Aa

Có một dòng sông chảy ở lưng trời

Thứ Ba, 03/09/2019 - 06:30

Bây giờ mỗi lần về quê, tôi lại ra sông Đáy trong buổi chiều. Con sông Đáy vẫn còn kia nhưng bao điều sinh ra từ con sông này đã không còn nữa... Con người đã giết chết những dòng sông...

Con sông lớn nhất, chứa nhiều câu chuyện nhất và gắn bó với cuộc đời tôi nhất là sông Đáy. Tôi nghĩ mình là người may mắn khi được sinh ra và lớn lên bên cạnh một con sông. Năm ba tuổi, tôi đã nhìn thấy sông Đáy. Có lần tôi cùng anh cả tôi theo mẹ ra tận bến đò. Mẹ tôi sang sông về quê ngoại của mẹ ăn giỗ. Khi con đò chở mẹ tôi rời bến, tôi thấy sợ và chút nữa thì òa khóc vì nghĩ mẹ sẽ không bao giờ trở lại nữa. Tôi nghĩ vậy vì con sông Đáy thuở đó đối với tôi rộng mênh mông như không hề có bờ bên kia. 

Từ khi lên bảy tuổi, không mấy ngày tôi không lang thang dọc bờ sông cùng lũ trẻ. Ở đó có những gò đất mọc đầy dứa dại, hoa tầm xuân, cây mâm xôi, cây tóc tiên và những lối đi ngang dọc của bầy cầy hương và chuột. Triền sông Đáy đoạn chảy qua làng tôi thực sự là một thế giới đầy bí ẩn. Lớn lên một chút nữa, cứ vào mùa nước lên, lũ trẻ chúng tôi lại ra bãi sông câu cá.

Bức tranh sơn dầu trên toan mang tên "Sông Đáy" do nhà văn Nguyễn Quang Thiều thực hiện.

Thường là khi những bãi ngô chạy dọc triền sông đã được thu hoạch thì cũng là lúc sông Đáy vào mùa nước. Khi những tiếng sấm báo hiệu mùa mưa nối nhau chạy từ dãy núi đá vôi Hòa Bình về đến làng tôi là lũ trẻ làng tôi náo nức. Đấy là mùa sông Đáy nước lên và đấy là mùa đi câu sông và kéo vó cá thè be. Mỗi đứa trẻ trong làng thường có ít nhất hai chiếc cần câu. Đứa nhiều thì có đến ba bốn chiếc. Câu ao thì chỉ cần một chiếc, nhưng câu sông thì phải có vài ba chiếc cần. Câu sông cá không cắn nhiều như câu ao hay câu hồ. Hơn nữa sông quá rộng nên mỗi người câu có nhiều cần cắm rải ra để đón cá.

Chỉ sau một hai ngày mưa là nước từ đâu đổ về dâng cao ngập lên đến nửa bãi sông. Con sông Đáy bỗng rộng ra mênh mông cảm giác như bờ bên kia đã trôi về phía chân trời. Chúng tôi đội mũ lá và vác cần câu ra sông. Vào mùa nước sông năm nào chúng tôi cũng đi câu nhưng dòng sông lúc nào cũng chứa đựng những bí ẩn trong lòng của nó. Không biết con cá nào trong dòng nước mênh mông kia sẽ ban cho chúng tôi sự may mắn. 

Mồi câu sông là những con giun cát. Giun cát là loại giun sống ở bãi sông phía ngoài đê. Giun cát mình nháp có lẽ vì chúng sống trong đất cát chứ mình không trơn nhẫy như những con giun sống trong đất thịt. Lúc đó, những cây ngô đã chặt vẫn còn gốc trên phần bãi sông chưa bị ngập nước. Chúng tôi chỉ cần nhổ cái gốc ngô lên là trong đó có vài ba con giun nằm ở đó. 

Những đứa trẻ câu sông đứng ngập trong nước vừa nhìn phao vừa nói đủ thứ chuyện. Thường chúng tôi đi câu từ sáng cho đến chiều mới về. Buổi trưa hầu hết lũ trẻ ăn trưa ngoài bãi sông. Bữa trưa của chúng tôi là khoai luộc, khoai hầm, ngô rang hay khoai khô chín mang theo. Hôm nào đứa nào câu được nhiều cá thì bỏ một con ra đốt lửa nướng chia nhau ăn. Những ngày đi câu như thế là những ngày hạnh phúc nhất của lũ trẻ. Đói rét cũng chẳng thấm gì với những đứa trẻ con những năm tháng ấy. 

Có những ngày trời mưa liên miên, chúng tôi đứng dầm mưa cả buổi. Mưa rơi mù mịt mặt sông, nhiều lúc chiếc phao ngôi như biến mất trong những giọt mưa xối xả ném xuống mặt sông, nhưng hễ cá cắn câu là chúng tôi biết ngay. Chúng tôi chẳng bao giờ nhầm lẫn giữa một chiếc phao rung bởi mưa và rung bởi cá cắn. Chúng tôi chẳng có kinh nghiệm gì trong chuyện này mà chỉ là cảm giác của những đứa trẻ.

Ngày ấy sông Đáy nhiều cá. Những loại cá ngày trước đầy sông Đáy bây giờ lại trở thành đặc sản như cá măng, cá chày, trạch chấu, cá bò, thờn bơn... Buổi chiều, đứa trẻ nào cũng xách một xâu cá sông dù ngắn dài khác nhau trở về nhà trong hạnh phúc. Cha mẹ chúng lại làm ra những món ăn mà chúng chẳng bao giờ quên được cho đến tận cuối đời. 

Lớn lên, tôi hiểu thêm một điều quan trọng là sông Đáy đã nuôi người làng tôi trong những năm nghèo đói. Và thứ đặc sản của sông Đáy đã nuôi người làng tôi là hến. Sau này, mẹ tôi vẫn thường nói nếu không có hến sông Đáy thì có không biết bao nhiêu người làng đã chết đói. Không phải tôi mà những người thiên hạ đã biết sông Đáy đều khẳng định sông Đáy là con sông nhiều hến nhất ở phía Bắc. Lời nhận xét ấy có lẽ là đúng. 

Sông Đáy. Ảnh: Internet

Hồi còn sống ở quê, những trưa mùa hạ tôi thường theo người làng đi bắt hến. Hến nhiều và dày như sỏi dưới đáy sông. Chỉ cần đưa tay xuống mặt cát vốc hến lên. Chỗ nào sâu hơn thì người ta dùng dậm để cào hến. Người ta đặt chiếc dậm ở đáy sông rồi lấy chân gạt hến vào. Chỉ cần mấy mẻ cào hến là đã đầy một rổ hến. Con sông nào cũng có bên lở, bên bồi. Làng tôi ở phía bên bồi nên sông cạn hơn và nhiều cát. Cùng họ với hến còn có mẹ ghẻ, chìa vôi, trùng trục và trai sông. Thường những con mẹ ghẻ, trùng trục, chìa vôi hay sống ở phần đất pha nhiều bùn nằm ở phía bên lở.

Hồi đó, hầu như năm nào làng tôi cũng có người chết đuối mà phần lớn là trẻ con. Những năm tháng đó, lũ trẻ ở làng tôi sống như những con thú hoang. Ngoài giờ lên lớp thì hầu như chúng lang thang trên cánh đồng, dọc bờ sông hay khu đầm nước với đủ thứ trò nghịch ngợm. Chỉ đến bữa là chúng mới mò về nhà. Những người lớn trong làng quanh năm bận rộn đồng áng cũng chẳng có thời gian lúc nào cũng để mắt đến lũ trẻ. Bởi thế lũ trẻ được thả hoang trong thế giới của chúng và vô tình trở thành lực lượng chính đi kiếm cá, cua, ốc, hến... thay việc mua thức ăn cho gia đình. 

Vào những trưa mùa hạ, cả khúc sông làng rộn vang tiếng cười nói của lũ trẻ đi bắt hến. Sông Đáy nhiều cát nên thi thoảng có những con thuyền từ đâu đến dừng lại ở khúc sông làng tôi vài ngày để lấy cát. Chính việc lấy cát đã làm thành những hố sâu dưới lòng sông. Khi những đứa trẻ mò hến gặp hố cát bị hẫng chân tụt xuống bất ngờ thường đuối nước. Người anh thúc bá của tôi là ông Nguyễn Gia Tuế, trạng nguyên thơ làng Chùa mà báo chí đã nhiều lần nói đến có một đứa con gái trạc tuổi tôi chết đuối trên khúc sông làng khi đi bắt hến. Sau khi chôn cất con rồi, những buổi trưa ông vẫn ra bờ sông gọi con trong nước mắt cho hết cả mùa hạ năm đó. Và từ đó, ông không bao giờ ăn hến nữa.

Người làng tôi ăn hến nhiều đến mức một phía làng là nhà cửa và phía đối diện là những ao hồ liền nhau chạy từ đầu làng đến cuối làng và dọc bờ những ao đầm đó đổ đầy vỏ hến. Vì hến nhiều và dễ bắt nên mỗi lần ăn hến, mỗi gia đình ăn đến cả một thúng hến. Không chỉ người ăn hến mà lợn, gà, vịt cũng ăn hến. Người làng luộc hến lấy nước để nấu cám lợn còn đâu đổ ra sân, ra vườn cho vịt, gà rúc ăn ruột hến. Bởi thế mà lợn, gà vịt lớn rất nhanh và béo. 

Người làng tôi luộc hến trong những cái nồi đồng ba mươi hoặc nồi quân dụng. Và luộc hến thì không cho nước vì nước trong những con hến chảy ra là đủ. Nước luộc hến trắng đục như nước gạo nếp vo thơm và ngọt vô cùng. Vào mùa đông, người làng tôi vẫn đi bắt hến. Lúc đó sông Đáy vào mùa cạn nước và người lớn chỉ cần sắn quần đến bẹn là lội xuống sông bắt hến được rồi. 

Người làng tôi ăn hến quanh năm. Bởi thế hến được nấu với rất nhiều loại rau quả của làng suốt bốn mùa. Hến nấu với bầu, với bí đỏ non, với rau dâu, rau đậu, rau ngót, rau đay, bắp cải, rau mướp, nụ mướp, rau cần, su hào, rau cải, rau dền các loại, nấu với dọc khoai ngứa, rau muống, rau rút, lá vông, rau khoai tây, lá sắn, rau tần bóp... Ngoài nấu với rau, người làng tôi còn hay nấu hến với mẻ, với khế, cà chua và cả với sấu. Nhưng hến nấu với mẻ là phổ biến nhất vì nhà nào cũng nuôi một thạp mẻ ở góc bếp và cũng là món hến nấu chua ngon nhất.

Bờ bên kia sông đối diện với làng tôi là huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ, còn được gọi là thủ đô dâu tằm. Hầu như cả huyện Mỹ Đức đều trồng dâu. Người bên làng tôi cũng có một số gia đình trồng dâu nuôi tằm trong vườn hay trên phần ruộng của mình. Nhưng hầu như nhà nào cũng có một cây dâu cổ thụ mọc um tùm cả góc vườn hoặc ở đầu ngõ. Mẹ tôi nói người ta trồng cây dâu ở đầu ngõ để đuổi ma. Bởi thế mà có người ốm chữa thuốc mãi không khỏi, người nhà tin là người ốm bị ma làm bèn lấy một cành dâu thắp hương rồi đánh vào người ốm coi như đánh con ma ở trong người ốm. 

Lá dâu bánh tẻ nấu với hến ăn ngọt và bùi. Lá dâu là một thứ thuốc an thần. Ăn canh hến nấu với lá dâu vừa ngon, mát lại vừa dễ ngủ. Khi nấu canh hến, người ta vò nát lá dâu như vò rau bí cho mềm và thả vào nồi canh. Vào những năm đói kém không có gạo, mẹ tôi thường nấu cháo hến với bắp cải trồng trong vườn. Ăn nhiều cháo hến nấu với bắp cải làm mặt ai trong gia đình tôi cũng phinh phính. Có người khách xa đến chơi thấy vậy nói mẹ tôi nên đưa anh em chúng tôi đi khám bệnh xem sao vì ông lo cả nhà bị bệnh phù thũng. 

Có những bữa ăn chỉ một món hến. Hến nấu canh, hến kho và hến xào. Mẹ tôi thường xào hến với mẻ và rau thì là hoặc xào hến với khế chua đập dập thái mỏng và rau răm. Có lúc mẹ kho hến với tương và lá gừng tươi. Món này lạ miệng và ngon lắm. Bạn hãy nấu một lần ăn thử mà xem. Hến vẫn có bán ở chợ, còn tương và gừng thì mua đâu chẳng có.

Nhưng hấp dẫn chúng tôi nhất là mỗi khi mẹ làm món chả hến. Khi tôi nói chuyện với bạn bè về món chả hến thì ai cũng ngạc nhiên. Họ chưa nghe đến món ăn ấy bao giờ. Chị Thủy chủ nhà hàng Mirai mấy lần cứ bảo tôi nói cho chị nghe món chả hến làm như thế nào. Chị cũng như nhiều người không chỉ chưa nghe đến món chả hến mà có rất nhiều món của người làng Chùa cũng chưa nghe ai nói bao giờ. 

Những năm tháng xa xưa ở những làng quê có rất nhiều món ăn lạ. Người thôn quê nấu tất cả những gì có thể ăn được và tìm cách chế biến những món ăn có từ nguyên liệu của làng để vượt qua những cơn đói. Nhưng rồi chính những món ăn ấy lại trở thành những món ăn mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ.

Mẹ tôi chỉ làm món chả hến những khi có thời gian rảnh dỗi hoặc khi cha tôi có khách từ thị xã Hà Đông về chơi. Hến để làm chả phải là hến già thì ruột hến mới không bị ngót và không ra nhiều nước khi nướng chả. Sau khi luộc hến và đãi lấy ruột, mẹ tôi để cho ruột hến thật ráo nước rồi băm dối ruột hến. Mẹ tôi giã mần giềng, gừng thật nhỏ. Lúc nào giã giềng, gừng, mẹ tôi cũng giã thêm một mẩu nghệ. Nghệ làm mất mùi tanh của hến và làm màu cho món chả hến. Mẹ băm một hai quả ớt tươi để cho vào món chả hến. Tất cả ruột hến băm qua trộn với mần giềng, gừng, nghệ giã nhỏ cùng với ớt tươi băm và rau thì là. Có lúc mẹ trộn lá chanh hoặc lá gừng bánh tẻ vào món chả hến. Nếu hôm nào mẹ tôi mua được mỡ phần thì mẹ thái hạt lựu cho vào thì món chả hến thơm ngon hơn rất nhiều. 

Sau này đời sống khá giả hơn thì mẹ băm một ít thịt nạc vai phần có nhiều mỡ trộn đều với ruột hến. Mẹ bọc chả hến bằng lá xương sông và lấy lá chuối non bọc lớp ngoài để cho bụi than không dính vào miếng chả và để lớp lá xương sông không bị cháy đen và cũng để cho món chả hến được nướng kỹ. Món chả hến thường nướng bằng than lõi ngô. Ngày ấy, nhà nào cũng có một cót lõi ngô quây ở góc bếp dùng để nướng cá, nướng thịt hay nướng chả. Than lõi ngô đượm và thơm. Nướng món chả hến cho đến khi lớp lá chuối non bọc ngoài cùng cháy hết thì được.

Món chả hến phải ăn khi vừa nướng xong. Ngày nay, người ta chủ yếu dùng nước mắm chế gia vị để chấm các món nướng. Nhưng hồi đó ở làng quê nước mắm là thứ xa xỉ phẩm. Bởi thế người làng tôi chấm món chả hến với tương hoặc muối rang ớt có vắt chanh. 

Vào mùa hạ, món chả hến thường chấm với nước tương trong ngâm măng tay tre. Nước tương trong chỉ có khi chum tương vừa được ngả xong. Lúc đó, mốc ngô vào đậu tương chìm xuống dưới. Phần nước ở trên được tiết ra từ mốc ngô và đậu tương rang có màu nâu thẫm và thơm. Còn sau khi đã sát tương thì không còn được ăn tương trong nữa. 

Ngả tương là giai đoạn người ta mở cái vung đậy chum tương ra phơi nắng. Ngả tương phải vào dịp nắng đều và kéo dài trong bảy ngày. Sau bảy ngày , mẹ tôi vớt mốc ngô và đậu tương từ chum bỏ vào chiếc rá sát cho nhuyễn. Mày ngô và vỏ đậu thì bỏ lại. Mẹ tôi thường cho nước tương trong vào một chiếc lọ thủy tinh mà bà bán hàng nước thường dùng để đựng kẹo bột. 

Lũ trẻ con chúng tôi xuống bờ ao để lấy những cái măng tay tre. Mẹ bóc bẹ măng tay tre lấy phần măng non nhất thái mỏng và bỏ vào lọ tương. Chỉ sau vài ngày măng tay tre ngâm trong nước tương trong đã tạo nên một hương vị thơm ngon lạ lùng. Bây giờ, nhiều lúc ngồi một mình, tôi cứ lẩn thẩn tự hỏi bắt nguồn từ đâu mà người xưa lại biết kết hợp thứ này với thứ kia để làm nên những món ăn đầy hương vị và ngon miệng đến như thế. 

Những ai đã ăn món chả hến của mẹ tôi thì chẳng bao giờ quên được. Vừa rồi, thiếu tướng cảnh sát Đỗ Hùng về quê tôi có việc ghé qua thăm gia đình tôi. Ông là lính của cha tôi hồi ông mới vào ngành công an. Thi thoảng đi công tác cùng cha tôi ghé qua thăm nhà tôi, ông đã được mẹ tôi đãi món chả hến. Trong lúc ngồi uống trà với anh em tôi, ông lại nhắc đến món chả hến mà mẹ tôi làm thuở trước. Ông hỏi bây giờ chúng tôi có làm món chả hến nữa không và mong một ngày lại được ăn món chả hến. Thú thực, vài ba năm chúng tôi mới có dịp làm lại món chả hến của mẹ tôi ngày nào. Cuộc sống bề bộn với quá nhiều hệ lụy đã bứt chúng tôi ra khỏi bao điều thi vị của cuộc sống này.

Sông Đáy. Ảnh: Internet

Bây giờ mỗi lần về quê, tôi lại ra sông Đáy trong buổi chiều. Con sông Đáy vẫn còn kia nhưng bao điều sinh ra từ con sông này đã không còn nữa. Nhưng tôi vẫn nghe thấy tiếng cười nói rộn vang của những người làng đi bắt hến những buổi trưa mùa hạ. Tôi vẫn thấy người anh thúc bá đứng bên bờ sông gọi tên đứa con gái đi bắt hến đã chết đuối trên sông. Trước kia, tôi đã sợ hãi khi mẹ tôi lên đò sang bên sông vì nghĩ mẹ tôi không trở lại vì bến bờ bên kia mù xa như ở cuối chân trời. 

Bây giờ tôi có cảm giác chỉ nhảy khẽ là sang được bờ bên kia. Con người đã giết chết những dòng sông. Người ta đổ xuống sông biết bao nhiêu thứ trong suốt mấy chục năm qua. Có nhiều đoạn sông Đáy nước chỉ cạn như nước ruộng. Những mẹ ghẻ, chìa vôi, trùng trục... những cá bò, trạch chấu, cá chày mắt đỏ, thờn bơn... đã rời đi. Con sông Đáy bây giờ như một lạch nước nhỏ. Và những mùa câu sông, những buổi trưa bắt hến... đã chìm vào quá khứ. Cái chết của thiên nhiên chính là báo hiệu cho cái chết của con người. 

Có những đêm ngồi trên hiên nhà nhìn lên bầu trời đầy sao, tôi thấy linh hồn sông Đáy đang trôi trong vũ trụ vô tận, và bên linh hồn của dòng sông là linh hồn những người làng tôi. Tất cả đang ra đi và mang theo những vẻ đẹp giản dị nhưng thiêng liêng của một đời sống. Và trong tôi những lúc đó lại vang lên bản xô nát buồn về dòng sông ấy:

Sông Đáy

Sông Đáy chảy vào đời tôi

Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả

Tôi dụi mặt vào lưng áo người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm

Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt

Cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc

Âm thầm vỡ trong tôi, âm thầm vỡ cuối nguồn

Tỏa mát cơn đau tôi là tóc mẹ bến mòn đứng đợi

Một cây ngô cuối vụ khô gầy

Suốt đời buồn trong tiếng lá reo.

Những chiều xa quê tôi mong dòng sông dâng lên ngang trời cho tôi được thấy

Cho đôi mắt nhớ thương của tôi như hai hốc đất ven bờ, nơi những chú bống đến làm tổ được dàn dụa nước mưa sông.

Sông Đáy ơi! chiều nay tôi trở lại

Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi

Em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước

Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi

Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa.

Sông Đáy ơi, sông Đáy ơi… chiều nay tôi trở lại

Mẹ tôi đã già như cát bên bờ

Ôi mùi cát khô, mùi tóc mẹ tôi

Tôi quỳ xuống vốc cát ấp vào mặt

Tôi khóc.

Cát từ mặt tôi chảy xuống dòng dòng.

Sông Đáy, 1991.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top