Về cơ bản, thì việc thay đổi chỉ tiêu kinh doanh năm 2018 không làm giảm đi quyền lợi của cổ đông. Bởi vì Đạm Phú Mỹ đã tăng mạnh chỉ tiêu lợi nhuận, tương đồng với việc lợi tức sẽ tăng theo. DPM cân đối lại kết quả kinh doanh 2018 thông qua việc tăng các chỉ tiêu về tài chính, trong khi đó điều chỉnh giảm các chỉ tiêu sản xuất.
Tổng doanh thu được DPM điều chỉnh tăng từ 8.577 tỷ đồng lên 9.050 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 6%. Còn kế hoạch lợi nhuận trước thuế điều chỉnh tăng thành 730 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế sau điều chỉnh là 620 tỷ đồng, tăng 67% so với kế hoạch ban đầu.
Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận điều chỉnh tăng nhưng kế hoạch nộp NSNN lại bị điều chỉnh giảm từ 359 tỷ đồng xuống còn 290 tỷ đồng. Theo quy định nộp thuế, DPM được giảm trừ chỉ phải nộp 15% đối với hoạt động sản xuất phân đạm (các hoạt động khác 20%). Như vậy nếu giảm thuế có nghĩa khoản thu tăng thêm sẽ từ hoạt động sản xuất kinh doanh phân đạm. Tuy nhiên, kế hoạch điều chỉnh sản xuất kinh doanh của DPM lại giảm?
Các sản phẩm do DPM sản xuất lại được kéo giảm. Về sản lượng NPK điều chỉnh giảm mạnh từ 170.000 tấn xuống còn 50.000 tấn. Sản lượng sản xuất UFC85 cũng điều chỉnh giảm từ 13.500 tấn xuống còn 13.000 tấn. Về sản lượng kinh doanh, sản phẩm Đạm Phú Mỹ điều chỉnh giảm từ 820.000 tấn xuống còn 800.000 tấn còn sản lượng kinh doanh NPK được điều chỉnh giảm sâu từ 150.000 tấn xuống còn 35.000 tấn.
Đa phần đến tháng 12, các doanh nghiệp đã có kết quả kinh doanh của cả năm. Vậy lý do gì mà doanh nghiệp không để chỉ tiêu “tự nhiên” như con số đặt ra đại hội thường niên cổ đông năm 2018 đã thông qua?
Thứ nữa, DPM dù giảm chỉ số sản xuất kinh doanh đi 1/3, 1/2 thậm chí 2/3 nhưng lợi nhuận và doanh thu lại tăng lên mạnh. Nguồn thu bất ngờ này có từ đâu?
Việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh của Đạm Phú Mỹ có vẻ như khá lạ và khả năng có mục đích. Một số nhà đầu tư cho rằng, việc điều chỉnh này có chăng liên quan đến ban lãnh đạo và công bố thông tin cùng thời điểm thay ban lãnh đạo?
Việc bầu ban lãnh đạo của DPM cũng có nhiều thay đổi đột phá: thay đổi chủ tịch, thêm thành viên hội đồng quản trị đồng thời không để chức phó chủ tịch HĐQT và đưa chủ tịch cũ sang làm tổng giám đốc.
Trong đó, về vấn đề nhân sự, Đại hội đồng cổ đông đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Tổng công ty. Việc thay đổi này DPM cho rằng để đảm bảo điều lệ Tổng công ty được cập nhật theo quy định mới của Luật Doanh nghiệp năm 2014, Nghị định số 71/2017/NĐ-CP và dựa trên yêu cầu thực tế trong quản trị, điều hành Tổng công ty.
Cụ thể, cổ đông DPM chấp thuận đơn từ nhiệm Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của ông Đoàn Văn Nhuộm và bà Nguyễn Thị Hiền, là những người đại diện phần vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại PVFCCo.
DPM cũng song song bầu các Thành viên HĐQT, trong đó có 3 cá nhân được PVN đề cử là ông Nguyễn Tiến Vinh, ông Dương Trí Hội, ông Lê Minh Hồng. Nhóm 4 cổ đông lớn (gồm Vật tư Nông nghiệp Nghệ An, Vật tư Nông nghiệp Đắk Lắk, KWE Beteiligungen, ông Phạm Kỳ Hưng) đề cử ông Trương Văn Hiền.
Kết quả, bộ máy nhân sự cấp cao mới của DPM gồm: Ông Nguyễn Tiến Vinh được bầu làm Chủ tịch HĐQT, các thành viên HĐQT ông Lê Cự Tân, ông Nguyễn Hồng Vinh; có 2 thành viên HĐQT độc lập là ông Lê Minh Hồng và ông Louis T Nguyen.
DPM thay mới ban lãnh đạo và đặc biệt cải tiến khi có 2 thành viên HĐQT độc lập là tin vui để nhà đầu tư có thể kỳ vọng hơn vào sự minh bạch của doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh nhân sự song hành với sửa kế hoạch lợi nhuận thời điểm sát nút cuối năm 2018 khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi về bất cập tại Đạm Phú Mỹ: Lãi lỗ tại doanh nghiệp này thời gian qua công bố đều là con số do ban lãnh đạo tự “làm” ra? Cơ cấu ban lãnh đạo đang có lợi ích nhóm trong việc “ăn chia” lợi nhuận không?
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.