Aa

Quảng Nam: Vì sao các bãi cát trái phép tại huyện Đại Lộc ngang nhiên tồn tại?

Thứ Năm, 21/10/2021 - 10:00

Tình trạng tập kết cát trái phép tại nhiều xã của huyện Đại Lộc đang đặt ra những dấu hỏi về công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản. Có hay không việc bao che, làm ngơ gây thất thoát nguồn thu?

Theo phản ánh của Reatimes, thời gian gần đây tại huyện Đại Lộc (Quảng Nam) xuất hiện nhiều bãi cát trái phép với trữ lượng khổng lồ nằm xen lẫn với các khu vực sản xuất, kho bãi, bãi xe, nghĩa địa…

Nguồn gốc cát tại các bãi chứa trái phép là một dấu hỏi lớn, chờ cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ!

Bị động trong quản lý tài nguyên khoáng sản

Có thể kể đến một số bãi cát trái phép điển hình như tại khu vực thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp và thôn Nam Phước, xã Đại Tân (cả hai bãi này đều của ông L.V.B, đại diện Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng); bãi cát trái phép tại khu vực để xe của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Kim Thành (thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng)…

Liên quan đến những nội dung phản ánh trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Nam đã có công văn số 2245/STNMT-KS gửi UBND huyện Đại Lộc vào ngày 14/10/2021. Công văn nêu rõ: “Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 73-KL/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh và Công văn số 1736/UBND-KTN ngày 02/4/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các cấp, các ngành trong việc quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường kính đề nghị UBND huyện Đại Lộc kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam nêu trên; xử lý vi phạm theo thẩm quyền và báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh, xử lý về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/10/2021”.

Nhiều hệ lụy xung quanh việc các bãi cát trái phép ngang nhiên tồn tại trên địa bàn huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

Trong nhiều tháng trở lại đây, Reatimes đã ghi nhận nhiều vụ việc vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc, điển hình như việc lợi dụng nạo vét hồ đập để bán cát trái phép tại hồ chứa nước Khe Bò (xã Đại Hồng). Điểm chung của những vụ việc này là trước đó chính quyền đều “không biết” hoặc “không nắm rõ” số lượng cát được nạo vét và vận chuyển ra Thừa Thiên - Huế thay vì sử dụng san lấp mặt bằng tại xã Đại Hồng như phương án nạo vét đã được phê duyệt. Sau khi sự việc được báo chí phản ánh thì mới bắt đầu chỉ đạo các cấp, các ngành vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Đáng chú ý, vụ việc lợi dụng nạo vét hồ đập để bán cát trái phép tại hồ chứa nước Khe Bò (xã Đại Hồng) xảy ra vào tháng 5/2021, thời điểm đó lãnh đạo UBND huyện Đại Lộc cho biết huyện đã giao các ngành đi kiểm tra, xác minh, làm rõ sự việc báo chí phản ánh. Tuy nhiên, sau nhiều lần hứa hẹn và “gia hạn” đến nay đã hơn 5 tháng vẫn chưa thấy UBND huyện thông tin về kết luận kiểm tra, xử lý. Vụ việc này gây bức xúc dư luận, thất thoát nguồn thu cho ngân sách.

Khu vực hồ chứa nước Khe Bò (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) được nạo vét để san lấp mặt bằng cho xã Đại Hồng thời điểm đầu tháng 7/2021, nhưng lại bị chở ra Thừa Thiên - Huế.

Không biết đến bao giờ mới hết tình trạng bị động trong công tác quản lý, xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc? Thay vì để sự việc xảy ra rồi mới vào cuộc kiểm tra, xử lý, tại sao không có các biện pháp chủ động trong việc ngăn chặn, xử lý kịp thời? Phải chăng công tác quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện Đại Lộc đang có vấn đề?

Có hay không chuyện trốn thuế?

Liên quan đến việc hàng loạt bãi cát trái phép với trữ lượng khổng lồ tồn tại trên địa bàn huyện Đại Lộc, ngoài một số tác động tiêu cực ảnh hưởng đến môi trường, suy giảm chất lượng đất, vi phạm các quy định về quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường; xe quá tải vận chuyển cát sỏi làm ảnh hưởng lớn đến kết cấu hạ tầng giao thông… thì một hệ lụy nữa là làm thất thu ngân sách của Nhà nước.

Bãi tập kết cát trái phép ở huyện Đại Lộc

Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại thôn Thuận Mỹ, xã Đại Phong, huyện Đại Lộc (Quyết định số 684/QĐ-UBND ngày 12/2/2018). Tại quyết định này, công suất khai thác mỗi năm của công ty là 19.364m3 cát và 636m3 sỏi, thời gian khai thác theo công suất thiết kế là 3 năm 6 tháng 22 ngày (tổng trữ lượng khai thác trong thời gian được cấp phép là 72.554m3, trong đó 70.247m3 cát và 2.307m3 sỏi).

Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, 9 tháng đầu năm 2021, sản lượng khai thác khoáng sản Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng là 42.618m3 (trong đó sản lượng cát vàng dùng trong xây dựng là 39.786m3; các loại cuội, sỏi, sạn khác là 2.832m3) với tổng số tiền thuế tài nguyên phải nộp là 943.331.475 đồng. Vậy Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng có khai thác vượt quá công suất cho phép trong một năm theo quyết định cấp phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Quảng Nam hay không? Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng dù đã hết hạn mỏ khai thác khoáng sản nhưng vẫn còn nợ thuế tài nguyên 639.776.225 đồng; thuế GTGT 112.588.354 đồng; phí bảo vệ môi trường 127.235.284 đồng.

Theo nguồn tin riêng của Reatimes, ông L.V.B làm giám đốc Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng cũng là chủ nhân của 2 bãi tập kết cát trái phép tại khu vực thôn Phú Quý, xã Đại Hiệp và thôn Nam Phước, xã Đại Tân. Người dân cho biết, 2 bãi cát trái phép này mới xuất hiện trong thời gian gần đây, lãnh đạo xã Đại Hiệp cũng nhận định bãi cát tại khu vực thôn Phú Quý được tập kết với tốc độ rất nhanh, chỉ trong thời gian ngắn mà quy mô rất lớn. Số lượng cát đổ trái phép này chưa thấy kê khai với cơ quan thuế (tổng sản lượng khai thác theo giấy phép kê khai trong tháng 8 và tháng 9 của công ty là 9.036m3 cát vàng dùng trong xây dựng và 1.560m3 các loại cuội, sỏi, sạn khác).

Vận chuyển cát từ huyện Đại Lộc ra Thừa Thiên - Huế để bán

Tương tự là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Kim Thành tại thôn Ngọc Kinh Đông, xã Đại Hồng. Trong khu vực bãi xe của công ty này có một bãi cát với trữ lượng khổng lồ, chiếm phần lớn diện tích bãi để xe. Theo tìm hiểu của PV Reatimes, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Kim Thành là đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, không được cấp phép khai thác bất kỳ một mỏ cát nào trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, trong kỳ tháng 7/2021, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Kim Thành báo cáo thuế bằng 0 nhưng bằng nghiệp vụ của mình, Cục Thuế tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra được những sai phạm trong việc tập kết mua bán cát, đã ra quyết định truy thu, xử phạt với số tiền là 93.719.152 đồng. Sau khi ra quyết định xử phạt, công ty này đã nộp 60.000.000 đồng, số tiền còn nợ chưa nộp là 33.719.152 đồng. Trong giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2021, công ty này tiếp tục báo cáo thuế không phát sinh chi phí và doanh thu. Nhưng thực tế tại khu vực của công ty này xuất hiện một bãi tập kết mua bán cát với trữ lượng rất lớn?!

Cần làm rõ và xử lý nghiêm hành vi trốn thuế của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Kim Thành và Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Hiệp Hưng, qua đó đảm bảo khai thác bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản, tăng thu cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, cũng làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan ở huyện Đại Lộc do buông lỏng quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản. Kết luận số 73-KL/TU ngày 20/7/2021 của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 22/9/2021 của UBND tỉnh, Công văn số 1736/UBND-KTN ngày 2/4/2019 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phát huy vai trò của các cấp, các ngành trong việc quản lý khoáng sản cát, sỏi lòng sông, cửa biển trên địa bàn tỉnh… dường như chưa được triển khai triệt để ở huyện Đại Lộc!

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả trong các bài viết tiếp theo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top