Aa

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chưa thoát khỏi nỗi lo, tiếp tục khơi thông thế nào?

Thứ Bảy, 07/09/2024 - 06:15

Thị trường bất động sản tuy đã thoát đáy nhưng dòng tiền chưa dồi dào trở lại. Nợ trái phiếu vẫn là nỗi lo lớn đối với nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, chính sách ngắn hạn nào sẽ là giải pháp kịp thời để tiếp tục "cứu nguy", hỗ trợ thị trường?

Nỗi lo trái phiếu doanh nghiệp đến hạn

Ngày 29/8, Novaland ra thông báo về việc chưa thanh toán tiền lãi hai lô trái phiếu trị giá hơn 19 tỷ đồng và 13 tỷ đồng, dời ngày dự kiến thanh toán từ 28/8/2024 sang ngày 11/9/2024, với lý do chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán.

Trước đó, ngày 27/8, Novaland thông báo chậm trả lãi hai lô trái phiếu với tổng số tiền 18 tỷ đồng, với cùng lý do chưa thu xếp được nguồn tiền thanh toán và sẽ thanh toán vào ngày 5/9.

Trường hợp của Novaland chỉ là một đơn cử, còn theo VIS Rating, danh sách trái phiếu doanh nghiệp chậm trả cũng gọi tên những doanh nghiệp khác, chủ yếu nằm ở nhóm bất động sản dân cư. Chia sẻ với Reatimes, PGS.TS. Võ Đình Trí - Giảng viên Tài chính tại IPAG Business School Paris (Pháp), Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH), thành viên Ban Tài chính của Tổ chức AVSE Global - cho biết, nỗi lo lớn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp là khả năng thanh toán nợ. 

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chưa thoát khỏi nỗi lo, tiếp tục khơi thông thế nào?- Ảnh 1.

PGS.TS. Võ Đình Trí, Giảng viên Tài chính tại IPAG Business School Paris (Pháp).

VIS Rating thống kê, ước tính chỉ riêng trong tháng 8/2024, 7.300 tỷ đồng trong số 18.300 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp có rủi ro không trả đúng hạn. 

Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả. 90% trong số đó đã từng chậm trả lãi ít nhất một lần và đang có tỷ lệ đòn bẩy rất cao, nguồn tiền mặt thấp và biên lợi nhuận cho vay trước thuế và trước khấu hao thấp.

Riêng 4 tháng còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu đến hạn là 128.333 tỷ đồng. Với hơn 53.000 tỷ đồng trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản, chiếm 41,6%. Tiếp theo là nhóm ngân hàng với hơn 19.000 tỷ đồng (chiếm 14,9%). Trong khi đó, hoạt động huy động qua kênh trái phiếu của ngành bất động sản vẫn ảm đạm khi tháng 7 chỉ ghi nhận 3 đợt phát hành với tổng giá trị 3,8 nghìn tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2023, đã có 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tổng giá trị khoảng 83.600 tỷ đồng. Phần lớn là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (chiếm 50,7%).

Đáng nói, phần lớn trái phiếu phát hành riêng lẻ và các nhà đầu tư chủ chốt vẫn là các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán. "70% nhà đầu tư trái phiếu riêng lẻ là các tổ chức tín dụng trong nước, các công ty chứng khoán. Trong trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu vỡ nợ, nhà đầu tư là các định chế tài chính ảnh hưởng đầu tiên. Nếu khoản lỗ đáng kể, còn ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính. Rủi ro nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng hiện nay là không hề nhỏ, nhưng vấn đề chưa được quan tâm đúng mức", PGS.TS. Võ Đình Trí nêu.

Trong khi đó, hoạt động niêm yết và giao dịch công khai, minh bạch trên hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ chưa sôi nổi. Sau một năm khai trương hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ghi nhận 1.146 mã trái phiếu của 301 doanh nghiệp, với giá trị đăng ký giao dịch khoảng 830.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện chỉ có 50% tổ chức phát hành phát sinh giao dịch và 38% mã trái phiếu được giao dịch. Chưa kể, số lượng mã trái phiếu không đủ thông tin để định giá hoặc không đủ chuẩn chiếm đến 70% tổng số mã có phát sinh giao dịch. Số mã trái phiếu tạm xem là đủ chuẩn chỉ chiếm hơn 10% số đăng ký giao dịch.

Mặt khác, theo ông Trí, có tới 80% các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong năm qua là các doanh nghiệp niêm yết. Nhiều khả năng tài sản bảo đảm của các doanh nghiệp này chính là cổ phiếu của doanh nghiệp, hoặc là bất động sản hình thành trong tương lai. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, giá thị trường của cổ phiếu giảm, giá trị tài sản bảo đảm sẽ giảm theo. Nếu rơi vào tình huống cổ phiếu bị bán giải chấp thì rủi ro hệ thống sẽ tăng lên.

Rủi ro nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng hiện nay là không hề nhỏ, nhưng vấn đề chưa được quan tâm đúng mức.
Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chưa thoát khỏi nỗi lo, tiếp tục khơi thông thế nào?- Ảnh 2.PGS. TS. Võ Đình Trí

Nhưng thị trường đã vượt giai đoạn khó khăn nhất

Tuy khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đang nỗ lực xoay xở. Như nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Nova đang thúc đẩy tiến trình hoán đổi nợ bằng bất động sản, cũng như nỗ lực bán giải chấp cổ phiếu NVL và các cổ phiếu khác dùng làm tài sản bảo đảm trong các đợt phát hành trái phiếu để trả nợ một phần cho trái chủ. Theo công bố từ doanh nghiệp, từ đầu năm 2024 đến nay, khoảng 14% nợ gốc trái phiếu của Nova Thảo Điền đã được trái chủ hoán đổi sang bất động sản.

Nhiều nhà đầu tư trái phiếu, hợp tác đầu tư với Tập đoàn Sunshine cũng được các môi giới bất động sản mời chào chuyển nợ trái phiếu sang căn hộ chung cư tại TP.HCM hoặc Hà Nội.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng có dấu hiệu hồi phục. Thông tin từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 23/8/2024, có 24 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 8 với tổng giá trị đạt 33.391 tỷ đồng. Trong đó, ngành ngân hàng phát hành 29.804,5 tỷ đồng, chiếm 89% tổng giá trị trái phiếu phát hành. Đứng thứ hai là lĩnh vực bất động sản với 2.390 tỷ đồng.

Như vậy, lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 222.752 tỷ đồng, với 13 đợt phát hành ra công chúng trị giá 22.773 tỷ đồng (chiếm 10,2% tổng giá trị phát hành) và 206 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 199.979 tỷ đồng (chiếm 89,8% trên tổng số).

Trong tháng 8, các doanh nghiệp đã mua lại 5.774 tỷ đồng trái phiếu. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu mua lại trước hạn đạt 116.182 tỷ đồng, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 70,5% tổng giá trị mua lại trước hạn (khoảng 81.904 tỷ đồng).

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chưa thoát khỏi nỗi lo, tiếp tục khơi thông thế nào?- Ảnh 3.

Sự hồi phục của thị trường bất động sản tạo điều kiện cho việc hoán đổi nợ trái phiếu sang bất động sản, cũng như tạo dòng tiền trả nợ. (Ảnh minh họa)

Thị trường bất động sản đang ấm dần lên cũng tạo điều kiện cho các tổ chức phát hành thúc đẩy việc hoán đổi nợ trái phiếu sang bất động sản. Các ngân hàng sẵn sàng giải ngân để những dự án bất động sản tốt tại TP.HCM và Hà Nội được hoàn thiện, có sản phẩm bán ra thị trường, tạo dòng tiền trả nợ.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho biết, thị trường trái phiếu đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Hiện tại, nhờ Nghị định 08 cho phép giãn, hoãn nợ mà nhiều công ty thỏa thuận được phương án gia hạn trái phiếu với nhà đầu tư, tránh nguy cơ đổ vỡ.

Cụ thể, trong năm 2024, lượng trái phiếu doanh nghiệp nhóm bất động sản đáo hạn khoảng 70.000 tỷ đồng, chiếm 37% (tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn khoảng 213.000 tỷ đồng). Song, doanh nghiệp đã và đang tích cực đàm phán với trái chủ, có tới 60% doanh nghiệp gia hạn được 2 năm. Nếu gia hạn giữa năm 2023, điểm rơi trả nợ sẽ vào giữa năm 2025. Nhiều doanh nghiệp đã bán tài sản để trả nợ. Nhà đầu tư cũng hợp tác trong việc giãn, hoãn nợ, nên áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ tiếp tục giảm bớt. Vì vậy, ông Lực nhận định, khả năng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp là thấp.

Khơi thông bắt đầu từ phân khúc nhà ở thu nhập thấp và trung bình

Trước bối cảnh lượng trái phiếu đáo hạn lớn, nhưng thị trường bất động sản vừa thoát đáy, dòng tiền chưa dồi dào để trả nợ, liệu chính sách ngắn hạn nào sẽ là giải pháp kịp thời để tiếp tục "cứu nguy" và hỗ trợ cho thị trường?

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nguồn tiền lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản là từ khách hàng, nên ngoài việc hỗ trợ "giải cứu" trực tiếp thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp phục hồi thị trường bất động sản cũng rất quan trọng.

Căn bản nhất là ưu tiên tháo gỡ, phát triển phân khúc nhà ở thu nhập thấp và trung bình, nhằm khơi thông dòng vốn để doanh nghiệp có dòng tiền trả nợ và phục hồi đầu tư, xây dựng.

Đồng thời, vấn đề hiện nay là Nghị định 08 đã hết hiệu lực, quay lại thực hiện Nghị định 65 thì có cho phép giãn, hoãn nợ hay không? Điểm rơi của các hợp đồng đàm phán sẽ vào khoảng giữa năm 2025 và câu hỏi này cần được cơ quan quản lý sớm làm rõ.

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản chưa thoát khỏi nỗi lo, tiếp tục khơi thông thế nào?- Ảnh 4.

Ưu tiên tháo gỡ, phát triển phân khúc nhà ở thu nhập thấp và trung bình để khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp bất động sản. (Ảnh minh họa)

Còn PGS.TS. Võ Đình Trí cho rằng, sau những sự kiện tiêu cực trên thị trường, các chính sách của Chính phủ đang hướng đến bảo vệ nhà đầu tư và khó có thể "giải cứu" ngay cho doanh nghiệp. Tuy vậy, vẫn cần ưu tiên xử lý những tồn đọng của thị trường trước. Trước hết, cần khoanh vùng và xem các khoản đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhiều rủi ro của các định chế tài chính là những khoản "nợ xấu" cần ưu tiên xử lý.

Thứ hai là theo dõi sát sao tỷ lệ nắm giữ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp của các định chế tài chính, tránh trường hợp mức độ tập trung quá cao. Thực tế, rủi ro nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng hiện nay là không hề nhỏ, nhưng chưa được quan tâm đúng mức.

"Có thể nghiên cứu đặt ra một tỷ lệ tối đa được đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với các ngân hàng, để tỷ trọng các nhà đầu tư chuyên nghiệp khác tăng lên", ông Trí đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Trí đánh giá, thị trường bắt đầu đón nhận làn gió mới với sự gia nhập của các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như hạ tầng, tiện ích. Cùng với các tổ chức bảo lãnh, chất lượng thị trường trái phiếu sẽ cải thiện theo hướng ổn định, bền vững hơn; hướng tới mục tiêu phát triển quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 30% GDP vào năm 2030./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top