Có chút việc liên quan đến hộ khẩu của đứa cháu, nên tôi bất đắc dĩ phải đến làm việc với một cơ quan công an. Nói thật, đó luôn là công việc tôi ngại nhất. Và không chỉ tôi, nhiều người, hầu như đa số, đều vô cùng ngại ngần phải có việc với các cơ quan công quyền.
Thứ họ kinh hãi nhất là thái độ của công chức. Sau đó là đến hệ thống hướng dẫn tù mù, khiến việc gì cũng phải làm đi làm lại và thường là bị mắng mỏ bởi chính những người mà họ trả tiền công. Tệ nạn người dân cứ phải "lót tay" cán bộ Nhà nước, khiến góp phần làm gia tăng quốc nạn tham nhũng, hối lộ, chính là do các thủ tục hành chính của chúng ta còn quá rối rắm, cán bộ hách dịch và máy móc có chủ ý.
Đó là chưa kể nhiều nhóm lợi ích chủ động cài cắm các điều kiện hành chính nhằm tham nhũng chính sách, thì người dân coi như bị biến thành con mồi. Vài ý nghĩ như vậy khi bước qua cổng vào cái nơi mình chỉ muốn tránh cho xa, khiến mấy phút sau tôi cảm thấy có chút ân hận!
Thay vào những bộ mặt lạnh như tiền, coi người dân là chùm khế ngọt để “vặt”, đã là những gương mặt biết cười, ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép. Thay vì biết mười điều công dân còn thiếu trong thủ tục, nhưng cán bộ chỉ trả lời một, là hệ thống bảng biển hướng dẫn tương đối cụ thể, bất cứ ai cũng có thể thực hiện.
Thay vì hướng dẫn qua loa, đã là một sự tận tình, tỉ mỉ hơn. Và điều quan trọng là công chức, viên chức và người dân đã có sự hồ hởi khi nhìn thấy nhau, cảm thông với nhiều mệt nhọc do thời tiết, chứ không còn là quan hệ của kẻ đến làm phiền và kẻ tạo ra sự phiền hà.
Nhưng vẫn còn vô số điều cứ phải ca thán.
Trước hết đó là hệ thống quản lý văn bản còn quá lạc hậu. Nhiều văn bản khi công dân cần tra cứu, xác minh, cán bộ Nhà nước vẫn phải lục tìm bằng tay và phải mất hàng tuần. Có cán bộ, khi nhận hồ sơ công dân, đã ngao ngán nói hẳn ra miệng, như một ca thán, rằng việc này đến là ngại vì sẽ tốn rất nhiều công.
Trộm nghĩ, chả cần đến thời 4.0 cũng có thể số hóa nhiều dữ liệu về công dân như việc thay đổi địa chỉ thông qua hộ khẩu, việc xác minh tình trạng hôn nhân… để khi công dân cần hỗ trợ, một cú nhấn đúp là tất cả hiện ra giữa thanh thiên bạch nhật.
Thứ hai, vẫn cứ còn tình trạng các cơ quan Nhà nước không tin vào số liệu của nhau. Rằng giấy trắng mực đen là thế nhưng vẫn có thể sai, rằng quy định là thế, nhưng thực tế công dân có thể làm khác, khiến có những quy định rất thủ công.
Tôi xin lấy ví dụ từ thủ tục xác minh hộ khẩu để làm căn cứ xác minh tình trạng hôn nhân hoặc công việc gì đó liên quan đến cư trú. Khi công dân cần làm việc gì đó liên quan đến cư trú (hoặc đăng kí thường trú) trong quá khứ, họ đều phải trở lại nơi cư trú (hoặc đăng kí thường trú) mà mình đã chuyển đi từ lâu, chỉ để được xác nhận là từng có hộ khẩu tại đó.
Trong sổ hộ khẩu thay đổi địa chỉ cư trú, đều có mục ghi rõ nơi chuyển đến. Ngoại trừ cuốn sổ hộ khẩu nào đó do làm giả (nếu là giả thì chả lẽ lại qua mặt cơ quan chức năng dễ thế), còn lại đều là xác nhận của cơ quan Nhà nước. Chả lẽ cùng là văn bản Nhà nước mà lại còn phải xác minh? Chuyện này rõ ràng là gây phiền hà và mất thời gian cho cả Nhà nước và công dân.
Ngoài ra vẫn còn không ít cán bộ chưa kịp "lột xác", tiếp tục cố thủ trong lô cốt quyền lực tưởng tượng khi thể hiện ra với người dân.
Hy vọng vài năm sau có việc tương tự, những chuyện như vừa kể đã là quý khứ.