Những động thái tích cực
Mới đây, Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM có văn bản 3292/STNMT-VP, công khai danh sách 355 dự án được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức và cá nhân tại dự án phát triển nhà ở thương mại trên địa bàn TP.HCM. Theo đó, 335 dự án đã giúp khơi thông điểm nghẽn pháp lý cho 191.101 căn hộ, nhà ở riêng lẻ…
Trong danh sách các dự án được gỡ vướng để cấp sổ, có những dự án kéo dài nhiều năm của các chủ đầu tư lớn trong ngành như Hưng Thịnh, Novaland, Vingroup, Phát Đạt, Him Lam, Gotec Land, Đất Xanh, Gamuda Land, Sài Gòn Thương Tín…
Vào giữa tháng 4/2023, UBND TP.HCM cũng đã xem xét và cho phép 5 chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai. Việc này đồng nghĩa sắp tới, TP.HCM sẽ có thêm khoảng 5.432 căn hộ được tung ra thị trường, giảm áp lực nguồn cung. Được biết, các dự án trên đều thuộc diện đang chờ kết luận của cơ quan nhà nước đối với các dự án thuộc diện ra soát pháp lý, trong khi chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Liên quan đến gỡ vướng pháp lý cho các dự án, chia sẻ với Reatimes, đại diện Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết sau cuộc họp chiều 21/4 với lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, nhiều “nút thắt” về pháp lý tại các dự án đã được giải quyết.
Dự án Moonlight Center Point và dự án Moonlight Boulevard của Tập đoàn Hưng Thịnh đã TP.HCM gỡ vướng - Ảnh: Tập đoàn Hưng Thịnh
Cụ thể, với nhóm liên quan đến thủ tục đầu tư: 2 dự án của Tập đoàn Hưng Thịnh được tháo gỡ. Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng đã ký ban hành 2 văn bản giải quyết cho dự án Đất Phương Nam và dự án Vĩnh Tiến.
Đối với nhóm dự án có kiến nghị liên quan đến cấp giấy chứng nhận cho khách hàng, cư dân, cuộc họp đã tháo gỡ dứt điểm cho 4 dự án. Qua đó, ngay trong quý 2/2023 có thể cấp chứng nhận cho hơn 2.000 căn hộ, diện tích thương mại với 4 dự án này, bao gồm Moonlight Park View – phần thương mại còn lại; Moonlight Boulevard; 9 View Apartment và 8X Đầm Sen. Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM cũng đưa ra hướng dẫn để doanh nghiệp sớm hoàn thành các bước cần thiết, từ đó hoàn thiện cấp giấy chứng nhận cho cư dân.
Ngày 19/4, Novaland cũng đã khởi động lại dự án The Grand Manhattan (quận 1, TP.HCM) thông qua ký kết với TPBank và Ricons. TPBank sẽ hỗ trợ tài chính để đảm bảo dự án tiếp tục thi công sau thời gian tạm ngưng, cũng như cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà, trong khi Ricons đảm nhiệm vai trò tổng thầu thi công. Đây là một trong 7 dự án đầu tiên được UBND TP.HCM tập trung gỡ vướng pháp lý.
Đại diện Novaland cho biết, tiến độ bàn giao nhà dự kiến vào quý 4/2024. Hiện dự án đã thi công xong phần hạ tầng cơ bản, phần móng, hầm xe, phần thân lên đến tầng 28 và một số hạng mục tiện ích như nhà mẫu thực tế tại dự án.
Trước đó, 4 dự án cũng đã được UBND TP.HCM chỉ đạo xử lý; đó là Khu trung tâm thương mại và Căn hộ cao cấp đường Bến Nghé, phường Tân Thuận Đông, quận 7; dự án chung cư Cửu Long, quận 4 của CapitaLand; dự án Khu nhà ở Thiên Lý, TP. Thủ Đức của Công ty TNHH xây dựng và dịch vụ An Thiên Lý; dự án Chung cư Cô Giang, quận 1 của Novaland.
Như vậy, những tín hiệu tích cực cho các dự án bất động sản đang có vướng mắc ở TP.HCM đã xuất hiện sau khi lãnh đạo TP.HCM tổ chức các buổi gặp gỡ doanh nghiệp để nghe báo cáo cụ thể tình hình khó khăn, vướng mắc.
Phân nhóm vướng mắc từng dự án bất động sản
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), trên địa bàn TP.HCM đang có 156 dự án bất động sản của 121 chủ đầu tư đề xuất xem xét tháo gỡ vướng mắc.
Trong đó, khoảng 70% vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản liên quan đến vấn đề pháp lý. Do vậy, HoREA nhất trí với Sở Xây dựng đề xuất "phân nhóm vướng mắc" và giao cho từng sở, ngành liên quan chủ trì phối hợp xem xét giải quyết.
Cụ thể, Sở Xây dựng TP.HCM sẽ chủ trì xem xét 8 dự án với 6 nhóm vướng mắc: hoán đổi nghĩa vụ nhà ở xã hội; xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai; mua phần diện tích chung thuộc sở hữu nhà nước trong dự án chung cư cũ; thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội tại dự án thương mại bằng hình thức nộp tiền; cấp giấy phép xây dựng; xác định dự án có được phép bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài hay không.
Trong khi đó, Sở Quy hoạch Kiến trúc chủ trì xem xét 10 dự án với 1 nhóm vướng mắc là điều chỉnh quy hoạch.
Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì xem xét 24 dự án với 15 nhóm vướng mắc. Đó là đấu giá quyền sử dụng đất; bồi thường giải phóng mặt bằng; chuyển mục đích sử dụng đất; giao đất bổ sung; gia hạn thời gian thuê đất; xem xét miễn tiền sử dụng đất; thẩm định, phê duyệt tiền sử dụng đất để thực hiện nghĩa vụ tài chính; rà soát quá trình xử lý nhà, đất, trình tự thực hiện dự án; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cư dân sau khi dự án xây dựng hoàn thành; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp sau khi đã đền bù và hoàn tất cơ sở hạ tầng; đánh giá tác động môi trường; giải quyết đối với phần diện tích mở rộng ngoài ranh giao đất; hoán đổi phần đất còn lại sang vị trí khác; phê duyệt kế hoạch sử dụng đất.
Sở Kế hoạch - Đầu tư chủ trì xem xét 11 dự án với 4 nhóm vướng mắc: ghi nhận là thành viên góp vốn của công ty; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; chuyển nhượng dự án đầu tư.
Còn Sở Giao thông vận tải TP.HCM chủ trì xem xét 1 dự án với 1 nhóm vướng mắc là đánh giá tác động giao thông.
Dần “rã băng” cho thị trường bất động sản
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, một trong những giải pháp đột phá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được thành phố tập trung triển khai là "rã băng" từ từ thị trường bất động sản bằng các giải pháp về vốn kết hợp với việc tập trung tối đa giải quyết, gỡ vướng về pháp lý cho các dự án. Khi ngành bất động sản được gỡ vướng, nhiều ngành nghề khác sẽ được kích thích, việc làm của người dân được tăng thêm.
Trong buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý.
Thời gian gần đây, UBND TP.HCM đã tổ chức cuộc họp giữa lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, doanh nghiệp, trực tiếp chỉ đạo tập trung tháo gỡ cho 31 dự án đang bị vướng mắc về pháp lý, dẫn đến chậm triển khai. Điển hình như: Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại đường Bến Nghé; Khu liên hợp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng; dự án chung cư Cửu Long; Khu phức hợp Sóng Việt, công trình tại lô đất 1-17; Khu nhà ở Thiên Lý; dự án The Water Bay...
Bên cạnh lắng nghe các kiến nghị cụ thể đối với các dự án, lãnh đạo UBND TP.HCM còn đề nghị các doanh nghiệp bất động sản mạnh dạn đóng góp sáng kiến, đề xuất cải cách thủ tục hành chính, phương thức làm việc, giải quyết hiệu quả những nội dung vướng mắc theo các nhóm, loại hình bất động sản.
Nhằm giải quyết triệt để vướng mắc của các dự án, TP.HCM còn triển khai thành lập các tổ công tác, đốc thúc, giải quyết rốt ráo, dứt điểm những vấn đề tại các dự án bất động sản; kết hợp với các doanh nghiệp, Hiệp hội bất động sản để giải quyết theo chuyên đề.
Trong buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý và rà lại danh sách để xác định nhóm 138 dự án mà Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) báo cáo để giải quyết triệt để.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cũng cho rằng, bên cạnh điều tiết nguồn vốn hỗ trợ cho bất động sản, giải ngân đầu tư công cho hạ tầng giao thông, dự án nhà ở xã hội thì giải pháp cấp bách nhất là UBND TP.HCM tiến hành ngay các công việc trong thẩm quyền của mình để tăng nguồn thu. Chẳng hạn như tập trung tháo gỡ vướng mắc ở khâu tính tiền sử dụng đất các dự án nhà ở thương mại, vì tình trạng chậm xác định tiền sử dụng đất dự án vừa làm giảm nguồn thu ngân sách thành phố, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp và người mua nhà, giảm nguồn cung... Nếu giải quyết ngay các hồ sơ nộp tiền sử dụng đất cho số dự án nhà ở thương mại đang có vướng mắc sẽ giúp ngân sách thành phố thu được hàng nghìn tỷ đồng.
“Nguồn lực từ lĩnh vực bất động sản ở TP.HCM rất lớn. Khơi thông, phục hồi được nguồn lực này không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đáp ứng nhu cầu nhà ở, sản xuất, kinh doanh. Việc này còn tạo động lực, dẫn dắt thị trường bất động sản Vùng Đông Nam Bộ, đáp ứng sự mong mỏi của các doanh nghiệp và yêu cầu phát triển kinh tế; góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố trong giai đoạn đầu năm bị giảm sâu, hoàn thành kế hoạch, mục tiêu phát triển của năm 2023”, ông Châu nói./.