
TS. Lê Xuân Sang: "Những quyết sách mang tính 'giải phóng nguồn lực' đã tạo sức bật mới cho nền kinh tế"
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động với xu hướng suy giảm do căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự và những chính sách khó lường từ các nền kinh tế lớn, nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng năm 2025. Nguy cơ chiến tranh thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng càng khiến môi trường kinh tế thế giới thêm bất ổn.
Dù chịu sức ép lớn từ bên ngoài, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2025, GDP tăng 7,52% - mức cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2025.
Trao đổi với Reatimes, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới đánh giá, đây là một tín hiệu đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Theo ông, việc đạt được mức tăng trưởng cao như vậy giữa lúc thế giới đầy biến động không chỉ thể hiện năng lực điều hành linh hoạt, kịp thời của Chính phủ mà còn cho thấy sự hồi phục nhanh chóng của các ngành kinh tế chủ lực, đặc biệt là sản xuất và dịch vụ.
TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới.
- Thưa ông, trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu đã chứng kiến nhiều biến động. Những yếu tố này đã tác động như thế nào đến Việt Nam?
TS. Lê Xuân Sang: Trong 6 tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với nhiều bất ổn, kéo dài từ năm trước đến hiện tại. Những biến động này có ảnh hưởng rõ nét tới nền kinh tế của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, thông qua các kênh thương mại, đầu tư và tài chính.
Yếu tố tác động mạnh mẽ nhất đến Việt Nam là các biến động địa kinh tế và địa chính trị, đặc biệt là sự cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc và EU. Điển hình là căng thẳng thương mại và chính sách thuế quan giữa Mỹ và các đối tác có thâm hụt thương mại lớn như Trung Quốc, Việt Nam. Những chính sách này gây áp lực không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng tới cán cân thương mại và môi trường đầu tư.
Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, Việt Nam lại nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ vị trí địa lý gần Trung Quốc và môi trường chính trị - kinh tế ổn định. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI và thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc và một số thị trường lớn khác giảm mạnh sản lượng xuất khẩu đã gián tiếp giúp hàng hóa Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Đồng thời, giá hàng nhập khẩu vào Việt Nam cũng giảm đáng kể, hỗ trợ phần nào cho chi phí sản xuất trong nước.
- Vậy theo ông, với mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt mức cao nhất trong gần 20 năm qua, và sự phục hồi rõ nét ở cả ba khu vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ), đâu là những yếu tố then chốt giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng tích cực, thậm chí trở thành “điểm sáng” giữa bối cảnh nhiều bất ổn toàn cầu? Liệu có điểm gì đặc biệt trong “sức đề kháng” của nền kinh tế Việt Nam lần này so với các giai đoạn trước?
TS. Lê Xuân Sang: Tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2025 là kết quả cộng hưởng của cả yếu tố bên ngoài và nội lực bên trong nền kinh tế Việt Nam. Về bối cảnh quốc tế, căng thẳng địa chính trị và sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh ấy, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã được nâng cao, giúp thu hút dòng vốn đầu tư và thương mại dịch chuyển mạnh mẽ vào trong nước, bao gồm cả dòng vốn từ Trung Quốc.
Một yếu tố quan trọng khác là chính sách thuế quan của Mỹ. Dù có những điều chỉnh thuế mới trong tháng 4/2025, mức tăng 10% thuế nhập khẩu, đi kèm với việc tạm hoãn 90 ngày lại vô tình tạo ra cơ hội cho các đối tác, trong đó có Việt Nam, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hợp đồng nhằm tránh các mức thuế mới. Điều này đã giúp hoạt động xuất khẩu và đầu tư trong giai đoạn đầu năm diễn ra sôi động.
Đáng chú ý, một số ngành xuất khẩu của Việt Nam như thép và nhôm, vốn đã quen với mức thuế cao từ trước (25%) nên ít bị ảnh hưởng bởi các chính sách mới. Thậm chí, Việt Nam còn được hưởng lợi khi các nước khác bắt đầu chịu mức thuế mới, trong khi Việt Nam đã “thích nghi” từ sớm.
Ngoài ra, đà giảm của kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là giá xuất khẩu đầu vào, đã tạo điều kiện cho Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu với chi phí thấp hơn, góp phần giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước.
Đà tăng trưởng còn được thừa hưởng từ nền tảng mạnh mẽ trong năm 2024, khi các doanh nghiệp duy trì nhịp phục hồi tích cực. Nhiều đơn hàng từ cuối năm trước tiếp tục được triển khai đầu năm 2025, càng củng cố thêm cho bức tranh tăng trưởng sáng sủa.
Đáng lưu ý, trong nửa đầu năm 2025, Việt Nam cũng đã triển khai một loạt chính sách cải cách có tính chất sâu rộng, thể hiện cam kết cải thiện môi trường kinh doanh và coi khu vực tư nhân là động lực trung tâm của nền kinh tế.
Tuy nhiên, một số cải cách hành chính, như việc sáp nhập các tỉnh, cơ quan và đơn vị hành chính có thể gây ra xáo trộn tạm thời về tổ chức cùng với tâm lý chờ đợi trong bộ máy, ảnh hưởng nhất định đến động lực làm việc trong khu vực công. Điều này cần được theo dõi kỹ hơn trong các quý tiếp theo để đánh giá toàn diện mức độ tác động.
Tổng thể, sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam trong đợt phục hồi lần này không chỉ đến từ khả năng thích nghi với bối cảnh quốc tế đầy biến động, mà còn nhờ vào nền tảng nội tại ngày càng vững chắc, cùng với tín hiệu cải cách mang tính chiến lược từ phía Chính phủ.
- Ông có nhắc đến những tín hiệu mang tính chiến lược từ Chính phủ, vậy ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chính sách kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong việc ổn định kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng?
TS. Lê Xuân Sang: Trong 6 tháng đầu năm 2025, các chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là chính sách tiền tệ và tài khóa, đã được điều hành theo hướng hỗ trợ tăng trưởng một cách rõ nét. Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất ưu đãi từ các năm trước, góp phần kích thích tín dụng và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn với chi phí hợp lý. Chính sách này phù hợp với mục tiêu trước mắt là đạt tăng trưởng GDP ở mức cao - khoảng 8% trong năm 2025, đồng thời tạo nền tảng cho mục tiêu tăng trưởng bền vững trong các năm tiếp theo.
Ở phía chính sách tài khóa, các biện pháp hỗ trợ được triển khai theo hướng giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, việc tiếp tục gia hạn, miễn giảm một số sắc thuế - đặc biệt là thuế giá trị gia tăng (VAT) đã có tác dụng tích cực trong việc kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất - kinh doanh.
Đáng chú ý, Chính phủ cũng có những bước đi quan trọng trong việc tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến thuế, đất đai và thủ tục pháp lý trong lĩnh vực bất động sản. Những cải cách này không chỉ giúp khơi thông dòng vốn cho các dự án đang “tắc nghẽn”, mà còn tạo cú hích đáng kể để thị trường bất động sản dần khởi sắc và lan tỏa sang các lĩnh vực liên quan như xây dựng, vật liệu, dịch vụ…
Nhìn chung, có thể đánh giá các chính sách kinh tế vĩ mô trong nửa đầu năm đã được vận dụng linh hoạt và nhất quán với mục tiêu kép: ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng. Tuy nhiên, để tạo ra những chuyển biến sâu rộng hơn, nhất là trong trung và dài hạn, cần tiếp tục cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo tính minh bạch, nhất là trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư công và thuế.
- Vậy theo ông, trong 6 tháng đầu năm, những quyết sách nào thực sự mang tính “tháo chốt chặn”, tạo động lực mạnh mẽ và tháo gỡ khó khăn cho sự phát triển của nền kinh tế? Ông có thể phân tích cụ thể về tầm ảnh hưởng của những quyết sách này không?
TS. Lê Xuân Sang: Nhìn một cách tổng thể, kết quả tăng trưởng tích cực của nửa đầu năm 2025 phần nào mang tính kế thừa từ nền tảng vững chắc của năm 2024, khi kinh tế Việt Nam đạt đà phục hồi mạnh và nhiều doanh nghiệp bắt đầu tái cơ cấu để thích ứng với bối cảnh quốc tế nhiều biến động.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng trong 6 tháng đầu năm nay, một số quyết sách quan trọng đã phát huy vai trò tháo gỡ các điểm nghẽn, tiếp sức mạnh cho doanh nghiệp và thị trường. Đáng kể nhất là các chính sách liên quan đến cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và hỗ trợ khu vực tư nhân.
Trong đó, việc tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, thuế và đất đai cho lĩnh vực bất động sản và xây dựng có tác động rất rõ. Những động thái này không chỉ giúp các dự án “hồi sinh” sau thời gian dài đình trệ, mà còn lan tỏa tích cực sang các ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu xây dựng, tài chính, logistics…
Một điểm đáng chú ý nữa là hiệu ứng từ các chính sách thuế quan quốc tế, cụ thể là quyết định tăng thuế của Mỹ. Việt Nam, với mức thuế áp vào hàng hóa gần như cao nhất thế giới ở một số lĩnh vực, lại trở thành bên có "độ trễ" trong việc thích ứng, khiến nhiều doanh nghiệp có xu hướng đẩy nhanh tiến độ sản xuất, ký kết và giao hàng để tránh bị áp mức thuế cao. Điều này đã tạo một nhịp tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất rõ nét trong hai quý đầu năm, dù mang tính chất ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ cũng bắt đầu tạo ra những tín hiệu tích cực, dù tác động rõ ràng có thể cần thêm thời gian để hiện thực hóa. Dẫu vậy, chúng đã góp phần tạo tâm lý lạc quan và chủ động trong cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn tư nhân lớn và các doanh nghiệp có năng lực thích ứng nhanh với xu hướng chuyển đổi công nghệ và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiều kết quả đạt được trong nửa đầu năm vẫn mang tính kế thừa, nhưng không thể phủ nhận vai trò của những quyết sách mới mang tính “giải phóng nguồn lực”, cả về thể chế lẫn tâm lý, đã tạo ra một động lực mới cho nền kinh tế. Điều này phản ánh rõ nét sức chống chịu, khả năng xoay chuyển và thích ứng nhanh của doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn nhiều thách thức.
- Trong bối cảnh các chính sách vĩ mô và cải cách thể chế được triển khai đồng bộ, đặc biệt là những quyết sách hướng tới khu vực tư nhân, ông đánh giá thế nào về “chất xúc tác” của Nghị quyết 68 trong việc tạo động lực cho sự hồi phục của khu vực doanh nghiệp, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động và sự gia tăng mạnh của hộ kinh doanh trong 6 tháng vừa qua?
TS. Lê Xuân Sang: Tình hình khởi sắc của khu vực doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm thể hiện qua số lượng doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động cũng như sự gia tăng mạnh của hộ kinh doanh. Đây là kết quả của nhiều yếu tố tổng hòa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Nghị quyết 68 của Chính phủ về phát triển kinh tế tư nhân đóng vai trò như một chất xúc tác mạnh, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Nghị quyết 68 đã gửi đi một thông điệp rõ ràng: Khu vực kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế và được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển. Chính điều này đã giúp nâng cao niềm tin và tâm lý lạc quan trong cộng đồng doanh nghiệp, khuyến khích họ chủ động mở rộng sản xuất - kinh doanh, tận dụng cơ hội thị trường, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế đang hồi phục mạnh mẽ.
Việc tiếp cận tín dụng, mặt bằng, đất đai, cũng như các nguồn lực đầu vào khác, vốn là những rào cản lâu nay, đã và đang dần được tháo gỡ thông qua các cơ chế chính sách cụ thể đi kèm với Nghị quyết. Đây là điều kiện quan trọng để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mạnh dạn quay lại thị trường hoặc khởi sự kinh doanh mới.
- Bên cạnh sự khởi sắc của doanh nghiệp trong nước, dòng vốn FDI vào Việt Nam cũng tăng mạnh nửa đầu năm. Theo ông, ngoài yếu tố chính sách, đâu là những nền tảng cốt lõi giúp Việt Nam giữ được sức hút đặc biệt với nhà đầu tư quốc tế?
TS. Lê Xuân Sang: Sức hút FDI vào Việt Nam không chỉ đến từ các chính sách ưu đãi và cải cách thể chế, mà còn là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố mang tính chiến lược và bối cảnh toàn cầu. Trong 4-5 năm gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam đã liên tục tăng trưởng mạnh, và đặc biệt năm nay ghi nhận giá trị FDI thực hiện ở mức cao nhất từ trước đến nay - một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư không chỉ cam kết mà còn thực sự triển khai dự án tại Việt Nam.
Một trong những yếu tố cốt lõi thúc đẩy xu hướng này là bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế toàn cầu. Trong khi nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro gia tăng và triển vọng tăng trưởng suy yếu, Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầu tư ổn định và an toàn. Nhiều nhà đầu tư quốc tế lo ngại Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng tương tự như “thập kỷ mất mát” của Nhật Bản trước đây, nên đã chủ động tìm kiếm điểm đến thay thế, và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu nhờ vào vị trí địa lý liền kề Trung Quốc, lại có môi trường đầu tư minh bạch và được đánh giá cao về ổn định chính trị.
Ngoài ra, vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được củng cố, với việc mở rộng các hiệp định thương mại tự do (FTA), duy trì quan hệ tốt với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,… Điều này tạo niềm tin cho doanh nghiệp FDI rằng Việt Nam là điểm đến đáng tin cậy về dài hạn.
Môi trường thuế quan cạnh tranh, chi phí sản xuất hợp lý, cùng với việc tích cực cải thiện kết cấu hạ tầng logistics và chuỗi cung ứng nội địa cũng là những yếu tố được đánh giá cao. Đặc biệt, trong bối cảnh doanh nghiệp toàn cầu cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau đại dịch và xung đột thương mại, Việt Nam nổi lên như “mắt xích chiến lược” nhờ vào khả năng kết nối nhanh, chi phí hiệu quả và sự sẵn sàng đáp ứng về nhân lực.
- Nửa đầu năm 2025, thị trường bất động sản Việt Nam đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Ông đánh giá thế nào về những tác động đến sự phục hồi này?
TS. Lê Xuân Sang: Thị trường bất động sản thời gian qua đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, và một phần quan trọng đến từ loạt giải pháp mang tính căn cơ mà Chính phủ đã triển khai. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc đẩy mạnh sửa đổi khung pháp lý liên quan đến đất đai, xây dựng và kinh doanh bất động sản - các lĩnh vực vốn được xem là “điểm nghẽn” nhiều năm qua.
Việc áp dụng đồng loạt các Luật sửa đổi: Luật Đất đai 2024, Luật Xây dựng 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và các văn bản pháp luật liên quan đã tạo hành lang pháp lý thông suốt hơn cho thị trường. Đặc biệt, việc thành lập các tổ công tác đặc biệt để trực tiếp xuống địa phương, rà soát và tháo gỡ những vướng mắc cụ thể trong quá trình triển khai dự án, được đánh giá là bước đi quyết liệt, mang tính hiếm có trong điều hành.V
Tác động của các giải pháp này không chỉ thể hiện ở mặt chính sách, mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực lan tỏa tới thị trường, đặc biệt là tại những địa phương có hệ thống hạ tầng đang được đầu tư mạnh. Một khi các rào cản pháp lý được tháo gỡ, thị trường như được “cởi trói” - dự án từng bị đình trệ có thể nhanh chóng tái khởi động, tạo ra hiệu ứng “dồn toa” đầu tư và dòng tiền.
Tại một số khu vực, giá bất động sản đã có những bước tăng trưởng đáng kể sau khi các điểm nghẽn được xử lý.
Ngoài ra, quá trình sắp xếp lại đơn vị hành chính và thu gọn đầu mối quản lý ở một số địa phương cũng góp phần tạo nên mặt bằng quản lý gọn nhẹ hơn, từ đó hỗ trợ tốt hơn cho nhà đầu tư và thị trường bất động sản tại chỗ.
- Vậy ông đánh giá thế nào về vai trò cũng như tiềm năng đóng góp của thị trường bất động sản vào tăng trưởng GDP và tạo việc làm trong thời gian tới?
TS. Lê Xuân Sang: Thị trường bất động sản đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực sau giai đoạn gần như "đóng băng" ở một số phân khúc và địa bàn trong thời gian trước. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi bất động sản là lĩnh vực có tác động lan tỏa lớn đến tăng trưởng GDP, việc làm và hàng loạt ngành công nghiệp phụ trợ như vật liệu xây dựng, logistics, tài chính, ngân hàng, nội thất...
Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận: Hiện vẫn còn không ít doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt là những đơn vị có dư nợ trái phiếu cao. Việc xử lý các tồn đọng trong lĩnh vực tài chính doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng để tạo nền tảng vững chắc cho sự phục hồi và phát triển bền vững của thị trường.
Một yếu tố nữa cũng cần đặc biệt lưu ý là chính sách thuế đối với bất động sản. Chẳng hạn, nếu sắp tới ban hành chính sách đánh thuế căn nhà thứ hai hoặc các loại thuế liên quan đến tài sản, tác động sẽ rất lớn. Việc thiết kế chính sách cần được tính toán kỹ lưỡng, hài hòa giữa mục tiêu tăng thu ngân sách với yêu cầu ổn định và phát triển thị trường.
Về dài hạn, bất động sản vẫn là lĩnh vực đầy tiềm năng nhờ hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi. Trước hết, hệ thống rào cản pháp lý đang từng bước được tháo gỡ với sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, tạo môi trường minh bạch và thông thoáng hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào cho xây dựng, đặc biệt là nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và một số thị trường khác, đang có xu hướng giảm, giúp giảm áp lực tài chính cho các nhà đầu tư. Đáng chú ý, nhu cầu nhà ở, nhất là phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp, vẫn còn rất lớn. Nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp, đây sẽ là dư địa quan trọng để thị trường bất động sản phát triển bền vững trong những năm tới.
- Trong bức tranh kinh tế 6 tháng cuối năm và dài hạn hơn, ông có khuyến nghị chính sách nào để Việt Nam tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời ứng phó hiệu quả với các biến động trong và ngoài nước?
TS. Lê Xuân Sang: Nhìn về 6 tháng cuối năm và xa hơn, thị trường trong nước, đặc biệt là các lĩnh vực như bất động sản và công nghiệp, vẫn được đánh giá có xu hướng tích cực. Tuy nhiên, sẽ có một số yếu tố không còn thuận lợi như trước, nhất là trong quý III, thời điểm xuất nhập khẩu thường chững lại. Trước đây, việc “chạy” để tận dụng ưu đãi thuế quan từng tạo ra áp lực lớn cho hoạt động xuất khẩu, nhưng hiện tại sức ép đó đã giảm, khiến thị trường quay trở lại trạng thái bình thường. Có khả năng sang quý IV, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ khởi sắc trở lại.
Tuy vậy, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm, dù đã có nhiều biện pháp thúc đẩy và chỉ đạo sát sao từ trung ương. Trong bối cảnh đó, khu vực tư nhân cần được xem là một động lực quan trọng để bù đắp cho sự trì trệ liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục tháo gỡ rào cản và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực trọng điểm. Đặc biệt, việc hoãn điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước gần đây cũng là một yếu tố tích cực, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm nhiều khó khăn.
Một điểm sáng khác là bộ máy hành chính đang dần định hình rõ nét hơn, các vị trí và trách nhiệm đã được xác lập, giảm bớt tình trạng chờ đợi và trì trệ từng tồn tại trước đó. Tuy nhiên, hiệu quả vận hành của bộ máy này sẽ còn phụ thuộc vào từng địa phương và điều kiện triển khai thực tế. Do đó, chính sách thời gian tới cần đồng bộ hơn nữa, tập trung thúc đẩy giải ngân đầu tư công, hỗ trợ khu vực tư nhân, và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để Việt Nam có thể phát huy kết quả đạt được và ứng phó hiệu quả với các biến động trong và ngoài nước.
- Trân trọng cảm ơn TS. Lê Xuân Sang về cuộc trao đổi. Những phân tích sắc sảo và kiến nghị chính sách từ ông sẽ là nguồn tham khảo giá trị, góp phần định hình các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.