Aa

Vì sao nhiều doanh nghiệp xây dựng có nguy cơ phá sản?

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Năm, 30/03/2023 - 06:09

Doanh nghiệp xây dựng đang rơi vào thế bị động về dòng tiền khi nợ đọng từ các chủ đầu tư ngày càng tăng cao. Nếu tình trạng này không được giải quyết, câu chuyện phá sản chỉ là “một sớm, một chiều”.

Khó chồng khó vì nợ đọng 

Sự sụt giảm quá nhanh và đầy bất ngờ của thị trường bất động sản trong năm 2022 đã khiến nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng bị đẩy vào thế bị động. Khi các chủ đầu tư khan hiếm dòng tiền do các kênh huy động vốn bị kiểm soát chặt hơn, họ sẽ không đủ khả năng để thanh toán các khoản chi phí, trong đó có chi phí xây dựng. Vì thế chuyện các chủ đầu tư giam nợ, dẫn đến tình trạng nợ đọng, nợ xấu kéo dài đang là vấn đề phổ biến và đáng lo ngại với các nhà thầu xây dựng.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), vấn đề nợ đọng đang là vướng mắc lớn nhất của ngành xây dựng hiện nay.

Theo đó, các doanh nghiệp xây dựng quy mô vốn dưới 100 tỷ đồng chiếm tới 90%. Các doanh nghiệp được coi là lớn trong ngành thì quy mô vốn cũng chỉ từ 500 - 1.000 tỷ đồng và chưa tới 10 doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có vốn trên 1.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, tất cả doanh nghiệp xây dựng hầu hết đều có nợ đọng từ vài trăm đến vài nghìn tỷ và lãi vay ngân hàng mà họ phải trả lại lên đến 9 - 10%/năm. Do đó, các doanh nghiệp xây dựng, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ.

"Nợ đọng đang là nỗi lo của toàn bộ doanh nghiệp ngành xây dựng khi thị trường bất động sản vẫn còn diễn biến khó khăn. Hơn hết, đến thời điểm hiện tại, Nhà nước vẫn chưa có một cơ chế pháp lý nào để bảo vệ nhà thầu trong những trường hợp không đòi được công nợ. Và nếu phải kiện tụng ở toà án dân sự như hiện hành, các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi, do vụ việc có thể kéo dài vài năm liền". 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam

Theo ông Hiệp, các doanh nghiệp xây dựng hiện có hai loại nợ. Thứ nhất là nợ công trình vốn đầu tư công. Đây là các khoản nợ từ các công trình đã kết thúc 2 - 3 năm nhưng chưa quyết toán và thanh toán được. 

Thứ hai là nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách, đây là các khoản nợ do một số chủ đầu tư chây ì cố tình không thanh quyết toán. Đặc biệt là phần 25% cuối, dù dự án đã đưa vào khai thác sử dụng.

“Nợ đọng đang là nỗi lo của toàn bộ doanh nghiệp ngành xây dựng khi thị trường bất động sản vẫn còn diễn biến khó khăn. Hơn hết, đến thời điểm hiện tại, Nhà nước vẫn chưa có một cơ chế pháp lý nào để bảo vệ nhà thầu trong những trường hợp không đòi được công nợ. Và nếu phải kiện tụng ở toà án dân sự như hiện hành, các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi, do vụ việc có thể kéo dài vài năm liền”, ông Hiệp nói.

Thực tế, câu chuyện nợ đọng trong ngành xây dựng không phải là chuyện mới nhưng với bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn như hiện tại thì vấn đề nợ đọng sẽ vô cùng nguy hiểm đối với các doanh nghiệp xây dựng. Họ sẽ bị động về dòng tiền dẫn đến phải nợ tiền ngân hàng, nợ nhà cung cấp, nợ nhà thầu phụ, nợ lương nhân viên và cả nợ thuế; nhiều dự án, nhiều công trình trong đó có các công trình sắp hoàn thành cũng phải dừng thi công; nhiều đơn hàng xuất khẩu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng khó có thể thực hiện được. Thậm chí, nguy cơ phải dừng toàn bộ hoạt động hay phá sản sẽ là câu chuyện "một sớm, một chiều" nếu chủ đầu tư không cải thiện được dòng tiền để thanh toán các khoản nợ cho nhà thầu xây dựng.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng có nguy cơ phá sản

Dòng tiền của mỗi doanh nghiệp được ví như dòng máu trong cơ thể con người. Đối với các doanh nghiệp xây dựng, họ đang phải đối diện với nguy cơ phá sản vì các chủ đầu tư cũng khó khăn về vốn và liên tục giam nợ.  

Câu chuyện Công ty CP Licogi 166 (mã chứng khoán LCS) phải tạm ngừng kinh doanh một năm là một minh chứng. Cụ thể, HĐQT Công ty CP Licogi 166 vừa thông báo quyết định tạm ngừng kinh doanh một năm kể từ ngày 15/3/2023 đến 14/3/2024 vì hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Licogi 166 xin tạm ngừng để tìm ra phương hướng giải quyết khó khăn và củng cố lại cơ cấu tổ chức.

Trong báo cáo gửi cổ đông hồi tháng 2, Licogi 166 cho biết, công ty không có tiền để hoạt động, người lao động đã nghỉ việc, không thể triển khai được hoạt động kinh doanh. Những khó khăn xuất hiện từ năm 2019 khi công ty thiếu việc làm, ít dự án được chuyển tiếp từ năm trước, đồng thời khó khăn về tài chính, vướng mắc do công tác giải phóng mặt bằng từ phía chủ đầu tư quá chậm.

Đặc biệt, năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh doanh của công ty "khó lại chồng khó" dẫn đến dư nợ vay tại các tổ chức tín dụng bị quá hạn và chuyển sang nhóm nợ xấu từ tháng 7/2021. 

Hiện, Licogi 166 còn dư nợ phải trả nhà cung cấp là 82,5 tỷ đồng, trả tiền khách hàng ứng trước là 21,4 tỷ đồng, trả người lao động gần 4 tỷ đồng, trả tiền bảo hiểm xã hội 2,8 tỷ đồng, trả tiền nợ vay cá nhân 6,2 tỷ đồng, tiền thuế phải nộp là 2,1 tỷ đồng, các khoản phải trả khác là hơn 9 tỷ đồng.

Trong khi đó, vào năm 2022 doanh thu công ty chỉ đạt hơn 3,4 tỷ đồng nhưng lỗ trước thuế hơn 98 tỷ đồng, tăng mạnh hơn so với mức lỗ hơn 67 tỷ đồng ở năm 2021.

Chính vì vậy, Tổng giám đốc Licogi 166 kiến nghị ĐHĐCĐ cho phép tạm dừng hoạt động công ty, thực hiện việc thanh lý các tài sản, thu hồi công nợ để trả nợ lương, nợ ngân hàng, nợ cá nhân và nợ các nhà cung cấp.

doanh nghiệp xây dựng
Nợ đọng khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản. (Ảnh V. Phong)

Trước đó, ngày 4/3/2023, dư luận trong ngành xây dựng, bất động sản cũng xôn xao khi chứng kiến một số nhà thầu phụ đang thi công các dự án do Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC) làm tổng thầu gửi công văn yêu cầu thanh toán công nợ từ tháng 7/2022 đến nay.

Theo chia sẻ của nhóm nhà thầu phụ, việc Hoà Bình không thanh toán công nợ đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của họ. Các công ty trên đã cầm cố tài sản, vay lãi, thế chấp để có tiền chi trả một phần tiền lương cho công nhân, đồng thời để duy trì hoạt động của công ty. Nhưng đến nay, các đơn vị này không còn năng lực chi trả, công nhân đình công, nghỉ việc gây áp lực cho công tác quản lý và điều hành sản xuất.

Vì vậy, nếu không được thanh toán, các nhà thầu phụ sẽ tạm dừng toàn bộ dịch vụ bảo hành, bảo trì đối với các dự án đã bàn giao và tạm dừng thi công các dự án đang xây dựng.

Trong văn bản phúc đáp nhóm nhà thầu phụ, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thừa nhận, dù luôn nỗ lực giải quyết các vấn đề tài chính nhưng chính sách về hạn mức tín dụng bị thắt chặt nên chưa đáp ứng được yêu cầu dòng tiền trong ngắn hạn. Vì vậy, ông Hải đề nghị các nhà thầu phụ xem xét cấn trừ nợ bằng chính các bất động sản cũng như các thiết bị xây dựng tồn kho nếu thấy phù hợp…

Rõ ràng, từ những nhà thầu bé cho đến những thầu lớn như Hoà Bình cũng đang phải “ăn đong” để cầm cự, để gồng mình vượt qua “cơn bĩ cực”. Tuy nhiên, sức lực của mỗi doanh nghiệp đều có giới hạn nhất định, nếu vượt quá giới hạn chịu đựng thì khả năng sụp đổ là hoàn toàn có thể xảy ra. Vì vậy, rất cần thiết phải có những giải pháp kịp thời để gỡ khó cho các doanh nghiệp ngành xây dựng ở thời điểm hiện tại.

"Gỡ vướng vấn đề nợ đọng là điều quan trọng nhất với các doanh nghiệp xây dựng hiện nay. Vì vậy, chúng tôi đề xuất Chính phủ cần phải có những giải pháp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc này cho cộng đồng doanh nghiệp ngành xây dựng", ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết. 

Cụ thể, đối với các khoản nợ từ công trình có vốn đầu tư công, VACC đề nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính rà soát lại các chủ đầu tư vốn ngân sách để thống kê chính xác số lượng nợ tồn xây dựng trong các năm trước, báo cáo Thủ tướng phương án cắt hết các nợ dồn toa để giải quyết dứt điểm cho các nhà thầu.

Còn đối với các dự án nợ vốn đầu tư ngoài ngân sách, VACC kiến nghị cần có chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc. 

Ngày 27/3 mới đây, Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA) cũng đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Xây dựng để "cầu cứu" trước nguy cơ phá sản vì khó khăn về dòng tiền do nợ đọng kéo dài.

Trong đó, SACA kiến nghị cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng, áp dụng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng cũng như đối với các chủ đầu tư dự án bất động sản. Mục đích của kiến nghị này giúp các nhà thầu xây dựng và sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng có thời gian thu hồi nợ, hạn chế dư nợ của toàn nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top