Aa

Tung hô và… dìm

Thứ Tư, 27/11/2019 - 06:30

Những bình luận quá đà ở cả hai phía trên truyền thông của ta về HLV Park Hang Seo và Bóng đá Việt chỉ chứng tỏ chủ nhân của những dòng ấy còn lâu mới trưởng thành.

Tôi còn nhớ, khi lần đầu tiên ông HLV Park Hang Seo xuất hiện, có phần lạc lõng trong con mắt truyền thông và các huấn luyện viên người Việt. Đã có khá nhiều lời bỉ bôi, nghi ngờ mang tính “dìm hàng”. Rất ít người tin tưởng ông thầy quốc tịch Hàn có phép gì cao tay để vực dậy nền bóng đá Việt quá nhiều thất bại. 

Những lời bàn tán, những bình luận trên báo chí, dù vô tình hay cố ý, đều nhằm đến một mục tiêu là làm người khác nản lòng! Thậm chí có những câu nói ác ý đến mức nếu ví với thuốc độc cũng không quá! Chỉ đến khi ông Park đem về một loạt chiến thắng cho bóng đá Việt Nam với các đội trong khu vực, đặc biệt sau khi chúng ta dành chiếc huy chương Bạc ở Thường Châu, những nghi ngờ, những miệt thị sau lưng dường như mới chấm dứt.

Từ đây, bắt đầu một thời kỳ mới, thời kỳ tung hô không có giới hạn.

Truyền thông thi nhau tìm những lời đẹp đẽ nhất, đắt giá nhất, mới lạ nhất, đặc biệt nhất… để gán cho ông Park. Ông Park lớn vụt lên vượt cả tầm vóc thực của ông. Người Việt cứ như vừa phát hiện ra thêm một châu lục đầy của cải và các phép lạ mang tên Park Hang Seo dành riêng cho mình. 

Nếu ai ngồi đếm sẽ thấy tần suất của những lời tung hô chưa khi nào lại xuất hiện dày đặc đến thế cho việc ca ngợi một huấn luyện viên bóng đá. Nó vượt qua mọi kỉ lục! Hình ảnh ông Park xuất hiện còn dày đặc hơn. Số biệt danh dành cho ông nhằm thể hiện sự yêu mến mới thật rầm rộ. Ông Park là phù thủy dùng người; ông Park là thiên tài cầm quân; ông Park là cứu tinh cho bóng đá Việt; ông Park là bậc thầy về giấu bài; ông Park là nỗi khiếp sợ của bất cứ vị huấn luyện viên nào muốn đối đầu với ông… vân vân và mây mây. 

Một hình ảnh thường thấy về HLV Park Hang Seo trên truyền thông ở ta.

Sau mỗi trận đấu bóng, dù với bất cứ đội nào, chỉ cần đội Việt Nam thắng, thậm chí hòa, là hàng triệu người xuống đường, còn báo chí thì kín đặc hình ảnh về nhà cầm quân người Hàn Quốc. Không hiếm trận Việt Nam thắng hoặc hòa là do may mắn, nhưng ngay lập tức cái sự may mắn ấy cũng được gán cho nhờ chiến thuật thượng thừa của ông Park. Bi hài nhất là khi Việt Nam thua, thì các ý kiến thậm chí còn đi xa đến mức bảo rằng ông Park làm thế để tạo ra sự chủ quan cho đối phương trong các trận sau?!

Không còn gì để có thể nói về mức độ tung hô!

Công bằng mà nói, thì chưa khi nào thành tích của bóng đá Việt Nam cao ngất ngưởng như thời kỳ ông Park Hang Seo cầm quân. Nhưng trên thực tế ông Park làm được cho bóng đá Việt Nam còn lớn hơn cả tấm huy chương vàng AFF, hơn cả tấm huy chương bạc ASIAD. Đó là ông đã tạo ra một đội bóng kỷ luật, chuyên nghiệp, đề cao tinh thần đồng đội, đề cao lối đá đẹp, đề cao đạo đức thể thao. 

Các học trò của ông Park rõ ràng là cũng bản lĩnh hơn thế hệ đàn anh. Lần đầu tiên bóng đá Việt Nam thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên Thái Lan! Lần đầu tiên, khi bị dẫn bàn trước, các cầu thủ không hề lùng túng, rối loạn, mà duy trì được kỉ luật chiến thuật đến tận phút chót, nhờ thế mà nhiều lần lật ngược thế cờ.

Nhưng cuộc sống của một đất nước gần trăm triệu dân đâu chỉ có bóng đá, đâu chỉ trông chờ vào bóng đá? Vì thế, những lời tung hô thái quá có gì đó thật lố bịch và vớ vẩn. Tôi tin rằng nếu hiểu tường tận tiếng Việt, có thể ông Park sẽ rất ngượng, thay vì hãnh diện. Những người như ông Park làm việc không phải chỉ để nhận những lời khen kiểu như vậy!

Nhưng hồi kết của câu chuyện này lại không định dừng ở đây. Đã bắt đầu thấy loi nhoi trở lại những lời bỉ bôi, chê bai, coi thường, mang tính “dìm hàng” thầy phù thủy Park sau trận hòa với Thái Lan trên sân Mỹ Đình tối 19/11. Rằng ông Park đã hết phép (họ chỉ chưa nói hẳn ra là ông đã hết thời!), rằng ông Park chỉ quan tâm đến thành tích, nên sợ thay đổi; rằng ông Park quá tự phụ… 

Tôi nghĩ ông Park Hang Seo có thể cũng cần nghe những gì mọi người nghĩ, để tự điều chỉnh. Nhưng cái cách nói cho sướng miệng, cho thỏa nỗi hằn học, khiến cho người khác phải nản chí, nản lòng với những bình luận quá đà ở cả hai phía trên truyền thông của ta chỉ chứng tỏ chủ nhân của những dòng ấy còn lâu mới trưởng thành.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top