Theo đó, cầu đi bộ qua sông Sài Gòn (cầu đi bộ số 1 - cầu phía Nam) nối khu vực trung tâm quận 1 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2.
Vị trí cầu nằm ở giữa cầu Thủ Thiêm 2 và hầm vượt sông Sài Gòn; phía quận 1, chân cầu nằm trong khu vực công viên cảng Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ; phía quận 2, chân cầu nằm tại Công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía Nam Quảng trường trung tâm tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Cầu chủ yếu được sử dụng để đi bộ, đồng thời có phân làn cho người đi xe đạp. Người đi bộ, người đi xe đạp, người khuyết tật, trẻ em và người lớn tuổi có thể tiếp cận và di chuyển dễ dàng. Có thể sử dụng kết hợp băng chuyền, ram dốc, thang máy... phù hợp với người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai.
Phương án kiến trúc cho cầu sẽ được thiết kế theo quy hoạch của đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/2000 (quy hoạch phân khu) Khu trung tâm hiện hữu TP.HCM (930ha), đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 Quảng trường trung tâm và Công viên bờ sông tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2; đảm bảo hài hòa với không gian kiến trúc cảnh quan khu vực.
Phương án kiến trúc và giải pháp tiếp cận giao thông cho công trình cần kết hợp giữa phương án trước mắt là hệ thống giao thông hiện nay và phương án lâu dài khi đường Tôn Đức Thắng và công viên Bạch Đằng được xây dựng hoàn chỉnh (trong đó có ngầm hóa lưu thông cơ giới dưới đường Tôn Đức Thắng).
Về hình dáng, UBND TP yêu cầu công trình cần có hình dáng dễ nhớ, mỹ thuật cao và là một tác phẩm nghệ thuật trên không gian mặt nước; áp dụng các công nghệ mới, tiến bộ, hướng tới nâng cao khả năng hội nhập quốc tế về tư duy, công nghệ; nghiên cứu khu vực đậu xe và các công trình hỗ trợ phục vụ (nhà vệ sinh, quầy nước…) cho khách tại hai điểm đầu cầu. Thiết kế cầu cũng cần đảm bảo phục vụ cho các xe cứu nạn di chuyển trên cầu.