địa bàn xã Tây Sơn và xã Bình Phú. Điểm đầu giao với Quốc lộ 19 tại Km31+400, điểm cuối tại Km47+620, gần ngã ba đường vào Lăng Mai Xuân Thưởng. Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc tối đa 80km/h, nền đường rộng 12m, mặt đường bê tông nhựa 11m gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, có lề đất rộng 1m.
Công trình băng qua một phần dãy núi Hoành Sơn và một nhánh sông Kôn, địa hình thi công phức tạp nhưng đã hoàn thành đúng tiến độ, từ tháng 8/2022 đến tháng 6/2025.
Theo ông Lưu Nhất Phong – Giám đốc Ban Quản lý dự án, tuyến đường không chỉ giải quyết bài toán giảm tải cho Quốc lộ 19 – vốn đang chịu áp lực lớn trong mùa vận chuyển nông sản và hàng hóa – mà còn đóng vai trò chiến lược trong phát triển hạ tầng giao thông của tỉnh Gia Lai.
Quốc lộ 19 được xây dựng cách đây hơn 100 năm, từng là tuyến vận tải chiến lược trong thời kỳ kháng chiến và cho đến nay vẫn giữ nguyên vai trò trụ cột về giao thông, kinh tế và quốc phòng – an ninh. Tuyến đường dài 243km, bắt đầu từ cảng Quy Nhơn (Bình Định cũ), kết thúc tại cửa khẩu Lệ Thanh (Gia Lai), băng qua nhiều địa hình hiểm trở của Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Đây là tuyến vận tải chủ lực kết nối hàng hóa từ Tây Nguyên về cảng Quy Nhơn – một trong những cảng biển có tốc độ tăng trưởng hàng hóa nhanh nhất cả nước.

Tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Ảnh: VTC News
Khi đi vào khai thác, tuyến đường sẽ rút ngắn thời gian di chuyển giữa duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, đồng thời mở ra cơ hội thúc đẩy phát triển không gian đô thị, dịch vụ, cụm công nghiệp tại khu vực phía Nam xã Tây Sơn – nơi đang được quy hoạch mở rộng.
Đáng chú ý, cùng với tuyến đường tránh xã Tây Sơn, UBND tỉnh Gia Lai cũng sẽ đưa vào sử dụng tuyến đường kết nối từ đường Tây tỉnh đến tuyến ven biển, đi qua địa bàn huyện Phù Mỹ (cũ). Tuyến đường này góp phần nâng cao năng lực kết nối giữa khu vực duyên hải Nam Trung Bộ với nội địa, hoàn thiện mạng lưới giao thông liên vùng.
Việc đồng loạt đưa vào khai thác các công trình hạ tầng giao thông chiến lược như tuyến đường tránh Tây Sơn không chỉ góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Gia Lai, mà còn tăng cường liên kết vùng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
Sau sáp nhập, 3 tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước là Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk.
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng (gồm tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Thuận cũ) rộng nhất với hơn 24.000km2, dân số 3,8 triệu. Tỉnh Gia Lai (được hợp thành từ tỉnh Gia Lai, Bình Định cũ) rộng thứ hai với gần 22.000km2. Đắk Lắk (gồm Đắk Lắk, Phú Yên cũ), rộng hơn 18.000km2, đứng thứ ba cả nước.