Aa

Vì sao môi giới “thờ ơ” với chứng chỉ hành nghề?

Thứ Hai, 30/07/2018 - 03:00

Môi giới được coi là một trong bộ phận cấu thành thiết yếu thúc đẩy tính thanh khoản và tạo sự sôi động cho thị trường bất động sản. Cùng với nhu cầu tiến tới minh bạch hóa thị trường, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc phải thiết chặt và nâng cao chuẩn mực của nghề môi giới.

85% môi giới bất động sản không có chứng chỉ hành nghề

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng môi giới hiện khoảng 200.000 người, hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập, nhưng chủ yếu tập trung ở hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, ở Hà Nội có trên 70.000 nhà môi giới, TP.HCM nhiều hơn, với trên 90.000 nhà môi giới.

Mặc dù nghề môi giới bất động sản là một nghề đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật với những yêu cầu rất nghiêm ngặt. Tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014 và Thông tư 11/2015/TT-BXD đã yêu cầu, người môi giới khi tham gia thị trường bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề thì mới được phép hoạt động. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, quy định này vẫn chưa thực sự đi vào trong cuộc sống khi phần đông các môi giới đều không có chứng chỉ hành nghề.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Đánh giá về đóng góp của Hội Môi giới, ông Nguyễn Văn Đính (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam) cho rằng: “Lực lượng môi giới đông đảo với chất lượng chuyên môn tốt hơn, đã góp phần không nhỏ trong việc giải phóng một lượng lớn bất động sản tồn kho trong giai đoạn 2014 - 2017. Trong giai đoạn này, có gần 100.000 giao dịch bất động sản thành công và ước tính, khoảng 70 - 75% giao dịch này được thực hiện thông qua các sàn môi giới”.

Tuy nhiên, cũng theo ông Đính, số lượng môi giới ngoài kiểm soát quá lớn, thường tay ngang chuyển sang bất động sản khi thị trường nóng gây nhiều bức xúc trên thị trường. “Chưa kể, điều này còn ảnh hưởng tới nỗ lực nâng tầm chuẩn mực minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam trong con mắt nhà đầu tư quốc tế, khiến họ e ngại và rụt rè khi quyết định đầu tư, dù bất động sản Việt Nam được đánh giá là một thị trường rất tiềm năng”, ông Đính cho hay.

Song theo ước tính của Hội Môi giới, đến nay, mới chỉ có khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hoạt động môi giới chuyên nghiệp, chiếm khoảng 15%. Đâu là lý do khiến những người hành nghề môi giới bất động sản lại “thờ ơ” với chứng chỉ hành nghề đến như vậy?

Môi giới thờ ơ với chứng chỉ hành nghề

Chia sẻ về Reatimes, ông Quang Minh, Giám đốc Công ty Bất động sản tại Hà Nội cho rằng: “Đa phần những môi giới thành công đều trải qua kinh nghiệm thực tế. Từ niềm đam mê, hoặc do lựa chọn “có duyên” mà họ bắt đầu công việc bằng điểm mốc là nhân viên kinh doanh bất động sản. Tất nhiên, thương trường là cách đào thải tốt nhất, phân hóa những ai trụ lại được và không thể tiếp tục theo đuổi công việc này. Chứng chỉ hành nghề dù đã có quy định nhưng khi đi tiếp thị thì rất hiếm khi khách hàng hỏi xem giấy tờ”.

Theo quan điểm của ông Minh, lý do khiến người hành nghề môi giới bất động sản “thờ ơ” với chứng chỉ hành nghề còn xuất phát từ việc thiếu thông tin tiếp cận. Người môi giới chưa có thông tin về việc học nghề ở đâu và lấy chứng chỉ hành nghề như thế nào? “Với quy trình và cách thức thi khá phức tạp như hiện tại, rất nhiều môi giới xác định, có chứng chỉ hay không cũng không bằng việc tìm được nguồn khách hàng nên hình thành suy nghĩ, ngại và không muốn bỏ tiền đi học" -  ông Minh nói.

Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Ba, một nhân viên môi giới bất động sản tại Hà Nội cho hay, hiện tại có 2 nhóm môi giới: nhóm môi giới làm việc tại các sàn, công ty bất động sản và nhóm môi giới tự do. “Tuy nhiên, nhóm khó kiểm soát nhất là môi giới tự do vì bất kỳ ai cũng có thể tham gia hành nghề được. Nếu như không có sự quản lý chặt chẽ hay chế tài xử phạt trong quá trình hành nghề thì môi giới sẽ cảm thấy không có áp lực để bỏ tiền ra để đi học và lấy bằng. Chưa kể mối quan tâm của môi giới là có nhận được nhiều thương vụ giao dịch thành công chứ không phải là kiến thức suông, thiếu thực tế”.

Ông Ba chia sẻ rằng: “Đa phần môi giới chỉ tồn tại một thời gian sau đó rẽ hướng đi một con đường khác hoặc chuyển lên làm nhà đầu tư. Vì nghề môi giới sống bấp bênh, nhiều rủi ro và tính phụ thuộc cao”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top