TS.KTS. Trương Văn Quảng: "Sau sáp nhập, tỉnh lỵ cũ sẽ trở thành 'mắt xích' quan trọng trong liên kết vùng"

TS.KTS. Trương Văn Quảng: "Sau sáp nhập, tỉnh lỵ cũ sẽ trở thành 'mắt xích' quan trọng trong liên kết vùng"

Thứ Tư, 02/04/2025 - 06:00

Theo TS.KTS. Trương Văn Quảng, mỗi tỉnh đều có thế mạnh riêng, việc sáp nhập không thể chỉ là phép cộng đơn giản giữa các lợi thế cũ, mà phải được định hình dựa trên sự tổng hòa, khai thác tối đa tiềm năng từng vùng. Để tránh tình trạng cục bộ và mất cân xứng, nơi được đặt làm trung tâm mới sẽ đóng vai trò là "hạt nhân" thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các khu vực khác trong tỉnh, và tỉnh lỵ cũ thay vì bị suy giảm thì sẽ như mắt xích quan trọng trong liên kết vùng. 

LTS: Nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giảm bớt đầu mối, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, tại Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025, Bộ Chính trị đã giao Đảng ủy Chính phủ chủ trì nghiên cứu, xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã.

Theo kế hoạch, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ được tập trung hoàn thành trước ngày 30/6, đơn vị hành chính cấp tỉnh trước ngày 30/8 để có thể vận hành ngay từ ngày 1/9.

Với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" để nhanh chóng sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giới chuyên gia cho rằng, điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có bất động sản.

Bởi khi thay đổi địa giới, các địa phương sẽ buộc phải thay đổi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cùng với đó là đẩy mạnh đầu tư hạ tầng. Trong khi đó, bất động sản là lĩnh vực phụ thuộc rất lớn vào yếu tố quy hoạch và hạ tầng. Vì vậy, theo nhiều dự đoán, thị trường bất động sản sẽ có nhiều tác động tích cực sau công cuộc sáp nhập tỉnh.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính các địa phương cũng sẽ gây ra những hạn chế nhất định khi làn sóng "sốt đất" cục bộ có thể xuất hiện tại một số khu vực. Vì vậy, câu chuyện quản lý và điều tiết thị trường bất động sản ra sao, quy hoạch các địa phương như thế nào sau sáp nhập là những vấn đề cần quan tâm.

Để có những góc nhìn tổng quan về câu chuyện này, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Sáp nhập tỉnh và bài toán quản lý thị trường bất động sản".

Không chỉ thay đổi về địa giới hành chính, việc sáp nhập các địa phương lần này được kỳ vọng sẽ mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Trong đó, bất động sản là một trong những lĩnh vực hưởng lợi trực tiếp khi quy hoạch đô thị, hạ tầng giao thông và quỹ đất được tái định hình.

Tuy nhiên, quá trình sáp nhập còn đòi hỏi một cuộc tái cấu trúc toàn diện, từ tổ chức không gian phát triển đến xác định các mũi nhọn kinh tế phù hợp. Nếu không có chiến lược rõ ràng, việc sáp nhập tỉnh có thể dẫn đến tình trạng mất cân đối, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của vùng.

Do đó, bài toán quan trọng cần được đưa ra lời giải lúc này là câu chuyện quy hoạch và sự phân cấp, phân quyền của bộ máy lãnh đạo địa phương.

Theo các chuyên gia, mỗi địa phương đều có thế mạnh riêng. Vì vậy, việc sáp nhập tỉnh không thể chỉ là phép cộng cơ học giữa các lợi thế sẵn có mà cần một chiến lược tổng thể, khai thác tối đa tiềm năng từng vùng. Việc quy hoạch cần đảm bảo tính kết nối hài hòa, tránh tình trạng dàn trải nguồn lực hoặc mâu thuẫn về định hướng phát triển.

Để làm rõ hơn vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trao đổi với TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.

Cần lập quy hoạch tỉnh mới hoàn toàn thay vì điều chỉnh cục bộ

PV: Theo ông, sau khi sáp nhập, việc xác định mũi nhọn kinh tế của tỉnh mới nên dựa trên những yếu tố nào?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Việc sáp nhập tỉnh theo chủ trương của Trung ương Đảng là xu hướng tất yếu, nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu hiệu suất quản lý và nâng cao năng lực phát triển. Tuy nhiên, sáp nhập tỉnh không chỉ đơn thuần là ghép địa giới hành chính mà còn đặt ra yêu cầu tái cấu trúc toàn diện, từ quy hoạch không gian đến định hướng mũi nhọn kinh tế. Dự kiến, số tỉnh thành sẽ giảm từ 63 xuống khoảng 34 tỉnh thành. Trong đó, có 11 tỉnh thành phố giữ nguyên, còn lại sẽ sáp nhập từ 2 - 3 tỉnh.

TS.KTS. Trương Văn Quảng: "Sau sáp nhập, tỉnh lỵ cũ sẽ trở thành 'mắt xích' quan trọng trong liên kết vùng"- Ảnh 1.

TS.KTS. Trương Văn Quảng, Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam

Vậy câu hỏi đặt ra cần xác định mũi nhọn kinh tế dựa trên yếu tố nào? Rõ ràng, quy hoạch cũ của từng tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây không thể áp dụng nguyên trạng sau sáp nhập. Việc hợp nhất 2 - 3 tỉnh thành một thực thể mới sẽ làm không gian phát triển thay đổi hoàn toàn, đòi hỏi phải lập quy hoạch mới từ đầu, thay vì chỉ điều chỉnh cục bộ. Trong bản quy hoạch mới này, mũi nhọn kinh tế không thể chỉ là phép cộng đơn giản giữa các lợi thế cũ, mà phải được định hình dựa trên sự tổng hòa, khai thác tối đa tiềm năng từng vùng để tạo ra lợi thế cạnh tranh mới.

Ví dụ, nếu Lâm Đồng sáp nhập với Bình Thuận, kinh tế tỉnh này sẽ không chỉ xoay quanh hệ sinh thái vùng Tây Nguyên mà còn tận dụng thế mạnh du lịch biển. Vùng Tây Nguyên thay vì bị tách biệt với Duyên hải Nam Trung Bộ, giờ sẽ được chia ngang, giúp các địa phương có thêm cơ hội phát triển đồng đều.

Tương tự, nếu Hải Phòng và Hải Dương hợp nhất, thay vì chỉ có thế mạnh cảng biển và du lịch như trước, tỉnh mới sẽ bổ sung thêm lợi thế về công nghiệp, dịch vụ. Trước đây, Hải Dương thường được gọi là "tỉnh đi qua", ít được nhắc đến như một trung tâm kinh tế, nhưng nếu kết hợp với Hải Phòng - một thành phố trực thuộc Trung ương, vị thế sẽ khác. Khi đó, mũi nhọn kinh tế không chỉ giới hạn ở logistics mà còn mở rộng sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng đồng bộ hơn.

PV: Bên cạnh những lợi thế, theo ông, có những thách thức gì trong việc dung hòa thế mạnh của từng địa phương cũ để tạo nên một chiến lược phát triển chung?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Bên cạnh cơ hội, việc sáp nhập tỉnh cũng đặt ra không ít thách thức. Trước hết, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các địa phương có thể làm nảy sinh tâm lý cục bộ. Liệu địa phương giàu có có sẵn sàng san sẻ lợi thế? Địa phương kém phát triển hơn có phụ thuộc quá nhiều vào tỉnh bạn? Nếu một tỉnh có nền kinh tế mạnh sáp nhập với tỉnh kém hơn, liệu có xảy ra tình trạng "dựa dẫm"?

Một thách thức nữa là mức độ liên kết giữa các địa phương trước sáp nhập chưa chắc đã đồng bộ. Hệ thống hạ tầng, chức năng kinh tế, cơ chế quản lý và thậm chí cả văn hóa vùng miền đều có sự khác biệt. Khi quy mô tỉnh tăng gấp 2 - 3 lần, công tác điều hành cũng trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi cần phải có một đội ngũ cán bộ có năng lực quản trị đủ tầm để vận hành một không gian kinh tế mới.

Theo tôi, giải pháp then chốt là việc xây dựng quy hoạch tổng thể cần thực hiện với một tư duy mới, đặt lợi ích chung lên trên những tính toán cục bộ. Nếu chỉ cố giữ quy hoạch cũ mà không điều chỉnh theo thực tế mới, sẽ dẫn đến mâu thuẫn, làm suy giảm hiệu quả phát triển. Ngược lại, nếu biết tận dụng cơ hội để tạo ra một chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, lấy thế mạnh của từng vùng làm bệ phóng cho không gian phát triển mới, đây sẽ là một bước ngoặt quan trọng, mở ra không gian phát triển mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên số.

Phân quyền mạnh mẽ cho địa phương

PV: Sau sáp nhập, quy mô tỉnh mới sẽ được mở rộng với diện tích lớn hơn. Vậy việc phân bổ nguồn lực nên được tính toán như thế nào để đảm bảo phát triển đồng đều và có thể khai thác hết được không gian rộng lớn này, thưa ông?

TS.KTS. Trương Văn Quảng: Theo tôi, khi một số tỉnh được sáp nhập, quy mô không gian kinh tế - xã hội được mở rộng đáng kể, tạo điều kiện để hoạch định một chiến lược phát triển quy mô lớn, mang tính liên kết và có sức lan tỏa cao. Sau khi hoàn thiện quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển và đề xuất các giải pháp thực tiễn, bộ máy lãnh đạo cấp tỉnh sẽ được phân quyền mạnh mẽ hơn.

Theo cơ cấu tổ chức hành chính, chính quyền trung ương dự kiến sẽ gồm 3 cấp là Trung ương, địa phương và cơ sở; trong khi chính quyền địa phương chỉ có 2 cấp là tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở gồm phường, xã. Việc phân cấp, phân quyền rõ ràng giúp tăng cường vai trò của cấp tỉnh trong điều phối, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương trên cơ sở một quy hoạch đồng bộ, hiện đại. Đây cũng chính là sự chuyển đổi từ "quản lý" sang "quản trị" – một tư duy mới trong điều hành không gian lãnh thổ. Quản trị không chỉ bao gồm việc quản lý phát triển kinh tế, nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, cơ sở hạ tầng và chất lượng sống của người dân. Chính vì vậy, yêu cầu đặt ra đối với chính quyền cấp tỉnh sẽ cao hơn, với trách nhiệm lớn hơn và cách thức quản lý cũng phải đổi mới.

TS.KTS. Trương Văn Quảng: "Sau sáp nhập, tỉnh lỵ cũ sẽ trở thành 'mắt xích' quan trọng trong liên kết vùng"- Ảnh 3.

Việc phân cấp, phân quyền rõ ràng giúp tăng cường vai trò của cấp tỉnh trong điều phối, triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế của địa phương trên cơ sở một quy hoạch đồng bộ, hiện đại. (Ảnh minh hoạ)

PV: Mô hình phân cấp, phân quyền cũng đã được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Theo ông, họ đã làm như thế nào để đạt hiệu quả cao? Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước để ứng dụng trong lập quy hoạch không, thưa ông?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy hiệu quả của mô hình chính quyền phân cấp mạnh mẽ như Mỹ với 3 cấp quản lý gồm: Liên bang, bang và chính quyền địa phương. Chính phủ liên bang chủ yếu điều phối và ban hành các chính sách vĩ mô, trong khi các bang có quyền tự quyết cao, phù hợp với thực tiễn phát triển.

Tương tự, Nhật Bản cũng áp dụng mô hình 3 cấp gồm: Trung ương, thành phố và cơ sở, giúp nâng cao hiệu quả điều hành; bảo đảm tính linh hoạt trong quản trị địa phương.

Từ những bài học này, Việt Nam hoàn toàn có thể nghiên cứu và điều chỉnh mô hình quản trị hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, trao quyền mạnh hơn cho cấp tỉnh. Trong bối cảnh một tỉnh mới có diện tích rộng lớn, tiềm năng phát triển mở rộng, chính quyền địa phương cần có tư duy quản trị hiện đại, thay đổi phương thức điều hành phù hợp với từng khu vực; đô thị và nông thôn có đặc thù phát triển khác nhau, đòi hỏi phương án quản trị riêng biệt.

Trên nền tảng đó, việc khai thác tiềm năng, xác định nguồn lực và thúc đẩy kinh tế - xã hội sẽ đạt hiệu quả cao nhất, không chỉ tránh lãng phí tài nguyên mà còn góp phần tạo động lực tăng trưởng bền vững cho toàn quốc.

Tìm lời giải cho bài toán xác định trung tâm hành chính

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, việc đặt trung tâm hành chính ở một khu vực cụ thể gây lo ngại đến câu chuyện "nước chảy chỗ trũng". Ông nhận định thế nào về vấn đề này? Theo ông, cần đặt trọng tâm quy hoạch của khu vực trung tâm hành chính như thế nào để tạo động lực lan tỏa ra các khu vực khác?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay là việc xác định trung tâm hành chính của tỉnh mới sau khi sáp nhập. Đây là bài toán đang có nhiều "lời giải" khác nhau được đặt ra.

Thông thường, trung tâm của tỉnh mới có thể được chọn từ tỉnh lỵ cũ của một trong các tỉnh sáp nhập. Chẳng hạn, trước đây khi Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất, trung tâm tỉnh lỵ đặt tại Bắc Giang. Tuy nhiên, nếu mô hình tương tự được áp dụng trong bối cảnh hiện tại, chưa thể khẳng định Bắc Giang hay Bắc Ninh sẽ là trung tâm. Hay nếu Hải Phòng và Hải Dương sáp nhập, nhiều khả năng trung tâm tỉnh mới sẽ đặt tại Hải Phòng, song đây vẫn là vấn đề cần cân nhắc kỹ lưỡng.

Việc lựa chọn trung tâm hành chính của tỉnh không chỉ liên quan đến yếu tố địa lý mà còn tác động trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng. Ở thời điểm hiện tại, có một số ý kiến đề xuất xây dựng trung tâm hành chính hoàn toàn mới cho tỉnh sáp nhập. Thế nhưng, phương án này khó khả thi bởi việc phát triển một đô thị trung tâm mới đòi hỏi nguồn lực lớn, trong khi yêu cầu đặt ra là bộ máy chính quyền phải vận hành ngay lập tức. Vì vậy, phương án tối ưu thường là lựa chọn một đô thị sẵn có, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí về chính trị, văn hóa, khoa học - kỹ thuật, đồng thời có khả năng trở thành "hạt nhân" thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của các khu vực khác trong tỉnh.

Đặc biệt, điều quan trọng cần nhấn mạnh là quá trình sáp nhập không làm mất đi vai trò của các đô thị từng là trung tâm tỉnh lỵ trước đây. Những đô thị này sẽ được định vị lại thành các trung tâm động lực, hỗ trợ cho trung tâm hành chính chính thức. Thay vì bị suy giảm vị thế, các tỉnh này sẽ trở thành "mắt xích" quan trọng trong mạng lưới phát triển liên kết vùng.

Tôi cho rằng, những ý kiến lo ngại việc "nước chảy chỗ trũng", sợ nguồn lực dồn về trung tâm mới trong khi các khu vực khác bị tụt lại phía sau là có cơ sở. Dù vậy, theo tôi, đây là bài toán hoàn toàn có thể giải quyết được nếu chính quyền địa phương xây dựng chiến lược quy hoạch hợp lý, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa các vùng trong tỉnh.

Theo đó, quy hoạch tỉnh mới cần xác định rõ hệ thống đô thị động lực, với trung tâm hành chính đóng vai trò "hạt nhân"; phân vùng phát triển theo thế mạnh từng khu vực. Bên cạnh trung tâm chính, cần phát triển thêm các đô thị cấp vùng, tạo nên một hệ thống liên kết chặt chẽ nhằm phân bổ hợp lý nguồn lực và cơ hội phát triển. Với mô hình này, ngay cả khi một tỉnh trở thành trung tâm hành chính mới, các đô thị còn lại vẫn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển tổng thể.

Những ý kiến lo ngại việc "nước chảy chỗ trũng", sợ nguồn lực dồn về trung tâm mới trong khi các khu vực khác bị tụt lại phía sau là có cơ sở. Dù vậy, đây là bài toán hoàn toàn có thể giải quyết được nếu chính quyền địa phương xây dựng chiến lược quy hoạch hợp lý, đảm bảo sự phát triển cân bằng giữa các vùng trong tỉnh.
TS.KTS. Trương Văn Quảng: "Sau sáp nhập, tỉnh lỵ cũ sẽ trở thành 'mắt xích' quan trọng trong liên kết vùng"- Ảnh 4.TS.KTS. Trương Văn Quảng

Ngoài ra, vấn đề bảo tồn bản sắc văn hóa cũng cần được quan tâm. Việc sáp nhập không đồng nghĩa với việc xóa bỏ những giá trị lịch sử, văn hóa của các địa phương. Hiện có nhiều ý kiến đề xuất xin giữ nguyên tên gọi cũ của các thành phố thuộc tỉnh mới hoặc áp dụng mô hình đặt tên linh hoạt, nhằm bảo tồn các dấu ấn văn hóa – lịch sử đặc trưng. Thực tế, trước đây, khi Sơn Tây sáp nhập vào Hà Nội, văn hóa xứ Đoài cũng không hề mất đi mà còn trở thành một phần quan trọng của Thủ đô. Điều này cho thấy, nếu có chính sách phù hợp, sáp nhập không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế mà còn giúp nâng tầm giá trị văn hóa của từng địa phương.

Như vậy, việc lựa chọn trung tâm tỉnh mới cần dựa trên các tiêu chí khoa học và thực tiễn, đảm bảo sự phát triển bền vững, cân bằng và hài hòa giữa các vùng. Đây không chỉ là bài toán quy hoạch mà còn là chiến lược dài hạn, đặt nền tảng cho sự phát triển của địa phương trong tương lai.

PV: Với những vùng xa trung tâm, theo ông, cần có giải pháp gì để đảm bảo không bị "bỏ lại phía sau"?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Việc phát triển các vùng xa trung tâm cũng là một nội dung quan trọng trong quy hoạch tỉnh sau sáp nhập. Bên cạnh việc tập trung đầu tư vào các khu vực đô thị động lực, các địa phương cần có chiến lược rõ ràng để khai thác hiệu quả tiềm năng của các vùng khó khăn, đảm bảo sự phát triển cân bằng trên toàn tỉnh. Điều này đòi hỏi những giải pháp tổng thể về quy hoạch không gian, chính sách ưu đãi và các chương trình hỗ trợ phù hợp với đặc thù từng địa phương.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mỗi tỉnh đều có những hướng đi riêng dựa trên thế mạnh sẵn có. Với những địa phương có nền kinh tế thuần nông, chính sách "Tam nông" vẫn đóng vai trò cốt lõi, không thể thay thế. Nhà nước và các cấp chính quyền luôn ưu tiên các chương trình hỗ trợ khu vực này, từ hạ tầng, giáo dục, y tế đến đào tạo nghề, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, nhiều chính sách đã được triển khai nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, đảm bảo mọi khu vực đều có cơ hội bứt phá.

Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa trung tâm và vùng sâu, vùng xa vẫn là một thực tế không thể phủ nhận. Ngay cả khi có nhiều chính sách hỗ trợ, tốc độ phát triển giữa các khu vực vẫn có sự khác biệt do đặc điểm địa lý, hạ tầng và khả năng thu hút đầu tư. Dù vậy, một điểm sáng trong mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vai trò điều tiết của Nhà nước, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội được triển khai công bằng và hiệu quả.

Có thể thấy rõ, trong những giai đoạn khó khăn, cả hệ thống chính trị và chính quyền địa phương luôn vào cuộc kịp thời để hỗ trợ vùng sâu, vùng xa. Điển hình như trong cơn bão số 3 năm ngoái, nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả sẽ gặp nhiều khó khăn. Đây chính là điểm ưu việt của hệ thống chính trị hiện nay, đảm bảo các vùng khó khăn không bị "bỏ lại phía sau", giúp mọi khu vực đều có cơ hội phát triển, góp phần vào sự thịnh vượng chung của cả tỉnh.

PV: Theo ông, việc quy hoạch hệ thống giao thông, hạ tầng kết nối sau sáp nhập cần được tính toán ra sao?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Trước đây, trong công tác quy hoạch tỉnh, hệ thống giao thông thường được hoạch định trong phạm vi từng địa phương. Tuy nhiên, với quy hoạch hiện nay, hạ tầng kỹ thuật, bao gồm đường bộ, đường thủy và đường hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên quy mô quốc gia. Đây chính là "khung xương" kết nối toàn bộ lãnh thổ, gắn kết 6 vùng kinh tế - xã hội với các tỉnh thành theo một mạng lưới thống nhất. Nhờ đó, khi triển khai quy hoạch ở cấp tỉnh, việc liên kết hạ tầng không còn là bài toán quá phức tạp, mà thay vào đó là sự điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt.

Tuy nhiên, khi thực hiện sáp nhập nhiều tỉnh thành một thể thống nhất, quy hoạch tỉnh buộc phải được thiết lập lại theo một cấu trúc mới. Điều này đồng nghĩa với việc hệ thống giao thông cũng cần được nghiên cứu, điều chỉnh để phù hợp với không gian hành chính mở rộng. Dù quy hoạch quốc gia đã có sẵn định hướng, nhưng trong bối cảnh địa giới hành chính thay đổi, việc rà soát, bổ sung các tuyến giao thông nội tỉnh nhằm kết nối hiệu quả với hạ tầng khung quốc gia là điều tất yếu.

TS.KTS. Trương Văn Quảng: "Sau sáp nhập, tỉnh lỵ cũ sẽ trở thành 'mắt xích' quan trọng trong liên kết vùng"- Ảnh 6.

Dù quy hoạch quốc gia đã có sẵn định hướng, nhưng trong bối cảnh địa giới hành chính thay đổi, việc rà soát, bổ sung các tuyến giao thông nội tỉnh nhằm kết nối hiệu quả với hạ tầng khung quốc gia là điều tất yếu. (Ảnh minh hoạ)

Một trong những nguyên tắc quan trọng của quá trình này là kế thừa hợp lý các quy hoạch trước đó. Những dự án đang triển khai không thể bị gián đoạn mà cần được tiếp tục, đồng thời lồng ghép với định hướng phát triển mới để tối ưu hóa nguồn lực. Việc sáp nhập từ 2 - 3 tỉnh cũng đồng nghĩa với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh từ quy hoạch cấp tỉnh lên quy hoạch vùng liên tỉnh. Khi đó, các địa phương sẽ phải phối hợp chặt chẽ để đảm bảo hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hài hòa với các tuyến đường huyết mạch quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, đường sắt, cảng hàng không…

Dù thay đổi địa giới hành chính, hệ thống giao thông quốc gia vẫn giữ nguyên vai trò cốt lõi và không bị ảnh hưởng. Các tỉnh khi thực hiện quy hoạch mới có thể điều chỉnh một số chi tiết để tăng cường sự kết nối, đảm bảo trục không gian kinh tế - xã hội phát triển theo hướng mạch lạc, rõ nét hơn. Trong bối cảnh này, việc xác định các hành lang kinh tế, các chuỗi đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo mô hình kết hợp là giải pháp khả thi nhằm tạo nên một tổng thể phát triển bền vững, thúc đẩy tỉnh mới vươn lên mạnh mẽ trong tương lai.

Con người vẫn là cốt lõi trong quy hoạch và quản lý đất đai

PV: Vậy việc sử dụng quỹ đất dự trữ của các tỉnh sau sáp nhập nên được quy hoạch thế nào để tránh tình trạng lãng phí hoặc đầu cơ, thưa ông?

TS. KTS. Trương Văn Quảng: Trong quy hoạch hiện nay, mỗi tỉnh đều được phân bổ quyền sử dụng đất và lập quy hoạch theo khung pháp lý do Thủ tướng Chính phủ quy định. Tuy nhiên, khi một số tỉnh được sáp nhập thành đơn vị hành chính mới, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia có thể cần điều chỉnh đôi chút. Trên cơ sở đó, các tỉnh phải rà soát lại quyền sử dụng đất để đảm bảo phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mới, đồng thời cân đối nguồn lực hợp lý, khai thác hiệu quả nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc phát triển bền vững.

Phát triển bền vững không chỉ là khai thác tối đa tiềm năng hiện tại mà còn phải tính đến tương lai. Điều này có nghĩa là không thể sử dụng toàn bộ quỹ đất sẵn có mà cần dành những khu vực tiềm năng làm quỹ đất dự trữ. Việc khai thác phải có lộ trình, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, tránh tình trạng sử dụng đất tràn lan, gây thất thoát tài nguyên. Mỗi giai đoạn phát triển đều phải được hoạch định rõ ràng. Nếu giai đoạn từ nay đến năm 2030 chỉ tập trung phát triển một số khu vực, thì tầm nhìn đến năm 2050 sẽ mở rộng dần, tạo sự phát triển có kế hoạch, tránh "ăn xổi" làm mất đi những nguồn lực quý giá.

Bên cạnh đó, để tránh tình trạng đầu cơ đất đai, vấn đề quản trị và tư duy lãnh đạo đóng vai trò quyết định. Nếu như trước đây, cơ chế "xin - cho" hay tư duy nhiệm kỳ ảnh hưởng đến quy hoạch, thì nay cần loại bỏ hoàn toàn tư tưởng này. Ở nhiều quốc gia phát triển, khi quy hoạch được duyệt, nó trở thành cơ sở pháp lý vững chắc, gần như một "bộ luật" về quản lý đất đai.

Tại Việt Nam, một số địa phương từng mở rộng quy hoạch nhưng chưa khai thác được hết nguồn lực để phát triển mà chỉ tập trung vào khai thác nguồn thu trước mắt từ đất. Điều này đi ngược lại nguyên tắc phát triển bền vững. Điển hình như Hà Nội, thay vì tập trung lấp đầy những khu vực đã có quy hoạch nhưng bỏ hoang hàng chục năm, lại tiếp tục mở rộng ra các vùng mới, dẫn đến tình trạng đô thị hóa dàn trải, lãng phí tài nguyên đất đai. Trong khi đó, thực tế vẫn còn hàng loạt dự án bất động sản "đắp chiếu", hàng nghìn căn hộ cao tầng bỏ trống, khiến thị trường bất động sản mất cân đối, người dân vẫn thiếu nhà ở.

Vấn đề cốt lõi trong quy hoạch và quản lý đất đai vẫn là con người. Cơ chế chính sách cần minh bạch, nhưng quan trọng hơn là đội ngũ lãnh đạo phải có năng lực, có tâm, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân. Trong kỷ nguyên mới, điều này càng trở nên cấp thiết.

Giải pháp căn cơ là xây dựng một hệ thống chính sách rõ ràng, có cơ chế kiểm tra chéo nhằm phát hiện và ngăn chặn sớm các sai phạm. Lãng phí tài nguyên, đặc biệt là đất đai, không chỉ gây tổn thất về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của quốc gia. Việt Nam cần thay đổi tư duy quản lý, tránh tình trạng lãng phí ngay từ khâu ra quyết định, đảm bảo sử dụng hợp lý từng tấc đất, từng nguồn lực để phát triển bền vững và hiệu quả.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top