Aa

Trống rung tim ta nhịp đập bồn chồn

Thứ Sáu, 02/09/2022 - 06:02

“Tết Độc lập” - một sự kiện có ý nghĩa như cột mốc mở ra điều tốt đẹp cho cả dân tộc. Đó là ngày hội thực sự của những con người thấu hiểu được sự thay đổi to lớn không chỉ với quốc gia mà với chính mỗi con người.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử do chính Người chuẩn bị, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thế giới về sự ra đời của một nhà nước mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện này, vượt ra ngoài khuôn khổ dân tộc và mang ý nghĩa thời đại.

Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa!

(Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi).

Thế hệ chúng tôi lớn lên, chỉ biết đến ngày 2/9 cách đây 77 năm qua sách vở, báo chí, phim ảnh. Tuy nhiên, cha ông tôi được tắm mình trong những ngày lịch sử “long trời lở đất” đó. Quê tôi là nơi những người nông dân áo vải, chân đất vùng lên giành chính quyền sớm nhất tỉnh Hà Tĩnh, ngày 18/8/1945. 

Thời còn sống, ông nội tôi vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể, ngày đó, ông ra bờ tre chặt một đẵn, cứ thế vác lên vai theo bà con lên huyện đường. Thị trấn Nghèn, địa chỉ trước đó 15 năm máu đổ thành sông trong cuộc vùng lên hưởng ứng phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, rợp cờ hoa, hân hoan, rạng rỡ trên khuôn mặt của những người nghèo đói. 

Tôi hiểu hạnh phúc của ông nội, thuở xanh non, trong những ngày xanh non của hạnh phúc. Đó là những ngày vui bất tuyệt.

Bay bay lên, hỡi đôi cánh thần tiên

Đôi cánh mở của đất trời giải phóng

(Vui bất tuyệt, thơ Tố Hữu).

Trong làng nơi tôi sinh ra, thế hệ được chứng kiến thời khắc lịch sử đó, phần lớn đã “xưa nay hiếm”, chỉ còn lại chừng 5 cụ cao niên trên 80 tuổi, trong ngày Quốc khánh cách đây 77 năm, họ cũng mới ở tuổi thiếu nhi. Các cụ bây giờ cũng đã “lẩn cẩn”, chẳng còn nhớ bao nhiêu. Tuy nhiên, cùng với các thế hệ con cháu, mỗi người dân Việt, dù đang ở bất kỳ nơi đâu, đều không khỏi bồi hồi, xúc động khi nhớ lại khí thế đầy hào hùng của ngày Quốc khánh 2/9, dẫu chỉ là được nghe kể, xem trong các thước phim tư liệu lịch sử.

Ngay cạnh ngã ba thị trấn Nghèn, từ lâu đã có Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh. Những ngày lễ của dân tộc, trong đó có Quốc khánh 2/9 hằng năm, lãnh đạo quân dân chính Đảng địa phương, các cụ lão thành đều đến đặt vòng hoa thành kính để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì non sông đất nước này.

Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh. (Ảnh: BHT)

Trong số bạn bè, anh em là nhà báo, nhà văn trẻ, tôi đặc biệt quý mến nhà văn, trung tá Phạm Vân Anh. Chị là nhà văn công tác ở Bộ đội Biên phòng. Năm 2021, trong những ngày dịch giã Covid-19, chị kịp hoàn thành sách “Những người phất cờ hồng” (Nhà xuất bản QĐND, năm 2021). Trong số nhân chứng xuất hiện trong tập bút ký này có Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, năm nay đúng 100 tuổi. 

Nhà văn Phạm Vân Anh nhắc lại cảm xúc khi gặp Đại tướng, dù tuổi cao nhưng ông vẫn đọc lại được rành rọt từng lời hiệu triệu của vị Cha già dân tộc. Ký ức của ông vẫn xanh nguyên những bài học vỡ lòng khi tham gia cách mạng và khoảnh khắc lịch sử đặt lên vai ông với vai trò là người quyết định kêu gọi nhân dân Thủ đô đứng lên giành chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim. Và sau đó là ngày Quốc khánh 2/9.

Hòa cùng với không khí cả nước, từ sáng sớm ngày 2/9/1945, ở Hà Nội, hàng chục vạn người với hàng ngũ chỉnh tề cờ hoa khoe sắc cùng những băng rôn, khẩu hiệu thể hiện tinh thần của người dân Việt Nam. Đúng 14 giờ trên lễ đài lớn tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời, trang trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Vui quá đêm nay

Ta nhảy ta bay

Trong lòng Hà Nội

Biển sống trào lên thành đại hội

(Vui bất tuyệt, thơ Tố Hữu).

Kết thúc Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Xúc động đến nghẹt thở, không chỉ con người mà ngay cả đất trời. Đúng là “Lòng ta bát ngát ánh bình minh” (Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi).

"Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". (Ảnh minh họa: Internet)

Chính sử ghi lại rằng, giao thừa năm đó, Bác cải trang hòa mình vào dòng người đi lễ và hái lộc trong đền Ngọc Sơn, nửa đêm Bác đi thăm một vài gia đình nghèo nhất, không có Tết và đề nghị lãnh đạo Hà Nội lo Tết cho đồng bào nghèo. Gần dân thế chứ, giành được chính quyền rồi, phải thế chứ!

Theo tập quán dân gian, ở Việt Nam, ngoài Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới thì còn rất nhiều sinh hoạt tín ngưỡng cũng được gọi là “Tết”, ví như: Tết Trung thu, Tết Đoan ngọ, Tết Hàn thực (ít nhiều có ảnh hưởng với văn hóa Trung Hoa)... 

Sinh thời, nhà văn hóa Đoàn Tử Huyến, một người gốc Nghệ, lý giải với tôi rằng, theo nghĩa đen, “Tết Độc lập” được dành cho Tết Bính Tuất (1946) là cái Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên được tổ chức trong khung cảnh đất nước đã độc lập sau 80 năm bị đô hộ bởi thực dân Pháp. Trong bài báo có nhan đề là “Tết” đăng trên “Cứu Quốc”, Bác Hồ - người khai sinh ra nhà nước công nông kiểu mới này, cũng viết rằng đây là “Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập”. 

Vì thế, Ngày Độc lập (2/9/1945) và những ngày Quốc khánh, từ đó đến nay được gọi là “Tết Độc lập” - một sự kiện có ý nghĩa như cột mốc mở ra một điều tốt đẹp cho cả dân tộc. Đó là một ngày hội thực sự của những con người thấu hiểu được sự thay đổi to lớn không chỉ với quốc gia mà với chính mỗi con người.

Mỗi năm vào ngày Quốc khánh, tôi cứ tha thẩn nghĩ về con người, về quê hương, đất nước, dẫu mình chỉ là “hạt cát”. “Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất” (Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi)tự hào lắm chứ, mỗi “hạt cát” như tôi, đều có quyền tự hào, và có quyền suy nghĩ, quyền được dự cảm nữa...

Tuyên ngôn Độc lập có đoạn đầu: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. 

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: 'Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi'. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

“Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất” (Đất nước, thơ Nguyễn Đình Thi)... (Ảnh minh họa: Internet)

Nói như GS. Singô Sibata (Nhật Bản) khi nghiên cứu về Tuyên ngôn độc lập, thì “Cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”. Theo vị giáo sư này, Tuyên ngôn độc lập năm 1945, vì thế, không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc thuộc địa trong cuộc đấu tranh giành quyền tự quyết.

Thế giới ngày càng đa biến, phức tạp, bất ổn khó lường. Đâu đó, trên thế giới vẫn còn tiếng súng, đâu đó tiếng súng chưa dứt, người dân lương thiện đầu vẫn rơi, máu vẫn chảy... Vì thế, “Quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” mãi mãi vẫn là lý tưởng, khát khao của nhân loại. Đó cũng là một nội hàm luôn phải được làm mới và gia tăng giá trị. 

Mắt tôi cay cay, hạnh phúc với những điều mà dân tộc này, con người sống trên dải đất hình chữ S này, trong đó có tôi, đang có./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top