Aa

TS. Trần Du Lịch: 10 thách thức kinh tế cần giải quyết trong năm 2018

Thứ Năm, 11/01/2018 - 06:00

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, năm 2018 bên cạnh việc thúc đẩy tăng trưởng Chính phủ cần phải tập trung giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế.

Kế hoạch kinh tế năm 2017 của Việt Nam được thực hiện thành công với chỉ số GDP tăng kỷ lục 6,81% so với 2016, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu cũng đã hoàn thành.

Chia sẻ với PV, TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận: Nếu với đà này, trong ba năm tới 2018 - 2020, kinh tế sẽ đi vào thời kỳ khởi sắc hơn giai đoạn trước.

Kế hoạch 2016 - 2020 sẽ đánh dấu thời kỳ chấm dứt giai đoạn "cứ 5 năm sau kém hơn 5 năm trước" kéo dài suốt 15 năm qua, tính từ 2001 - 2015.

TS. Trần Du Lịch

TS. Trần Du Lịch

PV: Bức tranh kinh tế 2017 nhiều người đánh giá khá ngoạn mục, nhưng cũng có người băn khoăn về chỉ số tăng trưởng này, quan sát những gì đang diễn ra, ông nhận định thế nào?

TS. Trần Du Lịch: Những gì diễn ra 6 tháng cuối năm so với những gì diễn ra đầu năm 2017 đã có bước thay, đổi, phát triển khá ngoạn mục. Tôi thấy có những điểm lớn như sau:

Thứ nhất, năm nay tăng trưởng kinh tế 6,81% là không bàn cãi, những tổ chức quốc tế cũng đã công nhận con số này. Nhưng điều đáng quan tâm là xuất khẩu khá tốt, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay đạt 420 tỷ USD, xuất siêu hơn 3 tỷ USD.

Trong đó, ấn tượng nhất là nông sản đạt con số 36 tỷ USD, lần đầu tiên xuất khẩu hoa quả đạt 3,5 tỷ USD, trong khi gạo chỉ 2,6 tỷ USD. Đây là con số chứng tỏ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng của miền Nam là đúng hướng và đã mang lại hiệu quả ngay tức thì.

Chúng ta cứ theo đuổi xuất khẩu gạo như trước đây năng suất rất thấp, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Duy trì quỹ đất cho trồng lúa ở mức phù hợp để bảo đảm an ninh lương thực thôi, còn hiệu quả sử dụng đất phải là chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hiện nay rau quả là thế mạnh của chúng ta, mang lại lợi nhuận cao và đất đỡ bạc màu. Tin vui mới là Mỹ vừa chấp nhận nhập khẩu vú sữa Lò Rèn của Việt Nam một thị trường rất khó về an toàn thực phẩm, bảo hộ rất mạnh.

Nếu mở được thị trường hoa quả vào Mỹ và các nước châu Âu thì nền nông nghiệp công nghệ cao sẽ phát triển trong tương lai

Chỉ số ấn tượng nữa trong năm nay là số doanh nghiệp đăng ký mới lên tới gần 127.000, nếu trừ đi số doanh nghiệp ngưng hoạt động còn lại khoảng 80 ngàn, cũng cao nhất trong những năm trở lại đây. FDI cũng tăng trưởng tốt.

Xét về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, ngoài tăng trưởng, năm nay kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%, trong khi tín dụng tăng trưởng khoảng hơn 18%, bảo đảm yêu cầu về vốn cho nền kinh tế.

Đặc biệt năm nay Chính phủ điều chỉnh giá điện, giá dịch vụ y tế… nhưng không gây lạm phát. Dự trữ ngoại tệ lớn, tỷ giá ổn định, đồng tiền Việt Nam là một trong những đồng tiền được các tổ chúc thế giới đánh giá là có giá trị ổn định nhất khu vực châu Á

Hệ thống ngân hàng còn nhiều vấn đề, nhưng được đánh giá là chuyển biến từ ổn định sang tích cực.

Vấn đề quan trọng là nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ rất quyết liệt, trong đó việc triển khai nghị quyết 19 cắt giảm thời gian khai thuế, hải quan, thông quan. Tháo gỡ vướng mắc nghị quyết 35 về hỗ trợ khởi nghiệp, rà soát lại điều kiện kinh doanh, đặc biệt trong vấn để tổ chức sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước.

Chính phủ đưa ra thông điệp rất minh bạch, rõ ràng không bán sữa, bán điện, bán bia. Cái gì thị trường làm được để thị trường làm, tạo niềm tin tốt cho nhà đầu tư.

PV: Vậy theo ông, những điểm nghẽn về nợ công đe dọa nền kinh tế, BOT, ngân sách chi thường xuyên quá lớn, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại… của Chính phủ trong 2017 cần có hướng giải quyết triệt để thế nào cho năm 2018?

TS. Trần Du Lịch: Nền kinh tế vẫn đang đứng trước những thách thức.

Mặc dù xuất khẩu tăng cao, nhưng vẫn đang đối diện với chủ trương bảo hộ mậu dịch dưới nhiều hình thức. Sản phẩm trong nước vẫn chưa bảo đảm uy tín trên thị trường xuất khẩu, cần kiểm soát, chặt chẽ hơn nữa.

Nhiều doanh nghiệp còn hám lợi, làm ăn gian dối, mất uy tín, như câu chuyện về Khaisilk chẳng hạn. Chúng ta phải nỗ lực để giảm thẻ vàng về xuất khẩu hải sản sang châu Âu, nếu không làm tốt sẽ rất khó khăn.

Công nghiệp chế tạo, chế biến tăng trưởng cao, chủ yếu nhờ Samsung, nhưng năm tới Samsung khó tăng trưởng cao, kỳ vọng 8% chứ không được 18 - 19% như năm nay

Vấn đề nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước trong giải quyết ngân hàng thương mại khá nhiều nhưng chưa giải quyết dứt điểm về sở hữu chéo. Mặc dù có cơ chế, nhưng chưa có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề nợ xấu, thanh lý tài sản, nâng cao độ an toàn của hệ thống thông qua chỉ số về tỷ lệ giữa vốn tự có của ngân hàng so với tổng tài sản.

Đặc biệt với doanh nghiệp, nếu tình hình lạm phát ổn định ở mức tương đối thấp như hiện nay thì lãi suất tương đối cao, vì muốn giảm lãi suất cho vay thì phải giảm lãi suất huy động. Nhưng giảm lãi suất huy động sẽ khó khăn vì người gửi tiền sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác. Đó là yếu tố tâm lý.

Bây giờ người dân của mình không coi ngân hàng là nơi gửi tiền nhãn rỗi nữa, mà đó là kênh đầu tư. Nếu không có lời họ sẽ chuyển sang kênh đầu tư khác. Đây là thách thức với chính sách tín dụng

Vấn đề rất quan trọng là phải kéo giảm dần chi thường xuyên để lành mạnh hóa tài chính công. Hiện nay chi thường xuyên có giảm một chút, nhưng tỷ lệ ở mức 64 - 65% thâm hụt chi ngân sách là quá cao. Nhưng giảm chi thường xuyên tùy thuộc vào cải cách bộ máy, tinh giảm bộ máy, không thể làm trong 1 năm, nên áp lực ngân sách là rất lớn

2017 nổi lên vấn đề quan trọng là BOT. Chủ trương thì đúng, nhưng từng dự án thì không phải cái nào cũng đúng. Kiểu làm “bán bia kèm mồi” là sai, dân phản ứng, gây bất lợi cho nhà đầu tư chân chính và cả nhà nước, đặc biệt gây bất lợi cho chủ trương công tư đối tác, phải xử lý trong năm tới

Cải cách hành chính nói vậy chứ để doanh nghiệp hưởng lợi cũng còn khá nhiều khoảng cách, như trong Luật Xây dựng. Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng “trên nóng dưới lạnh”, riêng tôi thấy ở địa phương các lãnh đạo rất cầu thị, nhưng từ trên xuống dưới là cả bộ máy chứ đâu phải chỉ riêng lãnh đạo, nếu bộ máy bên dưới không vận hành theo thì thách thức rất lớn khiến Chính phủ phải đương đầu

Nguồn chi lớn nhất của Chính phủ hiện nay là cho y tế, phải xây dựng cơ chế nào cho các tổ chức xã hội hoá y tế và sự nghiệp công để giảm đầu tư công.

PV: Ngoài ra, yếu tố địa chính trị quốc tế còn khá phức tạp, như tình hình Trung Đông chẳng hạn. Trong khi đó nền kinh tế Việt Nam vùng đệm dự phòng an toàn trước những biến động của khu vực và thế giới còn non lắm, nếu xuất khẩu nước nào đó bị biến động sẽ ứng phó ra sao? Sẽ lại phải giải cứu dưa hấu, thịt heo mãi sao?

TS. Trần Du Lịch: Chính vì vậy năm 2018 cả Quốc hội và Chính phủ đều đưa ra mục tiêu dè dặt chỉ tăng trưởng 6,5-6,7% thôi, thậm chí 6,5% cũng được, vì yếu tố tác động ngoạn mục cuối năm 2017 không tồn tại mãi.

Vấn đề rất căn cơ nữa là năng lực cạnh tranh, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư còn thấp. Tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, không phải nhờ năng suất. năng suất tổng hợp chỉ đạt 30%, công nghệ lạc hậu, công nghiệp chủ yếu gia công ở phân khúc chuỗi giá trị gia tăng thấp.

Những điều như vậy 2018 phải tập trung giải quyết, chứ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng.

PV: Nhìn về bức tranh kinh tế 2018, ông dự đoán thế nào?

TS. Trần Du Lịch: Tôi cho rằng Chính phủ vẫn tiếp tục cải cách, ổn định vĩ mô, tập trung giải pháp để chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế trong mô hình doanh nghiệp nhà nước, trong nông nghiệp phải đi vào công nghệ cao, không đại trà.

Phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ, không dựa vào Samsung mãi được vì không bền vững.

Đặc biệt phải sửa đổi một số luật chồng chéo mâu thuẫn do quá trình đổi mới trong lĩnh vực đầu tư công, xây dựng, tháo gỡ thủ tục vướng mắc làm trì trệ các dự án do luật. Cơ chế phân cấp, phân quyền minh bạch…

Kỳ vọng thị trường, tôi cho rằng 2018 thị trường chứng khoán tương đối khởi sắc, đang có xu hướng tăng dần số doanh nghiệp huy động trái phiếu, giảm tỷ lệ vay ngân hàng thương mại. Qua đánh giá, phần lớn doanh nghiệp niêm yết tỷ lệ sinh lời cao, vốn hóa tương đối ổn định.

Bất động sản tương đối triển vọng, nhưng phải luôn cảnh giác yếu tố bong bóng, chính phủ phải kiểm soát vay tín dụng ở mức an toàn, tránh vết xe đổ 2007.

Thị trường du lịch năm 2017 khởi sắc mạnh, lần đầu tiên đạt 13 triệu khách du lịch quốc tế, nhưng để 2020 trở thành kinh tế mũi nhọn, phải phát triển đồng bộ các sản phẩm du lịch, nâng tỷ lệ khách quay trở lại.Hiện nay khách quay trở lại chưa tới 20%.

Thị trường nội địa với chính sách cho vay tín dụng hiện nay, sức mua 2018 sẽ tăng trưởng tốt, dân Việt Nam chịu tiêu tiền nếu chúng ta mở tín dụng tiêu dùng, kể cả mua nhà ở, sở hữu chung nhà ở, vật dụng tiêu dùng.

Xin cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top