Aa

Từ chuyện đi tìm liệt sỹ Phạm Hoài

Thứ Hai, 28/12/2020 - 07:00

Tôi phải viết lại việc này vì thấy nó cần phải viết, vì chúng ta còn rất nhiều liệt sĩ như liệt sĩ Hoài nữa, gia đình cũng đang đỏ mắt đi tìm, và bản thân tôi cũng đã giúp nhiều người đi tìm, nhưng đều chưa đạt kết quả.

Chị Phạm Tâm Hiếu, một nhà báo ở Hà Nội, vừa hết sức vui mừng tìm được mộ anh trai của mình, liệt sĩ Phạm Hoài, tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. 

Chúng tôi là bạn "phây" thôi, chưa gặp nhau ngoài đời. Chị Hiếu có người anh là Phạm Minh, cũng là bạn facebook của tôi. Hai anh em nhà này nói chuyện với nhau trên mạng vui lắm, nhất là những gì thuộc về ký ức và... ăn uống. Tôi cũng rành các món dân dã nên hợp với bác Minh, thi thoảng đọc nhau và nói chuyện với nhau...

Một hôm chị Hiếu nhắn: Bác Hùng quý mến ơi, em có việc này phiền bác giúp đỡ ạ?

Là sau nhiều năm tìm kiếm, sáng nay em mới có thông tin nơi yên nghỉ của anh trai em. Em gửi kèm hình đây ạ. Em tra trên mạng thì không thấy có xã Thăng Đức, cũng không có huyện Chư Krông. Vậy bác có thể giúp em tìm xem những địa danh ấy giờ là ở đâu không ạ? Và em muốn sớm nhất có thể để vào thắp hương cho anh em, cũng muốn đưa anh về quê hương nữa ạ? Anh em tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, đi theo lệnh tổng động viên rồi hy sinh ngày 13/6/1979 tại Campuchia...

Cái ảnh chụp giấy báo tử chị Hiếu gửi kèm thì ghi liệt sĩ Phạm Hoài hy sinh ngày 13/6/1979 tại mặt trận Tây Nam, an táng tại Thăng Đức, Chư Krông, Gia Lai, Kon Tum, số mộ 63, hàng 7.

Ngay lập tức tôi nghĩ là bác Hoài nằm ở nghĩa trang huyện Chư Prông, Gia Lai. Từ Sài Gòn, tôi điện cho chú em là Phó chủ tịch huyện Chư Prông nhờ giúp. Chú này không phụ trách khối này nhưng rất nhiệt tình yêu cầu anh em phòng Lao động, thương binh và xã hội huyện tìm giúp. Không có, anh lại nhờ tiếp huyện Đức Cơ, là huyện tách ra từ Chư Prông, và sát biên giới Campuchia. Đợi thêm hai ngày cũng không thấy có. Song song đấy, tôi nhờ một chị là Trưởng phòng của sở Lao động, thương binh và xã hội Gia Lai tìm giúp. Sau một ngày, chị báo là trong hệ thống của sở lưu lại không thấy có thông tin, bởi chỉ sai một chi tiết sẽ không tìm ra...

Nói chung là đều rất nhiệt tình tìm. Tôi ở Sài Gòn, gia đình liệt sĩ ở Hà Nội, và các bạn tìm giúp thì ở Gia Lai, cứ nhắn với nhau liên tục. Có lúc có vẻ vô vọng, tôi nhắn tin an ủi, chị Hiếu nhắn lại: "Dạ không sao ạ, gia đình em chịu đựng quen rồi ạ, nhưng em tin sẽ tìm ra được anh em, nhất định".

Dỡ mộ liệt sỹ Phạm Hoài tại nghĩa trang.
Xe đưa Liệt sỹ Phạm Hoài về quê.
Mộ liệt sỹ Phạm Hoài tại quê hương.

Hai ngày sau, chị Hiếu lại nhắn tiếp cho tôi: "Em chào anh ạ. Anh ơi em lại tiếp tục phiền nhờ anh giúp đỡ ạ. Em nhận được thông tin ở nghĩa trang liệt sĩ huyện Ia Grai có một mộ được quy tập với thông tin: Liệt sĩ Phạm Hòa, quê Hà Nội, đơn vị C3E1F2, sinh năm 1956, mất ngày 3/6/1979. Như vậy đây khả năng cao là anh của em rồi, dẫu vẫn còn 2 thông tin hơi lệch: Tên thiếu chữ I (Hòa thay vì Hoài), và ngày mất thiếu số 1. Anh giúp em có thể hỏi nghĩa trang Ia Grai xem giúp có đúng có mộ như thế không? Nếu có, chắc chắn là anh của em. Em sẽ vào ngay".

Trời ạ, cái nghĩa trang này cách Pleiku có tầm hai chục cây số, tôi mà ở nhà, phóng vèo đến tí là kiểm tra xong ngay. Lãnh đạo và cán bộ huyện này tôi lại không quen, có ông Bí thư quen thì mới "bị" điều về Pleiku làm chủ tịch. Thì lại điện về Sở nhờ vậy. Một bạn ở sở ngạc nhiên: Nghĩa trang Ia Grai không có liệt sĩ Campuchia quy tập về bác ạ. Bạn khác thì cho hệ thống tìm. 

Đang tìm thì chị Hiếu lại nhắn: "Chính xác rồi bác ạ. Là chị nhận được một đoạn ghi âm cuộc nói chuyện của một người cháu chị ở huyện Krông Năng, Đăk Lăk với một người tên là Sáu ở tỉnh đội Gia Lai tả về ngôi mộ liệt sĩ ở nghĩa trang liệt sĩ Ia Grai, rất khớp với giấy báo tử. Ngay lập tức, một người thân của gia đình đã chạy từ Quy Nhơn lên chụp ảnh và quay phim ngôi mộ, khớp tất cả thông tin thì đúng là anh Hoài nhà em rồi, em báo để anh không phải nhờ nữa ạ. Mừng quá, mai, bốn anh em nhà em bay vào (đã xem ngày giờ hanh thông), nhờ anh chỉ giúp cho cái khách sạn nào tươm tươm tí để tụi em nghỉ vì già cả rồi, khó ngủ ạ. Bây giờ thì chúng em đang trên đường về Hải Phòng bàn với gia đình và địa phương để đưa bác Hoài về quê."

Quả là tôi đã hết sức áy náy. Bao nhiêu năm ở đây, tôi từng có nhiều người nhờ liên hệ tìm liệt sĩ là người nhà của họ, mà đều không hoàn thành. Hồi nhà văn Nguyễn Đức Thọ còn sống, anh cũng nhờ tôi tìm một người anh, nhưng rồi lục tung lên cũng chả thấy, anh rất buồn, và tôi cũng buồn. Tất nhiên hồi ấy rất khó khăn. Chứ giờ đã dễ hơn rất nhiều rồi mà chả hiểu sao vẫn rất vất vả, mịt mờ khi đi tìm liệt sĩ như thế. Và đấy chính là mảnh đất để những bọn táng tận lương tâm như "cậu Thủy" dạo nào hoành hành, lừa đảo các thân nhân liệt sĩ.

Việc cuối cùng chị Hiếu nhờ tôi là tìm số điện thoại của anh Sơn, trưởng phòng Người có công của sở LĐTBXH Gia Lai (vì gọi đến máy của phòng theo danh bạ không được). Tôi tìm ra ngay, và hôm sau nữa thì gia đình chị vào viếng và đưa liệt sĩ về sau 41 năm anh nằm ở Tây Nguyên. Chị nhắn tin kể, cuộc gặp với anh Sơn rất tốt đẹp. Anh Sơn nhiệt tình giúp gia đình làm hồ sơ đính chính thông tin liệt sĩ, xin giấy tờ chuyển mộ cho liệt sĩ. 

Trước đó, ngay khi xuống máy bay, gia đình đã xuống nghĩa trang Ia Grai, sau đó quay lên Pleiku gặp phòng Người có công, rồi thuê xe hai tài xế thay nhau lái chạy thẳng ra quê liệt sĩ ở Vĩnh Bảo, Hải Phòng để bác được ngắm đất nước bằng đường bộ... Một kết thúc hết sức có hậu sau 41 năm đau đớn thắc thỏm day dứt không yên vì chưa tìm được bác Hoài...

Gia đình chị Hiếu rất cảm kích vì gặp toàn người tốt giúp gia đình hoàn thành tâm nguyện. Từ bác quản trang rất thận trọng giúp gia đình dỡ mộ và nâng niu liệt sĩ sang nhà mới, tới hai cháu lái xe rất tốt và tâm lý, lái xe để liệt sĩ được ngắm cảnh mà không bị xóc, tới cán bộ sở LĐTBXH... Vấn đề là, ai cũng rất tốt, rất nhiệt tình, rất trách nhiệm, nhưng việc tìm được liệt sĩ thì phải đo bằng thời gian hơn bốn chục năm trong khi gia đình hàng ngày đau đớn bồn chồn lo lắng, tốn rất nhiều công sức...

Viết lại chuyện này, tôi muốn chia sẻ niềm vui với gia đình anh Phạm Minh và chị Phạm Tâm Hiếu, dẫu trong cái niềm vui (của nỗi buồn) ấy vẫn còn những day dứt, rằng có cách gì để những niềm vui, ngày vui ấy nó gần hơn. Tất nhiên đất nước mình, Tổ quốc mình, nằm đâu cũng quê hương, nghĩa trang nào cũng có người chăm lo chu đáo. Nhưng tập tục Việt là thế, anh em còn sống phải hương khói cho người mất. Giá báo được cho họ, để hàng năm, những gia đình có điều kiện, vào thắp hương viếng người nhà, và nếu có điều kiện nữa, thì đưa liệt sĩ về quê cho gần bà con, cha mẹ anh chị em. Đấy là phong tục và cũng là đạo lý.

Tôi biết, vẫn còn hàng ngàn gia đình liệt sĩ mong mỏi tìm kiếm thông tin con em cháu chắt mình. Việc tìm được bác Hoài, hóa ra lại từ hai người ở Quy Nhơn và Đăk Lăk, chứ ngay người ở Gia Lai, ở ngay cơ quan chuyên môn, lại tìm không ra?

Chị Hiếu, anh Minh có nhắn rằng cám ơn tôi. Tôi nhắn lại, tôi đã làm được gì đâu. Nếu ở nhà, chắc chắn tôi sẽ lái xe đưa anh chị xuống Ia Grai lo việc cho liệt sĩ, nhưng tôi đã không ở nhà. Việc tìm liệt sĩ, thông báo thông tin liệt sĩ và kể cả sắp xếp để liệt sĩ về quê là việc phải làm của cả đất nước này, dân tộc này chứ chả của cá nhân nào. Và ai được tham gia vào việc ấy phải xem đấy là vinh dự của mình. Mọi việc, liệt sĩ chứng giám hết, tôi tin là thế...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top