TP.HCM và tầm nhìn đô thị ven sông giàu bản sắc

TP.HCM và tầm nhìn đô thị ven sông giàu bản sắc

Thứ Năm, 28/07/2022 - 06:15

Một thành phố đa văn hóa vùng miền và giàu bản sắc riêng như TP.HCM nhất thiết phải xây dựng thành một đô thị ven sông Sài Gòn giàu bản sắc. Với việc tận dụng tối đa tiềm năng từ hai bờ sông Sài Gòn, TP.HCM được giới chuyên gia quy hoạch dự báo có thể tạo ra “kỳ tích sông Sài Gòn” tương tự nhiều đô thị đi trước để phát triển ổn định và bền vững. 

Lời tòa soạn:

Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục tiêu đến năm 2030, kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 đến 70% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần bình quân cả nước…

Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước.

Ngày 24/01/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo động lực phát triển đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Nghị quyết khẳng định mục tiêu và nhiệm vụ tiếp tục phát triển các chuỗi đô thị biển gắn với thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Với bờ biển trải dài hơn 3.260km từ Bắc vào Nam, Việt Nam có lợi thế và tiềm năng to lớn để phát triển các đô thị biển đảo đặc sắc, là trụ cột và động lực để phát triển kinh tế biển. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có mạng lưới sông ngòi chằng chịt và đầy tiềm năng với tổng chiều dài hơn 41.900km, bao gồm 9 hệ thống sông lớn, trong đó có khoảng 2.360 con sông có chiều dài trên 10km. Sông nước là cội nguồn tạo ra đô thị nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều gắn với các dòng sông mang trong mình những diện mạo văn hóa khác biệt, phản ánh bản sắc riêng. Đây là điều kiện hoàn hảo để xây dựng những khu đô thị ven sông với cảnh quan hoàn mỹ, tạo nên không gian sống sang trọng, văn minh.

Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam vẫn đang vắng bóng những đô thị ven sông, đô thị biển đúng nghĩa, có thể phát huy, khai thác tối đa những giá trị, lợi thế mà sông nước, biển cả mang lại. Thay vào đó, đô thị ven sông - biển ở nước ta đang đối mặt với rất nhiều thách thức cản trở quá trình phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng. Tất cả đang đòi hỏi cần những nghiên cứu nghiêm túc tầm quốc gia và quốc tế để có những tầm nhìn chiến lược và chính sách phát triển phù hợp. Vấn đề then chốt là xác lập tầm nhìn và quy hoạch, định vị không gian đô thị sông biển để phát triển tương xứng với tiềm lực tăng trưởng kinh tế và giá trị độc tôn của từng đô thị, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị di sản và tăng tính kết nối giữa các địa phương, thu hút các nguồn lực của doanh nghiệp để kiến tạo nên những công trình đẳng cấp, giàu giá trị văn hóa, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch và phát triển kinh tế xanh trong thời kỳ mới.

Trên tinh thần nghiên cứu và phản biện, Reatimes triển khai tuyến bài: Phát triển đô thị sông - biển Việt Nam thời kỳ mới

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Nhắc tới TP.HCM, nhiều người nghĩ ngay đến cái tên Sài Gòn. Sài Gòn xưa được lấy tên từ một con sông tiêu biểu - sông Sài Gòn. Sông Sài Gòn có đặc điểm độc đáo như hình một con rồng lớn đang uốn lượn, len lỏi trong lòng đô thị đi qua nhiều quận, huyện.

Từ thế kỷ 20, Sài Gòn đã là một thương cảng hàng đầu vùng Viễn Đông, xuất khẩu 75% lượng hàng hóa cho xứ Đông Dương. Sông Sài Gòn kết nối nhiều địa phương, còn là cửa ngõ ra thế giới.

Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm thuận, chiều sâu và bề rộng rất lý tưởng cho tàu thuyền di chuyển mà còn mang dấu ấn lịch sử được kết nối với hàng loạt di tích và địa điểm văn hóa như chùa, nhà thờ, khu đô thị Thủ Thiêm, quảng trường Mê Linh… Thông qua sông Sài Gòn, người dân cũng thuận lợi đi vào trung tâm thành phố đến tham quan chợ Bến Thành, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh...

Dọc bờ sông Sài Gòn còn có công viên bến Bạch Đằng, bến Nhà Rồng, cảng Ba Son, Tân Cảng… Các hoạt động tại bến cảng cùng với đóng và sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa, thương mại “trên bến dưới thuyền” đã làm nên trụ cột văn hóa và kinh tế hàng trăm năm cho Sài Gòn - TP.HCM.

Ngày nay, giao thông đã ngày càng thuận lợi hơn khi hàng loạt cây cầu như cầu Sài Gòn, Thủ Thiêm 1, Thủ Thiêm 2, cầu Bình Phước, Bình Lợi, Bình Triệu, Chữ Y, Phú Mỹ… được xây dựng. Tuyến buýt đường thủy từ quận 1 về phường Linh Đông (TP. Thủ Đức) cũng đã được khai thác và đưa vào sử dụng.

Theo KTS. Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng giám đốc enCity, dòng sông Sài Gòn không chỉ là cửa ngõ đi ra biển cho thương cảng Sài Gòn xưa, mang lại sự thịnh vượng cho thành phố mà còn chính là trục văn hóa và cảnh quan của TP.HCM theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tất cả các công trình di sản chính của thành phố đều nằm dọc theo sông Sài Gòn hoặc nằm trên các nhánh sông đổ vào sông Sài Gòn.

“Bản thân dòng sông tạo thành một trục Tây Bắc - Đông Nam chạy song song với trục thành Gia Định xưa nối núi thiêng Bà Đen với vùng tụ thủy Cần Giờ. Các trục đường chính của TP.HCM ngày nay như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi - sản phẩm của bản quy hoạch hiện đại đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do một người Sài Gòn - Trần Văn Học thực hiện đều có hướng song song với trục sông Sài Gòn”, KTS. Nguyễn Đỗ Dũng cho biết.

Sông Sài Gòn mang trên mình giá trị là chiếc nôi của quá trình lưu danh, khai khẩn vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, ngày nay, người dân TP.HCM đang dần quay lưng với dòng sông và quên đi những giá trị lịch sử, văn hóa của chúng trong suốt 300 năm qua.

“Rất đáng tiếc là trong suốt một thời gian dài, chúng ta lại quay lưng với dòng sông. Hiện nay, chỉ có chưa tới 8% chiều dài dòng sông là không gian công cộng có thể tiếp cận được. Ngay cả bến Bạch Đằng, không gian công cộng ven sông ngay trong lòng trung tâm thành phố cũng chỉ mới được xây dựng thành công viên thân thiện với con người gần đây”, KTS. Nguyễn Đỗ Dũng nhìn nhận.

Chuyên gia này đánh giá tiềm năng từ sông Sài Gòn rất to lớn nhưng kèm theo đó là những thách thức. Đến nay, thực trạng xây dựng vi phạm chủ trương, định hướng sử dụng quỹ đất ven sông Sài Gòn, diện tích mặt nước đã và đang là sự trăn trở trong nhiều năm qua của toàn xã hội.

“Tôi cho rằng chỉ có 2 vấn đề thôi. Một là chưa có quy hoạch tầm cỡ cho dải đất ven sông để có được cái nhìn tổng thể, đa ngành và phù hợp với bối cảnh từng khu vực về cách thức không gian ven sông Sài Gòn.

Hai là việc phát triển không gian ven sông Sài Gòn phải cân bằng giữa lợi ích công cộng và lợi ích tư nhân cũng như gắn với nguồn lực triển khai. Nếu không giải quyết được 2 bài toán này thì bức tranh sông Sài Gòn sẽ mãi là những mảnh ghép manh mún như hiện nay”, ông Dũng chia sẻ.

Ở một góc nhìn khác, TS.KTS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM lại cho rằng, sông Sài Gòn trong quá khứ đã được khai thác hiệu quả, triệt để, thậm chí là quá tải. Việc khai thác tiềm năng sông Sài Gòn không phải chưa được quan tâm, mà thực tế là hệ thống giao thông đường bộ vẫn chưa phù hợp để khai thác đúng tiềm năng.

"Trên thực tế, có nhiều khu đất 2 bên bờ sông vẫn chưa được khai thác. Vì vậy, TP.HCM cần có quy hoạch hợp lý hơn về giao thông vận tải để phát triển được du lịch ven sông và khai thác về giao thông đường thủy, vừa để ngắm cảnh vừa để giảm tải ách tắc đường bộ", TS.KTS. Võ Kim Cương nhìn nhận. 

TS.KTS. Võ Kim Cương cũng cho rằng, hiện nay, diện mạo dọc sông Sài Gòn đang bị chi phối bởi nhiều quy hoạch. Đầu tiên là quy hoạch xây dựng đô thị, đây là quy hoạch bao trùm nhất và tích hợp nhất. Trong đó, có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và chi tiết, tất cả các quy hoạch đó đều liên quan đến bờ sông, liên quan đến tiềm năng của sông chứ không thể nói là bỏ phí.

“Chúng ta có ý tưởng nhưng chưa khai thác hết. Tuy chủ trương tốt nhưng không đi vào chi tiết, có nhiều chỗ chưa phù hợp. Ví dụ như thiếu các trục đường khai thai thác 2 bên bờ sông nên vẫn chưa nối liền được giao thông đường bộ và đường sông, điểm này cần khắc phục”, TS.KTS.Võ Kim Cương nói.

Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng cho biết, một số quy hoạch khác đang chi phối như giao thông, đặc biệt sông Sài Gòn vừa là giao thông đường thủy nội địa, vừa là cảng biển. Một phần do phía quản lý đường biển phụ trách, một phần do vận tải đường sông phụ trách. Mỗi cơ quan phụ trách thì lại có quy hoạch riêng. Trong khi quy hoạch cảng biển, quy hoạch đường sông nội địa, quy hoạch thoát nước, cấp nước, khai thác nguồn nước trên sông Sài Gòn hay quy hoạch đường ống thoát nước đi qua sông Sài Gòn đều có sự liên kết với nhau… Ngoài ra, các ngành khác như quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngoại thành cũng có liên quan đến sông Sài Gòn. Nhiều quy hoạch nhưng bao trùm nhất vẫn là quy hoạch về xây dựng.

Theo TS.KTS. Võ Kim Cương, để khai thác dòng sông, phát triển giá trị cho quỹ đất bên sông cần 3 yếu tố cơ bản.

Thứ nhất, phải có hệ thống pháp luật liên quan đến việc bảo vệ và khai thác nguồn sông. Hiện nay, pháp luật đã có nhưng chưa được hoàn chỉnh, mới chỉ có 1 quy định của Ủy ban bảo vệ hành lang an toàn. Còn những quy định khác về giao thông, thủy lợi liên quan trực tiếp để bảo vệ và khai thác 2 bên bờ sông tuy đã có nhưng chưa được đầy đủ.

Thứ hai, sau khi có luật, thì phải thực hiện tốt khâu quy hoạch, quy hoạch cần có tính khả thi, cần có thời gian dài và phát triển đúng với nhu cầu của kinh tế - xã hội. Quy hoạch phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế và nhu cầu thị trường, từ chung đến riêng để nâng độ khả thi lên. Nghĩa là phải có kế hoạch thực hiện phù hợp, theo trình độ kinh tế, chứ không “cầm đèn chạy trước ô tô”.

Bài học là cách đây vài chục năm chúng ta đã đề xuất tuyến xe buýt trên sông, nối từ bến Bạch Đằng lên Thủ Dầu Một chỉ vài chục phút. Việc di chuyển bằng đường thủy nhanh hơn đường bộ rất nhiều nhưng cuối cùng vẫn không hiệu quả bởi nhu cầu của thị trường chưa phù hợp, sự vận chuyển không đồng bộ nên vắng khách. Do đó, việc đưa ra kế hoạch phải phù hợp với nhu cầu và trình độ kinh tế.

Thứ ba, trong quá trình thực hiện phải chú ý các nguồn lực, điều kiện khai thác tốt, cũng cần phải giải quyết hài hòa lợi ích. Nghĩa là tính hết lợi ích cho các bên liên quan, đó là lợi ích giữa dân với Nhà nước, giữa Nhà nước với doanh nghiệp… Sự mâu thuẫn về lợi ích này chính là nguyên nhân gây ra chậm trễ ở nhiều dự án. Do đó đầu tiên là phải hài hòa lợi ích giữa cá nhân và xã hội.

Mặt khác là phải tính lợi ích trước mắt và lâu dài, nếu chỉ vì lợi ích trước mắt mà không tính tới lâu dài thì sẽ phá vỡ dòng sông, còn nếu nghĩ lâu dài quá thì lại bỏ qua lợi ích trước mắt, do đó phải giải quyết bài toàn công bằng giữa cục bộ và tổng thể.

Cục bộ tức là điều kiện dòng sông trong khu vực đó phải xem xét thuộc lợi ích nhóm nào. Sau đó đi giải quyết hài hòa các lợi ích, xem đây là nguyên tắc hết sức quan trọng trong phát triển. Nếu không làm tốt thì dẫn đến khiếu kiện liên miên, trễ nải dự án.

“Tôi rất hoan nghênh TP.HCM đã có một đề án “Phát triển kè sông và kinh tế, dịch vụ ven sông giai đoạn 2020 - 2045”, thể hiện sự quan tâm và có nhiều khía cạnh tiếp cận khác nhau về các vấn đề của xã hội, đô thị sông nước, lợi ích giao thông. Đây là một đề án tốt nhưng thực hiện cũng cần có sự sâu sát và khả thi, bám sát thực tế. Những tiếp cận ban đầu nếu đúng thì giải pháp sau sẽ tốt, cần tiếp cận theo hướng toàn diện, xem xét đầy đủ các lợi ích để phát huy tối đa hiệu quả của đề án”, TS.KTS. Võ Kim Cương chia sẻ.

Ngoài ra, chuyên gia này còn cho rằng, cần có chính sách khai thác hiệu quả quỹ đất ven sông, tạo điều kiện cho người dân tham gia quá trình này và cùng hưởng lợi.

“Có chính sách phù hợp thì cả Nhà nước và nhân dân cùng hưởng lợi từ tuyến đường ven sông Sài Gòn. Người dân không phải di dời đi nơi khác, mà điều kiện sống không bằng chỗ cũ. Họ cùng xây dựng con đường và có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước”, ông Cương nói.

Với sự đa dạng, phong phú về cảnh quan, TS.KTS. Võ Kim Cương nhận định TP.HCM có tiềm năng để tạo điểm nhấn từ không gian đô thị đến nông thôn, từ thiên nhiên đến hiện đại. Nếu làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức, bờ sông Sài Gòn hiện hữu sẽ hình thành những mảng khối hài hòa, thu hút khách du lịch.

Với việc tận dụng tối đa tiềm năng từ hai bờ sông Sài Gòn, TP.HCM được giới chuyên gia quy hoạch dự báo rằng có thể tạo ra “kỳ tích sông Sài Gòn” tương tự nhiều đô thị đi trước để phát triển ổn định và bền vững.

Theo kỹ sư Trần Văn Tường, không quá lời nếu nói rằng tương lai TP.HCM cũng gắn với biểu tượng con sông nơi đó, tương tự như Seoul (Hàn Quốc) khi phát triển vượt bậc về kinh tế thì truyền thông thế giới gọi là “kỳ tích sông Hàn”. Thượng Hải (Trung Quốc) quy hoạch phố Đông (giống mô hình TP.HCM phát triển Thủ Thiêm bên sông Sài Gòn phía TP.Thủ Đức) trở thành trung tâm kinh tế - tài chính hàng đầu thế giới được gọi là “kỳ tích sông Hoàng Phố”.

Góp ý tưởng về quy hoạch chung và phát triển sông Sài Gòn, kỹ sư Trần Văn Tường cho rằng, không gian trung tâm TP.HCM đã quá tải, hầu hết các quỹ đất đều được xây dựng, nén chặt nhà cao tầng. Vì vậy, quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn rất thích hợp làm dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian làm cảnh quan đẹp kết nối khu vực trung tâm và lân cận.

Thành phố cũng thuận lợi hơn khi có sẵn nhiều địa điểm lý tưởng để kết nối khu vực trung tâm như phố đi bộ, quảng trường Mê Linh, Thủ Thiêm và các di tích lịch sử văn hóa như các cảng, bến Nhà Rồng, cầu sắt Bình Lợi (đã tháo dỡ nhưng vẫn giữ lại hai bên đầu cầu để bảo tồn và phục vụ du lịch). Một không gian thoáng đãng, bầu không khí trong lành với tự nhiên kết hợp với di sản văn hóa sẽ tạo nên một TP.HCM giàu bản sắc.

TP.HCM là một đô thị sông nước có tiềm năng - Ảnh: Trung Hiếu

“TP.HCM cần hướng đến thành phố mở, hài hòa trong sự đa dạng ở những thành phần thụ hưởng. Hai bên bờ sông Sài Gòn thuận lợi có sẵn những di tích và địa điểm văn hóa, chùa, nhà thờ. Cảng Sài Gòn, Tân Cảng, Ba Son, bến Nhà Rồng sau khi di dời để lại quỹ đất khá lớn. Rất ý nghĩa nếu chúng ta giữ lại một phần để bảo tồn di tích văn hóa lịch sử và kết hợp khai thác các ngành dịch vụ, phát triển du lịch.  

Những tòa nhà chọc trời dù đồ sộ nhưng không có ký ức đọng lại, không có hồn xưa cũ nên chẳng bao giờ đại diện cho cá tính và bản sắc ở nơi đó, người đến ở hay đứng nhìn như bị nuốt chửng vào bên trong. Dấu tích cảng Sài Gòn, cảng Ba Son, bến Nhà Rồng, chùa, nhà thờ cũ mới là cá tính và bản sắc cho sông Sài Gòn và TP.HCM chứ không phải các công trình cao tầng.

Sông Sài Gòn đi qua nhiều quận huyện, đặc biệt là len lỏi trong khu trung tâm càng thuận lợi cho thoát nước tự nhiên nếu tạo cảnh quan và làm công trình công cộng, hạn chế đô thị hóa khu dân cư và nhà cao tầng dọc bờ sông”, chuyên gia này chia sẻ.

Trong khi đó, PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa cho rằng, để một dòng sông trở thành “dòng sông kinh tế” nó phải hội tụ được ít nhất 2 yếu tố căn bản, là vẻ đẹp của dòng sông và giá trị văn hóa mà nó ôm trọn. Cả 2 yếu tố này sông Sài Gòn dường như đã có thừa.

Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa được dòng sông di sản, TP.HCM cần có triết lý phát triển nhất quán cho sông Sài Gòn. Sau đó, cần có đề án quy hoạch không gian, quy hoạch môi trường, quy hoạch kinh tế - xã hội và văn hóa.

“Thứ nhất, TP.HCM cần hình thành nên dải đô thị mềm, xanh, sinh thái ven sông Sài Gòn. Nó cần  được quy hoạch bài bản, lớp lang và thật sự khoa học. Đây là không gian kiến trúc nền để đặt di sản văn hóa vào trong đó. Tuy nhiên, cần lưu ý tuyệt đối không được làm 4 điều: Bê tông hóa bờ sông, phân lô bán nền, giao thông bộ nhanh và xây nhà cao tầng liên tục thành dãy, tạo nên bức tường thành vây nhốt người dân sống bên trong, tách biệt với sông Sài Gòn. 

Thứ hai, tiến hành kiểm kê, đánh giá, phân loại di sản để khai thác hợp lý. Chẳng hạn, xem chúng cách bờ sông bao xa, cần cải tạo nâng cấp đường sá để tiếp cận đến được như thế nào. Công trình nào cần phải xây thêm các công trình phụ như bến thuyền, nhà chờ, nhà hàng, khu vệ sinh… 

Thứ ba, cần làm mới những điểm thu hút du khách, bởi 80km sông Sài Gòn có nhiều chỗ còn hoang sơ và tự nhiên nên cần có những công trình, chẳng hạn như công viên chuyên đề, bảo tàng, nhà hàng, khách sạn, vườn tượng, vườn ẩm thực, khu nông nghiệp sinh thái cho khách trải nghiệm cùng nông dân.  

Sông Sài Gòn hoàn toàn có thể trở thành dòng sông di sản, dòng sông văn hóa - lịch sử, dòng sông phục vụ cho đời sống, giao thông đi lại và dòng sông kinh tế. Nếu khai thác tốt mặt nước, bờ sông, quỹ đất, sông Sài Gòn sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn cho thành phố và người dân. Du lịch sông Chao Phraya (Bang kok), sông Hoàng Phố (Thượng Hải, Trung Quốc), sông Hán (Seoul, Hàn Quốc), sông Matxcova (Nga) mang lại hàng tỷ USD mỗi năm. Hy vọng chúng ta sẽ có kỳ tích dòng sông Sài Gòn vào năm 2040”, PGS. TS. Nguyễn Minh Hòa kỳ vọng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top