Aa

Ẩm hà tư nguyên: Uống nước nhớ nguồn

Chủ Nhật, 20/10/2019 - 06:30

Dòng chữ ấy, cái miếu ấy nhắc nhở dân làng mọi người phải bảo vệ giữ gìn nguồn nước sinh hoạt của cả làng sao cho sạch sẽ.

Vốn được coi là một đạo lý sống căn bản của người Việt. Có thể gọi là triết lý sống nữa kia.

Thế nhưng ở trong bài này, tôi không bàn về những cái điều cao sang ấy. Tôi muốn kể các bạn vài câu chuyện...

Chuyện ở các làng quê tôi, vùng đồng bằng Bắc Bộ xưa, vốn hay dùng giếng làng để lấy nước ăn, nước sinh hoạt chung cho mọi nhà. Có thể là một cái giếng khơi to xung quanh lát gạch, kè đá chắc chắn, bờ xây cao ở đầu xóm ngõ. Cũng có thể chỉ là cái giếng đất đào sâu, đắp bờ cao lên mà thôi. 

Các nhà có điều kiện trong làng thì thường sẽ xây riêng một bể hứng nước mưa để tích trữ nước nấu ăn cả năm, nhưng nước tắm giặt thì vẫn phải gánh từ giếng về. Các nhà nghèo thường chỉ có cái vại nước mưa hứng luôn dưới thân cây cau, ăn được vài mươi hôm là hết, trời không mưa thì phải ra gánh nước ở giếng làng đổ vào đó ăn dần...

Cái cảnh đi gánh nước giếng làng nhiều khi cũng nên thơ phết: trai gái ra đứng bên giếng, đợi kín nước, tranh thủ ngắm nghía tán tỉnh nhau, cũng tình! Cái giếng làng xưa nhiều lúc thành ra như nơi hẹn hò, địa chỉ văn hóa nữa kia. Bởi thế làng nào cũng có quy định (hương ước) bảo vệ giếng rất chặt chẽ: Cấm không được lội xuống giếng mà tắm rửa, không được để trâu bò xuống uống nước... 

Như làng tôi bên cạnh cái giếng đầu làng còn có cả miếu thờ bà chúa giếng, có bài vị, bát hương. Và trên đó có tấm bia đá khắc dòng chữ nho, dịch ra âm Hán Việt đọc là “Ẩm hà tư nguyên”, nghĩa là “Uống nước nhớ nguồn”. Các cụ cao niên trong làng thì dặn con cháu, bà chúa giếng rất thiêng, đứa nào nghịch bậy sẽ bị bà trừng phạt đích đáng! Dòng chữ ấy, cái miếu ấy nhắc nhở dân làng mọi người phải bảo vệ giữ gìn nguồn nước sinh hoạt của cả làng sao cho sạch sẽ.

Giếng đá cổ làng Nôm được xây các thành chắn bao quanh, bên trên có bốn chữ đại tự: ''Ẩm hà tư nguyên". Ảnh: Internet

Bây giờ làng tôi đã dùng nước máy, giếng làng cũng mai một đi chỉ còn là dấu tích giống như với nhiều làng khác trong vùng. Thế nhưng một hôm rỗi rãi, tôi xuống làng Nôm, một cái làng Kinh Bắc cổ duy nhất còn sót lại trong cơn lốc đô thị hóa, bỗng thấy cái giếng và dòng chữ nho mờ ảo đắp bên thành khu giếng, “Ẩm hà tư nguyên”, thấy xao xuyến làm sao...

Hồi tuổi trẻ, do cuộc đời xô dạt, tôi cũng đi và sống khá nhiều nơi trên miền núi phía Bắc. Dân trên đó thì dùng nước suối. Kín nước suối về nấu ăn, tắm thì ra luôn suối... Nhưng họ cũng có ý thức bảo vệ nguồn nước lắm, dù tôi chưa thấy chữ “Ẩm hà tư nguyên” nào như ở dưới quê tôi. Họ có những khu rừng cấm. Cấm mọi người chặt cây hay vào làm một điều gì ô uế trong cánh rừng đó. Đó là khu rừng thiêng của mỗi bản làng, khu vực. 

Hồi đó trẻ tuổi, tôi không hiểu lắm. Nhưng vì tò mò tôi đã có lần liều lĩnh đi vào thám hiểm xem khu rừng đó có gì, có ma quỷ ma gà gì đó như người ta nói không. Tôi đã đi theo con suối cạnh bản xuyên vào rừng, đi mãi. Đi mãi. Đi đến khi con suối chỉ còn là những khe nước nhỏ tí tách trên núi đá. Nhưng cũng chả thấy ma quỷ thần linh gì hiển hiện, chỉ thấy dòng nước chảy trên khe đá, trên những hòn sỏi cuội tròn xoe...

Và tôi chợt hiểu, người dân bản địa làm thế để bảo vệ cái nguồn nước cho cả bản, cả khu vực sinh sống của mình mà thôi. Được trong lành sạch sẽ. Bạn nào đã từng đi rừng đang khát nước cháy cổ, rồi gặp được con suối trong xanh chưa? Bạn vục mặt xuống uống một hơi, sẽ thấy dòng nước suối ngọt lành ngon tuyệt diệu hơn mọi thứ nước giải khát thời thượng mà chúng ta từng được nếm láp!

Dịp gần đây, Hà Nội khủng hoảng trầm trọng về nước. Nhà máy nước Sông Đà thì hết vỡ đường ống bùm bụp như pháo dền lại sang lẫn chất bẩn là dầu thải. Quá kinh khủng! Tôi không hiểu chính quyền, doanh nghiệp kinh doanh nước sạch họ nghĩ gì? Họ có biết cái nghĩa thực của câu: “Ẩm hà tư nguyên” mà cha ông ta dùng ngày xưa chính là khái niệm: “Bảo vệ nguồn nước” bây giờ không?

Và có ai đó nhớ cái khái niệm: Khởi thủy... Bắt đầu là nước! Sự sống của muôn loài đều bắt đầu từ nước! Bảo vệ nguồn nước là chiến lược của mọi quốc gia dân tộc trên thế giới này, đó là một vấn đề sống còn chứ không phải là vài lời nói chém gió khơi khơi trên diễn đàn đâu. Nó là sự tồn vong của quốc gia dân tộc đấy. Xin hãy hành động cụ thể. Người dân phải lên tiếng. Doanh nghiệp kinh doanh nước sạch phải có những biện pháp thiết thực. Và chính quyền phải có những chiến lược hành động mạnh.

Hãy bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự sống của chúng ta!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top