Aa

Truyền thông con người

Thứ Ba, 09/03/2021 - 07:00

Viễn cảnh đáng sợ là chúng ta có nguy cơ trở thành những kẻ vừa điếc vừa lòa ngay trong nhà mình, chỉ vì dại đột đánh mất TRUYỀN THÔNG CON NGƯỜI.

Tôi đang đọc quyển sách “Thông điệp FRATELLI TUTTI về tình huynh đệ & tình thân hữu xã hội” của Đức Giáo hoàng Phanxico. Dù nó cuốn hút tôi đến mức luôn ngồi xuống mâm cơm muộn giờ trong sự bực tức của vợ, nhưng dù thế tôi không thể không dừng lại trước những đoạn như thế này: 

“Những chiến dịch trên mạng có tính thù hận và hủy diệt, về phần chúng, không phải là một hình thức tích cực của sự tương trợ - như một số người muốn làm cho chúng ta tin như thế - song đó chỉ là một khối liên kết các cá nhân để chống lại một ai đó được cho là kẻ thù chung. Truyền thông kỹ thuật số cũng có thể đặt người ta trước nguy cơ nghiện ngập, cô lập và dần dần đánh mất sự tiếp xúc với thực tế cụ thể, chặn đứng sự phát triển các mối tương quan liên vị. 

Chúng không có những cử chỉ thân thiện, những diễn tả trên nét mặt, những khoảnh khắc thinh lặng, ngôn ngữ thân xác và thậm chí không có mùi hương, không có cái run rẩy của đôi bàn tay, sự đỏ mặt hay toát mồ hôi, là những điều có thể nói với chúng ta và là một phần của truyền thông con người. Những mối tương quan trên mạng, vốn không đòi hỏi sự vun xới dần dần tình thân hữu, sự tương tác ổn định hay việc xây dựng một sự đồng tâm nhất trí chín muồi qua thời gian, chúng có dáng vẻ của sự hòa đồng. 

Nhưng chúng không thực sự làm nên cộng đồng; thay vào đó, chúng có khuynh hướng che đậy và bành trướng cái chủ nghĩa cá nhân được biểu hiện nơi sự bài ngoại và sự coi thường những người yếu đuối. Sự kết nối trên mạng không đủ để xây dựng những nhịp cầu. Nó không có khả năng hợp nhất nhân loại”.

Nếu bàn phím không ấm nóng trái tim...

Tôi dừng lại không chỉ do tò mò trước suy nghĩ của một bậc giáo chủ Kito toàn cầu về thế giới hiện đại luôn vẫn là “sản phẩm của Chúa”, mà còn vì nó khiến tôi bỗng nhớ ra rằng tôi vẫn đang có những bà cô ruột, là em gái của bố tôi. Sau khi bố tôi mất, thì sự kết nối gần nhất giữa tôi với bố chính là thông qua các bà cô, đặc biệt là bà cô út. Cô đã để lại cả tuổi thanh xuân ở chiến trường, hầu như hết hy vọng trở về, chỉ để giữ cho anh trai - là bố tôi, chút sĩ diện của một cán bộ. Nhưng người lâu người mau, đã đến vài năm nay tôi không gặp họ, mặc dù khoảng cách giữa hai bên chỉ nửa tiếng xe chạy cao tốc. 

Hóa ra là vì, ngày nào, nếu muốn, tôi cũng có thể gọi điện thoại không mất tiền cho họ, qua các cài đặt thông minh, thậm chí còn nhìn thấy họ ăn nói, cười đùa, bực tức… như đang ngay trước mắt mình. Nhưng cũng chính vì thế mà đã nhiều năm tôi không biết mỗi buổi sáng, các bà cô của tôi đau đớn vì bệnh khớp ra sao, phải tiêm thuốc đề phòng những cơn bột phát tiểu đường, những đợt tăng huyết áp khốn khổ thế nào. Đã nhiều năm, không bao giờ tôi thấy các bà cô tôi đi lại vất vả, ăn uống vất vả, nói năng vất vả vì chứng bệnh tuổi già. Nói dại, bất ngờ họ mất đi, có lẽ mới là cơ hội để tôi nhìn thấy họ, trong hình hài của một thân xác lạnh ngắt.

Nhưng khi đó phỏng còn ích gì?

Tất cả đều nhờ/ đều do/ đều là hậu quả ở truyền thông kĩ thuật số! Hóa ra tiến bộ công nghệ luôn chứa trong đó ánh sáng trí tuệ và bóng tối của thói quen xấu mà nó tạo ra cho con người. Nếu chúng ta chỉ biết đến mặt này, mà không lường mặt kia, sẽ đến lúc chúng ta bị rơi vào một nghịch lý lớn: Có nhiều thông tin hơn bao giờ hết, nhưng ít sự thật hơn bao giờ hết, ít khôn ngoan hơn bao giờ hết. 

Viễn cảnh đáng sợ là chúng ta có nguy cơ trở thành những kẻ vừa điếc vừa lòa ngay trong nhà mình, chỉ vì dại đột đánh mất TRUYỀN THÔNG CON NGƯỜI.

Liệu có đáng để bạn dừng lại mỗi ngày, suy nghĩ về những cảnh báo mà tôi vừa chép lại?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top