Lời tòa soạn:
Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng năm 2005 (sửa đổi năm 2018), các Nghị định của Chính phủ quy định về việc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng cùng nhiều văn bản pháp luật hiện hành đã thể chế hóa chức năng lao động sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của quân đội.
Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng đã giao đất quốc phòng để các đơn vị, doanh nghiệp quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; thực hiện ký hợp đồng sử dụng đất theo phương thức trả tiền sử dụng đất hàng năm và thu nộp về ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, chủ trương của Bộ Quốc phòng từ trước đến nay là đất quốc phòng chủ yếu để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, xây dựng doanh trại, căn cứ bí mật, kho tàng, huấn luyện chiến đấu,… Nhưng bên cạnh đó, một phần đất quốc phòng nếu nhàn rỗi, chưa sử dụng ngay vào mục đích quốc phòng có thể sử dụng làm mục đích kinh tế để nâng cao đời sống bộ đội và đóng góp vào xây dựng tiềm lực cho các đơn vị.
Tuy nhiên, thời gian qua, có những đơn vị sử dụng đất quốc phòng không đúng mục đích làm ảnh hưởng tới hình ảnh của quân đội, tổn hại đến môi trường phát triển của địa phương, gây khó khăn cho người dân.
Trước đó, tháng 8/2019, tại buổi làm việc với với Bộ Quốc phòng về công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng trong hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với thưc hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo: Kiên quyết thanh lý, thu hồi các hợp đồng hết thời hạn, sai phạm, không hiệu quả; các hợp đồng có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu quốc phòng cho thực hiện đến hết thời hạn. Bộ Quốc phòng quản lý chặt chẽ, giữ ổn định tình hình Quân đội, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.
Có thể thấy, những sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng không phải mới phát sinh trong thời gian gần đây mà nó đã xảy ra từ lâu và đã được xử lý theo quy định của pháp luật. Nhưng, cũng có những sai phạm vẫn đang tiếp diễn, chưa được giải quyết dứt điểm.
Reatimes khởi đăng bài viết: Bài học quản lý và cho thuê đất Quốc phòng nhìn từ vụ việc vi phạm của Tân Thành với mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.
Đất quốc phòng bị chiếm dụng hơn 9.000m2: Lỗi do đâu?
Như Reatimes đã đăng tải trong bài viết: “Bài học quản lý và cho thuê đất Quốc phòng nhìn từ vụ việc vi phạm của Tân Thành”, Công ty TNHH Tân Thành và Công ty Cổ phần Nam Khánh đã hết hạn hợp đồng chăm sóc cây cảnh từ lâu, nhưng vẫn ngang nhiên chiếm dụng đất quốc phòng để trồng cây xanh và xây dựng các công trình trái phép, bấp chấp những thông báo từ cơ quan chức năng.
Ngoài ra, Tân Thành còn liên tục sử dụng hai bản ghi nhớ đã ký với Trường Sỹ quan Không quân gây sức ép với nhà trường và chính quyền, lấy đó làm bằng chứng chứng minh quyền được ở lại khu đất phía Đông sân bay Nha Trang.
Nhưng theo luật sư Nguyễn Sỹ Anh, Chuyên viên pháp lý của Công ty Luật L&P, hợp đồng giữa Trường Sỹ quan Không quân với Công ty TNHH Tân Thành đã vi phạm về mặt thẩm quyền.
“Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005, chủ thể có thẩm quyền ký thì mới được phép ký hợp đồng cho thuê hoặc mua bán, còn chủ thể không có thẩm quyền mà ký thì hợp đồng đó không có giá trị, không phát sinh quyền và nghĩa vụ giữa các bên. Nên đối với cả hai bản ghi nhớ Công ty Tân Thành đưa ra sẽ bị tuyên bố vô hiệu một cách tuyệt đối về mặt nội dung của hợp đồng”, luật sư Sỹ Anh cho hay.
Nắm rõ điều này, Trường Sỹ quan Không quân đã nhiều lần yêu cầu hai công ty Tân Thành và Nam Khánh di dời, cũng như gửi các công văn tới TP. Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hoà,… báo cáo sự việc. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Công ty Tân Thành và Công ty Nam Khánh vẫn cố tình đưa ra yêu sách để ép nhà trường và chính quyền nhằm thực hiện mục đích chiếm dụng hơn 6.000m2 đất theo hợp đồng và lấn chiếm thêm hơn 3.000m2.
Nghênh ngang hơn, Tân Thành còn công khai gửi công văn lên Chính phủ xin đấu giá khu đất này để đầu tư Dự án Khu trung tâm đô thị thương mại - dịch vụ - tài chính - du lịch Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), phớt lờ việc đang xảy ra hàng loạt những tranh chấp và vi phạm pháp luật.
Vấn đề đặt ra là: Nguyên nhân do đâu mà doanh nghiệp sai phạm, ngang nhiên lấn chiếm, không thực hiện việc trả lại mặt bằng đất quốc phòng nhưng vẫn được tồn tại và hoạt động công khai một thời gian dài cho tới tận hôm nay?
Theo luật sư Nguyễn Sỹ Anh, nguyên nhân chính xuất phát từ sự kiểm soát của các cấp chính quyền. Năm 2018, Thanh tra Sở Xây dựng Khánh Hoà đã có quyết định số 122/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tân Thành và Công ty Nam Khánh vì đã “Tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng”. Trong đó, biện pháp khắc phục hậu quả là: “Yêu cầu chủ đầu tư ngừng thi công xây dựng và tự phá dỡ công trình vi phạm”.
“Vậy tại sao Tân Thành và Nam Khánh bất chấp chính quyền, không thực hiện biện pháp khắc phục mà vẫn được tồn tại tới tận thời điểm hiện nay? Tôi có một câu hỏi: Liệu có phải chính quyền bật đèn xanh nên doanh nghiệp mới ngang nhiên lộng hành như vậy hay không?", luật sư Anh nói.
Thực tế, sự việc xảy ra từ năm 2012 và sau đó Trường Sỹ quan Không quân đã có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Khánh Hoà, Ban chấp hành Quân sự tỉnh Khánh Hoà, UBND TP. Nha Trang, Công an TP. Nha Trang,… phối hợp giải quyết vụ việc, nhưng không rõ vì sao tới tận 8 năm sau, UBND tỉnh Khánh Hòa mới quyết liệt giải quyết vấn đề.
Ngày 15/5/2020, UBND tỉnh Khánh Hoà ra thông báo số 214/TB-UBND: “Kết luận của UBND tỉnh tại cuộc họp nghe báo cáo xử lý việc xây dựng công trình trên đất quốc phòng của Công ty TNHH Tân Thành và Công ty Cổ phần Nam Khánh”.
Nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng, đối với lực lượng vũ trang, đặc biệt là quốc phòng, nên có những ưu tiên cho các công trình quân sự, đó là ưu tiên số 1. "Nhưng đối với khu vực đất quốc phòng liên quan tới kinh doanh thì phải kiểm tra rất chặt chẽ vì đất nào thì cũng phải được bình đẳng với tất cả mọi người. Ngay cả đối với những trường hợp dân sự trong quốc phòng cũng phải chú ý kiểm tra, kiểm soát để sử dụng đúng mục đích", bà An phân tích.
“Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã xử lý một số vụ lớn, trong đó có một số đồng chí là nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Sau này, chúng ta cứ đúng như vậy mà làm, đúng bản chất pháp luật. Còn ưu tiên thì chỉ ưu tiên đất để phục vụ quân sự quốc phòng, đó là nhiệm vụ số 1”.
Luật quy định như thế nào?
Theo luật sư Nguyễn Sỹ Anh, hành vi lấn chiếm đất đai bao gồm lấn và chiếm. Đây là hành vi trái pháp luật nên có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nghị định 120/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu quy định tại điều 29 cụ thể :
"Điều 29. Vi phạm quy định về lấn chiếm đất quốc phòng, đất ở, nhà ở do Quân đội quản lý
1. Phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý đất quốc phòng như sau:
a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm đất quốc phòng có giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm quy thành tiền dưới 200.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lấn chiếm đất quốc phòng có giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị vi phạm quy thành tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 400.000.000 đồng;
Bên cạnh đó, hành vi lấn chiếm đất quốc phòng an ninh cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 229 Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 , cụ thể :
Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai
1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp.
Xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng đất quốc phòng trái quy định
Với những gì đang diễn ra, có thể thấy vấn đề doanh nghiệp chiếm dụng đất quốc phòng vẫn đang tồn tại và diễn ra một cách công khai ngay trước mắt các cơ quan chức năng, nhưng lại không được xử lý nghiêm túc, triệt để. Điều này đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của quân đội, đánh mất niềm tin của nhân dân vào chính quyền.
Để ngăn chặn tình trạng trên, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An cho rằng: "Bộ Quốc phòng phải rà soát lại toàn bộ đất đang quản lý, cái gì đúng thì cho phát triển, cái gì sai thì phải thu hồi lại, chuyển sang sử dụng đúng mục đích. Vì đất đai là tài sản vô giá đối với đất nước và đối với nhân dân.
Chúng ta phải làm nghiêm theo đúng Luật Đất đai, không Nhà nước nào cho phép đất quốc phòng đem đi kinh doanh sai mục đích. Từ giai đoạn này trở đi, phải chấm dứt tình trạng vi phạm, nếu cứ để những tình trạng như Tân Thành tiếp diễn thì sau này sẽ không thể quản lý nổi những chỗ khác”.
Ngoài ra, bà An cũng kiến nghị các đơn vị quốc phòng cần nghiêm khắc kiểm điểm hoặc xử lý những trường hợp vi phạm, từ doanh nghiệp tới cơ quan chức năng, nhà trường, như vậy mới ngăn chặn được những trường hợp sai phạm khác có thể xảy ra.
Ngoài ra, để giải quyết triệt để vấn đề của Tân Thành, luật sư Nguyễn Sỹ Anh cho rằng, Trường Sỹ quan Không quân nên chuyển giao bộ quyền quản lý phần đất Tân Thành đang chiếm cho chính quyền, vì thực tế, trường cũng đã quyết định tặng đất này cho TP. Nha Trang để phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố. Khi đó, UBND TP sẽ dễ dàng phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện di dời đối với doanh nghiệp vi phạm.
“Công ty Tân Thành và Công ty Nam Khánh đã hết hạn hợp đồng từ năm 2018, giấy phép đăng ký kinh doanh sai, xây dựng công trình trái phép trên đất quốc phòng,... đây đều là những sai phạm lớn, Thành phố đủ thẩm quyền để xử lý một cách nhanh chóng. Trong trường hợp doanh nghiệp chây ì như hiện nay, có thể sử dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật”, luật sư Anh nhấn mạnh.
Bài học về vấn đề chiếm dụng đất quốc phòng
Trước thực trạng xảy ra như tại Trường Sỹ quan Không quân, giới chuyên gia và luật sư cho rằng, các đơn vị quốc phòng cho doanh nghiệp thuê đất nhàn dỗi là đúng quy định của Chính phủ. Điều này nếu được sử dụng đúng mục đích sẽ đem lại nguồn thu nhằm hỗ trợ đời sống của quân nhân, cũng như góp phần phát triển đơn vị, nhưng nếu không hiểu luật sẽ xảy ra tình trạng như Trường Sỹ quan Không quân. Đây chính bài học cho các đơn vị quốc phòng nhìn vào và rút kinh nghiệm.
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Sỹ Anh rút ra một số lưu ý như sau:
Thứ nhất, đơn vị quốc phòng cần xác định rõ đối tác sẽ làm việc và ký kết khi cho thuê đất; xem xét thẩm quyền của đơn vị quốc phòng có đúng không; xem xét mục đích sử dụng đất của đơn vị thuê có đúng và phù hợp với mục đích ban đầu nhà nước giao đất cho đơn vị quốc phòng hay không?
Sau khi đã xác định được những điều trên, đơn vị quốc phòng cần nghiêm túc xem xét quan hệ hợp đồng mà mình ký kết với đối tác là doanh nghiệp về thời hạn, giá thuê, tiền thuê và phạm vi thuê tới đâu? Trách nhiệm và quyền mỗi bên như thế nào trong quan hệ hợp đồng đó.
Thứ hai, thời điểm chấm dứt hợp đồng thanh toán tiền, đơn vị quốc phòng phải thông báo có ra hạn nữa hay không để doanh nghiệp nắm rõ và doanh nghiệp chủ động dời khỏi đất đã thuê. Tránh tình trạng, khi hết hợp đồng doanh nghiệp ở lại và đơn vị quốc phòng mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại đó của doanh nghiệp, như vậy, theo quy định của pháp luật đơn vị quốc phòng đang thừa nhận tiếp tục gia hạn hợp đồng.
Trong trường đã thông báo hết hạn hợp đồng mà doanh nghiệp vẫn ở lại thì đó biểu hiện của sự chây ì. Theo quy định của pháp luật, đơn vị quốc phòng phải yêu cầu doanh nghiệp hoặc đơn vị thuê đất thoát khỏi nơi đã thuê.
Thứ ba, trong quy định của pháp luật có một hành vi để khởi kiện đó là kiện yêu cầu dời khỏi nơi thuộc quyền sở hữu của đơn vị ban đầu, bởi đơn vị được thuê đã hết quyền. Khi kiện, tòa án sẽ xem xét xử lý. Nếu tòa án kết luận yêu cầu đơn vị thuê đất sai thì thi hành án dân sự sẽ vào cuộc, yêu cầu đơn vị được thuê phải di dời.
“Để bổ sung ý kiến của luật sư, theo tôi, Bộ Quốc phòng nên xem xét, nếu có những quy chế nào không phù hợp thì hãy thay đổi, có thể trước đây, có những giai đoạn đưa ra những quy chế đúng, nhưng đến thời điểm hiện tại nó không còn phù hợp với Luật Đất đai thì phải loại bỏ. Vì cao nhất vẫn là Hiến pháp, sau Hiến pháp mới là các luật cụ thể, chuyên sâu.
Rà soát lại toàn bộ những văn bản nào không còn phù hợp với luật phải chính sửa ngay. Nếu để lại sẽ không đồng bộ, dẫn đến tình trạng cọc cạch, không triển khai được luật pháp, luật pháp không khả thi sẽ làm mất niền tin đối với nhân dân”, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Thị An chia sẻ.