Aa

TS. Phan Hữu Thắng: Các tập đoàn tư nhân Việt đang buộc ông lớn nước ngoài thay đổi cách chơi tại Việt Nam!

Thứ Hai, 11/02/2019 - 07:02

Trao đổi với Trí Thức Trẻ, TS. Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết bất động sản, viễn thông, dầu khí,... là những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đang có sự vượt trội hơn doanh nghiệp FDI.

FDI 4.0 cho thời gian tới 

PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình thu hút FDI trong năm 2018?

TS. Phan Hữu Thắng: Các số liệu ghi nhận cuối năm 2018 đều cho thấy Việt Nam đang làm rất tốt trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chúng ta vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng.

Nguyên nhân là môi trường chính trị của Việt Nam ổn định, Chính phủ cũng đang quyết tâm cao về cải cách, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư, nhờ đó, nhiều thủ tục hành chính đã được cắt giảm.

Mặt khác, bản thân doanh nghiệp trong nước cũng như FDI đều cảm nhận được sự chuyển biến này, hứa hẹn cho họ một tương lai sáng sủa, bền vững hơn khi kinh doanh tại Việt Nam. Nhờ vậy, dòng vốn đầu tư đã được thúc đẩy tích cực, mang lại kết quả cụ thể như chúng ta đã thấy.

Tất nhiên là những gì chúng ta làm được chưa hoàn hảo, vẫn còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết trong vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đó là những tồn tại từ nhiều năm nay rồi. Đơn cử như sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI còn yếu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển đáp ứng các nhu cầu, nhiều thủ tục hành chính vẫn còn vướng mắc...

Vấn đề môi trường vẫn chưa xử lý được hay đời sống của công nhân các khu công nghiệp cũng đang đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các bên liên quan. Như vậy, dù rằng năm 2018 được coi là khá thành công trong việc thu hút FDI thì năm 2019, Việt Nam vẫn cần các quyết tâm lớn về cải cách nhằm rút ngắn các đầu mục tồn tại này.

PV: Thời gian gần đây Việt Nam đang nói nhiều đến việc cần phải chuyển đổi cho dòng vốn FDI. Ông định nghĩa vấn đề này như thế nào?

TS. Phan Hữu Thắng: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói rằng phải đổi mới trên nền tảng của 4.0, coi đây là động lực mới cho sự phát triển. Công nghệ 4.0 đang tạo ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam mà nếu biết nắm bắt, chúng ta sẽ rút ngắn được khoảng cách với những nước đang phát triển.

Đối với thu hút vốn FDI, điều này hàm nghĩa chúng ta không nên chỉ thu hút FDI theo cách truyền thống nữa mà cần đến một dạng đầu tư mới, có thể gọi là FDI 4.0.

Ví dụ như đầu tư nông nghiệp 4.0, vậy yếu tố công nghệ ở đây là cái gì, cần áp dụng những thứ tiên tiến gì để nâng cao năng suất lao động, tính hiệu quả..., thì Việt Nam sẽ chủ động trong việc thu hút những dòng vốn đó. Ngoài ra, cần phải nghĩ đến những khâu khác trong nông nghiệp, như chế biến, bán hàng... Cách tư duy này áp dụng với tất cả các nhóm ngành khác. Vốn FDI phải đi vào từng chi tiết như vậy.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là bỏ qua việc thu hút FDI vào những ngành truyền thống. Chúng ta vẫn phải duy trì thôi. Đơn cử như bất động sản. Dù vậy, cách làm phải khác. Đó phải là smartcity chứ không cứ là căn hộ, khách sạn bình thường.

Những điều này đặt ra yêu cầu trong việc thu hút các nhà đầu tư mới, còn với những "người cũ", chúng ta cần gợi ý để họ chuyển hướng, phù hợp với định hướng mới của Việt Nam.

Sự di cư của các nhà máy và cơ hội cho Việt Nam 

PV: Nhiều dấu hiệu đang cho thấy các nhà máy sản xuất cho Apple, Samsung có thể dịch chuyển sang Việt Nam. Ông nghĩ gì về điều này?

TS. Phan Hữu Thắng: Như mọi người thấy đấy, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ chưa đến hồi kết. Hệ quả là những tác động vế thuế, rồi những thứ khác nữa đang buộc các nhà máy phải chuyển dịch. Mà giờ tốt nhất, gần nhất với Trung Quốc chính là Việt Nam. Chúng ta có chính sách tốt, điều kiện thuận lợi về chính trị, kinh tế vĩ mô, lại đang mở cửa rất mạnh, nên họ lựa chọn thôi.

PV: Nhưng liệu chúng ta có tận dụng được cơ hội? Bài học giai đoạn 2007 – 2008 khi Việt Nam vừa gia nhập WTO đã đặt ra câu hỏi cho nhiều người về khả năng hấp thụ lượng khi lượng vốn ngoại đổ mạnh vào nền kinh tế.

TS. Phan Hữu Thắng: Những lo lắng đó cũng có phần đúng nhưng việc nói Việt Nam không hấp thụ được thì không chính xác. Việc không hấp thụ được có một phần do mình, một phần nhỏ khác là do doanh nghiệp nước ngoài.

Ví dụ như khâu tổ chức thực hiện, nếu chúng ta không có sự giám sát chặt chẽ, hỗ trợ cần thiết cho nhà đầu tư, buộc họ phải tự xoay sở, họ sẽ rời bỏ thôi. Hay cơ sở hạ tầng trong nước không tốt cũng ảnh hưởng đế việc giải ngân vốn. Những điều này phải cải cách đồng bộ.

Tập đoàn tư nhân Việt so găng cùng doanh nghiệp FDI 

PV: Việt Nam trong thời gian qua đã chứng kiến sự nổi lên của các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước. Thị trường liệu có được chứng kiến một cuộc so găng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI?

TS. Phan Hữu Thắng: Chắc chắn là sẽ có. Điều đáng mừng là trong các năm vừa rồi, doanh nghiệp tư nhân trong nước đã phát triển và chiếm lĩnh ở nhiều lĩnh vực. Như vậy, một cách tự nhiên, trong một thị trường chung với các doanh nghiệp cùng ngành nghề thì sẽ có sự cạnh tranh lẫn nhau. Chỉ có anh nào có chất lượng sản phẩm tốt, giá thành phù hợp, cung ứng và hậu mãi tốt mới có thể chiếm lĩnh thị trường. Cạnh tranh sẽ có tác động qua lại giúp tự các doanh nghiệp thành phần vươn lên.

Bên trong nhà máy Vinsmart, ảnh: Tuấn Mark

Bên trong nhà máy Vinsmart, ảnh: Tuấn Mark

Trong bức tranh này, tôi thấy rằng chúng ta đã đi đúng hướng. Một mặt Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, một mặt tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển thuận lợi. Bởi những gì mà doanh nghiệp Việt có thể làm thì phải để cho họ làm, dù kết quả thu về chỉ đạt 80% thôi. Chúng ta phải xây dựng được thương hiệu Việt thì mới trở thành nền kinh tế tự cường được. Còn nếu quá phụ thuộc vào nước ngoài thì không nên.

PV: Đây liệu có là lý do cho cả hiện tượng M&A ngược đang diễn ra mạnh hơn, khi doanh nghiệp nội địa thâu tóm doanh nghiệp nước ngoài?

TS. Phan Hữu Thắng: Điều này cho thấy sự vươn lên của cả doanh nghiệp nước ngoài sau quá trình làm ăn tại Việt Nam nữa chứ! Nghĩa là khi đã đạt hiệu quả, thu hồi vốn rồi, nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn mở rộng sang các lĩnh vực, địa bàn khác, họ thấy không cần thiết phải nắm giữ 100% vốn nữa và quyết định chia sẻ.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt chỉ cần góp vốn là có thể tận dụng những thứ đã được doanh nghiệp ngoại xây dựng từ trước. Đấy là xu hướng rất tích cực.

PV: Tức là cả hai bên đang mạnh lên?

TS. Phan Hữu Thắng: Đúng vậy!

PV: Theo đánh giá của ông, doanh nghiệp Việt đang vượt trội hơn doanh nghiệp FDI ở những nhóm ngành nào?

TS. Phan Hữu Thắng: Họ đang trội hơn ở bất động sản vì hiểu thị trường và giá cả phù hợp hơn. Ngoài ra tôi nghĩ rằng viễn thông cũng đang phát triển tốt với các doanh nghiệp trong nước, ví dụ như Viettel chẳng hạn. Trước đây, thị trường do những ông lớn của Úc, Pháp thống lĩnh. Dầu khí, vật liệu xây dựng, thực phẩm hay bán buôn bán lẻ đều có sự trỗi dậy của doanh nghiệp Việt với sự quản lý điều hành không kém cạnh. Hay gần đây, Vinfast đã cho trình làng xe ô tô, xe máy điện thương hiệu Việt...

Doanh nghiệp Việt đã có một chặng đường dài để vươn lên, cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp FDI. Điều này cũng buộc các ông lớn xem xét lại cách chơi tại Việt Nam. Thành công của doanh nghiệp Việt cũng chưa biết được, nhưng hãy nhìn cách họ vươn lên, tự tin với mục tiêu thì điều này cũng sớm xảy ra thôi!

Cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top