Aa

Những triền đê đầy gió

Thứ Hai, 11/06/2018 - 06:01

Giờ xe đạp trở thành lạc lõng giữa phố phường, mà chả phố phường, cả trên đường thiên lý nữa. Nên cứ nhớ và tưởng tượng cảnh ông Tiến trọc một mình một ngựa (sắt) mà nể. Để rồi lại dấn thêm cho đủ một tiếng mỗi buổi sáng như mục tiêu tự đề ra.

Tròn 60 tuổi, được tặng một cái xe đạp khi mình đang... lái ô tô. Thế mà mừng rỡ, mà hân hoan, mà tràn trề cảm xúc.

Là nhớ những con đường đê đến lạ.

Thuở ấy, gia đình tôi sơ tán ở Thanh Hóa, ba một cơ quan, mẹ một cơ quan, và các cơ quan thì đường... di động. Không nhớ rõ là bao nhiêu lần một năm, hoặc mấy năm một lần, cả nhà tôi lại tề tựu trên hai cái xe đạp, và cứ chạng vạng là lên đường. Và đường là đường đê.

Khi cả nhà chất lên hai cái xe thì tức là chuyển chỗ ở, từ làng này sang một làng khác, có thể cùng huyện, có thể khác huyện. Hoặc là theo cơ quan đi sơ tán, hoặc là nghe thông báo vùng nhà tôi đang ở sắp bị B.52 rải thảm, hoặc là chuyển từ nơi ba đang trọ sang nơi mẹ trọ, và ngược lại. Hầu như là ở nhờ nhà dân.

Hai anh em tôi ở với mẹ, trọ ở một nhà dân nào đấy nơi nhà máy của mẹ đóng quân, thường thì tối thứ 7 ba mới đạp xe từ nơi sơ tán của cơ quan của ông về, rồi chiều chủ nhật lại đi, thời gian chơi với anh em tôi rất ít. Vì vậy, những chuyến di chuyển trên đường bằng xe đạp, đa phần là tôi ngồi sau xe ông, em tôi ngồi sau xe mẹ, vì tôi lớn hơn, nặng hơn. Chở tôi trên xe đạp, cha tôi đều tranh thủ... dạy tôi.

Các câu chuyện ông kể trên đường, tôi nhớ là đê nhiều gió lắm, lúc mơn man lúc hùng hục, đa phần là tôi... lơ mơ ngủ, còn ông cứ thủ thỉ, giọng Huế, càng dễ buồn ngủ.

Trăng cứ bàng bạc, thi thoảng tiếng chuông xe đạp leng keng, hoặc tiếng mẹ tôi lanh lảnh: "Xe xe...". Hồi ấy đa phần là còi xe bằng... mồm và xi nhan bằng tay.

Giữa nhễ nhại trăng ấy, gió ấy, rười rượi sông ấy, bỗng có môt người diên. Một người phụ nữ, khỏa thân trùng trục, trắng nhễ nhãi. Tôi chỉ thấy loáng qua phát thế thì ba tôi đã vượt qua. Nhưng câu chuyện trên đường hôm ấy lại là chuyện về... người điên.

Ba kể, ba biết người đàn bà điên ấy. Đấy là một người học rất giỏi, cái gì cũng biết, và lại xinh nữa. Nhưng lẽ ra chỉ cần giỏi và xinh là được. Đằng này cô ấy lại rất hay... đọc sách. Tôi bắt đầu lờ mờ cảm thấy điều ba định ám chỉ.

Y như rằng, ông bảo, con cũng đọc rất nhiều sách. Mỗi tháng mẹ mua cho con một cuốn sách (Thời ấy tôi nhớ mẹ mua cho tôi những cuốn như “Trong rừng” của nhà văn Đỗ Quang Tiến mà sau nay tôi vinh dự được chơi với mấy anh con trai của ông cũng là các nhà văn nhà báo, cuốn “Người chị cả” chả nhớ tên tác giả, vân vân...), nhưng con lại tự tiện mượn thêm rất nhiều sách để đọc, như thế là không tốt, có hại thần kinh. Con có thấy cái cô vừa rồi không, đấy cô ấy đọc sách đấy, đọc nhiều quá là như thế đấy. Ba không muốn con trai của ba một hôm nào đấy cũng ra đê múa như thế...

Đa phần ba tôi nói gì là tôi tin ngay, nhưng hôm ấy, tôi không tin ba tôi nói. Có một cái gì đấy như sự phản kháng cứ nhen nhóm trong tôi, nhưng tôi không nói lại. Đa phần là ba tôi cứ độc thoại trên đường, tôi ngồi sau quan sát hoặc... ngủ. Hồi ấy ngủ gật trên xe đạp là môn... sở trường của tôi. Nhưng hôm ấy tôi không thấy buồn ngủ, dù ba tôi vẫn giọng Huế, vẫn đều đều như ru thế, và câu chuyện thì... chán.

Tôi nghĩ về người điên. Tôi nghĩ là ba tôi “sáng tác” ra thôi chứ ông chả biết cái cô điên ấy đâu.

Tôi nghĩ về chữ.

Và về những cuốn sách. Tôi từng phải đọc trộm sách. Mẹ tôi dù mua sách cho tôi nhưng cũng quản tôi rất kỹ chuyện đọc sách, nên cứ thấy tôi biến mất là mẹ biết ngay tôi lại chui vào một xó nào đấy, có hôm chui xuống cả cái tăng xê dưới gầm giường mà gia đình nào cũng có thời ấy để tránh bom, tối om om và nhũng nhoãng bùn, để đọc. Có hôm thì ngồi trong... nhà vệ sinh công cộng. Trời ạ, đừng bắt tôi phải tả những cái “Uyliam Cường” thời ấy nhé, thế mà nó từng là thiên đường để tôi đọc sách.

Trời ơi, lúc ấy tôi có một ước muốn mãnh liệt là, ngày nào đấy, tôi sẽ làm ra những cuốn sách như thế, những cuốn sách sẽ có người đọc, thậm chí là có người sẽ điên như người đàn bà mà ba tôi làm “giáo cụ trực quan” cho tôi, dù tôi hoàn toàn không tin, ngay lúc ấy, lúc ba tôi vừa kẽo kẹt đạp xe vừa kể trong tiếng gió ù ù, là cô ấy điên vì đọc sách nhiều. Và tôi còn nghĩ, trí óc non nớt lắm, nhưng đã nghĩ, kể ra, điên vì chữ thì cũng... đáng điên lắm.

Giờ, lại được tặng cái xe đạp để rèn luyện sức khỏe vì... đã già.

Tuổi tôi bây giờ nhiều hơn tuổi ba tôi hồi đèo tôi sơ tán ngày xưa. Và trước khi như bây giờ tôi cũng có chừng 20 năm xe đạp. Ấy là suốt thời học phổ thông, đại học rồi ra trường cũng phải chục năm mới mua được cái xe máy đầu tiên. Hồi ấy đạp xe băng băng, dốc đèo chấp hết, chở theo bạn gái phía sau nữa. Con gái phía Bắc ngồi xe đạp hai chân một bên, con gái phía Nam hai chân hai bên, nên khi lên dốc bạn ấy có thể thò chân “bơi” phụ mình. Dù phía nào thì tôi cũng đã từng... cân hết, trừ dốc thật cao, phải xuống dắt, còn lại thì đều “phình phường”.

Cái xe được tặng giờ xịn hơn ngày xưa nhiều, ông nhà thơ Lâm Xuân Thi, chủ hãng xe Martin 107 thông qua một tờ báo tặng, tất nhiên phải là loại tốt.

Và coi như mới bắt đầu... tập xe lại.

Té ra bây giờ đạp xe rất khó.

Không gương chiếu hậu, không đèn xi nhan, đạp trên đường cứ như mình là Triệu Tử Long ở cầu Trường Bản ấy, có lúc lại thấy như mình bị lột trần truồng rồi thả vào giữa đám đông. Hết sức cô đơn, hết sức thiếu tự tin. Nhưng vẫn phải đạp.

Lại nữa, chỉ nửa tiếng là bắt đầu đau chân và ê mông. Ơ ngày xưa từng tung hoành như ngựa sắt, sao giờ lại bạc nhược thế này. Thấy ô tô, xe máy vèo vèo qua lại tự rủa mình sao lại phải hành xác thế. Nhưng mà rồi vẫn nhấp nhổm đạp. Rồi lại trách mình, ngu chưa, về đi. Và thấy nể ông nhà văn Tiến trọc đến hai lần đạp xe xuyên Việt, lần một mình và lần sau với ông nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Cái thời thầy đội Min Đơ, Min Toa ấy, cưỡi con xe đi tuần sáng cả phố nó qua rồi, mỗi các thầy có xe còn toàn dân lếch thếch đi bộ. Giờ xe đạp trở thành lạc lõng giữa phố phường, mà chả phố phường, cả trên đường thiên lý nữa. Nên cứ nhớ và tưởng tượng cảnh ông Tiến trọc một mình một ngựa (sắt) mà nể. Để rồi lại dấn thêm cho đủ một tiếng mỗi buổi sáng như mục tiêu tự đề ra.

Giờ nhà có tủ sách hàng ngàn cuốn, chưa kể thư viện cũng rất gần, nhưng hình như, cái sự đọc nó không cần mẫn long lanh như ngày xưa nữa?

Ba tôi mất cũng lâu rồi. Giờ cứ mỗi khi có dịp ra Bắc, tôi lại tìm cớ để đi về những vùng có đê. Đê mùa đông ấy, tưng bừng gió. Và mây xám. Và hoa xoan nữa, thi thoảng gặp một lập lòe hoa gạo...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top