Tới lượt người Hải Phòng phát "sốt" vì giá đất
Trong khoảng hai năm trở lại đây, Hải Phòng đã tích cực đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thu hút đầu tư. Một loạt dự án du lịch, trung tâm thương mại, bất động sản được khởi động. Một loạt chung cư cũ được đập bỏ để xây mới, nhiều khu dân cư nhếch nhác được cải tạo làm công viên, cảnh quan... Bộ mặt đô thị có nhiều khởi sắc, hạ tầng được cải thiện là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tăng giá đất.
Nhờ giá đất tăng, một số dự án nhà ở vốn dĩ chết yểu, phải “đắp chiếu” nhiều năm bỗng dưng sống lại. Tại khu vực Quán Nam, khu đất trống đối diện UBND phường Kênh Dương có hạ tầng đường sá, vỉa hè vuông vắn suốt nhiều năm qua đìu hiu vì không có khách. Nhưng mới đây, một số chủ đầu tư đã cùng nhau mua hết khu vực này. Cả một bãi đất trống trở thành công trường xây dựng với hàng chục căn nhà đang cấp tốc mọc lên. Ông H., một chủ đất tại đây, cho biết cuối năm 2017 giá đất độ 16 triệu giờ đã lên 24 triệu đồng/m2. Ông H. đang xây dựng tám căn, tuy còn đang dở dang nhưng đã có khách đặt cọc.
Ông Nguyễn Quang Văn, Giám đốc sàn bất động sản Văn Minh, xác nhận giá đất ở Hải Phòng trong khoảng sáu tháng gần đây đồng loạt tăng. Nơi nào ít cũng tăng 30%, thậm chí có nơi tăng gấp đôi. Trong đó, những dự án đất nền có diện tích từ vài chục tới 100 m2 ở Hải Phòng là bán chạy nhất. “Khu vực Văn Cao giá đất vốn đã cao vẫn tăng vì ở đây trở thành phố “Tây”, người nước ngoài thuê rất nhiều. Chỉ cần có đất rao bán là người ta mua để xây nhà cho thuê, tháng kiếm vài ba chục triệu như chơi” - ông Văn nói.
Theo ông Văn, các lô đất nền có diện tích nhỏ thuộc các dự án đô thị, tái định cư sốt là do có không ít người dân sống ở những ngõ hẹp trong trung tâm Hải Phòng nay muốn chuyển sang nơi ở mới khang trang hơn và có chỗ để ô tô. Những khu tái định cư như Vĩnh Niệm, ngoài hạ tầng đô thị tốt còn gần siêu thị, trường học, bệnh viện đẳng cấp nên rất nhiều người săn tìm là điều dễ hiểu.
Xem chi tiết tại đây.
Những con “chim mồi” trong cái bẫy đất nền
Tại khu Thạnh Mỹ Lợi cũng cho thấy, cuối năm 2017, giá đất tại đây dao động từ 60 - 70 triệu đồng/m2, nhưng sau khi cây cầu bắc qua đảo Kim Cương hoàn thành, từ tháng 1/2018 tới nay, giá đất tại đây đã được đẩy lên tới 80 - 110 triệu đồng/m2.
Ông Trần Hoàn, một nhà đầu tư thứ cấp tại quận 2 cho biết, tháng 1 vừa qua ông bán nền đất tại khu Thạnh Mỹ Lợi với giá 65 triệu đồng/m2, nhưng ngay sau đó, giá đất tại đây đã tăng mạnh. “Nếu để lại lô đất trên tới giờ bán, tôi đã có thêm gần 1 tỷ đồng”, ông Hoàn tiếc rẻ.
Không chỉ khu Đông, giá đất nền cũng tăng mạnh tại khu Nam. Cụ thể, theo báo cáo của DKRA Việt Nam, trong quý I/2018, khu Nam là khu vực có giao dịch đất nền sôi động, giá đất nền tại đây cũng tăng từ 10 - 15% ở Bình Chánh, quận 7. Trong khi đó, khu Tây cũng có lượng dự án đất nền, nhà phố ra hàng nhiều, nhưng giá tăng thấp hơn, từ 5 - 8%.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, hiện nay, đã xuất hiện hiện tượng đầu nậu, "cò đất” lợi dụng việc thị trường căn hộ chung cư bị chững lại sau vụ cháy Chung cư Carina để đầu cơ, thổi giá đất nền lên cao. Bên cạnh đó, kể từ khi chính quyền Thành phố siết việc phân lô, tách thửa, nguồn cung ở dòng sản phẩm này thiếu, dẫn đến giá tăng cao.
Xem chi tiết tại đây.
Hãy tự bảo vệ túi tiền của mình!
Nếu là nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp, ai cũng thấy rủi ro tiềm ẩn. Nhưng có lẽ không ai không “lóe lên” những suy tính về việc sẽ lướt sóng thật nhanh rồi đẩy cho người đến sau.
Tình trạng này khá giống với "cơn điên" chứng khoán những năm 2006-2007, khi ai cũng tính lướt nhanh rồi đẩy cục than hồng cho nhà đầu tư kế tiếp. Thế nhưng, bất kỳ ai trong số họ đều có nguy cơ trở thành những người "ôm hàng" cuối cùng.
Và tất nhiên, sẽ bỏng tay vì cục than hồng không biết chuyển cho ai!
Thị trường đất nền như bản chất của nó, là một sản phẩm dễ đầu cơ và có tiềm năng tăng giá cao. Nhưng mức giá tăng từng ngày, từng tuần khiến không chỉ cơ quan quản lý, mà cả những nhà đầu tư thận trọng e ngại. Đó là lý do khiến thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã phải có liên tiếp 3 văn bản gửi Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang - những tỉnh có địa phương sắp trở thành đặc khu kinh tế - cảnh báo, yêu cầu kiểm soát chặt giao dịch đất nền.
Là một trong những đơn vị thường xuyên theo dõi về tình hình thị trường bất động sản, trong báo cáo mới nhất vừa công bố, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đặc biệt nhấn mạnh tới việc thị trường đất nền đang thay đổi phức tạp và khó kiểm soát hơn. Giá tăng cục bộ tại hầu hết các dự án với sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư truyền thống đến từ Hà Nội, TP.HCM.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là số lượng khách hàng mua đầu tư, hay các công ty đầu cơ bất động sản thứ cấp là khá nhiều và có dấu hiệu tăng mạnh chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây.
Xem chi tiết tại đây.
Nếu không bắt nhịp nhà đầu tư sẽ mất cơ hội
Đơn vị nghiên cứu thị trường Savills vừa đưa ra những con số đầy bất ngờ về phân khúc biệt thự, liền kề Hà Nội trong quý 1/2018.
Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc biệt thự, liền kề tăng 4,7% theo năm. Xét về giá, Savills cho rằng phân khúc biệt thự giảm 7,7% so với quý trước, tuy nhiên liền kề tăng 4,3%.
Một số dự án ra hàng đợt này thu hút nhiều nhà đầu tư như: Louis City (Hà Đông), The Eden Rose (Thanh Trì), và Iris Home – Gamuda Giai đoạn 3 (Hoàng Mai)… Thậm chí, có dự án chỉ bán trong vòng một tuần là hết hàng.
Tiếp đà khởi sắc của thị trường, trong tháng 4 này đã có một số chủ đầu tư mở bán sản phẩm.
Theo thông tin mới nhất từ Công ty cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu (Promexco) thì doanh nghiệp đã hoàn thành gần 150 tỷ tiền thuế đất theo quy định. Ngay sau đó chủ đầu tư trực tiếp làm việc với Xuân Mai Corp - một trong những nhà thầu thi công uy tín bậc nhất để đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo thiết kế, trên tổng diện tích 40.000m2 sẽ có 43 lô biệt thự liền kề, 5 tòa tháp thương mại để ở, 1 tòa tháp văn phòng được xây dựng.
Ông Lê Ngọc Quỳnh - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hợp tác Thịnh Vượng (TVR), đơn vị phân phối độc quyền dự án cho biết, chỉ sau một tháng thăm dò thị trường, 50% số lượng sản phẩm liền kề đã được khách hàng đặt chỗ. “Với giá từ 65 triệu đồng/m2 liền kề, giá trị sinh lời tại khu vực này có thể lên đến 20 – 30%/năm” – ông Quỳnh đánh giá.
Xem chi tiết tại đây.
Đất Cần Giờ, Củ Chi,… “nóng bỏng tay”, giá 30 triệu đồng mỗi m2 là quá cao, vượt ngưỡng giá trị thực
Nhận xét về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam đánh giá nhu cầu mua đất ở vùng ven TP.HCM thời gian gần đây sôi động, giá tăng là có thực.
Nguyên nhân là do nhu cầu đất nền ở khu trung tâm Sài Gòn là rất lớn trong khi quỹ đất lại hạn hẹp, như vết dầu loang lan ra vùng ven là điều dễ hiểu với kỳ vọng giao thông kết nối hạ tầng được đầu tư mạnh hơn, dẫn tới nhu cầu dịch chuyển của người dân tới các quận, huyện vùng ven.
Tuy nhiên, theo ông Đính thì đất vùng ven TP.HCM đang bị đẩy giá lên quá cao so với giá trị thực của khu vực này.
Theo thống kê từ Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, ba tháng đầu năm 2018 ghi nhận giá nhà đất liền thổ tiếp tục tăng cao tại các huyện vùng ven TP.HCM:
Tại Củ Chi, đất nền ở các tuyến đường, hẻm nhỏ có giá 10 – 12 triệu đồng/m2; các đường lớn tiếp giáp nội đô có giá 20 – 30 triệu đồng/m2;
Tại huyện Bình Chánh, giá trung bình khoảng 15 – 20 triệu đồng/m2;
Tại huyện Cần Giờ, tại các đường nhỏ có mức giá 8 triệu đồng/m2, tại các tuyến đường có hạ tầng, giao thông tốt, giá từ 15 – 18 triệu đồng/m2.
Xem chi tiết tại đây.
"Trúng đậm" từ lướt sóng đất đặc khu, nhiều nhà đầu tư rục rịch “rút êm”
Ngay từ thời điểm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) mới chỉ có chút ít thông tin được quy hoạch thành đặc khu, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu chiến lược “mua trước đón đầu” bất động sản ở những vùng này.
Kỳ vọng lớn vào giá đất đã khiến làn sóng đầu tư từ Hà Nội, Sài Gòn, Quảng Ninh,... ồ ạt đổ vào các đặc khu kinh tế tương lai. Bên cạnh một số nhà đầu tư xác định kinh doanh lâu dài thì có nhiều nhà đầu tư coi đây là cơ hội thuận lợi để “lướt sóng” chớp cơ hội kiếm được khoản tiền chênh khổng lồ.
Thực tế cho thấy chỉ sau một thời gian ngắn, với giá đất tại các khu vực này đã tăng cao liên tục, không ít nhà đầu tư đã kiếm được nguồn lợi nhuận “khủng” từ việc ăn chênh tiền. Thu được tiền tỷ chỉ trong một thời gian ngắn đã không còn là chuyện khó khăn với các nhà đầu tư ở đặc khu.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sau khi kiếm đủ từ việc đổ tiền vào các đặc khu, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu rục rịch rút vốn, quay trở lại với chiến lược đầu tư an toàn.
Xem chi tiết tại đây.
Khu Đông TP.HCM: Chưa kịp hiện đại đã quá tải
Nếu như trước đây, khu Đông được các doanh nghiệp địa ốc chú ý phát triển các dự án đất nền để bán, thì nay đang thu hút số lượng lớn các dự án căn hộ. Bởi theo quy hoạch đến năm 2025, khu Đông sẽ trở thành trung tâm đô thị tri thức và công nghệ cao của TP, tập trung nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô trọng điểm. Nắm bắt được nhu cầu nhà ở của hàng chục ngàn lao động tri thức, nhiều dự án căn hộ đang đua nhau mọc lên ở khu vực này.
Hiện hầu hết đại gia địa ốc đều có dự án lớn tại khu Đông, như Đại Quang Minh với khu đô thị Sa La, Novaland với một loạt dự án ở quận 2, quận 9, với tổng cộng hàng chục nghìn căn hộ. Đó là chưa kể các chủ đầu tư khác như Thủ Đức House, Khang Điền, Đất Xanh, Phúc Khang, Hưng Thịnh, Nam Long…, cũng đều có những dự án lớn đã và đang đầu tư ở khu vực này. Một số dự án khác dự kiến công bố trong năm 2018.
Khi các dự án trên hoàn thành và đưa vào sử dụng, có khả năng "hút" thêm hàng chục ngàn người vào đây sinh sống trong khi tiện ích bên ngoài chưa được quan tâm đúng mức sẽ tạo ra nhiều áp lực lớn cho cuộc sống. Cụ thể, hạ tầng giao thông, đáng kể nhất là xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ và tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, đang bị một sức ép nặng từ các dự án nhà ở và các khu đô thị đang mọc lên san sát.
Từ các quận 2, 9, Thủ Đức vào khu vực trung tâm TP.HCM, người dân thường đi theo ba hướng chính: đi xa lộ Hà Nội qua cầu Sài Gòn vào trung tâm, qua đại lộ Đông Tây theo hầm Thủ Thiêm vào trung tâm hoặc chọn đường xa hơn là Phạm Văn Đồng để về trung tâm.
Theo ghi nhận vào các buổi sáng, lượng xe máy từ quận 2 theo đường Mai Chí Thọ qua hầm sông Sài Gòn rất đông. Tuyến này có 3 làn xe máy và 4 làn ô tô nhưng khi vào hầm sông Sài Gòn thì bị bóp nghẹt, chỉ còn 1 làn cho xe máy và 2 làn cho ô tô. Theo Trung tâm QL đường hầm sông Sài Gòn, trung bình mỗi ngày có 230.000 lượt xe máy và 43.000 lượt ô tô qua hầm. Trước tình trạng hai đầu hầm sông Sài Gòn thường xuyên bị ùn tắc, cuối năm 2017, Sở GTVT TP phải mở thêm 1 làn đường cho xe máy ở 2 đầu hầm và giờ cao điểm cho tạm ngưng ôtô vào hầm sông Sài Gòn để xe máy đi vào làn ôtô.
Xem chi tiết tại đây.