Có chuyện thế này nhân dịp tôi đến mừng sinh nhật con người bạn thân. Mẹ cháu mua một chiếc bánh ga-tô cất trong tủ lạnh. Chị cháu đi học về, đói, mở tủ lấy ra ăn. Cháu nhìn thấy, lăn ra đất khóc, giẫy đành đạch. Mọi người xúm lại dỗ, cháu càng khóc tướng lên, bắt chị đền. Không còn cách nào khác, mẹ bắt chị đi mua bánh khác, dù bữa ăn đã dọn. Chi mua bánh về, cháu vẫn không chịu, càng khóc dữ, bảo: “Không phải cái bánh cũ”. Dỗ mãi không được, mẹ cháu giận, lấy thước kẻ vụt. Cả nhà bỗng chốc thành tổ ong, bữa cơm như có mây phủ, hỏng cả cuộc vui… Vì sao vậy? Vì cháu ăn vạ, vu lên quá cái thực của sự việc.
Trường hợp khác: Hai đứa trẻ chơi với nhau. Gần trưa, đứa lớn về nhà mình, chưa kịp ra khỏi nhà, đã nghe thằng bé la ầm ĩ: “Mất con lợn đựng tiền mừng tuổi hồi Tết!”. Cả nhà đang trên gác xô xuống. Thằng bé bảo: “Chỉ có con và nó chơi với nhau”. Thế là bất biết phải trái, thằng lớn bị kéo xệch vào nhà tra vấn, bị véo tai, soắn mũi, xích tay, nhịn đói suốt cả ngày. Chiều, mẹ thằng bé đi làm về, bảo: “Nhà hết tiền, bí quá mượn con lợn tiết kiệm tiêu tạm”. Cả nhà vỡ lẽ, thằng lớn được thả nhưng hai mắt sưng húp, mặt mày thâm tím. Hai gia đình cãi nhau một trận lôi đình, thành vết hằn thù năm này qua năm khác.
Ấy là chuyện trẻ con, hồn nhiên và bản năng nhưng cũng gây không ít phiền toái. Còn người lớn thì sao? Có lẽ trong lịch sử Văn học nước nhà, Chí Phèo là tay vu vạ thuộc hàng kiệt xuất! Nhưng dẫu sao, cái vu vạ kiểu Chí Phèo là vu vạ của đẳng cấp áo đen, trầm luân trong cõi vô minh đau khổ. Một kiểu vu vạ để được giải phóng, để được làm người lương thiện, để được ngẩng mặt nhìn đời, khao khát bứt ra khỏi bóng tối lầm than mông muội của thế thời nhiều cạm bẫy. Và đó là sự vu vạ đáng thương, sự vu vạ của kẻ hèn yếu, chấp nhận được… Nhưng cõi nhân tình thế thái thì chuyện vu vạ diễn ra muôn hình vạn trạng, kỳ khôi quái đản, tốt xấu đảo điên, thật giả bất phân, chia rẽ, hận thù, tù tội và không ít trường hợp dẫn tới cái chết chỉ do bị vu vạ.
Chuyện Nghị Hách quăng quả đấm vặn cửa vào nhà bạn chí cốt của mình là Khóa Hiền, vu cho người ta ăn cắp, báo quan đến bắt tống đi tù, còn hắn hả hê chiếm đoạt tiền bạc, vợ con của bạn, làm cho nhà bạn khuynh gia bại sản, vợ chết, con chết, là sự vu vạ của một thằng đểu, nhiều tiền, vô lương. Vu vạ kiểu này, trong thời phong kiến có biết bao chuyện bất công, phi lý, mà nguyên nhân là từ lòng tham khôn tả của đám quan nha nhiều tiền, hợm hĩnh, bất chấp luân thường. Nó là nỗi đau, nỗi ô nhục chưa bao giờ thôi bị nguyền rủa…
Còn thời nay, vu vạ đã khác xa, rất xa cái thời tăm tối, dĩ vãng khi xưa. Vu vạ đã được biến tướng dưới nhiều hình dạng lão luyện, tinh vi. Thậm chí vu vạ còn nhân danh quyền chức, lẽ phải, thói đạo đức giả, tử tế giả, để đạt hiệu quả và trở nên toàn thắng, tùy vào mục đích vu vạ.
Chuyện giám đốc một công ty tàu biển suýt bị tử hình vì cố ý đánh chìm một vụ tàu trị giá nhiều tỷ đồng nhưng lại vu cho tổ kỹ thuật. Nếu không có thanh tra làm rõ trắng đen thì đám cán bộ kỹ thuật đi tù mọt cổ. Lại nhà doanh nghiệp khác đấu thầu một khu đất chưa được quy hoạch xây nhà chung cư. Văn bản giấy tờ, quyết định đủ cả nhưng do ăn chia không đều, sự việc bung ra, những người liên quan lảng chuyện, phủi tay ngoài cuộc. Công an hỏi, họ bảo: “Tôi không biết, không hiểu luật, năng lực yếu, nó bảo sao tôi làm vậy, tại nó cả”. Cuối cùng doanh nghiệp vào tù, kẻ trốn tránh đổ tội cho người khác nhởn nhơ hưởng lợi… Ôi! Cái sự vu vạ mới độc ác làm sao!
Vu vạ, tranh công đổ lỗi cho người, trong cuộc đời, trong làm ăn, trong vinh nhục chốn quan trường, âu cũng là lẽ tự nhiên của kiếp người hữu hạn; còn chuyện vu vạ kỳ khôi trong văn hóa, văn học mới cười ra nước mắt. Bạn tôi viết cuốn sách dựa vào một câu chuyện có thật, các tình tiết trong tiểu thuyết đều là chuyện đời. Thế mà một quan quản lý văn hóa vu lên thành nói xấu chế độ, phạm vào thuần phong mỹ tục, cấm phát hành. Sách không bán được thì còn đó và tức giận. Vì quan văn hóa ấy nói xằng. Cả đời không đọc một cuốn sách nào tử tế mà lại cắp cặp dạy khôn thiên hạ, nói năng hàm hồ, hết chỗ nói.
Còn chuyện tôi bị vu vạ mới kỳ. Hồi trước, tôi phụ trách trang Văn học Thứ sáu, báo Quân đội Nhân Dân có tổ chức cuộc bàn tròn “Thơ đi về đâu”, nhằm tìm ra giải pháp cứu vãn sự bế tắc cho thơ. Báo in ra, lập tức dư luận vu ầm lên rằng “bàn tròn” phủ định sạch banh thơ chống Mỹ, chống lại dòng văn học Cách mạng... Và rằng, lần đầu tiên một tờ báo chính thống cấp Trung ương, tổ chức Hội thảo đánh giá, phủ định một nền thơ có công lớn trong cuộc kháng chiến oanh liệt.
Thế là người ta nháo nhào đi mua báo, phô tô hàng trăm bản, chuyền tay nhau. Nhiều cú điện thoại vô danh gọi đến đe dọa. Thậm chí có nhà phê bình ở TP.HCM điện ra, đòi thượng cấp cách chức tôi và Tổng biên tập. Có vài nhà phê bình “vịt” khác thì nhất nhất “tiêu diệt Trần Anh Thái và dẹp bỏ trang Văn học Thứ sáu của báo Quân đội Nhân Dân ngay lập tức”. Tôi phải làm tường trình, Tổng biên tập cũng phải làm tường trình.
Tôi nhớ mãi cái đêm hôm ấy, tôi cùng các nhà văn Nguyễn Đăng Điệp, Chu Văn Sơn và Phạm Xuân Nguyên (những người có liên quan trong cuộc bàn tròn thơ) ngồi chụm lại với nhau đến gần mười hai giờ đêm bên bờ hồ Giảng Võ. Anh em bàn đi tính lại, để có những kiến giải hợp lý nhất. Mục đích là làm cho mọi việc nhỏ đi, để những người vu vạ, thổi phồng sự việc hiểu rõ về mục đích của cuộc bàn thơ là tích cực, chứ không phải phủ nhận thơ văn chống Mỹ, không phải chống lại dòng văn học Cách mạng. Anh em mỗi người một ý kiến. Cuối cùng thì cũng hoàn chỉnh bản tường trình để sáng sớm hôm sau tôi làm việc với cơ quan chính trị và bảo vệ.
Thế nhưng sự việc cũng không phải đã êm xuôi. Cán bộ bảo vệ cấp trên tiếp tục ra làm việc nhiều ngày. Họ yêu cầu tôi kê khai lý lịch và nhân thân từng nhà thơ, nhà phê bình tham gia cuộc bàn tròn hồi ấy. Họ phê phán tôi đã tạo điều kiện cho một vài người khác chính kiến phát biểu trên báo chính thống. Vụ việc kéo dài hàng tháng. Liên tục các cuộc họp gặp gỡ và chất vấn, rất mất thời gian và mệt mỏi. Tôi... thoát vụ này là do sự cứng rắn của Tổng biên tập và mấy người bên Hội Nhà văn đến Tổng cục Chính trị can thiệp. May thay mọi việc rồi cũng êm thấm qua đi.
Ấy là chuyện nhỏ, không nghiêm trọng gì lắm. Trong cuộc đời, chuyện bút nghiên thăng trầm, vinh nhục, do bị thổi phồng, vu vạ, có nhiều lắm. Bạn bè tôi không ít người ôm hận đắng cay, đôi khi phẫn chí vì bị chụp mũ vu oan mà không một lời thanh minh biện giải.
Lại còn có chuyện vu vạ ngược đời thế này: Thói thường, người ta chỉ vu vạ cho người, đổ tội cho người, đằng này ngược lại, tự mình vu vạ cho mình, tố cáo mình, ra giữa bàn dân thiên hạ kêu la đến đất trời cũng mủi lòng cảm động. Chuyện một bác văn sĩ đang yên đang lành tự dưng hét toáng lên: Tôi bị mất tự do, bị o ép, bị dân phố khủng bố, giăng bẫy hãm hại. Bác kêu mãi, kêu mãi, báo chí nước ngoài bán tín bán nghi lên tiếng. Một tháng, hai tháng chuyện của bác vẫn êm như ru. Mọi người té ngửa, bác chẳng có chuyện gì. Khốn nỗi, thế thời đã đổi, trò Chí Phèo kiểu mới cũng được vài tờ báo lăng xê, đổi lại, con người thật hám danh của bác bị bạn bè lật tẩy! Một nữ nghệ sĩ khác thì tự rạch quần, xé áo gây xì căng đan giữa ba quân. Ai dè lại bị chính bạn bè cùng “cạ” thấu suốt tâm can bóc mẽ, tiếng xấu khó phai, thanh danh thảm bại.
Tự vu vạ để nổi danh còn lắm kiểu, nhiều trò. Người ta thường nghe những câu như: "Tôi từng bị báo chí "đánh"", "Tôi bị công an theo dõi", "Tớ có tên ở sổ đen"… Nghe “sang thật!”. Ở đời, người đứng đắn bị vùi dập thật, thường im lặng, nỗi đau ngấm vào trong. Người ảo tưởng hám danh thích vu lên cho oách, thường chỉ có cái vỏ rỗng, vậy mới buồn. Ấy là chưa nói, chuyện vu vạ kiểu hàng tôm hàng cá, ngồi lê đôi mách của hạng tiểu nhân với bạn bè đồng nghiệp. Cái thói vu vạ, đạo đức giả này đang hàng ngày có mặt ở mọi nơi, làm ô uế môi trường. Ngẫm thật buồn...