Aa

TP.HCM: Doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” trước bảng giá đất mới

Thảo Bùi
Thảo Bùi Buithao021197@gmail.com
Thứ Tư, 13/11/2024 - 07:14

Bảng giá đất mới của TP.HCM (có hiệu lực từ ngày 31/10/2024) đã tạo ra áp lực đáng kể đối với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Thành phố đã đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ để giảm thiểu tác động, tuy nhiên không ít doanh nghiệp vẫn bày tỏ lo ngại về chi phí tăng cao và các rào cản phát triển kinh doanh dài hạn.

Nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng

Chia sẻ tại sự kiện Cafe Doanh nhân HUBA lần thứ 79 với chủ đề "Bảng giá đất mới của TP.HCM tác động doanh nghiệp như thế nào?" do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức ngày 9/11 nhiều doanh nghiệp cho rằng áp dụng bảng giá đất mới sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí thuê đất của doanh nghiệp.

Cụ thể, tiền thuê đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khu vực một gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Bình Thạnh, Phú Nhuận tăng 35%. Khu vực hai gồm các quận 7, 8, 12, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và TP. Thủ Đức tăng 54%. Khu vực ba gồm các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ tăng 50%.

Vấn đề này đang khiến các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phải đối mặt với những khó khăn lớn nhất. Với nhu cầu diện tích rộng để xây dựng nhà xưởng và kho bãi, chi phí đất tăng cao khiến chi phí vận hành của doanh nghiệp bị tăng lên rất nhiều. Những khu vực như Quận 12, Tân Bình và Bình Tân, vốn tập trung nhiều cơ sở sản xuất, bị tác động mạnh nhất khi chi phí đất tăng. Để giữ được mức lợi nhuận tối thiểu, một số doanh nghiệp nhỏ thậm chí phải cắt giảm quy mô hoặc tìm đến các khu vực có chi phí thấp hơn.

Ngành thương mại - dịch vụ, đặc biệt là các doanh nghiệp cho thuê kho bãi, cửa hàng bán lẻ, cũng chịu tác động mạnh mẽ. Với mức tăng giá thuê đất từ 0,25% đến 3% theo bảng giá mới, chi phí mặt bằng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp bán lẻ ở các khu vực trung tâm như Quận 1, 3, và 5 chịu tác động nặng nề nhất khi bảng giá đất mới đẩy giá thuê đất vượt quá khả năng chi trả của một số đơn vị, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động.

TP.HCM: Doanh nghiệp như “ngồi trên đống lửa” trước bảng giá đất mới- Ảnh 1.

Bảng giá đất mới tại TP.HCM không chỉ tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh sản xuất, kinh doanh. (Ảnh: Hoàng Anh)

Ông Tô Ngọc Ngời, Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất và xuất nhập khẩu Lâm Sản Sài Gòn cho biết, thời gian qua, doanh nghiệp thuê lô đất trên đường Trương Định (quận 3) làm văn phòng, với diện tích 1.235m2. Hàng năm doanh nghiệp phải đóng tiền thuê đất cho TP.HCM là hơn 4,2 tỷ đồng/năm. Song theo quy định bảng giá đất mới, sắp tới công ty phải đóng tiền thuê đất hơn 6 tỷ đồng, tăng hơn 30%.

"Tiền thuê đất tăng lên hàng tỷ đồng thì doanh nghiệp không thể gánh được. Tôi kiến nghị TP.HCM cần tính toán hệ số theo bảng giá đất mới cho phù hợp, không tăng lên nhiều gây ảnh hưởng lớn đến chi phí của doanh nghiệp", ông Ngời nói.

Ông Trần Văn Mười, Chủ tịch HĐQT Công ty Nhà đất Nhân Mười cho biết, doanh nghiệp bất động sản bị ảnh hưởng rất nhiều từ bảng giá đất mới. Công ty ông đang cân nhắc thực hiện một dự án tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức nhưng gặp vướng vì chi phí thuê đất tăng đột biến. "Giá đất tại khu vực này dao động khoảng 7 triệu đồng/m2, nhưng theo bảng giá đất mới, mức giá đã tăng vọt lên đến 84 triệu đồng/m2. Điều này sẽ khiến chi phí đội lên rất nhiều, ảnh hưởng hoạt động kinh doanh", ông Mười chia sẻ.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Đào Quang Dương, Phó trưởng phòng kinh tế đất thuộc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM cũng thừa nhận khi bảng giá đất mới có hiệu lực, doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền thuê đất.

Doanh nghiệp đang phải đóng 0,15%/năm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện mức đóng này vẫn áp dụng đến hết năm 2025 theo quy định của Luật Đất đai 2024. Đây chính là chi phí đầu vào của tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tác động thứ hai là khi tiền thuê đất tăng, giá mặt bằng sẽ tăng lên, ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Đơn giá thuê đất hằng năm bằng tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất nhân với giá đất tính tiền thuê. Trong đó, tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất một năm từ 0,25-3%.

Hiện Sở Tài nguyên và môi trường phối hợp với Sở Tài chính đã có dự thảo đưa ra tỷ lệ tính đơn giá thuê đất từ 0,25 - 1%. Từ đó Sở Tài nguyên và môi trường đã tính toán và đưa ra mức giá đất thương mại dịch vụ không tăng nhiều, không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp TP.HCM - Bà Bùi Thị Nữ cho biết, hiện thành phố có 17 khu công nghiệp, trong đó 6 khu đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính sẽ không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, 11 khu còn lại vẫn phải đóng tiền thuê đất hàng năm và các hợp đồng thuê đất tại đây thường được ký kết vào các thời điểm và điều kiện khác nhau. Ban Quản lý kiến nghị rằng tỷ lệ tính đơn giá thuê đất nên giới hạn trong khoảng 0,25 - 0,3%, đồng thời sớm công bố mức giá thuê đất chính thức để doanh nghiệp có thể yên tâm tập trung sản xuất và kinh doanh.

Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Trước thực trạng lo ngại của nhiều doanh nghiệp, Chính quyền TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực từ bảng giá đất mới, đồng thời, ổn định tình hình kinh doanh và duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.

Cụ thể, thành phố ban hành hướng dẫn chi tiết về cách tính giá thuê đất, giúp các doanh nghiệp dự đoán và lập kế hoạch tài chính phù hợp.

Để đảm bảo không gián đoạn hoạt động sản xuất và đầu tư, Cục Thuế TP.HCM đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xử lý nhanh chóng gần 16.000 hồ sơ thu tiền sử dụng đất trong vòng 10 ngày trước khi bảng giá mới có hiệu lực.

Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng điều chỉnh một số yếu tố trong bảng giá đất để đảm bảo mức tăng hợp lý, không gây sốc cho cộng đồng doanh nghiệp. Tỷ lệ phần trăm thuê đất áp dụng từ 0,25 - 1%, thấp hơn nhiều so với mức tối đa 3% theo Luật Đất đai 2024.

Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng xem xét giảm mức giá thuê đất đối với các khu đất có mật độ xây dựng thấp hoặc yêu cầu hạn chế về chiều cao, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực cho thuê kho bãi và dịch vụ logistics.

Chính quyền thành phố cũng đẩy nhanh quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm trì hoãn tiến độ đầu tư và mở rộng sản xuất. Chính quyền đã cam kết tối ưu hóa quy trình này để doanh nghiệp có thể tiếp tục hoạt động và thu hút nguồn đầu tư mới vào TP.HCM.

Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cũng đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. HUBA thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm và hội thảo cung cấp thông tin và hướng dẫn về chính sách đất đai mới, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp trao đổi trực tiếp với các cơ quan chức năng về những khó khăn đang gặp phải.

HUBA đề xuất tỷ lệ phần trăm tính đơn giá thuê đất ở khu vực trung tâm là 0,5%, khu vực lân cận là 0,4% và khu vực ngoại thành là 0,3%, giúp giảm chi phí cho các doanh nghiệp sử dụng diện tích lớn. Đối với nhóm đất thương mại - dịch vụ, HUBA cũng đề xuất mức phí thấp hơn, ở mức 1%, 0,75%, và 0,5% tương ứng cho các khu vực khác nhau.

Ngoài việc kiến nghị giảm tỷ lệ phần trăm thuê đất, HUBA cũng đề xuất các giải pháp hỗ trợ khác như xem xét miễn giảm thuế hoặc cung cấp các gói hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng từ bảng giá đất mới. Các hỗ trợ này bao gồm giảm thuế sử dụng đất và hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top