TS. Lê Xuân Sang: "Kinh tế tư nhân có vai trò đặc biệt quan trọng về tính năng động trong nền kinh tế"
PV: Năm 2025 được coi là thời điểm "tăng tốc và bứt phá" để đạt kế hoạch cả nhiệm kỳ 2020-2025. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 8%, thậm chí 10% trong điều kiện thuận lợi, để tạo đà tăng trưởng hai con số cho giai đoạn tiếp theo. Ông đánh giá ra sao về mục tiêu này trong bối cảnh hiện nay?
TS. Lê Xuân Sang: Một dấu hiệu tích cực là từ nửa cuối năm 2023 lại đây, nền kinh tế đã dần thoát khỏi những khó khăn về tăng trưởng, đặc biệt xuất khẩu hàng hóa đã hồi phục rất đáng kể và rõ nét. Trong giai đoạn từ nửa cuối năm 2023 đến năm 2024, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô chủ chốt đã hồi phục, đạt hoặc vượt mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, gây ra những tác động nặng nề, đặc biệt là trong giai đoạn 2020 - 2021.
Với đà phục hồi từ vùng nền tăng trưởng thấp năm 2023 (5,05%), cộng thêm việc thoát dần khỏi tình trạng suy giảm, suy thoái tăng trưởng GDP của các nước đối tác lớn như Mỹ, EU và xu hướng gia tăng FDI đăng ký và thực hiện FDI ở mức kỷ lục, cũng như tác động yếu dần từ xung đột quân sự Trung Đông, Đông Âu,… chúng ta có nền tảng vững chắc hơn để tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8% với điều kiện không xuất hiện cú sốc mới. Thậm chí, nếu có thêm các yếu tố thuận lợi cả trong và ngoài nước, tăng trưởng hoàn toàn có khả năng chạm mốc 10%.
Tuy nhiên, việc đạt 10% và duy trì mức tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 5 năm là thách thức lớn. Cho đến nay, mới chỉ có Trung Quốc làm được điều này với mức trung bình khoảng 12%/năm giai đoạn 2003 - 2007, đồng thời vẫn giữ được ổn định vĩ mô và các cân đối lớn. Việt Nam chưa từng đạt mức tăng như vậy; thay vào đó, tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm lại có xu hướng giảm dần sau mỗi chu kỳ.
Để dự báo được liệu Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10% hay không, cần phân tích sâu hơn về bối cảnh trong nước và quốc tế, đặc biệt là tình hình kinh tế của các đối tác kinh tế lớn, bởi họ là yếu tố bên ngoài, song đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
PV: Quá trình phát triển kinh tế nhanh chóng của các "con rồng châu Á" như Hàn Quốc, Singapore trong nửa sau của thế kỷ 20 cho thấy, các nước này đạt mức tăng trưởng GDP trung bình từ 8-10% mỗi năm trong khoảng thời gian dài, nhờ những chiến lược phát triển kinh tế tập trung vào xuất khẩu, đầu tư cơ sở hạ tầng, và cải cách giáo dục. Quá trình này thường kéo dài khoảng 20-30 năm để các quốc gia chuyển đổi từ những nền kinh tế đang phát triển thành các nền kinh tế công nghiệp hiện đại, đạt mức thu nhập cao. So với các nước phát triển, cơ hội từ bên ngoài để Việt Nam có thể thực hiện được mục tiêu này trong bối cảnh hiện nay là gì?
TS. Lê Xuân Sang: Năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm ngoái, với mục tiêu trên 8% có thể khả thi. Trước hết, xét về chu kỳ kinh tế, nền kinh tế Việt Nam đang theo đà đi lên, cộng hưởng với việc nhiều đối tác kinh tế lớn của Việt Nam đang phục hồi đồng đều và rõ nét hơn. Trong giai đoạn 2023 đến đầu 2024, một số nước EU, nổi bật là Đức, từng có thời điểm rơi vào suy thoái, nhưng từ giữa năm 2024 trở đi, tình hình đã khởi sắc rõ rệt. Nền kinh tế Mỹ cũng lạc quan và phục hồi nhanh hơn dự báo. Khi các đối tác lớn phát triển tốt, xuất khẩu, nhập khẩu và dòng vốn FDI vào Việt Nam đều có cơ hội tăng trưởng tích cực.
Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang bước vào giai đoạn cắt giảm thuế quan sâu hơn, với những ví dụ điển hình như CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA… Nhờ vậy, khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng lợi thế thuế suất ưu đãi và tăng trưởng thương mại song phương của Việt Nam đều được thúc đẩy mạnh mẽ. Những nỗ lực của Việt Nam trong việc tham gia và thực thi các FTA thế hệ mới thời gian qua đã tạo điều kiện để hàng hóa, dịch vụ, cũng như dòng vốn đầu tư di chuyển dễ dàng hơn, đúng vào lúc thị trường nước ngoài đang dần hồi phục.
Một yếu tố quan trọng khác đến từ bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế phức tạp hơn, nhất là trong khu vực Đông Á, khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư. Nhiều dự án đang "né" và chuyển khỏi Trung Quốc do yếu tố địa kinh tế (nhất là chiến tranh thương mại - tài chính - công nghệ Mỹ - Trung) cũng như xu hướng tăng giá thành sản xuất, nhất là lương tăng tại nước này.
Thêm vào đó, một số "chỗ dựa" cho tăng trưởng cao đó là thúc đẩy đầu tư công cho những dự án "khổng lồ" (ví dụ Sân bay Long Thành,…) và một số dự án tư nhân trong nước.
PV: Vậy còn thách thức thì sao, thưa chuyên gia?
TS. Lê Xuân Sang: Nền kinh tế Việt Nam hiện nay đã ở trình độ phát triển cao hơn (đã trưởng thành hơn) so với các giai đoạn trước, khiến dư địa tăng trưởng không còn rộng như trước. Trong những năm 90, khi nền kinh tế còn nhỏ và nhiều nguồn lực chưa được khai thác, tăng trưởng hai con số vẫn chưa đạt. Hiện nay, việc đạt được mục tiêu này lại càng đòi hỏi phải cân nhắc cẩn trọng tăng trưởng “quá nóng” và những rủi ro trong bối cảnh thế giới hiện nay thường trực “tứ bất”: bất ổn, bất định, bất trắc, bất an.
Nhìn chung, những triển vọng tích cực về kinh tế và đầu tư của Việt Nam trong thời gian tới không tách rời khỏi những thách thức luôn song hành, nhất là khi tình hình bất định trên thế giới vẫn tiếp diễn.
Thách thức lớn đầu tiên đến từ việc cách thức ổn định vĩ mô trong 6 năm tới, khi giả sử Việt Nam đạt được mục tiêu đề ra. Nếu GDP năm 2030 tăng trưởng ít nhất 1,74 lần so với 2024 (tương đương mức tăng GDP vào 2025 ít nhất 8%, và ít nhất 10%/năm giai đoạn 2026 - 2030) thì chúng ta sẽ phải đối mặt với áp lực lạm phát rất lớn. Việc này xuất phát từ việc tín dụng ước tính tăng khoảng 16% vào năm 2025 và tăng ít nhất 20%/năm giai đoạn 2026 - 2030 (theo "thông lệ" Việt Nam: tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ước khoảng gấp 2 tăng trưởng GDP). Đặc biệt, chi tiêu công và đầu tư công các đại dự án tạo số nhân lớn nhất, qua đó đẩy lạm phát tăng mạnh.
Thách thức thứ hai là kiểm soát để các dòng tín dụng tăng chảy vào các dự án sản xuất, kinh doanh mong muốn, thay vì chảy vào đầu cơ/đầu tư tiền kỹ thuật số/bitcoin, thị trường cổ phiếu (dự kiến được nâng hạng lên Thị trường mới nổi trong năm nay), hay đầu cơ/thao túng các dự án bất động sản. Thách thức từ huy động vốn thông qua thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp cũng cần lưu tâm để vượt qua.
Bên cạnh đó, yếu tố "sức khỏe" của nền kinh tế Trung Quốc cũng tiềm ẩn nhiều tác động đáng lo ngại. Nền kinh tế nước này đang đối mặt giai đoạn tăng trưởng chậm lại ở mức dưới 5%, cùng nguy cơ tiếp tục suy giảm xuất khẩu, tiêu dùng suy yếu và nỗi lo về một "thập niên mất mát" như Nhật Bản trước đây. Thực tế này khiến hàng hóa Trung Quốc giá rẻ có khả năng ồ ạt tràn sang Việt Nam, nhất là khi Trung Quốc đã thiết lập 4 đại tổng kho lớn dọc biên giới. Trong tình thế bị bao vây cấm vận, doanh nghiệp Trung Quốc có xu hướng "đại hạ giá" để đẩy hàng tồn, và điều này có thể hỗ trợ Việt Nam về việc nhập khẩu đầu vào sản xuất với giá thấp. Giá xuất khẩu Trung Quốc có thể giúp đầu vào sản xuất Việt Nam rẻ hơn, song vấn đề đặt ra là liệu hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam có cạnh tranh nổi trước nguồn cung giá rẻ đó không, đặc biệt tại các thị trường mà cả hai nước cùng nhắm tới. Thị trường bất động sản vẫn chưa tan băng, đã và đang ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của mộ số ngành và một số địa phương (ví dụ, GRDP/thu ngân sách Hà Tĩnh năm 2023 bị ảnh hưởng mạnh vì xuất khẩu của Công ty Formosa sang Trung Quốc vị giảm mạnh). Đây là những thách thức đáng cân nhắc.
Thách thức thứ ba, trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ (gần đây là EU) với Trung Quốc ngày càng khốc liệt, tạo áp lực lớn trong việc kiểm soát hữu hiệu hàng xuất khẩu cũng như doanh nghiệp nước này chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt nam để tái xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh Mỹ phát hiện gian lận xuất xứ. Nếu không giám sát nghiêm ngặt Việt Nam có thể bị áp thuế cao và dễ bị cáo buộc là quốc gia thao túng tiền tệ, gây hậu quả tiêu cực rộng lớn hơn.
Thách thức thứ tư không kém phần quan trọng là do tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào tiến độ và chất lượng tiến trình tinh giản, sắp xếp lại bộ máy hành chính hiện nay. Thực tế vẫn còn tình trạng công chức, viên chức có tâm lý chờ đợi; cùng với đó, trong khoảng 3 - 5 năm trở lại đây, tâm lý sợ làm sai, làm việc cầm chừng vẫn còn tương đối phổ biến. Nói cách khác, tình trạng nhiều người e dè, không dám làm, không dám "dấn thân" với công việc như vậy có thể kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
PV: Dù có thể gặp nhiều thách thức như ông phân tích, nhưng trong 20 năm tới, Việt Nam bắt buộc phải tăng trưởng liên tục ở mức 2 con số, để có thể trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu đã đề ra. Với khát vọng cao như vậy trong kỷ nguyên mới, ông đánh giá ra sao về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân?
TS. Lê Xuân Sang: Kinh tế tư nhân có vai trò đặc biệt quan trọng về tính năng động trong nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần phân tích và nhìn nhận rõ ràng rằng, hiện nay, không phải doanh nghiệp tư nhân nào cũng có đủ năng lực cạnh tranh, nhất là dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ ở Việt Nam đang yếu về năng lực cạnh tranh, động lực phát triển thấp, trong khi một số doanh nghiệp tư nhân lớn lại có động lực phát triển mạnh mẽ. Để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, việc cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, thân thiện là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, chính những doanh nghiệp lớn cũng cần có trách nhiệm lan tỏa lợi ích đến doanh nghiệp nhỏ và cộng đồng địa phương.
Hiện nay, như đã biết, doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa được đối xử bình đẳng, trong khi việc vay vốn lại đòi hỏi tài sản thế chấp, đó là rào cản hầu như nước nào cũng có. Cách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam chưa hiệu quả, lại gặp phải tình trạng méo mó trong môi trường kinh doanh, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp nhỏ phải "chạy chọt", lo lót để tìm lợi thế thay vì nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhiều địa phương có những quỹ hỗ trợ phát triển hoặc quỹ bảo lãnh nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận được do thiếu tài sản thế chấp hoặc không có cơ chế bảo lãnh phù hợp; từ đó, động lực đầu tư cho đổi mới sáng tạo, công nghệ bị hạn chế. Các quỹ đổi mới công nghệ cho vay do Nhà nước thành lập cũng không được sử dụng hết, thậm chí phải trả lại vì doanh nghiệp không sẵn sàng vay trong bối cảnh rủi ro chưa được chia sẻ và môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập.
Bên cạnh đó, một hình thức hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân hiệu quả là hỗ trợ thông qua các cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, đây là hình thức hỗ trợ kết nối nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và đổi mới công nghệ thông qua kết nối các dịch vụ như tài chính, kỹ năng, quan hệ và chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp sẽ được kết nối nguồn vốn, học cách phát triển, thương mại hóa sản phẩm, thay vì chỉ nhận tiền hỗ trợ một lần rồi không biết cách sử dụng hiệu quả. Đáng tiếc là các thị trường tài chính ở Việt Nam, bao gồm tín dụng ngân hàng, chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu và các quỹ đầu tư… còn yếu và chưa được chú trọng phát triển.
Một vấn đề tồn tại lâu nay là trong hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ và văn hóa kinh doanh là Nhà nước chưa sẵn sàng chấp nhận rủi ro có tiên liệu. Ai cũng hiểu đầu tư, nhất là đầu tư cho công nghệ và đổi mới sáng tạo luôn tiềm ẩn rủi ro, nhưng chưa có cơ chế minh bạch và hợp lý để dự báo và quản lý rủi ro, bởi quy định "phải bảo toàn vốn" vẫn còn "ngự trị". Hậu quả là khó cho doanh nghiệp vay và doanh nghiệp cũng e ngại vay, nhất là trong các dự án đổi mới sáng tạo.
Muốn phát triển công nghệ, cần sớm có khung chính sách để Nhà nước dám cho vay và chấp nhận rủi ro có tiên liệu; phải chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc dự thảo đề án Fintech (công nghệ tài chính) sau thời gian dài vẫn chưa thể ban hành cho thấy sự mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn, không dám mạnh dạn đầu tư.
PV: Như vậy, đã đến lúc cần có chiến lược mới nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực then chốt của nền kinh tế?
TS. Lê Xuân Sang: Lâu nay, cách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam nhìn chung vẫn mang tính cũ, kém hiệu quả, một phần do thể chế còn nhiều bất cập và tình trạng tham nhũng chưa được giải quyết triệt để. Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, đồng thời đẩy mạnh các cơ chế gián tiếp như những cơ sở ươm tạo doanh nghiệp, ươm tạo công nghệ, vì đó là mô hình tốt nhất để kết nối "bốn nhà" (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà trung gian) và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Với doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa, đây là lĩnh vực được nhà nước hỗ trợ mà không vướng rào cản từ các hiệp định thương mại, nên cần tăng cường đầu tư cho khoa học công nghệ, thay vì chỉ đạt mức dưới 2% GDP và có xu hướng giảm dần, thậm chí năm 2023 còn khoảng 0,83%. Nhiều địa phương chú trọng cơ sở hạ tầng để "hưởng" lợi trước mắt, nhưng việc chi cho khoa học công nghệ không chỉ khó giải ngân mà còn đòi hỏi họ phải thực sự thấu hiểu giá trị lâu dài của việc đầu tư. Đây là bài toán chính các nhà quản lý địa phương cần giải quyết.
PV: Chính sách nền tảng nào cần được đề ra trong giai đoạn này để khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân?
TS. Lê Xuân Sang: Theo tôi, bước đầu tiên - dù đã được thực hiện nhưng vẫn còn chậm - là phải cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số thuận lợi kinh doanh (EBDI - Ease of Doing Business Index) để không giậm chân mãi ở vị trí "nhành nhàng bậc trung". So với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Malaysia hay Singapore, môi trường kinh doanh trong nước hiện chưa đủ hấp dẫn, khiến doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn, đồng thời tạo kẽ hở cho những doanh nghiệp trục lợi, gây bất bình đẳng.
Giải pháp then chốt trong giai đoạn này là đẩy mạnh thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Song song với đó, cần xây dựng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, nhất là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua việc nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn và đổi mới cơ chế ươm tạo. Hơn nữa, kênh ươm tạo công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả Nhà nước và tư nhân phải được duy trì một cách kiên định, với yếu tố cốt lõi là đội ngũ quản trị và chiến lược ươm tạo.
Ngoài ra, việc phát triển đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ đòi hỏi sự kiên định cao độ gắn với các tiếp cận chuyên nghiệp. Bài học thành công từ Hàn Quốc và Trung Quốc đã chứng minh tầm quan trọng của sự quyết tâm, một tinh thần "chịu chơi" trong đầu tư cho khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo mà Việt Nam cần học hỏi để có thể bứt phá và đi xa hơn trong tương lai.
PV: Trân trọng cảm ơn chuyên gia đã dành thời gian trao đổi với Reatimes!