Aa

Tỉnh lớn thứ 2 Việt Nam sắp khởi công cao tốc gần 44.000 tỷ băng qua 2 con đèo hiểm trở

Thứ Tư, 09/07/2025 - 22:09

Dự kiến, cao tốc này dài khoảng 125km, quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m.

Báo Lao Động đưa tin, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để chuẩn bị các bước triển khai dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, dự kiến khởi công trong năm 2025.

Dự án có điểm đầu tại Quốc lộ 19B, điểm cuối nối với đường Hồ Chí Minh (thuộc tỉnh Gia Lai), tổng chiều dài khoảng 125km. Đây là tuyến cao tốc quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 24,75m, tốc độ thiết kế tối đa 100km/h. Tuy nhiên, khi đi qua hai đèo An Khê và Mang Yang, tốc độ tối đa sẽ giảm xuống dưới 80km/h do địa hình đồi núi phức tạp.

Theo Sở Xây dựng Gia Lai, tuyến cao tốc này băng qua hai đèo lớn là An Khê và Mang Yang, nơi địa hình hiểm trở, đòi hỏi giải pháp kỹ thuật đặc biệt. Để đảm bảo tiến độ và an toàn thi công, đơn vị thi công dự kiến sử dụng robot khoan hầm xuyên núi sau khi hoàn tất khảo sát địa chất, đồng thời huy động công nghệ hiện đại, nhân lực, phương tiện và lựa chọn các nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm.

Tỉnh lớn thứ 2 Việt Nam sắp khởi công cao tốc gần 44.000 tỷ băng qua 2 con đèo hiểm trở- Ảnh 1.

Một góc cung đèo An Khê. Ảnh: Internet

Trước đó, Ban Quản lý Dự án 2 đã trình phương án thiết kế ba hầm đường bộ, gồm:

Hầm An Khê 1 tại Km35+900, dài khoảng 1.170m;

Hầm An Khê 2 tại Km37+900, dài khoảng 860m;

Hầm Mang Yang tại Km79+200, dài khoảng 3.000m.

Mỗi vị trí hầm sẽ gồm hai ống hầm, mỗi ống rộng 10,55m, bảo đảm lưu thông hai làn xe an toàn.

Thực tế, trong hai năm qua, dự án nâng cấp Quốc lộ 19 nối từ rừng ra biển do Ban Quản lý Dự án 2 làm chủ đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn, kéo dài tiến độ chủ yếu ở đoạn qua đèo An Khê. Nguyên nhân chính là do khối lượng bạt núi, mở đường lớn với hàng nghìn khối đất đá phải di dời, trong khi lưu lượng phương tiện từ cao nguyên xuống đồng bằng duyên hải mỗi ngày khá lớn, đặc biệt mùa mưa dễ xảy ra ùn tắc.

Với tổng vốn đầu tư sơ bộ hơn 43.730 tỷ đồng, dự án cao tốc Quy Nhơn – Pleiku được đề xuất theo hình thức đầu tư công. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy giao thương, phát triển dịch vụ logistics, vận chuyển hàng hóa nông sản, tăng cường kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội cho khu vực.

Sau sáp nhập, 3 tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước là Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Lắk.

Trong đó, tỉnh Lâm Đồng (gồm tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông và Bình Thuận cũ) rộng nhất với hơn 24.000km2, dân số 3,8 triệu. Tỉnh Gia Lai (được hợp thành từ tỉnh Gia Lai, Bình Thuận cũ) rộng thứ hai với gần 22.000km2. Đắk Lắk (gồm Đắk Lắk, Phú Yên cũ), rộng hơn 18.000km2, đứng thứ ba cả nước.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top