Aa

“Ùn tắc” lập, phê duyệt quy hoạch: “Bóc tách” nguyên nhân trì trệ quy hoạch

Thứ Hai, 30/05/2022 - 07:10

Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vẫn còn rất nhiều bất cập.

Đây cũng là nội dung sẽ được Quốc hội đưa ra thảo luận Báo cáo của Đoàn giám sát công tác này.

Từ năm 2011 - 2021, chỉ có 31 quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Theo Luật Quy hoạch, số lượng quy hoạch phải lập tới hết năm 2022  là 111 quy hoạch. 

Chia sẻ với DĐDN, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV cho biết, Quốc hội sẽ “bóc tách” những nguyên nhân sự trì trệ của quá trình triển khai Luật Quy hoạch.

PV: Theo dự kiến, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết mới về thực hiện Luật Quy hoạch vào kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV theo trình tự, thủ tục rút gọn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch. Theo ông, nguyên nhân cơ bản của vướng mắc trên là gì?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Mặc dù, Luật Quy hoạch ra đời từ năm 2017, bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 01/03/2018. Do không có nhiều dự án quy hoạch của các địa phương và cấp vùng được thông qua, nên hiệu ứng chung đã bị chậm tiến độ so với yêu cầu của Luật.

Chồng chéo là nguyên nhân nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công không giải ngân được. Vì dự án muốn giải ngân thì phải bóc tách “phần việc” của dự án đó nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ hoặc cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quá trình triển khai, một số quy hoạch đô thị bị “phá vỡ”. (Mật độ chung cư quá dầy tại đường Tố Hữu, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội). Ảnh: Quốc Tuấn

Khi tiến hành giám sát, Quốc hội đã nhận ra một số vấn đề của Luật Quy hoạch còn bị các cấp quản lý hiểu chưa rõ, như cấp độ quy hoạch, loại hình quy hoạch, yêu cầu và nội dung cụ thể của quy hoạch…

Ngoài ra, một trong những điểm khó của Luật mà Quốc hội cũng phải xem xét đó là tích hợp. Với Việt Nam là một khái niệm mới, nhưng đối với quốc tế là bình thường và trong thực tiễn đôi khi chúng ta cũng đã làm tích hợp. Nhưng tích hợp như thế nào? Quy mô nào? Mức độ nào? Quy trình yêu cầu cái nào trước, cái nào sau? Cái nào chí phối...

Một vấn đề khác là độ “trễ” thực hiện Luật Quy hoạch của các địa phương, ngành ảnh hưởng đến giải ngân (có tiền không tiêu được). Đây là vấn đề đang gây bức xúc không chỉ đối với địa phương, mà cả Quốc hội và Chính phủ.

PV: Theo ông, những vướng mắc của Luật Quy hoạch đã ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Việc này chắc chắn ảnh hưởng đến doanh nghiệp, các dự án không triển khai được, khả năng quay vòng vốn sẽ bị chậm, chi phí cơ hội và lợi nhuận bị giảm sút hoặc mất đi.

Bản chất quy hoạch phải là một hành động đi trước các hành động phát triển, do đó, nếu Chính phủ chậm trễ trong công tác quy hoạch thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế.

PV: Vậy, nội dung hàng đầu đặt ra với Nghị quyết sắp tới là gì, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Trước tiên, chúng ta cần nhận diện ra những vấn đề phải sửa hoặc điều chỉnh sắp tới. Để giải quyết ngay tình thế ách tắc, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết mới về thực hiện Luật Quy hoạch, trong đó đưa ra những quy định đặc thù để làm sao đảm bảo những tồn tại có thể được khắc phục ở mức độ ban đầu, giảm ùn tắc khâu phê duyệt, như cho các loại hình quy hoạch cùng làm một lúc, không chờ cái trước, cái sau.

Tuy nhiên tôi hy vọng khi Nghị quyết ra đời mà “trúng” thì ít nhất sẽ giải quyết được những tồn tại thực tiễn hiện nay của công tác lập quy hoạch và thực hiện Luật Quy hoạch. Để giải quyết tuyệt đối vấn đề này thì khó, nhưng Nghị quyết sẽ cơ bản đảm bảo được chất lượng quy hoạch và tiến độ quy hoạch.

Nghị quyết sẽ hướng vào giải quyết ngay bài toán thực tiễn trước. Còn về lâu dài, đây là căn cứ để đề xuất kế hoạch điều chỉnh Luật Quy hoạch. Nghị quyết lần này sẽ hướng đến “nhận diện” các vấn đề, chỉ ra nguyên nhân chậm triển khai và triển khai chưa tốt quy hoạch. Cá nhân tôi cho rằng, nguyên nhân là khâu tổ chức thực hiện chưa tốt và nhân lực quy hoạch còn yếu.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

 

Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ lập quy hoạch, trong đó tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt trong năm 2022 đối với các quy hoạch cấp quốc gia mang tính cấp thiết, tạo thuận lợi cho việc điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cơ bản hoàn thành các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia trong năm 2023.

Nguồn: Nghị quyết số 64/NQ-CP, ngày 06/5/2022 của Chính phủ

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top