Aa

Bộ Xây dựng: Doanh nghiệp bất động sản có xu hướng phát hành trái phiếu trở lại

Thứ Bảy, 17/08/2024 - 11:27

Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp bất động sản đang có xu hướng phát hành trái phiếu trở lại và có thể kỳ vọng kênh huy động này sẽ ngày càng ổn định hơn trong thời gian tới.

Trong báo cáo công bố thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý II/2024, Bộ Xây dựng cho biết, huy động vốn từ kênh trái phiếu đang có xu hướng tăng trở lại.

Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến hết quý II năm nay, toàn thị trường đã có 102 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trị giá 104.109 tỷ đồng và 10 đợt phát hành ra công chúng trị giá 11.378 tỷ đồng. Trong đó, nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm ưu thế phát hành.

Cụ thể, tháng 4/2024, giá trị phát hành trái phiếu của nhóm ngành bất động sản chiếm 56% tổng giá trị phát hành trong tháng.

Sang đến tháng 5/2024, các doanh nghiệp bất động sản có giá trị phát hành trái phiếu lớn, có thể kể đến: Tập đoàn CTCP Vingroup có 2 đợt chào bán cuối cùng thu về thêm 4.000 tỷ đồng; CTCP Vinhomes cũng đã hoàn thành kế hoạch sau khi bán thêm lô trái phiếu 2.000 tỷ đồng; Công ty TNHH Hoàng Trúc My bán lô trái phiếu giá trị 200 tỷ đồng; CTCP IDTT (trước đây là CTCP Phát triển Khu công nghiệp và Đô thị Thủ Thừa IDICO - CONAC) huy động thành công từ kênh trái phiếu 200 tỷ đồng.

Tại tháng 6/2024, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 62 lô trái phiếu, mang về 68.000 tỷ đồng, hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm ngành xây dựng/bất động sản huy động khoảng 8.000 tỷ đồng, chiếm 12%.

Theo Bộ Xây dựng, số liệu quý II/2024 đang cho thấy những dấu hiệu quay trở lại của các doanh nghiệp bất động sản trong việc phát hành trái phiếu. Từ đó có thể kỳ vọng việc huy động vốn từ kênh trái phiếu sẽ ngày càng ổn định hơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì áp lực trái phiếu đáo hạn vẫn đang là trách nhiệm nặng nề của các doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, đi kèm với việc đẩy mạnh phát hành mới, các doanh nghiệp cũng cần tìm hướng xử lý các khoản trái phiếu sắp đến hạn - Bộ Xây dựng nhấn mạnh. 

Báo cáo mới đây của VIS Rating cũng cho thấy, trong tháng 8/2024, ước tính khoảng 7.300 tỷ đồng trong số 18.600 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn.

Trong đó, 4.300 tỷ đồng trái phiếu do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư phát hành. Cụ thể là Novaland Hưng Thịnh Land và Đại Thịnh Phát là các tổ chức phát hành đã chậm trả nhiều trái phiếu kể từ năm 2023. Số còn lại được phát hành bởi một công ty thuộc nhóm ngành dịch vụ.

Theo VIS Rating, trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259.000 tỷ đồng sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả. 90% trong số đó đã từng chậm trả lãi coupon ít nhất một lần và đang có tỷ lệ đòn bẩy rất cao, nguồn tiền mặt thấp và biên EBITDA thấp./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top