Aa

TP.HCM: Mỗi tháng phải giải ngân vốn đầu tư công trên 8.000 tỷ đồng mới đảm bảo tiến độ

Thứ Bảy, 13/04/2024 - 10:14

TP.HCM đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ 95% trở lên. Để đạt mục được mục tiêu này, Thành phố tập trung giải pháp đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư sớm, triển khai các công trình trọng điểm...

TP.HCM: Mỗi tháng phải giải ngân vốn đầu tư công trên 8.000 tỷ đồng mới đảm bảo tiến độ- Ảnh 1.

Dự án Vành đai 2 có một số đoạn đang chờ bàn giao mặt bằng "sạch" để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Hỗ trợ tái định cư sớm

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đối với các dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn Thành phố khoảng 24.252 tỷ đồng. Trong đó, thành phố Thủ Đức có số dự án phải đền bù giải phóng mặt bằng nhiều nhất, với 29 dự án, tổng số vốn là 9.317 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm, Thành phố chủ yếu dành cho công tác chuẩn bị, để thời gian tiếp theo trong năm chi trả bồi thường, thi công xây lắp, từ đó giải ngân được vốn. Tuy nhiên, năm nay nhờ được phân bổ vốn sớm, đến thời điểm giữa tháng 1/2024, các đơn vị đã hoàn tất việc lập kế hoạch giải ngân với tiến độ chi tiết từng dự án theo từng tháng, kèm theo nhiệm vụ cần thực hiện với các mốc thời gian hoàn thành cụ thể.

Thông tin về tình hình giải ngân vốn đầu tư công, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức cho biết, quý I/2024, thành phố giải ngân được 423 tỷ đồng, đạt 12% kế hoạch. Về các dự án trọng điểm trên địa bàn, đã tập trung cho đường Vành đai 2, chủ động kiểm đếm và lên kế hoạch bồi thường cho người dân. Hiện nay, tiến độ này đã hơn đạt 90%, từ đó thành phố Thủ Đức dự kiến sẽ có cơ sở tiếp tục thực hiện giải ngân vào quý III và khởi công vào quý IV năm nay.

Còn ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, năm nay, huyện có 7 dự án phải bồi thường, giải phóng mặt bằng sử dụng vốn đầu tư công. Trong đó, hai dự án quan trọng đã được ghi vốn là dự án cầu Rạch Tôm và dự án chống sạt lở kè kênh Cây Khô, với 55 hộ dân có nhu cầu tái định cư, trong khi hiện nay quỹ nhà tái định cư vẫn chưa có. Đây cũng là một trong những vướng mắc của huyện nhiều năm nay, vì quỹ nhà, đất tái định cư là điều kiện quan trọng để vận động, thuyết phục người dân trong vùng dự án ủng hộ chủ trương giao đất cho chính quyền địa phương.

Theo ông Nguyễn, để tập trung thực hiện giải ngân vốn đầu tư công về bồi thường, cần nhiều yếu tố, trong đó bước chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất và bồi thường phải chặt chẽ, chính xác, đúng pháp luật; mấu chốt là phải có điều tra, khảo sát, kiểm đếm từ sớm. Bên cạnh đó, công tác bố trí tái định cư là khâu quan trọng, cần phải được quan tâm từ đầu, trong khi hiện nay một số quận, huyện chưa bảo đảm quỹ nền tái định cư. Do đó, rất mong Thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan quan tâm bố trí quỹ nền, tạo cơ chế linh động hơn trong điều chuyển, sử dụng quỹ nền theo thực tế.

TP.HCM: Mỗi tháng phải giải ngân vốn đầu tư công trên 8.000 tỷ đồng mới đảm bảo tiến độ- Ảnh 2.

Sau khi đền bù giải tỏa thỏa đáng, người dân Thành phố Thủ Đức chủ động tháo gỡ nhà cửa để bàn giao mặt bằng "sạch" cho Thành phố.

Hiện nay, tại huyện Hóc Môn có 7 dự án liên quan thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, với nguồn vốn đầu tư công khoảng 670 tỷ đồng. Đây hầu hết là các dự án dân sinh, làm hạ tầng, cải tạo kênh như dự án kênh T1, dự án rạch Trưng Nữ Vương là các dự án cấp thiết nằm trong kế hoạch khởi công của năm nay. Đại diện UBND Quận 8 cho biết, dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi có mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, với hơn 1.000 hộ dân bị giải tỏa vừa được Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua. Vì vậy, quận mong Thành phố và các sở, ngành chủ động hỗ trợ cho địa phương quỹ nhà tái định cư để quận đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công.

Phát huy vai trò người đứng đầu

Theo đại diện UBND TP.HCM, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ giao vốn đầu tư công cho thành phố là 79.000 tỷ đồng, cao hơn 10.000 tỷ đồng so với năm 2023. UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố nâng cao năng lực, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai dự án và giải ngân vốn đầu tư công; rút ngắn ít nhất 30% thời gian giải quyết hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, thiết kế bản vẽ thi công, dự toán; tránh xảy ra tình trạng phải thực hiện trình, thẩm định nhiều lần, ảnh hưởng tiến độ thực hiện, giải ngân của dự án.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong quý II, TP sẽ tập trung hoàn tất thủ tục chuẩn bị đầu tư, thông qua chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, kết nối vùng như Vành đai 2 (đoạn 4), Vành đai 4; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài; mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; cầu Thủ Thiêm 4, cầu Cần Giờ... Đặc biệt là 5 dự án áp dụng hợp đồng BOT theo Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

TP.HCM: Mỗi tháng phải giải ngân vốn đầu tư công trên 8.000 tỷ đồng mới đảm bảo tiến độ- Ảnh 5.

Tại TP.HCM, dự án đầu tư công bị chậm tiến độ nhiều nhất là các dự án công trình giao thông.

Theo ông Bùi Nhật Toàn, Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP.HCM, đơn vị liên tục gửi công văn đôn đốc chủ đầu tư dự án phối hợp thực hiện, theo dõi, giám sát tiến độ giải ngân vốn theo từng nhóm để đạt hiệu quả nhất. Theo đó, trong từng nhóm dự án, đơn vị có yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định, khẩn trương rà soát điều kiện thanh toán các hợp đồng, công việc đã hoàn thành của các dự án thuộc nhóm 1 và nhóm 2 để lập thủ tục gửi đến Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán; đồng thời kiểm tra tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án thuộc nhóm 3, nhóm 4 để hoàn thiện hồ sơ nhằm tăng tỷ lệ giải ngân ngay từ những tháng đầu năm. Đối với các dự án thuộc nhóm 5 và nhóm 6, Kho bạc Nhà nước đề nghị đơn vị mở tài khoản và hoàn thiện các hồ sơ pháp lý để kịp thời giải ngân dự án; các chủ đầu tư báo cáo, đề xuất, kiến nghị kịp thời đến cơ quan quản lý liên quan nếu có khó khăn vướng mắc.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, nhiệm vụ giải ngân đầu tư công của Thành phố trong quý II và cả năm rất lớn, đòi hỏi phải tập trung nỗ lực nhiều hơn. Trong đó, Thành phố giao các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư, quận, huyện rà soát, xử lý nghiêm các nhà thầu yếu kém và không nghiêm túc. Đối với công tác giải phóng mặt bằng cho các dự án, phải hoàn tất hạn chót đến 30/6.

Với các dự án trọng điểm, ông Pham Văn Mãi đề nghị các nhà thầu thực hiện 3 ca 4 kíp (3 ca làm việc mỗi ngày, luân phiên giữa 4 nhóm nhân viên). Vướng mắc tại các dự án nếu có phải báo cáo kịp thời, không để đến khi bị chậm tiến độ thì nêu do có vướng mắc, đảm bảo toàn bộ dự án mới hoàn tất thủ tục, quyết định đầu tư trong quý 2/2024, phấn đấu giải ngân không thấp hơn 30%.

“Từ nay đến cuối năm, Thành phố phải giải ngân 73.000 tỷ đồng, nghĩa là mỗi tháng phải giải ngân trên 8.000 tỷ đồng. Do đó, các sở ngành, quận, huyện phải tập trung công việc để đạt được mục tiêu, nhất là sự phối hợp giữa các bên để giải quyết khó khăn, vướng mắc, trong đó cần phát huy vai trò của người đứng đầu", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top