Aa

TP.HCM: SCC tiếp tục tìm cách né tránh cung cấp pháp lý cho khách hàng Salto Residence

Khánh Hòa
Khánh Hòa khanhhoa.13590@gmail.com
Thứ Hai, 23/09/2024 - 10:49

Tại cuộc họp mới nhất với khách hàng vào ngày 20/9, Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC) tiếp tục né tránh việc cung cấp pháp lý liên quan đến dự án Salto Residence.

Né tránh cung cấp pháp lý, không hoàn trả tiền lãi cho khách hàng

Sáng 20/9/2024, đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (SCC) đã tổ chức buổi đối thoại với khách hàng Trần Minh Quân nhằm tìm ra phương án giải quyết phù hợp, đối với các khiếu nại của ông Quân vào ngày 15/7.

Tại buổi họp, Công ty SCC cho biết, trước khi ký thoả thuận với khách hàng, Công ty đã có các văn bản pháp lý bao gồm quy hoạch 1/500 của dự án, sổ đỏ đất, quyết định giao đất và biên lai hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất. 

Ngày 21/6/2024, Công ty SCC đã văn bản phúc đáp khách hàng về đồng ý chấm dứt thực hiện văn bản thoả thuận theo yêu cầu của khách hàng. Công ty SCC sẽ hoàn trả tổng số tiền thực nhận theo văn bản thoả thuận gần 970 triệu đồng.

Việc hoàn trả tiền được chia thành 5 đợt, trong đó đợt 1 là trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký biên bản thanh lý. Còn đợt 2 hoàn trả sau 3 tháng kể từ đợt 1; đợt 3 sau 3 tháng kể từ đợt 2; đợt 4 sau 3 tháng kể từ đợt 3; đợt 5 hoàn trả sau 3 tháng kể từ đợt 4.

TP.HCM: SCC tiếp tục tìm cách né tránh cung cấp pháp lý cho khách hàng Salto Residence- Ảnh 1.

Sau hơn 2 năm mở bán, dự án Salto Residence đến giờ vẫn chỉ là bãi đất trống

Tuy nhiên, vì khách hàng không đồng ý với phương án trên, tại buổi họp ngày 20/9, Công ty SCC đưa ra phương án mới là sẽ hoàn tiền chia thành 2 đợt, kéo dài 6 tháng. 

Về các đề nghị cung cấp pháp lý trước đó của ông Trần Minh Quân bao gồm các văn bản pháp lý của dự án, gồm: quyết định chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và văn bản cho phép huy động vốn, Công ty SCC không đề cập. 

Kết thúc buổi họp, ông Trần Minh Quân cho biết vẫn giữ nguyên đề nghị ký thanh lý, chấm dứt văn bản thỏa thuận và nhận lại toàn bộ số tiền mà khách hàng đã thực thanh toán, kèm tiền lãi với lãi suất 8%/năm tính từ thời điểm khách hàng thanh toán từng đợt. Việc hoàn trả phải một lần duy nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày lập biên bản. Ông Quân cũng đề nghị Công ty phản hồi nội dung cuộc họp trong 7 ngày kể từ 20/9/2024.

Đồng thời, khách hàng cũng đề nghị Công ty SCC phản hồi bằng văn bản mà khách hàng gửi ngày 15/7/2024, cụ thể là đề nghị công ty cung cấp các văn bản pháp lý của dự án Salto Residence gồm quyết định chủ trương đầu tư, quyết định giao đất, Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 và văn bản cho phép huy động vốn. 

Khách hàng khiếu nại lên Sở Xây dựng TP.HCM

Trước đó, ngày 27/8/2024, ông Trần Minh Quân đã có đơn đề nghị gửi đến Sở Xây dựng TP.HCM, đồng thời gửi đến Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ xây dựng, UBND TP.HCM, UBND Thành phố Thủ Đức cùng các cơ quan liên quan, về việc chủ đầu tư dự án Salto Residence không cung cấp pháp lý cho khách hàng.

Theo đó, ông Quân cho biết, ngày 29/7/2022, ông đã ký hợp đồng đặt cọc số 021/2022/VBTT/SALTOB với Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn để mua căn hộ mã B.10.06 tại dự án Salto Residence (địa chỉ dự án tại: 1145 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, quận 2 TP. Hồ Chí Minh). Đơn vị môi giới là DKRA Group.

Ông Quân đã thanh toán cho Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn tổng số tiền hơn 969 triệu đồng. Tuy nhiên, dự án đến nay không có dấu hiệu xây dựng và chủ đầu tư không xác định được thời điểm nào hoàn thiện pháp lý và ký hợp đồng mua bán với khách hàng.

TP.HCM: SCC tiếp tục tìm cách né tránh cung cấp pháp lý cho khách hàng Salto Residence- Ảnh 2.

Salto Residence tọa lạc mặt tiền đường Nguyễn Thị Định - con đường xe container chạy ngày đêm

Ngày 15/7/2024, ông Quân đã gửi văn bản đề nghị chủ đầu tư và đơn vị môi giới là DKRA Group cung cấp các văn bản pháp lý của dự án Salto Residence.

Khách hàng cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn cho biết số tiền mà ông và những khách hàng khác đã thanh toán tại dự án Salto Residence, được công ty sử dụng vào mục đích gì ? Tuy nhiên, đến nay, cả chủ đầu tư và đơn vị môi giới đều không cung cấp thông tin theo đề nghị.

TP.HCM: SCC tiếp tục tìm cách né tránh cung cấp pháp lý cho khách hàng Salto Residence- Ảnh 3.

Dự án Salto Residence đến nay vẫn chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, chưa có dấu hiệu thi công trở lại

Ông Quân cho rằng, dự án Salto Residence đã chào bán cho hàng trăm khách hàng, nhưng hiện chủ đầu tư và đơn vị môi giới không hợp tác, vi phạm quy định về công khai thông tin. Điều này khiến ông vô cùng lo lắng về nguy cơ bị lừa đảo, chiếm dụng vốn.

Do đó, ông Quân đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, kiểm tra toàn diện việc huy động vốn, kinh doanh bất động sản của chủ đầu tư và kinh doanh dịch vụ bất động sản của công ty môi giới, đồng thời cung cấp cho ông thông tin liên quan đến tình trạng pháp lý dự án này.

Reatimes cũng đã liên hệ với Công ty Cổ phần Xây dựng Sài Gòn (Công ty SCC) để tìm hiểu về lý do của động thái này. Tuy nhiên, đại diện truyền thông của SCC nói rằng, khách hàng Trần Minh Quân có gửi văn bản đề nghị thanh lý hợp đồng đặt cọc và Công ty đã gửi công văn phúc đáp, đồng ý hoàn trả lại tiền cho khách hàng.

Liên quan đến đơn đề nghị về việc cung cấp thông tin về pháp lý dự án Salto Residence của khách hàng Trần Minh Quân, đại diện truyền thông của SCC không phản hồi về thông tin này.

Chủ đầu tư vi phạm hợp đồng, không trả lãi theo thông báo

Ngày 9/5/2024, khách hàng Trần Minh Quân đã có văn bản yêu cầu hoàn tiền mua căn hộ Salto Residence, thuộc Khu đô thị Phố Đông Village, 1145 Nguyễn Thị Định, phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Tại văn bản này, khách hàng nói rằng, đến nay, Công ty SCC không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh dự án Salto Residence được cấp phép xây dựng, có quyền chào bán căn hộ và thu tiền. Công ty SCC không chỉ bội tín trong việc huy động vốn, mà có dấu dấu hiệu gian lận thương mại và lạm dụng tín nhiệm chiếm dụng tiền mua căn hộ của khách hàng.

Chủ đầu tư còn chậm ký hợp đồng mua bán trong quý 1/2024 như cam kết (dù đã được gia hạn) nhưng không thực hiện việc trả lãi theo thông báo. Dự án chưa khởi công xây dựng, nên thời hạn bàn giao nhà không kịp tiến độ, điều này ảnh hưởng đến nhu cầu sử dụng nhà ở của bên mua… Do vậy, khách hàng yêu cầu Công ty SCC giải quyết dứt điểm, trả lại tiền đã nhận các đợt và lãi 8%/năm từ thời điểm nhận tiền đến nay trong thời hạn 10 ngày kể từ thời điểm nhận văn bản.

Sau đó, Công ty SCC đã có email gửi khách hàng Trần Minh Quân. Theo đó, Công ty SCC cho biết, đồng ý chấm dứt thực hiện văn bản thoả thuận theo yêu cầu của khách hàng. Công ty SCC sẽ hoàn trả tổng số tiền thực nhận theo văn bản thoả thuận là gần 970 triệu đồng.

Tuy nhiên, việc hoàn trả tiền được chia thành 5 đợt, trong đó đợt 1 là trong vòng 30 ngày kể từ ngày hai bên ký biên bản thanh lý. Còn đợt 2 hoàn trả sau 3 tháng kể từ đợt 1; đợt 3 sau 3 tháng kể từ đợt 2; đợt 4 sau 3 tháng kể từ đợt 3; đợt 5 hoàn trả sau 3 tháng kể từ đợt 4. Trường hợp khách hàng đồng ý với đề nghị này thì liên hệ với Phòng Chính sách khách hàng của SCC để thực hiện các thủ tục. Tuy nhiên, ông Quân cho rằng đề nghị này là không hợp lý và không chấp nhận thoả thuận với Công ty SCC.

Nói về câu chuyện chủ đầu tư từ chối nhận văn bản đề nghị của khách hàng, để cung cấp thông tin qua email cá nhân, Luật sư Nguyễn Việt Quốc, Công ty Luật TNHH Tín An nhận định rằng, về hình thức trao đổi, nếu muốn sử dụng làm chứng cứ hoặc chính thức có giá trị ràng buộc sau này, thì nên trao đổi bằng văn bản.

Trường hợp chỉ nắm thông tin thì có thể trao đổi email. Trong trường hợp này có thể chủ đầu tư không muốn bị ràng buộc trách nhiệm sau này, liên quan đến các thông tin cung cấp, nên họ không muốn phát hành văn bản chính thức, mà chỉ trao đổi dạng thông tin qua email.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Việt Quốc, phản hồi qua email chỉ là cá nhân. Nếu sau này có vấn đề gì, chủ đầu tư có thể đổ lỗi cho một ai đó. Email không đại diện cho công ty và không đúng với quyền lợi của khách hàng, khi họ tin tưởng, ký hợp đồng với chủ đầu tư. Nên phản hồi bằng email chỉ có chức năng thông báo, không có giá trị pháp lý./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top