Trộn đá khác nhau để thành loại I
Theo tài liệu PV có được, ngày 11/3, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả có văn bản gửi Ban quản lý Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và các đơn vị tư vấn giám sát.
Theo đó, Công ty Đèo Cả đệ trình đơn vị cung cấp vật liệu cấp phối đá dăm loại I (Dmax 25) và loại II (Dmax 37,5); dùng để gia tải cho gói thầu XL10, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (giai đoạn 1).
Theo văn bản này, nguồn đá đạt chuẩn phải lấy từ mỏ đá Thạnh Phú 2 (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai), do Công ty Cổ phần Hóa An (Đồng Nai) khai thác. Đơn vị cung cấp đá là Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Khánh Cường (Công ty Khánh Cường), có địa chỉ tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
Ngày 25/3, đá ở mỏ Thạnh Phú 2 được lấy mẫu thí nghiệm với thành phần hạt và cho kết quả phù hợp để gia tải cho gói thầu XL10. Dự án yêu cầu Công ty Khánh Cường phải lấy đá từ mỏ Thạnh Phú 2.
Tuy nhiên, Công ty Khánh Cường sau khi trúng thầu đã không cung cấp đúng loại đá Dmax 25 - theo yêu cầu của chủ đầu tư, trái lại đã thu mua các loại đá kích cỡ khác nhau, rồi đảo trộn thành đá loại I (thay vì đặt hàng cho mỏ Thạnh Phú 2 sản xuất).
Điều này thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán giữa Công ty Khánh Cường và chi nhánh Công ty Cổ phần Hóa An tại Vĩnh Cửu. Theo hợp đồng này, Công ty Khánh Cường đã mua đá 1x2 và 0,4, chứ không phải Dmax 25. Một nguồn tin của PV Dân Việt tại mỏ Thạnh Phú 2 khẳng định, hiện tại mỏ này chưa sản xuất đá Dmax 25.
Điều khó hiểu là dù không đạt yêu cầu nhưng loại “đá trộn” trên vẫn lọt qua khâu kiểm tra, tập kết về công trường, thậm chí đã được dùng để gia tải cho gói thầu XL10. Việc này đã bị người dân phát hiện và tố giác đến cơ quan chức năng.
Nhận được phản ánh, ngày 30/3, Sở GTVT tỉnh Tiền Giang có công văn gửi Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn vật liệu dùng để gia tải có đúng mỏ đã chỉ định hay không. Ngoài ra, Sở này còn yêu cầu kiểm tra quy trình kiểm nghiệm vật tư trước khi thi công.
Sau đó một ngày, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Tiền Giang có công văn gửi Công ty Cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, yêu cầu “kiểm tra nguồn gốc đá dăm dùng để gia tải. Gửi văn bản giải trình về quá trình nghiệm thu đưa vật liệu vào sử dụng trong công trình, đính kèm tất cả tài liệu chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của vật liệu sử dụng”.
Xử lý hàng loạt cán bộ liên quan
Về vụ việc này, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết: Sau khi ghi nhận các thông tin, Ban điều hành Công ty đã khẩn trương phối hợp với Công ty Cổ phần An ninh Đèo Cả (đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ dự án) tiến hành kiểm tra, xác minh.
Theo đó, trước khi có thông tin phản ánh, Tư vấn giám sát (TVGS) đã kiểm tra và từ chối, buộc hủy bỏ một sà lan cấp phối đá dăm loại I, do không đảm bảo chất lượng.
Xét thấy Công ty Khánh Cường chưa tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng dự án nên Ban điều hành Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã “đình chỉ vai trò cung cấp vật liệu cho dự án đối với Công ty Khánh Cường”.
Ngoài ra, chủ đầu tư đã cảnh cáo Ban điều hành gói thầu XL10, TVGS trưởng, thay thế giám sát viên do chưa tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng dự án; tạm đình chỉ toàn bộ công việc nhập vật liệu cấp phối đá dăm loại I cho dự án, đối với mỏ Thạnh Phú 2, cho đến khi chứng minh được dây chuyền, công nghệ sản xuất.
Đối với 310m3 đá dăm đã tập kết về công trường, dùng để gia tải chưa đưa vào sử dụng trong thành phần cấp phối sẽ được loại bỏ, khi kiểm tra không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật.
Mặt khác, Ban điều hành dự án cũng đã yêu cầu TVGS ban hành hướng dẫn chi tiết công tác tập kết vật tư, vật liệu về công trường đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của dự án.
Ông Nguyễn Tấn Đông – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, Ban điều hành ghi nhận thông tin phản ánh, giúp công ty kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng vật liệu đầu vào.
Ban điều hành dự án sẽ tiếp tục củng cố để đảm bảo việc giám sát công trình ngày một tốt hơn, kiên quyết làm rõ các vấn đề không trung thực vì mục tiêu đảm bảo kỹ thuật cho chất lượng công trình.
Đồng thời tăng cường kiểm soát chất lượng, ngoài hệ thống TVGS, thí nghiệm, tiếp tục tăng cường lực lượng an ninh tuần tra kiểm soát, sử dụng hệ thống 50 camera giám sát 24/24.
Ở một diễn biến khác, theo thông tin mà PV Dân Việt có được, liên quan đến vụ việc này, Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã yêu cầu phê bình Giám đốc điều hành, nhân viên Tư vấn quản lý dự án, chuyên viên BQLDA BOT Trung Lương - Mỹ Thuận phụ trách gói thầu XL10.
Cảnh cáo đối với Đội trưởng đội phụ trách thi công gói thầu XL10; kỹ sư thường trú, kỹ sư vật liệu phụ trách gói thầu XL10. Đồng thời yêu cầu thay thế ngay nhân sự TVGS trực tiếp phụ trách gói thầu XL10.
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thực hiện theo hình thức BOT, với điểm đầu tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (nối tiếp đường Cao tốc TP.HCM - Trung Lương) và điểm cuối giao với QL30 tại nút giao An Thái Trung (nút giao bờ Bắc cầu Mỹ Thuận, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh đến các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1A.