Aa

Về một con đường mang tên Đào Hải Phong

Thứ Ba, 19/11/2019 - 06:30

Ngày 19/11, triển lãm tranh của Đào Hải Phong đón khách, cũng là dịp ra mắt cuốn sách LỐI PHONG, một sơ kết con đường hội họa của họa sỹ này. Dưới đây là góc nhìn về sáng tạo của họa sỹ qua con mắt một nhà thơ.

Cách đây khoảng hơn 20 năm, tôi đến thăm một người bạn nhân dịp anh ấy khánh thành ngôi biệt thự. Vừa bước vào phòng khách, tôi sững người lại. Trên bức tường rộng hiện ra một thế giới. Một thế giới vừa quen thuộc lại vừa như lần đầu tôi mới được bước chân vào. Và thực sự tôi muốn gọi những hình ảnh của thế giới ấy là những hình ảnh của Thiên đường. 

Bởi trong cách nhìn của tôi, Thiên đường là nơi chốn những cái cây vẫn là những cái cây, những ngôi nhà vẫn là những ngôi nhà, những con đường vẫn là những con đường như trên mặt đất này… nhưng tất cả đã hòa đồng trong một vẻ đẹp của ánh sáng tinh khiết, lộng lẫy và bất tận. Và ở nơi chốn đó, ta lúc nào cũng trôi trong sự thanh bình và rung cảm. 

Thế giới ấy chính là tranh của họa sỹ Đào Hải Phong. Chỉ trong một khoảnh khắc nhanh hơn cả một cái chớp mắt, bầu trời, những dải mây, những ngôi nhà, những ô cửa, những bức tường, những cái cây... trong bức tranh đã thống trị tôi. Đấy là lần đầu tiên tôi xem trực tiếp một tác phẩm của họa sỹ Đào Hải Phong. 

Trước đó, tôi đã nghe ít nhiều về hội họa Đào Hải Phong. Lúc đó, tôi phải thú nhận rằng mình là người ít hiểu biết về hội họa đương đại Việt Nam bởi rất nhiều lý do. Sau đó, tôi bắt đầu một cuộc khám phá và hưởng thụ hội họa, khám phá Đào Hải Phong theo cách của riêng mình.

Chân dung họa sỹ Đào Hải Phong (Ảnh: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ Hải)

Người ta bàn luận nhiều về tranh Đào Hải Phong với những cách nhìn khác nhau. Sự tranh luận đó cho thấy hội họa Đào Hải Phong đã đặt ra một câu hỏi cho sáng tạo hội họa Việt Nam đương đại. Nhưng sự mê đắm của tôi với tranh Đào Hải Phong không phụ thuộc vào bất cứ cách nhìn nào ngoài tôi. Tôi phải trung thực với cảm xúc, trực giác và trí tưởng tượng của mình. Tôi phải trung thực với những gì đang diễn ra trong tâm hồn mình khi chìm vào thế giới màu sắc, hình khối của Đào Hải Phong. Bầu trời, những dải mây, những ngôi nhà, những ô cửa, những bức tường, những cái cây, những con đường… trong tranh Đào Hải Phong đã dẫn tôi đi khó lòng cưỡng lại. Có phải bởi tôi là người quá duy cảm không? Nếu vậy cũng thật đúng với một trong những cách mà ta đến với nghệ thuật. 

Với tôi, một trong những cách mà một tác phẩm hội họa thành công là trước hết nó phải làm cho người xem bị cuốn vào một "cuộc cách mạng cảm xúc", rồi sau đó nó mới gợi mở tư duy cho người xem từng bước về những vấn đề khác liên quan. 

Hội họa của Đào Hải Phong đi theo con đường này. Anh đã làm ra một "cuộc cách mạng cảm xúc" cho người xem. Đó cũng chính là một trong những con đường kỳ diệu của nghệ thuật. Và đó cũng chính là con đường riêng biệt mà Đào Hải Phong đã dựng lên giữa bao con đường chồng chéo lẫn vào nhau.

Sau này được nói chuyện với nhiều họa sỹ Việt Nam danh tiếng và với chính Đào Hải Phong, tôi càng hiểu rõ hơn rằng: Đào Hải Phong đã dấn thân vào một con đường đầy nguy hiểm trong sáng tạo. Chọn cách ấy là Đào Hải Phong chọn một cách đi khó hơn nhiều họa sỹ khác. Đào Hải Phong phải mang đến cho người xem tất cả những gì họ đã quá quen thuộc, thậm chí quen thuộc đến nhàm chán, nhưng lại phải thay đổi người xem và làm mới chính người xem bằng những gì quen thuộc ấy. 

Tôi nghĩ, để biến một cái bình thường thành một cái khác thường, cái phi thường là một thách thức quá khủng khiếp đối với mọi nghệ sỹ. Nhưng Đào Hải Phong đã chọn, đã dấn thân và đã làm nên con đường mang tên chính anh.

Nhà thơ Mỹ Robert Frost viết hai câu thơ nổi tiếng: "Trong rừng có hai lối đi/ Và tôi chọn lối đi ít có dấu chân người". Đào Hải Phong cũng vậy. Không chỉ với các họa sỹ mà các nhà thơ cũng vậy, họ sẽ chết nếu lẽo đẽo đi theo con đường của người khác đã đi hoặc không tìm được con đường riêng cho mình. Con đường riêng vừa làm nên giá trị họ vừa giúp họ thoát khỏi cái chết của chính mình. Đào Hải Phong đã tự cứu mình khỏi cái chết của sự đồng hóa trong nghệ thuật và tự mình dựng lên chủ quyền lãnh thổ nghệ thuật của mình. Những bức tranh của Đào Hải Phong chính là ngôn từ riêng biệt làm nên tuyên ngôn của anh về chủ quyền nghệ thuật ấy.

Đã một đôi lần tôi nghe có người hỏi: "Đào Hải Phong có phải là họa sỹ cách tân hay không?". Tôi cũng không ít lần tự hỏi thế nào là cách tân trong nghệ thuật? Và lần nào tôi cũng chỉ trả lời được rằng: Cách tân chính là làm mới lại những gì đã cũ và làm sống lại những gì đã chết. 

Đào Hải Phong chính là người đã làm mới lại không gian mà tôi đã từng trú ngụ trong đó và làm sống lại những gì đã chết trong con mắt của tâm hồn tôi. Và tôi chắc chắn rằng, điều đó không chỉ đúng với mình tôi mà còn với nhiều người khác nữa, những người đã yêu tranh của anh, mua tranh của anh và nói về tranh của anh.

Họa sỹ Đào Hải Phong bên một tác phẩm mới.

Mọi hình thức sáng tạo của tất cả các thời đại chỉ để cuối cùng đi tới một cái đích duy nhất, là làm cho vẻ đẹp mà ta chưa từng biết trước đó hiện ra từ những hiện thực ta đã biết. Trước khi có tranh Đào Hải Phong, tôi không biết có những vẻ đẹp như thế cho dù khi đứng trước những bức tranh của Đào Hải Phong, tôi nhận ra đó là nơi chốn tôi từng trú ngụ hoặc từng đi qua. Nhưng giờ đây, những vẻ đẹp tưởng đã mờ dần trên bức tường ký ức của tôi lại phục sinh giống như ta lau nhẹ "lớp bụi thời gian" trên một gương mặt, một ngôi nhà, một cái cây, một con đường… thì tất cả lại hiện ra nguyên vẹn và lộng lẫy. 

Nhà sưu tập tranh Tim Murphy nói về tranh Đào Hải Phong: "Tôi ra về với một bức tranh không đắt tiền lắm (tranh chép, theo một nhà báo viết bài này mà tôi trích lại) để rồi ít lâu sau quay lại mua một tác phẩm thật sự của anh. Kể từ đó, tôi đã mua một số bức tranh của anh, bức nổi tiếng nhất tôi để ở phòng khách, đã làm sáng hẳn lên. Đó là phần trung tâm ngôi nhà, nó luôn là đề tài để thảo luận. Với tôi, Phong chính là phần tinh túy nhất của mỹ thuật Việt Nam". Tim có đủ lý do, kể cả một lý do mơ hồ nào đó, để nói vậy về hội họa Đào Hải Phong. 

Một trong những cái "đã làm sáng hẳn lên" trong tranh Đào Hải Phong, đó là ánh sáng. Ánh sáng trong tranh Đào Hải Phong là một thứ ánh sáng tinh khiết, run rẩy, huyền ảo và mê dụ. Ánh sáng ấy là sự hòa quyện và dâng đầy của lớp lớp ánh sáng khác nhau. Tôi nhìn thấy ánh sáng của Đào Hải Phong trong cả chính những gam màu tối thẫm. Đấy không chỉ là bí quyết của màu mà còn bởi tâm hồn họa sỹ luôn ngập tràn ánh sáng của những vẻ đẹp đời sống tinh thần. 

Một điều rất lạ là thứ ánh sáng tinh khiết, run rẩy, huyền ảo và mê dụ trùm phủ trong mọi bức tranh của Đào Hải Phong lại được tạo nên bởi những mảng màu đầy tính tương phản. Và tôi hiểu một cách đơn giản là bởi trong mọi chốn, mọi nơi, mọi vật, Đào Hải Phong đều đi tìm ánh sáng của nó, cho nó và anh đã tìm thấy. Và vì thế, tất cả ánh sáng từ mọi trạng thái của tinh thần anh đã lan tỏa và hòa quyện vào nhau làm nên thứ ánh sáng chủ của họa sỹ thông qua cách cảm tinh tế, sâu sắc và kỹ thuật phối màu điêu luyện.

Có người băn khoăn sao tranh Đào Hải Phong không có người. Nhưng tôi phải nói chính xác là thế này: Đào Hải Phong hầu như không vẽ người. Thế nhưng, tôi lại thấy chân dung tâm hồn Đào Hải Phong luôn hiện ra trong mỗi bức tranh của mình. Danh họa Vincent Van Gogh nói: "Những bức tranh cũng có linh hồn và linh hồn chúng được lấy từ linh hồn người nghệ sỹ". 

Với tôi, sau khi xem tranh của Đào Hải Phong ở nhiều thời kỳ, tôi nhận thấy tôi chính là người trong những bức tranh của anh. Bởi tôi đã ở đó, trong ngôi nhà ấy, bên ô cửa ấy, tôi đã đứng dưới vòm cây ấy, tôi đã bơi trên con thuyền ấy, tôi đã đi trên con đường ấy và tôi đã mơ về một nơi chốn thế gian này như thế… Nghĩa là, một tác phẩm hội họa thành công là để người xem tìm thấy mình trong đó. Nghệ thuật thật kỳ diệu, không viết, không vẽ về nước mắt mà ta thấy nước mắt, không viết, không vẽ về nụ cười mà ta thấy nụ cười, không viết, không vẽ về ta mà ta lại thấy chính đó là ta.

Một tác phẩm hội họa của Đào Hải Phong

Họa sỹ Đào Hải Phong từng nói: "Tôi đi tìm cái đẹp ở những nơi bình dị nhất. Qua đó tôi làm cho nó trở nên trang trọng nhất". Đào Hải Phong cũng nói: “Tôi cho rằng, một sứ mệnh của hội họa là nó phải được lưu giữ dài lâu. Và như vậy, phải có cả cái đẹp lẫn cái tình chan chứa trong đó. Tôi nghĩ là không nên nhìn đời bằng con mắt tối tăm, hay hằn học…’’. Đấy là quan điểm nghệ thuật của anh, đấy là tinh thần sống của anh, đấy chính là sự sống còn của mọi nghệ thuật. Vì thế mà Đào Hải Phong đã tìm ra ánh sáng từ những tăm tối, tìm ra sự lành lặn trong những đổ vỡ, tìm ra ấm áp trong giá lạnh... trong mỗi bức tranh của anh. 

Nghệ thuật không phải làm cho tăm tối trở nên tăm tối hơn, giá lạnh trở nên giá lạnh hơn, đau khổ trở nên đau khổ hơn và tuyệt vọng trở nên tuyệt vọng hơn. Lúc này, tôi nhớ đến một bài thơ của nữ nhà thơ Wislawa Szymborska người Ba Lan, Giải Nobel văn học 1996. Bài thơ viết về những người rơi từ tòa tháp đôi trong vụ khủng bố 11/9. Wislawa Szymborska viết họ đang rơi trong bầu trời, hai cánh tay xòe ra những những cánh chim, tóc họ bay bời bời trong gió và nắng. Những câu thơ cuối cùng, bà viết :

"Chỉ có hai điều tôi có thể làm cho họ -

đó là miêu tả chuyến bay

và không thêm vào câu kết".

Toàn bộ bài thơ từ tên bài cho tới trước hai câu thơ cuối là sự mô tả chính xác với những hình ảnh ám ảnh đầy sợ hãi. Nhưng nếu bà tiếp tục diễn tả họ rơi xuống đến mặt đất thì bà trở thành một kẻ độc ác vì bà đã cho họ chết thêm một lần nữa. Một lần chết với thân xác dập nát trên mặt đất và một lần chết với thân xác dập nát trong những dòng viết của bà. 

Lần thứ nhất những kẻ khủng bố giết họ. Lần thứ hai là bà giết họ. Cái chết lần thứ hai do cái gọi là nghệ thuật gây ra là cái chết thê thảm nhất và kéo dài có khi hàng thế kỷ. Nhưng bà đã dừng lại. Sự dừng lại ấy chính là nghệ thuật, nghệ thuật của cái đẹp và nhân văn. 

Những người rơi từ tòa tháp đôi ở New Yorrk không chết. Họ không thể nào rơi xuống một cách thê lương và đau đớn như vậy, cũng như con người không thể bị gục ngã thảm thương và yếu đuối như vậy bởi bất cứ tội ác nào mà họ đang phải đối mặt. Người nghệ sỹ phải mang đến cho con người những giấc mơ đẹp và niềm hy vọng lớn lao từ một hiện thực cho dù tồi tệ đến đâu. Và quan niệm nghệ thuật của Đào Hải Phong cũng như những tác phẩm của anh là một trong những ví dụ về điều ấy.

Vào một buổi sáng, tôi được họa sỹ Đào Hải Phòng đưa đến cái kho là một căn hộ nhỏ lưu trữ những bức tranh anh vẽ qua nhiều thời kỳ nhưng không bán. Và thêm một lần nữa, tôi lại sững sờ. Căn hộ nhỏ ấy đã biến mất sự chật hẹp của nó và trở thành một thế giới mênh mông bởi chính những bức tranh treo kín các bức tường. Những tấm toan là một loại vật chất luôn làm cho cái nhìn của chúng ta hữu hạn. Nhưng khi họa sỹ đã dựng lên được thế giới của mình thì cái hữu hạn vật chất của toan và của cả màu đã phá vỡ đi chính sự hữu hạn của chúng để mở ra một không gian không có một vật cản nào. 

Đấy là sự kỳ diệu của nghệ thuật và đấy là tài năng của người nghệ sỹ mang tên Đào Hải Phong.

Thị xã Hà Đông, 18/11/2019

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top