Bạn tôi khẩn khoản rủ đi ăn cơm nắm, tại một nhà hàng sang trọng. Không hiểu sao lời anh mời chân thành mà với tôi lại cứ như một sự nhạo báng. Tôi lặng thinh đi theo anh. Tôi lặng thinh nghe anh nói suốt dọc đường đến quán. Tôi lặng thinh ngồi xuống bên chiếc bàn phủ mi ca bóng đến vô duyên. Tôi lặng thinh nhìn anh cười nói với chủ quán, như một người lọc lõi với món cổ truyền mà anh muốn giới thiệu với tôi. Nhưng mà lòng tôi thì cố mãi cũng không thoát sự dửng dưng!
Nhà hàng đem ra những cục cơm nắm bọc trong vải trắng, dùng dao inox thái nhoay nhoáy. Bạn tôi bốc một miếng, chấm vào bát muối vừng đen rồi ăn và xuýt xoa khen. Tôi lịch sự làm theo. Cơm nắm chấm muối vừng, y như thật. Mọi thứ đều rất thật. Chỉ duy một thứ không thật, ấy là cơm nắm!
Tôi bèn moi từ trong ký ức ra những xắt cơm nắm một thời của mẹ.
Bắt đầu từ ngày cô tôi rời làng ra đi. Suốt đêm trước đó, mẹ tôi hầu như thức trắng. Mẹ chọn loại gạo tám thơm trăm hạt như một để thổi cơm, chờ chín tới rồi bắt đầu nắm. Đồ nghề của mẹ nhất định phải có một chiếc mo cau khô, một chiếc khăn vải sạch và một chậu nước đun sôi để nguội. Cơm gạo thơm chín tới, nóng nghi ngút khiến mẹ xuýt xoa, nhập nhòa trong màn sương mỏng. Chiếc mo nang gặp hơi nước nóng bỗng dẻo dai một cách kỳ lạ, cứ cuộn lại, mở ra, biến ảo dưới tay mẹ. Hình như mo cau sinh ra là để dùng riêng vào việc nắm cơm. Sẽ chẳng có vật gì thay được nó. Nắm cơm là cả một nghệ thuật. Nếu chỉ dùng sức ép xuống, cốt cho những hạt cơm dính vào nhau thì chỉ được một thứ cơm nén, vô duyên hết chỗ nói, chưa nguội đã rời nhau rồng rộc, ăn lộm cộm, lủng củng trong miệng.
Người quê tôi có từ “thách cơm”, rất chính xác. Thách có thể hình dung như thít chặt lại. Rất khó diễn tả, cũng rất khó dạy người khác bằng cách giảng giải. Ai từng sống trong cái thời ấy may ra mới hiểu. Làm mãi mới có thể quen. Hạt cơm bị vò cho ra chút nhựa rồi mới làm cho chúng kết lại với nhau. Lý thuyết là thế nhưng chỉ bàn tay nghệ nhân mới cảm nhận được độ dẻo, quánh, chặt... khi “thách cơm”. Chưa đủ độ chưa thành cơm nắm. Quá tay - cơm ướt, ăn không ngon mà lại dễ vữa.
Hành trang lên đường của cô tôi có những quả cơm nắm của mẹ, được “vắt” trong những vuông khăn trắng tinh tươm. Vắt cơm là giai đoạn cuối của quá trình nắm cơm. Mẹ chỉnh sửa, vỗ về, ngắm nghía đến thật hài lòng mới thôi.
Lần lượt chị cả, chị hai, anh trai tôi rồi đến tôi và những đứa em, rời nhà ra đi. Với bất cứ ai cũng được mẹ chuẩn bị cho cơm nắm. Bao giờ mẹ cũng gói kèm cho mấy cái lạt giang. Cơm nắm phải dùng lạt giang xắt mới đúng điệu, mới không bị lẫn mùi tanh của sắt thép, mất ngon. Cơm xắt ra, mặt mịn như giò lụa, vẫn ấp ủ hương thơm của gạo. Cầm từng lát mà chấm với muối vừng, từ từ ăn, từ từ cảm nhận, từ từ ngẫm nghĩ để đến khi chắc dạ thì cũng ngộ ra được nhiều điều.
Cơm nắm của mẹ ăn mãi cũng không chán.
Với tôi, cơm nắm là nhân chứng của một thời cơ khổ muốn quên đi, cần phải quên đi, nên vùi sâu xuống đáy thời gian. Nhưng chả hiểu sao những cái nắm cơm nghèo đói mà thơm thảo, thanh tao ấy lại cứ nặng tình với tôi đến thế!