Aa

Từ hôm nay, đây là tỉnh duy nhất của Việt Nam có tên viết 'sai' chính tả, sở hữu đa cực phát triển

Thứ Ba, 01/07/2025 - 22:00

Sau khi hợp nhất 2 tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên, tỉnh mới sẽ trở thành địa phương duy nhất của Việt Nam sở hữu tên gọi không theo quy tắc chính tả Tiếng Việt.

Các tỉnh từng có tên viết "chưa chuẩn" theo quy tắc chính tả Tiếng Việt như: Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Nông sau khi sáp nhập đều lựa chọn cách viết "đúng" chính tả thì duy nhất có một tỉnh vẫn giữ lại tên cũ "sai" chính tả.

Theo đó, tỉnh Đắk Lắk mới được hình thành sau khi sáp nhập tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên vẫn giữ lại phiên âm "Đắk" thay vì "Đắc", "Lắk" thay vì "Lắc".

Từ hôm nay, đây là tỉnh duy nhất của Việt Nam có tên viết 'sai' chính tả, sở hữu đa cực phát triển- Ảnh 1.

Một góc tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Internet

Sau khi sáp nhập, tỉnh mới Đắk Lắk có diện tích hơn 18.096km2, lớn thứ 3 cả nước với mức dân số khoảng 3,34 triệu người.

Chia sẻ trên Tạp chí Văn học Nghệ thuật về cái tên Đắk Lắk, PGS.TS Phạm Văn Tình cho biết, địa danh này được thành lập từ năm 1904 theo quyết định của viên Toàn quyền Đông Dương Paul Beau.

Trong văn bản thời đó, tên chính danh theo tiếng Pháp được ghi là Darlac [da:lak]. Thời Việt Nam Cộng hòa, cái tên này vẫn được viết là Darlac.

Tuy nhiên, từ năm 1976, theo quyết định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Darlac đã hợp nhất với Quảng Đức thành tỉnh Đắk Lắk như ngày nay.

Từ hôm nay, đây là tỉnh duy nhất của Việt Nam có tên viết 'sai' chính tả, sở hữu đa cực phát triển- Ảnh 2.

Việc sáp nhập với Phú Yên giúp tỉnh mới Đắk Lắk sở hữu nhiều lợi thế phát triển kinh tế. Ảnh: Internet

Các nhà nghiên cứu cho rằng, cái tên Đắk Lắk [dắk lắk] bắt nguồn từ tiếng Mnông (phát âm gần giống như "đác lác") nghĩa là hồ Lắk, với dak nghĩa là nước hay hồ. Từ dak này, cũng giống như các từ có âm "đạ" (Đạ Tẻh), "đà" (Đà Lạt, Đà Nẵng). Đa/đạ/đà là âm của một từ có nghĩa là nước, nguồn nước, sông của vùng người dân tộc sinh sống.

Theo cách gọi của những người dân gian, cái tên Đắk Lắk cũng là tên gọi chỉ một hồ nước đang tồn tại - hồ này rộng và có trữ lượng nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.

PGS.TS Phạm Văn Tình cho rằng, tên gọi Đắk Lắk là tên phiên âm cách đọc và chính tả được ghi theo âm của cách đọc này.

Cái tên Đắk Lắk chính thức được sử dụng và có tính pháp lý theo thông tin số liệu của Tổng cục Thống kê công bố (Ban hành theo Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ, 2-3-1979). Địa danh Đắk Lắk cũng được sử dụng trong Phụ lục của Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học (Hoàng Phê chủ biên), NXB Đà Nẵng, 2002.

Từ nóc nhà Tây Nguyên vươn ra biển lớn

Trước khi sáp nhập, Đắk Lắk được mệnh danh là "nóc nhà" của Tây Nguyên, nổi bật với thế mạnh nông nghiệp và năng lượng. Giờ đây, sau khi hợp nhất với Phú Yên, tỉnh mới không chỉ giữ vững vai trò trung tâm vùng cao nguyên mà còn sở hữu thêm gần 200km đường bờ biển, cùng hệ thống cảng biển chiến lược như Bãi Gốc, Vũng Rô và vành đai kinh tế ven biển.

Việc mở rộng ra biển mang đến cho Đắk Lắk mới "chìa khóa vàng" để kích hoạt hàng loạt động lực phát triển kinh tế. Trong đó, tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (CT24), dài hơn 117km với tổng vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng, đã giải phóng mặt bằng hơn 60%, dự kiến hoàn thành vào năm 2027.

Song song đó, Quốc lộ 29 nối Buôn Ma Thuột với Tuy Hòa cũng đang trở thành trục logistics huyết mạch, rút ngắn thời gian di chuyển từ cao nguyên xuống biển Đông còn chưa đầy 3 giờ.

Về hạ tầng hàng không, sân bay Buôn Ma Thuột đang được quy hoạch nâng cấp với nhà ga T2, tháp điều hành mới và hệ thống logistics hàng không. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt công suất 5 triệu lượt khách/năm và tiếp tục nâng lên 7 triệu lượt vào năm 2050, đủ điều kiện trở thành sân bay quốc tế thứ hai ở Tây Nguyên, sau Pleiku.

Động lực phát triển đa cực

Việc sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là câu chuyện về diện tích, mà còn là bước tái cấu trúc chiến lược phát triển vùng.

Sự kết hợp giữa một Đắk Lắk mạnh về nông nghiệp, năng lượng với một Phú Yên giàu tiềm năng logistics và du lịch tạo nên mô hình tỉnh đa cực: Vừa có biển, có cao nguyên, vừa tiếp giáp biên giới quốc tế với Campuchia.

Trong đó, Vùng kinh tế Nam Phú Yên nổi lên như hạt nhân công nghiệp hóa với cảng Bãi Gốc (quy mô 5.000 – 10.000 tấn) và Khu kinh tế Nam Phú Yên rộng hơn 3.200 ha, định hướng trở thành trung tâm chế biến và logistics xuất khẩu cho cả Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Từ hôm nay, đây là tỉnh duy nhất của Việt Nam có tên viết 'sai' chính tả, sở hữu đa cực phát triển- Ảnh 3.

Sân bay Buôn Ma Thuột hiện đang được nâng cấp mở rộng. Ảnh: Internet

Các tập đoàn lớn như Hòa Phát, SK Group, Ecopark đã cam kết đầu tư, mở ra viễn cảnh về một cực tăng trưởng mới cho khu vực.

Hiện tại, không địa phương nào ở Việt Nam có được sự kết hợp đa dạng như Đắk Lắk mới: Từ cà phê Buôn Ma Thuột, hồ Lắk, văn hóa Ê Đê, đến biển xanh cát trắng của Tuy Hòa, Gành Đá Đĩa. Đây là điểm đến lý tưởng cho phát triển du lịch trải nghiệm, sinh thái, văn hóa, song hành với công nghiệp nhẹ, năng lượng tái tạo và logistics biển - hàng không.

Ngoài ra, tiềm năng năng lượng sinh khối (biomass) từ ngành nông nghiệp cà phê, mía, sắn cũng rất lớn. Cả Đắk Lắk và Phú Yên (cũ) đều nằm trong nhóm các tỉnh có năng lực hàng đầu cả nước về sản xuất năng lượng sinh học - một nguồn lực quan trọng giúp địa phương phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Việc giữ nguyên tên gọi "Đắk Lắk" - dù có yếu tố "sai chính tả" theo chuẩn tiếng Việt không làm suy giảm tính chuẩn mực trong quản trị. Ngược lại, đây còn là biểu tượng văn hóa, phản ánh bản sắc riêng và bản lĩnh của một địa phương đang bước vào hành trình phát triển mới, đầy thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội.

Với lợi thế hiếm có khi cùng lúc là cửa ngõ nối cao nguyên, biển, biên giới và quốc tế, Đắk Lắk mới sở hữu đầy đủ điều kiện để trở thành cực tăng trưởng kinh tế – văn hóa mới của miền Trung - Tây Nguyên, góp phần tái định hình bản đồ phát triển vùng trong giai đoạn tới.

Trước đó, Việt Nam cũng từng có nhiều tỉnh giữ những tên gọi không theo quy tắc chính tả như Đắk Nông (nay sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng), Bắc Kạn (sáp nhập về Thái Nguyên), Kon Tum (sáp nhập với Quảng Ngãi).

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top