Thực trạng trì trệ thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước là vấn đề nhức nhối dư luận thời gian qua. Không chỉ 1 - 3 năm, nhiều hồ sơ dự án bất động sản thậm chí bị treo hàng chục năm trời khiến doanh nghiệp kiệt quệ về tài chính. Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp bị vướng mắc 2 - 3 dự án cùng lúc, điển hình như Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (thành viên của Tập đoàn Đầu tư LDG - LDG Group) hiện đang ách tắc cả 2 dự án gồm: Khu chung cư cao tầng đại lộ Võ Văn Kiệt (tên dự án là High Intela) và Khu chung cư cao tầng tại 69 An Dương Vương (West Intela) tại phường 16, quận 8, TP.HCM.
Mới đây, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng Giám đốc LDG Group đã có những chia sẻ về câu chuyện này, cũng như bộc bạch nỗi khó khăn của doanh nghiệp khi bị ngâm hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hành chính liên đới.
Hàng chục văn bản gửi đi không có hồi âm
PV: Thưa ông, nhiều khách hàng đặt mua căn hộ tại 2 dự án High Intela và West Intela đang rất nóng ruột, vì sau khi hoàn thành xây dựng móng theo quy định, dự án đã dừng gần 3 năm qua và không biết lúc nào hoàn thành, ông có thể cho biết lý do?
Ông Nguyễn Minh Khang: Trước hết, chúng tôi rất chia sẻ với sự sốt ruột, thậm chí là sự nản lòng của gần 600 khách hàng đã quan tâm và đặt mua căn hộ tại 2 dự án trên. Bởi chính chúng tôi cũng là những người nóng ruột hơn hết. Thực tế đến nay, chúng tôi khẳng định đã làm hết tất cả những gì thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp, phần còn lại thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Nhiều khách hàng phản ánh và chúng tôi cũng đã nói rõ tình trạng pháp lý hiện nay của dự án. Họ chờ đợi, tin tưởng LDG và đồng hành cùng công ty xem chính quyền xử lý hồ sơ ra sao. Tuy nhiên, chờ đợi suốt 3 năm qua nhưng vẫn không có nhà để ở, có trường hợp chuyển ra nước ngoài sinh sống không thể chờ đợi thêm nên đề nghị thanh lý đơn đặt mua nhà. Phức tạp hơn, có nhiều khách hàng kiện chủ đầu tư ra tòa, chủ đầu tư dự án cũng phải đi “hầu kiện”.
Chủ đầu tư cũng đã đề nghị tòa án gửi văn bản yêu cầu các ngành chức năng thành phố trả lời dứt khoát về tình trạng dự án có vướng thủ tục gì không, vì chủ đầu tư hỏi mà cơ quan chức năng vẫn không ai trả lời. Tính đến hiện tại, chủ đầu tư đã gửi Sở Tài Nguyên và Môi trường TP.HCM hàng chục văn bản đề nghị được đóng tiền sử dụng đất nhưng vẫn chưa có phản hồi.
PV: Ông có thể cho biết lý do vì sao và tình trạng pháp lý của 2 dự án này hiện nay như thế nào? Có vướng gì ở đất đai hay gặp vấn đề gì khác không?
Ông Nguyễn Minh Khang: Chúng tôi khẳng định cả 2 dự án đều không hề vướng đất công hay đất xen cài nào khác. Tất cả 2 dự án đều do công ty bỏ tiền ra mua đất sạch, thành lập dự án được phê duyệt và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cả 2 dự án được chấp thuận đầu tư từ năm 2015, thẩm định thiết kế cơ sở từ tháng 3/2017, cấp phép xây dựng phần ngầm từ tháng 8/2018. Trên cơ sở những pháp lý đó, chủ đầu tư đã tổ chức thi công phần ngầm và được Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra hiện trạng công trình từ tháng 5/2019.
Theo quy trình, sau khi xây dựng xong phần ngầm, chủ đầu tư xin phép Sở Xây dựng để xây dựng tiếp phần trên.
Song song với đó, Sở Tài Nguyên và Môi trường thực hiện các thủ tục để Hội đồng thẩm định giá đất thành phố đánh giá, tính ra giá trị tiền sử dụng đất để doanh nghiệp nộp vào ngân sách thành phố. Nhưng 3 năm nay, Hội đồng thẩm định giá đất vẫn chưa đưa ra con số cụ thể về tiền sử dụng đất để doanh nghiệp đóng. Khi chúng tôi làm hồ sơ để xin Sở Xây dựng cấp phép xây dựng phần trên, Sở Xây dựng nói doanh nghiệp chưa đóng tiền sử dụng đất nên không cấp phép xây dựng tiếp được. Chúng tôi rất muốn đóng tiền sử dụng đất, để dự án được tiếp tục triển khai nhưng vẫn không được.
Chúng tôi đã có hàng chục văn bản gửi UBND Thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng một số cơ quan ban ngành… để “cầu cứu”. Nhiều cuộc họp do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì giữa các bên, có cả chủ đầu tư nhưng rồi vẫn không đi đến đâu. Thậm chí Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng còn yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ khi chuyển nhượng dự án thì chủ đầu tư có nợ thuế không, việc điều chỉnh tên chủ đầu tư trong quyết định chuyển mục đích sử dụng đất của dự án có vấn đề gì không, phải qua Sở Kế hoạch và Đầu tư để xác nhận… Tất cả những yêu cầu này đều được chúng tôi thực hiện và cung cấp để hoàn chỉnh hồ sơ.
Sau khi hoàn thành các thủ tục, Sở Tài nguyên và Môi trường mời các đơn vị đến họp, đề nghị UBND quận 8 xác định nguồn gốc pháp lý đối với khu đất tại dự án. UBND quận 8 sau đó cũng đã có phản hồi theo yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên đến nay, mọi việc vẫn tiếp tục rơi vào im lặng.
Bỏ hàng trăm tỷ đồng mua đất sạch, vẫn bị “treo” tiền sử dụng đất
PV: Thưa ông, thiệt hại của chủ đầu tư đối với 2 dự án này khi không được tiếp tục cấp phép xây dựng là như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Khang: Chúng tôi đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua đất của 2 dự án này và hoàn toàn sử dụng vốn sẵn có, không vay ngân hàng. Với tình trạng này kéo dài trong suốt 3 năm như vậy, nếu vay ngân hàng thì có thể ngân hàng đã “siết” dự án rồi.
Thêm vào đó, hơn 100 tỷ đồng đổ vào để xây dựng phần ngầm hoàn thành đến giờ vẫn phải tiếp tục duy trì và bảo trì để chờ được cấp phép và xây dựng tiếp phần nổi. Chi phí để bảo trì hệ thống ngầm đã xây dựng và duy trì các máy móc, thiết bị tại công trường tốn hơn 500 triệu đồng mỗi tháng. Trong 3 năm qua dự án không hoạt động, doanh nghiệp mất cả chục tỷ đồng chi phí bảo trì, duy trì dự án, nhân lực. Với những số tiền này, nếu doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực khác sẽ tạo ra nhiều giá trị xã hội và thặng dư đầu tư.
Đó là chưa tính đến việc mất uy tín, thương hiệu, hình ảnh của chủ đầu tư đối với khách hàng. Nhiều khách hàng không nắm được thông tin nên công khai chỉ trích, khiếu nại công ty trên mạng xã hội. Người mua nhà thì không có nhà ở cũng ảnh hưởng đến những vấn đề khác của xã hội nói chung. Ngân sách thành phố cũng không nhận được tiền sử dụng đất mà doanh nghiệp đóng.
PV: Ông có đề xuất gì để giải quyết những khúc mắc tại dự án này?
Ông Nguyễn Minh Khang: Từ tháng 9/2020, chúng tôi đã gửi văn bản lên UBND Thành phố kiến nghị Hội đồng thẩm định giá đất sớm thẩm định giá đất của 2 dự án trên chậm nhất là tháng 10/2020, để doanh nghiệp được đóng tiền vào ngân sách và tiếp tục triển khai dự án.
Trường hợp việc thẩm định giá đất chậm thời điểm trên, công ty đề xuất Hội đồng cho phép được đóng tạm ứng tiền sử dụng đất trước và tiếp tục thực hiện pháp lý để triển khai dự án. Sau khi Hội đồng duyệt phương án giá đất và thông báo nghĩa vụ tài chính khu đất thực hiện dự án, công ty sẽ nhanh chóng thực hiện nộp bổ sung. Thế nhưng, đề xuất này của chủ đầu tư 6 tháng nay vẫn chưa được thành phố trả lời.
Đây là dự án do chúng tôi bỏ tiền ra mua, chúng tôi đã theo từng bước thực hiện dự án và chờ đợi suốt gần 3 năm qua để hoàn thiện tất cả hồ sơ pháp lý mà cơ quan chức năng thành phố yêu cầu. Tất cả là để khẳng định sự thiện chí, quyết tâm của chủ đầu tư với khách hàng đã tin tưởng, ủng hộ chúng tôi và họ cũng có căn hộ để ở. Tuy nhiên, cũng phải nói thật là chúng tôi đã quá mệt mỏi với việc chờ đợi trong im lặng mà không có bất kỳ tín hiệu mới nào từ các cơ quan chức năng. Với cách làm kiểu này, các doanh nghiệp khó có thể tồn tại lâu dài nổi.
PV: Kế hoạch của chủ đầu tư với 2 dự án này là như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Minh Khang: Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm 2021 này, việc cấp phép xây dựng phần trên của dự án sẽ không còn phụ thuộc vào vấn đề đóng tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều khúc mắc thành phố vẫn chưa tháo gỡ liên quan đến các vấn đề thủ tục hành chính nên doanh nghiệp vẫn phải chờ.
Chúng tôi cũng mong muốn sớm khởi động lại dự án, tiếp tục thi công phần trên. Bởi theo quy định của Luật Xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021, những dự án đã được thẩm định thiết kế cơ sở thì không cần phải xin giấy phép xây dựng.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.