Aa

Tôi nghĩ thế, còn bạn?

Thứ Tư, 11/12/2019 - 06:30

Tôi đang viết những dòng này trong cảm giác sốc, run sợ và căm phẫn. Bởi không biết bạn thế nào, chứ tôi thì không dám tưởng tượng tiếp những điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Nếu bạn đã tận mắt xem clip xe chở học sinh đang chạy, bỗng cánh cửa sau bật ra khiến ba em học sinh rơi thẳng xuống đường, lăn lông lốc như những hình nộm bằng rơm? (Ở trường hợp khác cũng xảy ra sự cố tương tự, nhưng lần này “may” hơn là chỉ có hai em). 

Nếu bạn cũng như tôi, ngồi xem chương trình VTV24H, chiếu cận cảnh những chiếc xe được các nhà trường ký hợp đồng để đưa đón học sinh, rùng mình khi thấy những chiếc xe đó không khác gì những thứ phế thải nhặt về từ bãi rác? 

Và nếu bạn vẫn chưa quên những vụ các em học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón, khiến có em bị chết, có em phải vào viện cấp cứu vì mất nước quá nặng? Thì bạn cần phải làm một việc gì đó để mong rằng bọn trẻ đó - chúng hoàn toàn có thể là con em của bạn - không tiếp tục bị đặt vào hang hùm miệng sói.

Tôi đang viết những dòng này trong cảm giác sốc, run sợ và căm phẫn. Bởi không biết bạn thế nào, chứ tôi thì không dám tưởng tượng tiếp những điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ví dụ, khi các em học sinh bị văng xuống đường, mà ngay lúc đó có vài cái xe ôtô bám đuôi ngay phía sau (chuyện này quá thường xuyên trên đường phố của chúng ta)? Chẳng hạn tại vị trí các em tiếp đất, có vài viên đá cạnh sắc như dao, bị chiếc xe nào chuyên chở vật liệu nào đó vô trách nhiệm để rớt xuống mặt đường (chuyện này cũng vô cùng thường xuyên trên đường phố của chúng ta), hoặc thay các viên đá bằng những cái đinh vít vẫn thường đâm thủng cả lốp xe ôtô? 

Hình dung về tình huống tiếp theo có thể còn kinh hoàng hơn, vì nó có xác suất xảy ra vô cùng cao: Nếu chẳng may các em không ngã đập lưng xuống và khi bị lết đi theo lực quán tính có chiếc áo khoác làm vỏ bọc che đỡ một phần, mà lao thẳng đầu xuống mặt đường nhựa cũng cùng với đà của lực quán tính đó?

Còn vô vàn tình huống dẫn đến chết người, thương tật, tàn phế suốt đời… hoàn toàn có thể xảy ra trong những trường hợp như vậy.

Cái chết của cháu bé Lê Hoàng Long bị bỏ quên trên xe vẫn còn ám ảnh chúng ta

Rất may là trong những vụ tai nạn vừa kể, chuyện đó chưa xảy ra. Chưa, chứ không phải là không. Vụ này chưa, nhưng vụ sau thì hoàn toàn có thể. Ở chỗ này gặp may, nhưng chỗ khác thì không chắc. Vì thế, theo tôi, việc chưa xảy ra thảm họa chết người trong những vụ việc vừa nêu, không thể được coi là tình tiết giảm nhẹ (như trong các vụ việc thông thường) khi đưa ra hình phạt với những người có trách nhiệm. Bởi vì đối tượng chúng ta đang phục vụ là con người, hơn nữa lại là con trẻ. 

Những giả định về một sơ suất nào đó có thể sửa chữa, là không được phép. Nếu cho phép làm thế, mọi chuyện hoàn toàn có thể lặp lại, ở mức độ thảm khốc hơn. Bởi vì bảo trợ bọn trẻ, đảm bảo an toàn cho chúng, vấn đề quan trọng nhất là phải loại bỏ từ xa, từ rất xa những yếu tố có thể gây tổn hại đến thể xác và tâm hồn chúng. Mỗi cuộc đời khi mất đi, là không chỉ mất vĩnh viễn, mà còn gây nỗi nhức nhối không thể xoa dịu cho cả cộng đồng, bằng bất cứ sự bù đắp nào! 

Dù biết rằng không bao giờ tuyệt đối tránh được rủi ro, nhưng khi làm công việc quan trọng đó, không ai được cho mình quyền sống với não trạng sai thì làm lại, sai thì rút kinh nghiệm, sai thì sửa, sai là chuyện khó tránh! Phải luôn tự dặn mình: Chỉ cần sai một ly, là vô phương cứu chữa, là hết cơ hội khắc phục! Về phía cộng đồng, các cơ quan luật pháp cũng phải luôn nhìn nhận sự việc đặc biệt này ở mức hậu quả lớn nhất, để có hành động loại trừ từ gốc rễ.

Thế mà chúng ta đã làm gì? Chỉ là phạt tiền, kể cả ở mức khá cao so với thu nhập của lái xe. Đó chắc chắn là việc phải làm, nhưng nếu chỉ làm thế, liệu có loại trừ tận gốc tai họa cho bọn trẻ?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top