Giờ, ít người được thấy đom đóm chứ đừng nói tới ma trơi.
Thế mà nó từng gắn và ám ảnh tôi suốt thời trẻ nít, thích thú có mà sợ hãi cũng có. Hồi ấy lại còn lan truyền câu chuyện thần đồng ham học bắt đom đóm cho vào vỏ trứng làm đèn để học bài.
Nhà máy diêm của mẹ tôi sơ tán về một vùng núi thuộc xã Châu Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa. Dày đặc là các cây trám (người Thanh Hóa gọi là cây bùi) to như cây đa và cây trảu, sở, nhỏ hơn. Có một bãi tha ma nằm ngay bìa rừng ấy nữa.
Mười mấy dãy nhà tập thể lợp tranh xung quanh ken nứa, mỗi dãy chục gian nằm dưới các gốc trám cổ thụ. Mỗi gia đình một căn như thế, còn ai chưa có gia đình thì ở nhờ nhà dân, trong làng.
Và đấy là thế giới của đom đóm.
Chúng tôi bé tí, từng dãy chơi với nhau, thi thoảng cả bầy kéo nhau sang dãy hàng xóm kết bạn. Những bãi đất trống thì dân trồng sắn, những luống sắn nhấp nhô là chỗ chúng tôi đánh trận giả, trốn tìm. Có một cái vũng, ở đấy nhiều bèo tây. Và đấy chính là thế giới của đom đóm.
Toàn con nhà... vô sản, bố mẹ nhất nhất tin chủ nghĩa duy vật nên chúng tôi được giáo dục là không có ma, chết là hết, dù ở ngay sát bãi tha ma, thường xuyên chứng kiến người chết được đưa “ra đồng”, và kinh nhất là chứng kiến việc bốc mả.
Vùng ấy có tục bốc mả, cứ đủ 3 năm thì bốc. Thường là sáng sớm, bốc xong là trời vừa rạng. Về cơ bản lũ trẻ con chúng tôi chả biết gì, đến sáng bạch dậy thấy cái hố mới rợi, hôm qua còn là cái mả hôm nay đã toang hoang ra đấy mới biết là đêm qua họ mới bốc. Nhưng cũng có hôm cái mả sát nhà, họ đi bốc đuốc rừng rực, nói to, có khi còn khóc nữa, tiếng búa phá hòm bòm bọp, thì dậy, ti hí nhìn qua vách... xem trộm.
Và bãi tha ma là nơi xuất hiện... ma trơi.
Đêm nào mà mưa lâm thâm thì thường là ma trơi xuất hiện. Cứ thấy một luồng sáng như lân tinh phụt lên thì lại hô lên: "Ma trơi!". Rồi dúm vào nhau, nhưng vẫn thích xem, có khi còn chạy để nó... đuổi theo.
Có người lớn còn kể: Lấy cái thúng úp ma trơi, sáng mai thì thấy trong ấy là nguyên một bộ tóc con gái, làm mấy đứa con gái rụt cổ lại.
Cái ánh sáng ma quái của đom đóm, của ma trơi ám ảnh chúng tôi suốt tuổi thơ. Có lần đom đóm tự nhiên kết thành một đám lớn, như một bè đom đóm chứ nó không đơn lẻ từng con nữa, cả bọn rúm lại kêu: "Ma trơi!". Chú Sửu, công nhân tổ que, người táo tợn nhất khu tập thể lấy cái thúng úp lại, để đấy, mai mở ra thì thấy hàng ngàn con đom đóm lúc nhúc. Ban đêm, thấy đom đóm lập lòe vừa lãng mạn vừa ma quái, vừa bí ẩn vừa khơi gợi, ban ngày lổn nhổn một đống, trông đến khiếp.
Ma trơi và đom đóm khác nhau ở thời điểm xuất hiện. Mưa lâm thâm gió liêng phiêng là có ma trơi. Đom đóm thì ngược lại, thường là các đêm hè, trời trong, tất nhiên càng tối thì càng thấy rõ.
Tất nhiên là người lớn lại đứng ra giải thích. Mẹ tôi bảo, ma trơi là phản ứng hóa học khi phốt pho trong xác người phân hủy rồi thoát ra gặp không khí, thường ở các mả chôn không kỹ, không đủ độ sâu. Nhà máy diêm của mẹ tôi cũng dùng phốt pho để sản xuất, quét lên vỏ bao để quẹt diêm. Chúng tôi hay ăn cắp phốt pho và clorat để làm pháo. Có đứa gói phốt pho vào giấy rồi đút túi quần, nó cháy lem lém. Phốt pho chỉ cháy chứ không nổ. Nhưng tất nhiên cũng có người lớn nhát ma chúng tôi, hoặc là họ cũng tin là có ma thật, họ kể những chuyện ma khiến giữa mùa hè chúng tôi chui vào chăn không dám thở, nhất là những đêm mẹ đi công tác. Chúng tôi cứ hình dung phía sau những dải ánh sáng kia là những cô gái mặc quần áo trắng lơ lửng bay, gặp người là thè lưỡi hút máu. Hoặc những mái tóc bay, phất phơ như dải lụa nhưng lại... không có đầu. Những cây trám là nơi ma thích trú nhất nên bao giờ đi qua đấy là chúng tôi ù té chạy. Nhưng có những thằng coi trời bằng vung. Tối nó leo lên cây ngồi đấy, mấy cô công nhân đi qua, nó thả người xuống oàm một phát, hai tay bám vào cành cây, hai chân dạng ra, miệng khè khè, các cô chạy bán sống bán chết.
Có những đêm chúng tôi thách nhau... ra bãi tha ma. Mà phải ra cái mả mới ấy, cỏ chưa mọc ấy, một mình, ngồi đấy một lúc rồi về. Những đứa thách thì dúm dó dưới gốc một cây trám. Thế mà cái đứa leo lên cây nhát ma mấy cô công nhân ấy dám nhận lời, phần thưởng là một cái bánh rán vào sáng hôm sau. Từ chiều chúng tôi đã túm tụm bí mật tổ chức. Trăng nhợt nhạt, trời lạnh, kiểu lạnh khô khiến lũ nhóc chúng tôi cứ rùng mình liên tục. Cũng có thể rùng mình vì sợ nữa, chứ tuổi ấy chúng tôi có coi lạnh là gì?
Rồi thằng nhận thách cũng ra chỗ hẹn. Bảy tám tuổi, nó lụt cụt như cây nấm đi liêu xiêu trong đêm về phía cái mả mới. Càng ngày chân nó càng chậm. Chúng tôi nín thở chờ. Từng bước, từng bước. Cách chừng trăm mét thì nó... co giò chạy. Không phải chạy tới mà chạy lui, về phía chúng tôi. Coi như nó không có cái bánh rán như đã cam kết, nhưng sau đấy thì nó sốt đến mấy ngày. Sáng sau thì cái chuyện chúng tôi thách nhau loang ra, mỗi đứa bị xử một cách khác nhau. Bố mẹ thằng kia nghe đâu phải nhờ mấy cụ cao niên trong làng cúng cho nó.
Ban đêm ấy, những cây trám khổng lồ trở thành thế giới để chúng tôi thả trí tưởng tượng. Tối om và bí ẩn, phía trên ấy là cả một mênh mông những điều bí ẩn. Từ tiếng xào xạc của lá, tiếng rụng của trái cây đến tiếng đập cánh của một con chim nào đấy đều khiến chúng tôi vừa hồi hộp vừa tò mò. Sáng mai, mọi thứ lại phơi ra, chúng tôi nhìn thấy từng chùm quả rõ rời rợi, chả còn gì bí ẩn thiêng liêng nữa. Nhưng cứ đến tối, lại tiếp tục những bí ẩn như thế, chúng tôi trôi qua những thái cực trái ngược như vậy cho đến hết chiến tranh phá hoại, rời khỏi nơi sơ tán ấy...