Phiên giao dịch đầu tuần (8/2) diễn biến theo chiều hướng tiêu cực và trái ngược với nhiều dự báo của các công ty chứng khoán. Mở cửa phiên giao dịch, các chỉ số biến động hẹp với sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu trụ cột.
Tuy nhiên, những gì diễn ra ở nửa sau phiên sáng khiến nhà đầu tư không khỏi bất ngờ. Áp lực bán tăng vọt khiến nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn lao dốc, trong đó có một số cổ phiếu xuất hiện tình trạng bị bán tháo. Có thời điểm, VN-Index giảm đến trên 51 điểm với hầu hết các cổ phiếu vốn hóa lớn chìm trong sắc đỏ. GVR bị kéo xuống mức giá sàn và còn 23.950 đồng/cp, SHB giảm 6,5% xuống 15.100 đồng/cp, VCB giảm 5,9% xuống 94.100 đồng/cp, VJC giảm 5% xuống 124.600 đồng/cp…
Trong nhóm VN30-Index phiên 8/2 chỉ có 3 mã hiếm hoi tăng giá là KDC, PVD và PDR, trong đó, PDR gây bất ngờ khi tăng 1,5% lên 61.300 đồng/cp và khớp lệnh 3,9 triệu cổ phiếu. Động lực giúp cổ phiếu này đi lên có thể do thông tin BVSC dự báo PDR vào danh mục FTSE Vietnam Index với tỷ trọng khoảng 1,7%, tương đương với 2,6 triệu cổ phiếu.
Đối với các cổ phiếu bất động sản, nhóm vốn hóa lớn gồm VIC, VHM, VRE, NVL hay BCM đều chìm trong sắc đỏ. Đà giảm còn lan rộng đến phần lớn các cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ trên thị trường, trong đó, các mã có yếu tố đầu cơ cao như FIT, KBC, ITA, TCH, ASM hay HQC đều bị kéo xuống mức giá sàn. Bên cạnh đó, CEO giảm 7,3% xuống 8.900 đồng/cp, HAR giảm 6,7% xuống 4.570 đồng/cp, FLC giảm 6,4% xuống 6.100 đồng/cp, NLG giảm 6,4% xuống 32.300 đồng/cp, LDG giảm 6,2% xuống 6.660 đồng/cp.
Ở chiều ngược lại, bên cạnh PDR thì không có nhiều cổ phiếu bất động sản tăng giá được trong phiên 8/2. Các mã tăng giá đáng chú ý của nhóm này gồm VRC tăng 6,9% lên 9.510 đồng/cp, CCL tăng 3% lên 10.200 đồng/cp, TIG tăng 2,9% lên 7.100 đồng/cp, SJS tăng 2,8% lên 36.800 đồng/cp.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 43,73 điểm (-3,88%) xuống 1.083,18 điểm. Toàn sàn có 69 mã tăng, 385 mã giảm và 24 mã đứng giá. HNX-Index giảm 3,08 điểm (-1,38%) xuống 220,76 điểm. Toàn sàn có 59 mã tăng, 129 mã giảm và 34 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,24 điểm (-1,68%) xuống 72,65 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn niêm yết tăng mạnh so với phiên trước với giá trị giao dịch đạt 18.502 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch là 822 triệu cổ phiếu, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm 1.400 tỷ đồng. Có 2 cổ phiếu bất động sản nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường là FLC và HQC, trong đó, FLC khớp lệnh 29,5 triệu cổ phiếu còn HQC là 16,7 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại gây bất ngờ khi bán ròng lên đến 1.400 tỷ đồng trong phiên 8/2, trong đó chủ yếu tập trung các mã bluechip như HPG, VHM, VNM, VCB, VRE, CTG, NVL… Bên cạnh đó, NVT cũng là cổ phiếu bất động sản lọt vào top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Chiều ngược lại, CII là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về mua ròng của khối ngoại nhưng giá trị không quá lớn với 7,8 tỷ đồng.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thị trường chịu áp lực bán mạnh trong phiên 8/2 do sự lo sợ về nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở một số thành phố lớn. Nếu sự lây lan có dấu hiệu lan rộng, biện pháp giãn cách xã hội có thể được Chính phủ áp dụng, qua đó khiến giới đầu tư lo ngại về sự gián đoạn hoạt động của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Lực cung có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong phiên 9/2. Tuy nhiên, lực cầu sẽ bắt đầu gia tăng trở lại khi VN-Index lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.050 - 1.070 điểm. BVSC kỳ vọng thị trường sẽ sớm trở lại trạng thái cân bằng và đi vào giai đoạn tích lũy để hướng đến một diễn biến khởi sắc sau kỳ nghỉ Tết dài ngày.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư giảm tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục xuống mức thấp hơn hoặc bằng 50% cổ phiếu; ưu tiên nắm giữ các vị thế trung dài hạn. Do biến động khó lường về mặt thông tin và thị trường tài chính toàn cầu trong kỳ nghỉ lễ dài ngày nên các nhà đầu tư nên duy trì vị thế tiền mặt hợp lý để tránh rủi ro bất ngờ từ thị trường. Đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao và có sử dụng margin, vẫn nên tận dụng các nhịp hồi phục của thị trường để bán giảm tỷ trọng về mức an toàn./.