Ngay cả những vật liệu cơ bản khác như xi măng, cát... cũng tăng giá mạnh, khiến cho người dân và DN gặp nhiều khó khăn. Thời điểm hiện tại, nhiều DN thầu xây dựng đã phải tạm dừng tham gia đấu thầu thi công dự án mới để tránh rủi ro khi biến động tăng giá VLXD.
Chi phí gia tăng
Thời gian gần đây, thị trường VLXD có nhiều biến động, đặc biệt với những VLXD cơ bản như sắt, thép, xi măng, cát, đá... đã khiến cho hoạt động xây dựng của người dân và DN gặp nhiều khó khăn. Nếu như sắt, thép phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên phụ liệu thô phục vụ sản xuất dẫn đến tăng giá, những sản phẩm có nguồn cung trong nước tương đối lớn như xi măng, cát... cũng ghi nhận tăng giá mạnh. Nguyên nhân do nguồn cung khan hiếm bởi sự siết chặt từ cơ quản quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản. “Tôi vừa làm xong thủ tục cấp phép xây dựng nhà nhưng do giá vật liệu hiện nay quá cao, vượt dự trù tài chính nên đành phải dừng lại đến cuối năm. Cũng có thể lùi lại đến năm sau để chuẩn bị thêm tài chính và chờ giá vật liệu giảm mới triển khai thi công” – anh Bùi Vang, trú tại ngõ 113 Thịnh Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Ông Phạm Tuấn Linh - Ban Quản lý xây dựng Công ty CP Xây dựng Module 9 cho biết, trước khi tăng giá, VLXD chỉ chiếm 30% dự toán công trình nhưng giờ đây đã chiếm tới 45%. Tuy nhiên, đơn vị vẫn phải xoay xở tiếp tục thi công để giữ uy tín, tránh các rủi ro như xử phạt, chấm dứt hợp đồng hay tệ hơn bị cấm đấu thầu. "Hiện tại, công ty cũng chỉ thực hiện những hợp đồng nhỏ do giá cả VLXD tăng mạnh. Với các hợp đồng lớn, khả năng thua lỗ rất cao nên thời điểm hiện tại công ty đang tạm dừng tham gia đấu thầu" - ông Phạm Tuấn Linh cho hay.
Trong tình cảnh khó khăn hơn, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Thiên Phong Nguyễn Văn Hoà cho biết, hiện DN của ông đã tạm dừng, không nhận những dự án xây dựng. Nguyên nhân do giá cả VLXD đang tăng cao, nếu cố làm sẽ bị lỗ nặng, trong khi giá xây thô trên thị trường vẫn đang dao động ở mức trên 4 triệu đồng/m2.
Sớm có biện pháp bình ổn giá
Theo ông Lê Lương Sang, chủ một đại lý VLXD trên đường Phạm Hùng (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), giá cát xây dựng tăng do việc khai thác ngày càng khó khăn. Nhiều công trình xây dựng đặt mua phải chờ cả tháng sau mới có hàng, thậm chí lúc nhận giá cao hơn song đành chấp nhận vì đã ký hợp đồng với khách hàng. Tương tự, DN sản xuất xi măng cũng tăng giá do chi phí nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất như than, điện, xăng dầu, thạch cao, chất phụ gia... thậm chí là vỏ bao liên tục tăng giá. "Xi măng Bỉm Sơn hiện tại đã tăng thêm 30.000 đồng/tấn, một số thương hiệu khác cũng tăng mức tương đương hoặc lên đến 40.000 đồng/tấn, gạch, đá ốp lát tăng 5.000 đồng/m2... so với tháng trước. Cát xây dựng ở mức 500.000 – 520.000 đồng/m3, tăng từ 20.000 – 40.000 đồng/m3 so với cuối năm 2020" - ông Lê Lương Sang thông tin.
Ở khía cạnh khác, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Xây dựng Thiên Phong Nguyễn Văn Hoà cho rằng, trước tình hình giá VLXD tăng nhanh như hiện nay, đối với công trình có vốn ngân sách cần phải điều chỉnh về tổng mức đầu tư để hỗ trợ DN thầu xây dựng. Những dự án ngoài vốn ngân sách thì chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng cũng phải thỏa thuận, thống nhất lại mức đầu tư xây dựng để hỗ trợ DN nhà thầu vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể là Bộ Công Thương cần sớm có biện pháp nhằm bình ổn giá VLXD trên thị trường, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN” - ông Nguyễn Văn Hoà đề xuất.
VLXD chiếm tỷ lệ lớn trong giá thành xây dựng. Khi giá vật liệu tăng, hầu hết các nhà thầu đều gặp khó, đặc biệt với nhà thầu nhỏ và vừa tiềm lực tài chính hạn chế lại càng khó hơn, vì đa phần hợp đồng đều ký dưới dạng đơn giá cố định. Điều này đang đẩy họ vào thế “tiến thoái lưỡng nan” đối mặt với nguy cơ thua lỗ, thậm chí là phá sản.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp