Aa

TS. Phạm Sỹ Liêm: "Đừng biến Hoà Lạc trở thành thành phố ngủ"

Thứ Ba, 26/09/2017 - 06:00

Theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - việc xây dựng đô thị đại học ở Hoà Lạc bị chậm trễ nhiều năm do không được coi trọng, muốn thu hút sinh viên và giáo viên về đây, phải xây dựng nơi này thành một đô thị hoàn chỉnh chứ không phải thành phố "ngủ".

Ngày 12/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với ĐH Quốc gia Hà Nội. Tại đây Thủ tướng đã thể hiện quyết tâm xây dựng đô thị đại học tầm cỡ quốc tế. 

Thủ tướng cho biết ngay sau cuộc làm việc sẽ xuống hiện trường thị sát công tác xây dựng dự án ĐH Quốc gia ở Hoà Lạc để đưa chủ trương, quyết tâm có một khu đô thị đại học thành hiện thực, chứ không phải “cứ ngồi hội trường bàn mãi”. Điều này mở ra cơ hội mới, đánh thức dự án sau cả thập kỷ "mơ ngủ". PV Reatimes phỏng vấn TS. Phạm Sỹ Liêm để có cái nhìn đa chiều về câu chuyện này. 

PV: Dự án xây dựng đô thị đại học ở Hoà Lạc sau nhiều năm "bế tắc", mới đây đã được Thủ tướng gỡ vướng. Tín hiệu này mở ra hy vọng gì, thưa ông?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Dự án đô thị đại học ở Hoà Lạc là việc chúng ta nói từ lâu mà không làm. Ở các nước, đô thị đại học thường gắn với khu công nghệ cao, chẳng hạn như thung lũng silicon của Hoa Kỳ cũng gắn với các trường đại học mạnh, bởi chính trường đại học sẽ hợp tác với các doanh nghiệp để xây dựng khu công nghiệp hiện đại, tiên tiến, công nghệ cao.

Với Hòa Lạc, việc xây dựng đô thị đại học là yếu tố đầu tiên cần phải có để làm nòng cốt kết hợp với phát triển công nghệ cao. Tuy nhiên việc làm này bị chậm trễ dẫn đến hệ quả các doanh nghiệp đầu tư vào đây rất ít. Và bây giờ, Thủ tướng khắc phục những nhược điểm ấy bằng cách đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu đô thị đại học. Đây là việc làm hết sức cần thiết.

TS. Phạm Sỹ Liêm

TS. Phạm Sỹ Liêm

PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc hơn một thập kỷ, dự án vẫn gần như “dậm chân tại chỗ”?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Tôi nghĩ sự chậm trễ đến một phần từ việc dự án này không được coi trọng. Những người có trách nhiệm không nhận thức được tầm quan trọng của việc phải xây dựng một khu đô thị đại học. Cho nên, trong bối cảnh ngân sách nước nhà luôn luôn căng thẳng và thiếu, thì người ta không coi đây là một ưu tiên, vì thế, dù không bỏ qua hoàn toàn, nhưng lại rót tiền vào những dự án khác. Đấy là lý do dự án này đã bị bỏ lỡ.

Nhưng thực tế, chúng ta phải nhận thức rằng, xây dựng khu đô thị đại học chính là xây dựng hạ tầng xã hội. Bởi muốn phát triển, không chỉ lo đến hạ tầng kinh tế như làm cầu, đường mà hạ tầng xã hội mới chính là nền móng.

Hà Nội có một khu công nghệ cao sẽ thu hút được nhiều vốn, đầu tư hơn. Nơi này sẽ tạo ra chuỗi giá trị vì nó không đơn thuần chỉ là sản xuất mà sẽ thúc đẩy chuỗi các giá trị khác, do đó góp phần tăng trưởng kinh tế của thành phố, tạo nhiều việc làm, tạo thêm thu ngân sách…

PV: Trước đây, dự án khu đô thị đại học đã được chuyển giao từ ĐH Quốc gia Hà Nội về Bộ Xây dựng quản lý. Nay ĐH Quốc gia Hà Nội lại kiến nghị chuyển giao công trình từ Bộ Xây dựng về và ủy quyền quyết định đầu tư cho trường. Theo ông, đề xuất này có hợp lý?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Theo tôi, đề xuất hợp lý bởi vì làm hay tổ chức một việc gì cũng cần phải có động lực thúc đẩy. Bộ Xây dựng quản lý dự án này, tôi không hiểu có đủ động lực để hoàn thành nhiệm vụ ấy không, vì Bộ còn bao nhiều việc chứ không phải riêng việc này. Nếu giao cho ĐH Quốc gia tự quản lý, việc này gắn chặt với lợi ích của họ nên họ có động lực để tham gia.

Tuy nhiên phải chú ý đến nhược điểm là họ không có nghiệp vụ quản lý một dự án lớn với nguồn vốn khổng lồ thế này, nên nếu họ muốn làm chủ để quản lý thì họ phải thuê tư vấn làm dịch vụ quản lý dự án đó. Ví dụ như tập đoàn Samsung trong một năm đầu tư hàng tỷ đô la vào Bắc Ninh, Thái Nguyên, thu hút hàng vạn công nhân một cách nhanh chóng, đấy là vì họ sử dụng tư vấn chuyên nghiệp để quản lý, họ chỉ làm chủ đầu tư thôi. Còn ở ta, các chủ đầu tư công cứ thích tự mình quản lý để tạo ra lợi ích nhóm.

Thế nên tôi lưu ý, trong việc này, nếu giao dự án về ĐH Quốc Gia quản lý thì Chính phủ nên kèm theo điều kiện, không thể để họ tự quyết được. Nếu không có nghiệp vụ, sẽ phát sinh thêm rất nhiều chi phí, gây lãng phí tiền của, mà cũng chưa biết đến khi nào dự án được kết thúc vì rất có thể, ai đó hưởng lợi từ việc kéo dài dự án. Còn nếu thuê bên ngoài, sẽ có quyền khoán thời gian và bên quản lý phải thực hiện theo tiến độ hợp đồng đề ra.

PV: Một trong những vướng mắc lớn nhất có lẽ chính là tâm lý, cả sinh viên và giáo viên vẫn ngại phải xa trung tâm Thủ đô, và vì thế mới dẫn đến việc “không ai vội cả” trong thực hiện dự án khu đô thị đại học. Theo ông, làm thế nào để tháo gỡ vướng mắc này?

TS. Phạm Sỹ Liêm: Trong quy hoạch xây dựng khu đô thị đại học, sinh viên đương nhiên phải ở ký túc xá. Cho nên ký túc xá phải xây dựng đủ cơ sở vật chất như làng sinh viên. Còn thầy giáo, muốn thu hút người ta thì phải tạo ra những chỗ ở tốt.

Tôi đã đến Chu Hải, đặc khu của Trung Quốc, thời gian đầu, họ lập trường ĐH Chu Hải, muốn thu hút giáo sư giỏi của toàn Trung Quốc về đấy, họ xây một khu biệt thự. Mỗi giáo sư được giao 1 căn biệt thự cộng thêm cái ô tô để di chuyển. Khu biệt thự được xây dựng ở dưới chân núi rất đẹp. Thế nên nơi này mới thu hút được nhiều người giỏi tới giảng dạy. Chứ đương nhiên, nếu điều kiện ăn ở không thuận lợi, lại xa xôi thì không ai muốn về.

Ngoài ra, phải xây dựng một hệ thống xe bus nhanh. Giờ đừng lãng phí làm bus nhanh trong nội thành nữa mà chuyển ra Đại lộ Thăng Long. Khoảng vài phút lại có một chuyến xe bus, như vậy, sinh viên có thể từ trung tâm Thủ đô di chuyển về khu đô thị đại học. Vì đương nhiên không phải tất cả đều ở ký túc xá, nhất là những sinh viên gốc Hà Nội, có nhà ở trung tâm. Các giáo sư cũng có thể đi lại như thế. Muốn thu hút người ta lên thì phải có cơ chế chứ không phải cứ nói là nhiệm vụ, nghĩa vụ để ép người ta.

Phải quan niệm khu đại học là thành phần của một đô thị chứ không phải một hòn đảo, phải đi kèm các tiện ích như bệnh viện, trường học, ăn uống, giải trí... Ngay bản thân khu đại học phải có đặc điểm riêng của nó. Ví dụ tụ tập nhiều thanh niên ở một chỗ mà không có hoạt động giải, thể thao thì cũng không ổn, cuối cùng phát sinh ra tiêu cực tệ nạn như bài bạc... Còn thầy giáo cũng không thể chỉ hết giờ dạy rùi về ôm cái tivi, phải có nhà hát, rạp chiếu phim... Phải xây dựng Hòa Lạc trở thành một khu đô thị hoàn chỉnh chứ không phải một thành phố "ngủ".

Xin cảm ơn ông!

Tại cuộc họp ngày 12/9 với ĐH Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng đồng ý kiến nghị của Giám đốc Nguyễn Kim Sơn liên quan dự án xây dựng tại Hòa Lạc, trước hết là việc chuyển dự án, ủy quyền quyết định đầu tư cho ĐH Quốc gia Hà Nội.

Về kiến nghị phê duyệt chủ trương vay ODA từ Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm, cấp bách, Thủ tướng đồng ý, giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính, ĐH Quốc gia Hà Nội thống nhất phương án cụ thể, báo cáo Thủ tướng quyết định.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết ngày 20/6 vừa qua, ông đã ký ban hành Nghị định 74 quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Với tinh thần ủng hộ, Thủ tướng giao ĐH Quốc gia Hà Nội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan đề xuất cơ chế chính sách đặc thù cho dự án xây dựng tại Hòa Lạc.

Đối với một số kiến nghị khác như thí điểm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng cho hoạt động khoa học công nghệ, thi đua khen thưởng, việc xét lương đối với giáo sư, phó giáo sư…, Thủ tướng đều thể hiện tinh thần ủng hộ, giao các bộ, ngành liên quan xem xét, giải quyết. Vấn đề nào vướng mắc, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top