Tại sự kiện "Toàn cảnh thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm 2025" tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn – đã đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý về xu hướng phát triển đô thị tại Việt Nam trong bối cảnh đất nước chính thức thực hiện sáp nhập các địa phương. Theo ông, đây là tiền đề quan trọng để hình thành các đại đô thị, trong đó TP. HCM sau sáp nhập đang nổi lên như một cực tăng trưởng hàng đầu cả nước.
TP. HCM mới: Đại đô thị liên kết vùng
Sau sáp nhập, TP. HCM được xác định là đại đô thị trọng điểm với quy mô lớn nhất cả nước về kinh tế, diện tích và dân số. Cụ thể, địa phương này hiện chiếm 25% GDP quốc gia, có dân số khoảng 13,5 triệu người và diện tích lên đến 6.772ha. TP. HCM cũng đang thu hút lượng vốn FDI lên đến 6,7 tỷ USD.

Nguồn: Batdongsan.com.vn
Đáng chú ý, TP. HCM mới được định vị như một chuỗi liên kết giá trị khép kín giữa ba cực: TP. HCM (cũ), Bình Dương (cũ) và Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ). Trong đó, TP. HCM (cũ) giữ vai trò trung tâm điều phối, tài chính, công nghệ, R&D và đổi mới sáng tạo. Bình Dương (cũ) đảm nhiệm vai trò "đầu vào" với chức năng công nghiệp, sản xuất linh kiện và vật tư. Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) là "đầu ra" trong chuỗi logistics – cảng biển, nơi luân chuyển hàng hóa ra thị trường quốc tế với chi phí tối ưu.
Cấu trúc phát triển này không chỉ gia tăng sức mạnh từng khu vực, mà còn tạo ra một không gian phát triển đại đô thị với nền tảng liên kết vùng bền vững.
Mô hình Seoul SMA: Bài học từ đại đô thị Hàn Quốc
Để đánh giá tiềm năng và định hướng phát triển của TP. HCM mới, Batdongsan.com.vn đã đối chiếu với mô hình đại đô thị Seoul SMA (Seoul Metropolitan Area) của Hàn Quốc – một trong những điển hình thành công nhất về phát triển vùng liên kết.

Nguồn: Batdongsan.com.vn
Trước năm 1982, khu vực Seoul SMA gồm 3 trung tâm: Seoul, Incheon và Gyeonggi-do – mỗi nơi đảm nhiệm một vai trò chuyên biệt. Trong đó, Seoul là trung tâm tài chính, hành chính quốc gia, công nghệ cao và tiêu dùng cao cấp. Incheon phát triển logistics, cảng biển và giao thương quốc tế. Gyeonggi-do là nơi tập trung các tập đoàn công nghệ (Samsung, LG), đô thị vệ tinh và công nghiệp chế tạo.
Sau hơn 40 năm, mô hình này đã phát huy hiệu quả vượt trội. Tính đến năm 2024, Seoul SMA chiếm 56% GDP Hàn Quốc, 50,7% dân số và gần một nửa tổng số doanh nghiệp cả nước. GDP bình quân đầu người tại đây vượt xa mức trung bình của Hàn Quốc, Đông Á và cả thế giới, dù điểm xuất phát ban đầu khiêm tốn.
"Đây chính là cỗ máy tăng trưởng lớn nhất của Hàn Quốc trong vòng 40 năm qua", ông Nguyễn Quốc Anh nhận định.

Nguồn: Batdongsan.com.vn
Một trong những chiến lược thành công nhất của Seoul SMA là chính sách phát triển tập trung theo vùng chức năng lõi, kết hợp với giãn dân có kiểm soát nhờ hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.
Theo đó, tỷ trọng ngành thông tin, khoa học kỹ thuật và quản lý tại Seoul tăng từ 26% (1985) lên 52% (2023).
Tại Incheon, nhóm ngành vận tải, kho bãi và kinh doanh tăng từ 30% lên 58%.
Gyeonggi-do tăng tỷ trọng ngành chế tạo thiết bị tinh vi, y tế và bất động sản từ 15% lên 30%.
Về hạ tầng, Seoul SMA đã phát triển từ 7,4km metro và chưa đầy 100km cao tốc liên vùng (năm 1980), đến năm 2020 đã có 1.150km metro – tàu ngoại ô hiện đại và 3 vành đai giao thông với tổng chiều dài 272km.
Với sự phát triển mạnh mẽ của mô hình này, đại đô thị Seoul cũng chứng kiến sự thay đổi của thị trường bất động sản khi từ năm 2019 - thời điểm công bố kế hoạch "Siêu đô thị toàn cầu 2040 của Seoul SMA", giá bất động sản tại 3 vùng này tăng gấp đôi, đặc biệt là tại Gyeonggi dù diện tích rộng lớn nhưng vẫn giữ mặt bằng giá cao.

Nguồn: Batdongsan.com.vn
Từ những phân tích trên của chuyên gia, có thể thấy, TP. HCM mới có nhiều điểm tương đồng với Seoul SMA, cả về cấu trúc không gian lẫn chức năng vùng. Việc hình thành chuỗi liên kết TP. HCM – Bình Dương (cũ) - Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) nếu được quy hoạch bài bản và đầu tư hạ tầng đồng bộ, hoàn toàn có thể trở thành động lực kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong vài thập kỷ tới.
Thách thức đặt ra là làm sao để phát huy tối đa vai trò từng trung tâm, đồng thời thiết lập cơ chế điều phối hiệu quả, tránh phát triển chồng chéo hoặc phân mảnh nguồn lực. Đây là thời điểm để TP. HCM không chỉ "lớn hơn" về quy mô, mà còn "toàn diện hơn" trong chiến lược phát triển đô thị bền vững.