Aa

Phần 6: Phố người Hoa và một người đàn bà Việt

Thứ Ba, 12/11/2019 - 06:30

Một người đàn bà Việt Nam tưởng như yếu đuối, đã không còn nói được tiếng Việt, lại sống một cách mãnh liệt và như không có gì lấn át được trong một cộng đồng đông đúc, đầy thâm u và đầy lo ngại như thế...

Những khu phố, và đặc biệt những ngôi nhà của người Hoa, trong các ngõ phố lúc nào cũng thâm u và đầy vẻ lo ngại với những người chưa quen. Trước kia, ở Hà Nội, có nhiều gia đình Hoa kiều nhưng tôi chưa một lần bước vào bất cứ một ngôi nhà nào đó của họ. Và thế, ngôi nhà của người Hoa lần đầu tiên tôi bước vào là một ngôi nhà ở phố Thượng Hải, thủ đô La Havana. Hồi học ở đó, có ba thứ của người Hoa mà sinh viên Việt Nam hay mua, đó là sâm nước, mì chính và mỳ sợi tươi. Người Cuba giống người châu Âu và nhiều nước khác, không dùng mì chính. Vì vậy những sản phẩm đó chỉ để bán cho chính người Hoa ở đó và một số sinh viên châu Á.

Ngôi nhà của người Hoa nằm trong một cái ngõ trên phố Thượng Hải ở khu vực La Havana cổ. Tôi đã bước vào đó. Một ngôi nhà trần rất cao và có phòng khách khá rộng. Những đồ gỗ, tủ, bàn uống trà đều bằng gỗ, đã sẫm màu thời gian. Ánh sáng rất ít trong căn phòng. Chỉ có một chiếc bóng đèn nhỏ tỏa ánh sáng vàng đục. Hầu như các góc phòng đều phủ bóng tối. Trên bức tường chính diện với cửa ra vào có treo hai bức ảnh. Một bức ảnh tôi nhận ra ngay, đó là Chủ tịch Mao Trạch Đông. Bức ảnh thứ hai chụp một người Trung Quốc râu dài, áo thùng thình giống các bức tranh minh họa trong truyện Tam quốc mà tôi đã đọc được từ hồi còn rất trẻ. Tôi không biết đó là ai. Sau này mới biết đó là chân dung Khổng Tử. Riêng ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đồng thì sau này ở các ngôi nhà người Hoa ở các nước châu Âu hay Mỹ, tôi không thấy có ảnh ông. Nhưng tranh vẽ Khổng Tử thì có. 

Ở giữa phòng khách là ông chủ ngôi nhà. Một người đặc Trung Quốc. Tóc cắt ngắn, áo cổ khuy cài bằng vải. Ông ta ngồi trong một chiếc ghế bọc nhung to đã bạc màu. Ông nói chuyện với chúng tôi bằng một thứ tiếng Tây Ban Nha đặc thổ âm tiếng mẹ đẻ của ông. Khi chúng tôi hỏi mua mấy thứ hàng nói trên, ông gọi vọng vào căn phòng bên cạnh. Một người đàn bà, chắc là vợ ông, bưng một cái thùng gỗ cũng thẫm màu thời gian ra và mở ra. Trong đó đựng những lọ sâm nước và những gói mì chính. 

Đã mười mấy năm nay, gia đình tôi không dùng mì chính. Nhưng dùng mì chính để nấu ăn là một thói quen của người Việt Nam. Hồi ở Cuba, khi không mua được mì chính, bọn sinh viên chúng tôi dùng một loại thuốc đau đầu viên màu trắng nghiền thành bột và trộn với muối là thành mì chính. Tôi quên tên loại thuốc đó rồi, nhưng khi nói vậy các dược sỹ sẽ biết ngay là loại thuốc gì. Chúng tôi thường nấu mỳ sợi tươi của người Hoa với thịt lợn hộp, cà chua hộp và một số rau thơm, rồi cho mì chính vào. Bất cứ người Cuba nào đã ăn món mỳ của chúng tôi thì khó mà ăn được các món mỳ sợi nấu tương tự. Nước thịt hộp cộng thêm mỳ chính làm nên một thứ nước dùng ngon vô cùng với chúng tôi thời đó

Một cặp vợ chồng gốc Hoa ở Cuba.

Ở La Havana không có Chinatown (người ta thường gọi là phố Tàu). Ở Việt Nam có khu người Hoa rất lớn gọi là Chợ Lớn chứ không gọi là Chinatown. Nhưng ở rất nhiều nước trên giới thì có. Từ xa, người ta đã có thể nhận ra phố Tàu bởi cái cổng to trang trí rồng phượng rực rỡ. Mấy chục năm trước, khi tôi đến Úc theo lời mời của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, trong chương trình, người ta cho tôi đi thăm Chinatown. Đấy là lần đầu tiên tôi thấy phố Tàu. Hình như không gì của thế giới bên ngoài (cụ thể ở đây là nước Úc) có thể xâm nhập vào cái phố Tàu được. Nhưng ngược lại nó có khả năng tấn công ra bên ngoài và lan rộng những ảnh hưởng không đâu vào đâu của nó. Một nhà nghiên cứu xã hội của Úc đã viết đại ý rằng: Lúc đầu, phố Tàu giống như một dãy phố buôn bán và là lạ mà thôi. Nhưng dần dần nó biến thành một Trung Hoa ngay trên nước Úc mà không gì có thể ngăn cản nổi.

Và một ngày, tôi gặp một người đàn bà Việt Nam trong khu phố ấy. Một người đàn bà đã làm dâu một gia đình Trung Quốc từ khi còn rất trẻ. Năm bảy tuổi, bà được đưa từ Bắc Giang xuống Hà Nội làm con ở cho một gia đình Hoa kiều. Sau đó, gia đình Hoa kiều này chuyển vào Sài Gòn sinh sống và buôn bán. Thấy cô bé xinh đẹp và thông minh, họ đưa cô bé đi theo. Gia đình người Hoa cho gọi mẹ cô bé đến và nói rõ câu chuyện. Vì gia đình quá nghèo khổ, bà mẹ đồng ý cho con đi theo gia đình người Hoa. Trước khi ly biệt con, bà đã dúi vào tay con gái một gói vải nhỏ. Gói vải đó bọc một túm tóc của bà. Mẹ bà đã từng nói với bà rằng, khi người ta gửi tóc ở đâu đó thì người ta không bao giờ quên nơi đó được. Bà không muốn con gái mình quên người mẹ và cố hương của mình.

Khi gặp tôi, bà đã đứng lặng nhìn tôi mà không trả lời câu hỏi của tôi: “Bà là người Việt Nam à?”. Bà đã khóc vì câu hỏi ấy. Bà cố gắng nhớ một câu tiếng Việt cho trọn vẹn nhưng không thể làm được. Bà phải nói với tôi bằng tiếng Tây Ban Nha. Bà nhớ Hà Nội và cái làng quê xa lắc của bà mà bà không còn nhớ tên làng nữa. Khi đứa con đầu lòng ra đời, bà đã xin chồng mình bằng được để đặt tên cho đứa con là Thăng Long. Vì tất cả những gì bà đã sống cho gia đình người Hoa ấy đã làm người chồng chấp nhận tên đứa con của ông ta bằng một cái tên Việt Nam. 

Bà nói với tôi, thi thoảng bà vẫn mơ về mảnh đất Việt Nam. Mơ về cái làng nơi bà sinh ra và lớn lên rồi ly biệt nó từ khi còn rất nhỏ. Nhưng bà biết, bà không còn cơ hội để trở về mảnh đất ấy. Bà không thể trở về bằng thân xác bà nhưng bà luôn trở về trong những giấc mộng. Bà tự may cắt chiếc áo tứ thân như hồi còn trẻ ở Việt Nam để mặc khi Tết đến. Và không chỉ Tết, mỗi khi có sự kiện gì đó, bà lại mặc chiếc áo tứ thân. Bà vẫn để tóc như một phụ nữ Việt Nam từ thập kỷ 30, 40 của thế kỷ trước. Chỉ có tiếng mẹ đẻ là bà không thể nào nói được nữa. Khi mới rời Việt Nam, bà chỉ mới 11 tuổi, những năm đầu tiên, đêm nào trước khi ngủ bà cũng hình dung ra những người thân yêu của mình còn ở Việt Nam và nói chuyện với hình ảnh của họ để khỏi quên họ và quên tiếng mẹ đẻ. Nhưng thời gian khắc nghiệt cứ đẩy bà xa dần ngôn ngữ ấy. Tôi là người học ngoại ngữ và tôi thông cảm với bà.

Sau khi gặp tôi, bà đã mời tôi đến ăn cơm với gia đình bà vào ngày chủ nhật để đứa con trai bà có thể gặp tôi, một người từ mảnh đất gốc tích của bà. Trong suốt thời gian học tập ở Cuba, ba lần bà đến tận cư xá của tôi ở để thăm tôi và mang cho tôi một vài món ăn Việt Nam mà bà vẫn còn nhớ cách nấu. Bà nhìn tôi ăn với đôi mắt rất lo lắng vì nghĩ tôi không còn nhận ra hương vị món ăn do bà nấu nữa. Tôi khen ngon và rất Việt Nam thì bà vui như đứa trẻ. Có lúc bà đã khóc vì sung sướng.

Khi tôi báo, tôi chuẩn bị về Việt Nam, bà vô cùng buồn. Tôi hỏi bà còn nhớ một ai trong gia đình bà không để tôi có thể đi tìm và cho họ biết thông tin về bà. Nhưng bà không thể nhớ được một ai cụ thể nữa. Trước khi tôi về, bà đã đưa tôi một bọc vải nhỏ trong đó đựng một túm tóc của bà. Bà nhờ tôi thả túm tóc đó xuống sông Hồng hay vùi vào một cánh đồng nào đó để khi bà chết thì linh hồn bà biết đường tìm về với xứ sở mình. Lúc này không phải bà khóc mà là nước mắt tôi ứa ra. Tôi xúc động đến lạnh người. Tôi hứa với bà là sẽ thực hiện mong ước ấy của bà. 

Vào một ngày mùa thu năm 1989, sau khi về nước được gần hai tháng, tôi đã mang túm tóc của bà thả xuống sông Hồng từ cầu Long Biên.

Tôi đoán, năm nay bà đã hơn 90 tuổi. Tôi không biết bà có còn sống không. Nhưng có một điều tôi tin: Đó là bà sẽ trở về xứ sở của mình, cho dù thế nào. Bà chỉ là một cô gái đi ở, trở thành con dâu của gia đình người Hoa và sống trong cái cộng đồng đông đúc ấy, nhưng trái tim bà, tâm hồn bà và linh hồn bà vẫn không hề thay đổi. Có thể có nhiều Trung Quốc bé nhỏ ở trong lòng các nước khác như Úc, Pháp, Mỹ, Đức... Tôi lại nhớ đến nhận xét của một nhà nghiên cứu Úc về các Chinatown hay là sự ảnh hưởng của Trung Quốc với chính các nước sở tại. Nhưng có một người đàn bà Việt Nam tưởng như yếu đuối, đã không còn nói được tiếng Việt lại sống một cách mãnh liệt và như không có gì lấn át được trong một cộng đồng đông đúc, đầy thâm u và đầy lo ngại như thế...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top