Aa

Tổng giám đốc Đất xanh Miền Bắc: "Khách hàng mới có quyền quyết định nên gọi là “cò mồi” hay không"

Thứ Bảy, 22/04/2017 - 06:00

Đó là ý kiến của ông Vũ Cương Quyết – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc khi bàn về câu chuyện uy tín của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS thời gian gần đây.

PV: Trên cương vị là lãnh đạo một đơn vị phân phối có sức chi phối thị trường BĐS, ông có thể cho biết  lượng giao dịch trên thị trường BĐS Việt Nam thời gian qua có gì nổi bật thưa ông? 

Ông Vũ Cương Quyết: Quý I/2017 vừa kết thúc, dù chưa có các con số thống kê chính xác của toàn thị trường nhưng riêng với Đất xanh Miền Bắc, lượng giao dịch thực tế thời gian qua của chúng tôi khá ổn so với năm 2016.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả này là bởi năm nay Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch khá gần, nên sự chững lại của thị trường cũng bị rút ngắn và đến khoảng tháng 2 - tháng 3 là lượng giao dịch đã ổn định trở lại.

Đất xanh Miền Bắc ghi nhận lượng giao dịch tăng so với cùng kỳ năm trước khoảng 15%, các phân khúc giao dịch nhiều nhất trong quý nằm ở hạng trung cấp từ 24 – 30 triệu đồng/m2, tiếp đến là nhóm dưới 25 triệu đồng/m2.

Phân khúc cao cấp hơi “đuối” so với năm ngoái vì chưa ra hàng nhiều, nguồn cung khan hiếm.

PV: Như vậy có thể thấy thị trường BĐS vẫn diễn biến khá ổn định và sôi động. Vậy ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng từ năm nay, nguồn tín dụng bị “siết” chặt sẽ khiến thị trường BĐS “chững” lại?

Ông Vũ Cương Quyết: Tôi cho rằng các định chế tài chính luôn đánh giá BĐS là một thị trường tiềm năng. Đầu tư BĐS là một hoạt động đầu tư khá chắc chắn so với các lĩnh vực đầu tư tài chính khác. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cần có điểm dừng khi để dòng tiền “chảy” vào thị trường BĐS. Bởi quá khứ đã chứng minh, nếu “đổ” dồn lượng tiền vào BĐS quá nhiều thì có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra “bong bóng” BĐS. 

Hiện giờ, các ngân hàng đang đánh giá lại chứ không nên nói là "siết" chặt nguồn vốn vào thị trường BĐS. Và việc này có tác dụng chấn chỉnh lại thị trường, đưa ra thông điệp để các doanh nghiệp cẩn trọng trong việc sử dụng quá nhiều vốn ngân hàng để đầu tư phát triển một dự án. Biện pháp này để bình ổn thị trường rất tốt, là việc nên làm.

Bởi trong quá khứ, ở giai đoạn năm 2011 – 2013, nhiều chủ đầu tư sử dụng quá nhiều vốn ngân hàng để phát triển dự án nhưng điều này rất rủi ro. Và thực tế là không ít doanh nghiệp “ngã ngựa” vì sự “lạm dụng” này. Nguyên nhân là bởi nếu dùng quá nhiều vốn ngân hàng vào quá trình phát triển một dự án thì chủ đầu tư cũng phải chịu mức chi phí tài chính rất lớn, dẫn đến nhiều điểm xấu như giá thành sản phẩm cao... 

Ông Vũ Cương Quyết -

Ông Vũ Cương Quyết - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc

PV: Vậy là có thể thấy, thị trường BĐS cũng khá “nhạy cảm”, dù có thể rất sôi động nhưng cũng có lúc dễ lâm vào khủng hoảng. Như ông đã nói, năm 2011 – 2013 thị trường đã đi qua một giai đoạn khó khăn thực sự và gây ra những hệ lụy không hề nhỏ. Ông có thể phân tích kỹ hơn những ảnh hưởng này? 

Ông Vũ Cương Quyết: Cần nhìn nhận thị trường BĐS như một bức tranh tổng thế thì mới có được đánh giá phần nào đầy đủ về thị trường này. Thực tế đã chứng minh, khi thị trường BĐS "đóng băng" thì nền kinh tế rõ ràng cũng đi xuống. Nhìn lại những năm 2011 – 2013, tổng GDP cả nước chỉ ở khoảng hơn 5%.

Vì sao lại nhận định BĐS là một trong các yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự lên – xuống của nền kinh tế như vậy? Lý do là bởi dù hoàn toàn tách bạch với ngành xây dựng, dịch vụ... nhưng hoạt động kinh doanh BĐS lại là động lực kéo theo sự phát triển của nhiều ngành nghề khác.

Hoạt động kinh doanh BĐS có mối ràng buộc chặt chẽ với lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất nội thất, dịch vụ quản lý vận hành, nhà hàng, siêu thị... đặc biệt là ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường nhân công xây dựng và một chuỗi giá trị gia tăng kéo theo. Nếu muốn nhìn nhận đúng vai trò của thị trường BĐS phải đánh giá cả một chuỗi đó mới đúng.

PV: Giữ vai trò quan trọng như vậy, nhưng theo ông những năm gần đây thị trường BĐS đang vận động thế nào?

Ông Vũ Cương Quyết: Trong khoảng 3 – 4 năm trở lại đây, thị trường BĐS Việt Nam đang trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Ngày càng có nhiều chủ đầu tư là các tập đoàn lớn uy tín, đầu tư xây dựng bài bản.

Ngay cả các khách hàng cũng ngày càng sáng suốt hơn, họ đánh giá rất kỹ các yếu tố như chủ đầu tư nào phát triển dự án, công ty nào thầu xây dựng, đơn vị nào phân phối... Bởi những năm trước, khi thị trường “bong bóng”, nhiều khách hàng đã bị mất tiền khi đầu tư không đúng chỗ... và vì vậy bây giờ họ rất thận trọng.

Trước đây, có thể khách hàng chỉ mua nhà để ở thôi, nhưng giờ đây họ đã lựa chọn sản phẩm dựa trên các tiêu chí như tiện ích dịch vụ, không gian sống và chất lượng sản phẩm. Sự thận trọng của khách hàng cũng khiến thị trường chuyên nghiệp hơn. Các đơn vị kinh doanh cũng phải tự thay đổi cách ứng xử của mình với thị trường, với khách hàng, với các cơ quan quản lý nhà nước.

PV: Ông dự báo thế nào về xu hướng vận động này?

Ông Vũ Cương Quyết: Khách hàng sẽ ngày càng khó tính hơn và thị trường cũng sẽ chứng kiến nhiều hơn sự tham gia của các chủ đầu tư nước ngoài. Khi nhóm chủ đầu tư này "nhảy" vào, họ sẽ làm cho thị trường BĐS Việt Nam có nhiều tính cạnh tranh hơn, chuyên nghiệp và hướng tới người tiêu dùng nhiều hơn. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp diễn và tất yếu xảy ra trong tương lai. Các doanh nghiệp muốn trụ vững thì càng phải hoạt động một cách chuyên nghiệp, phải từ bỏ tư tưởng làm một hai dự án bán cho nhanh rồi bỏ đấy, không quan tâm đến khách hàng. 

PV: Tính chuyên nghiệp này dưới góc nhìn của một đơn vị chuyên phân phối sản phẩm BĐS thì thế nào thưa ông?

Ông Vũ Cương Quyết: Nếu nhìn nhận ở các nước phát triển, có thể thấy ngành môi giới BĐS là một nghề khá cao cấp và rất khó mới có thể được làm trong lĩnh vực này. Những người muốn hoạt động trong lĩnh vực môi giới BĐS phải tham gia các kỳ thi, kiểm tra cấp chứng chỉ.

Trong khi ở Việt Nam thì gần đây mới bắt đầu có cơ chế quản lý chặt chẽ. Thực tế là tính chuyên nghiệp của mảng dịch vụ BĐS thời gian gần đây đang đi xuống. Không thiếu tình trạng các sàn không cạnh tranh công bằng mà cạnh tranh bằng nhiều thứ khác như chiết khấu “sâu” cho khách hàng chẳng hạn.

PV: Phải chăng sự cạnh tranh không công bằng giữa các sàn giao dịch, các nhân viên môi giới khiến nghề môi giới BĐS vẫn chưa rũ bỏ được danh xưng “cò mồi” thưa ông?

Ông Vũ Cương Quyết: Khái niệm "cò mồi" xuất phát từ sự mua bán chưa chuyên nghiệp của thị trường, do chưa có hệ thống giám sát chặt chẽ. Việc bị gọi là “cò mồi” là do thị trường, do người tiêu dùng quyết định. Không ai ngăn cấm được khách hàng gọi mình bằng danh xưng này nếu vẫn hoạt động một cách thiếu chuyên nghiệp.

Nếu bản thân dịch vụ của chúng ta không tốt vì thị trường và khách hàng sẽ đánh giá chúng ta. Còn nếu chúng ta làm tốt thì danh xưng “cò mồi” sẽ tự nhiên bị xóa sạch. Đến khi nào cụm từ “cò mồi” còn chưa bị xóa bỏ thì tức là lỗi vẫn là do chúng ta.

Vì vậym cần phải có các quy định thắt chặt về việc cấp chứng chỉ cho các nhân viên hành nghề môi giới. Đến khi có chứng chỉ rồi, tham gia hành nghề thì phải có người kiểm tra giám sát. Phải có chế tài cụ thể, nếu không có chứng chỉ mà dám hành nghề thị bị phạt thế nào. Giám sát các sàn bán sản phẩm ra sao, thông qua ai...

PV: Trong bối cảnh như vậy, Đất xanh Miền Bắc đã làm gì để giữ vững được uy tín và chỗ đứng trên thị trường của mình thưa ông?

Ông Vũ Cương Quyết: Chúng tôi yêu cầu đội ngũ nhân viên phải có chứng chỉ môi giới và có bằng. Nếu chưa được học thì chúng tôi cũng có những chương trình đào tạo về pháp lý và chuyên môn rất rõ ràng. Ngoài ra chúng tôi cũng có hệ thống giám sát riêng chặt chẽ. Quá trình từ việc lên lịch trình tư vấn đến khi khách “vào cọc” ký hợp đồng đều được giám sát. Chỉ như vậy mới mong tạo dựng được một môi trường làm việc chuyên nghiệp và đào tạo được những nhà môi giới BĐS chuyên nghiệp, vì lợi ích của khách hàng, của doanh nghiệp. 

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này! 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top