Gọi là kiến ba khoang, vì trên thân của nó có ba khoang màu xanh thẫm, hoặc đen ở đầu, giữa thân và đuôi. Kiến ba khoang có tên khoa học là Paedenus fusipes.
Trên thực tế kiến ba khoang chẳng đốt ai, thế nhưng khi bị ai đó chạm vào người, theo phản xạ tự vệ của loài này, nó bèn tiết ra một hợp chất để tự vệ. Tiếc thay, chất này lại rất độc với làn da con người nên nếu bị dính vào ta sẽ thấy nó khó chịu đến mức nào.
Cái chất độc có tên là Peaderin ấy có độc tính ngang với nọc rắn hổ mang, nên chỉ ở ngoài da nó cũng đã gây ra những triệu chứng rất điển hình: Ban đầu là ngứa, sưng đỏ, rát, đau, nổi phỏng nước rồi thậm chí là lở loét nhiễm trùng da gây sốt đau đớn khó chịu vô cùng...
Vậy nên khi nhìn thấy kiến ba khoang ta chớ có chạm vào chúng. Nếu ở sàn nhà hay vật dùng nào đó ta nên dùng giấy hoặc giẻ ướt chụp chúng rồi bỏ cả vào thùng rác, sau đó lại phải lau sạch chỗ vừa bắt chúng đi. Còn nếu phát hiện chúng đang bò trên người, cách tốt nhất là dùng hơi thở thổi chúng đi một cách hòa bình và nhẹ nhàng, chúng sẽ không tiết dịch ra thân thể mình.
Thế nhưng chẳng may đã bị kiến tiết dịch vào da hoặc lỡ tay đụng chạm trực tiếp vào chúng ta phải làm gì?
Đầu tiên là dùng khăn, giấy ướt lau rửa sạch chỗ tiếp xúc. Có thể sử dụng xà phòng hoặc nếu có sẵn cồn sát trùng 70 độ càng tốt. Lau rửa sạch khu vực tiếp xúc nhưng chú ý hạn chế tối đa việc lan sang xung quanh. Tay rửa thật sạch và tuyệt đối không dụi vào mắt hay gãi ngứa các bộ phận khác trong cơ thể, bởi rất có thể chất độc lại dính sang các bộ phận khác thì cực kỳ nan giải!
Sau đó chúng ta sẽ sử dụng một số loại kem, mỡ bôi có chứa các chất kháng viêm chống dị ứng như Cortibion hoặc Phenergan để bôi lên khoảng da đang bắt đầu sưng đỏ, ngứa ngáy kia...
Thế nhưng theo kinh nghiệm của tôi, bị kiến ba khoang chạm vào, loại thuốc bôi có hiệu quả nhất lại là một thứ thuốc rẻ tiền dễ kiếm, hầu như nhà thuốc nào cũng có bán là HỒ NƯỚC!
Đây là dung dịch thuốc sền sệt trông như hồ nên người ta đặt tên vậy chứ thực ra công thức của nó là gồm có bột kẽm ô xít, can xi cac bon nát và dung môi là glycerin. Dạng hỗn dịch nên trước khi dùng ta phải lắc kỹ. Đây cũng chính là một thứ thuốc trị một số chứng bệnh ngoài da kinh điển như chàm ngứa, eczema...
Bị kiến ba khoang dây vào, bạn nên lau rửa sạch sẽ, thấm khô bằng bông y tế rồi sẽ bôi dung dịch hồ nước này lên chỗ da bị tổn thương. Nó sẽ làm dịu, chống ngứa, làm lành vết thương và đặc biệt nó ngăn ngừa không cho tạo ra sẹo thâm trên thân thể bạn.
Ngày bạn có thể bôi từ 2 - 3 lần, mỗi lần bôi hãy dùng nước muối sinh lý rửa sạch vết thương, lau khô rồi hãy bôi thuốc. Cùng với việc bôi dung dịch hồ nước, ta có thể uống kèm thuốc chống dị ứng như Clorphenamine, Loratadin... chẳng hạn. Trường hợp nặng, có viêm loét nhiễm trùng thì thầy thuốc sẽ cho uống thêm thuốc kháng viêm và kháng sinh cùng với thuốc giảm đau, sốt.
Kiến ba khoang phát triển vào mùa mưa, và đặc biệt là ở Hà Nội xuất hiện vào các dịp mùa gặt lúa. Kiến ba khoang bị mất chỗ trú ngụ ngoài đồng sẽ bay vào phố, bởi giống này lại bị hấp dẫn bởi ánh sáng ban đêm, cho nên các gia đình chú ý.
Làm thế nào để đề phòng loài côn trùng khó chịu này vào nhà? Căng lưới mắt nhỏ chống côn trùng ở các cửa sổ cũng là một giải pháp. Thế nhưng theo tôi, có một giải pháp tương đối hiệu quả là các bạn nên 6 tháng một lần phun thuốc chống muỗi, côn trùng Permethrin.
Loại hóa chất này được Tổ chức y tế thế giới WHO, khuyến cáo sử dụng rộng rãi, vì nó an toàn. Hoàn toàn không gây độc cho người. Sau khi phun trong nhà ta đóng cửa đi chơi đâu đó độ 2 tiếng là có thể quay lại nhà sinh hoạt bình thường. Để có loại thuốc phun này, chúng ta có thể liên hệ với bên vệ sinh dịch tễ để họ tới phun cho hoặc là chúng ta đến ngay các cửa hàng của Viện Pasteur mua về sử dụng theo hướng dẫn một cách dễ dàng. Không những kiến ba khoang mà muỗi, gián và những con côn trùng đáng ghét khác cũng sẽ tránh xa ngôi nhà và những đứa trẻ của bạn!