Aa

Nhiều điểm sáng giúp doanh nghiệp xây dựng bứt phá trong bối cảnh khó khăn

Thứ Ba, 13/12/2022 - 06:09

Tác động của dịch Covid-19 và vấn đề dòng tiền vào thị trường BĐS hạn chế khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn. Tuy nhiên vẫn có những điểm sáng thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Càng làm càng lỗ 

Theo khảo sát của Vietnam Report, trên 20% số dự án/hợp đồng của các nhà thầu xây dựng bị chậm tiến độ hoặc ảnh hưởng chi phí do dịch Covid-19; đồng thời biến động giá nguyên vật liệu cũng trở thành “cơn ác mộng” đối với doanh nghiệp. Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu dùng trong xây dựng tăng 6,4% so với cùng kỳ do nhu cầu vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi chuỗi cung ứng chưa hết gián đoạn từ năm 2020.

Bên cạnh đó, hơn 70% số nhà thầu xây dựng cho biết khá khó khăn do ảnh hưởng việc hạn chế dòng tiền trong giao dịch bất động sản; 60% nhà thầu bị ảnh hưởng do tâm lý thận trọng trong hoạt động đầu tư vào thị trường nói chung và địa ốc nói riêng.

Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) cũng thực hiện khảo sát với trên 2.000 nhà thầu xây dựng cho thấy, quy mô vốn chủ yếu của doanh nghiệp là dưới 100 tỷ đồng. Bởi vậy, trong quan hệ giữa nhà thầu và chủ đầu tư thường không có sự bình đẳng. Chỉ rất ít nhà thầu làm được công trình đòi hỏi chất lượng rất cao, thi công phức tạp mới có thể thương thảo, đàm phán, còn lại đa số khó kiếm được hợp đồng, công việc phụ thuộc nhiều vào chủ đầu tư.

Do vốn nhỏ, hoạt động xây dựng ban đầu dựa trên vốn tạm ứng của chủ đầu tư (thường chỉ được tạm ứng 10 -15% giá trị gói thầu), sau là vốn vay, làm xong 1 - 2 tháng mới được quyết toán. Bởi vậy, nếu công trình tạm ngưng hoặc giãn tiến độ, nhà thầu dễ dàng rơi vào trạng thái thiếu hụt tài chính.

Hiện nay, gần như tất cả các nhà thầu xây dựng, từ những doanh nghiệp nhỏ cho đến các tập đoàn, tổng công ty lớn đều có nợ đọng, nhất là ở khoảng giá trị khối lượng còn lại 20 - 25% cuối của dự án. Nhiều nhà thầu gặp tình trạng nợ chồng nợ, thu được nợ cũ lại bù cho nợ mới. Liên tục bị nợ đọng và xảy ra trong thời gian dài ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền hoạt động sản xuất, tác động tiêu cực đến người lao động, kiệt quệ sức khỏe doanh nghiệp và tệ hơn là loại nhà thầu xây dựng khỏi thị trường.

Nguyên nhân là do sau khi công trình được nghiệm thu hạng mục hoặc đưa vào sử dụng, chủ đầu tư chậm bố trí vốn thanh toán, thậm chí còn cố tình chiếm dụng vốn, chây ì trong việc trả nợ…

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dư nợ lớn, các doanh nghiệp xây dựng phải vay tiền ngân hàng để tiếp tục thi công, lãi vay khoảng 90%/năm. Vốn bị nợ gấp đôi vốn doanh nghiệp hiện có, trong khi lãi vay tới 90% thì doanh nghiệp sẽ không có lời mà thậm chí khó thu hồi vốn. Hiện, các doanh nghiệp xây dựng đang nợ chồng nợ, rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan bởi nếu không làm thì chậm tiến độ, mà làm thì công nợ chịu lãi vay ngân hàng.

Chủ tịch VACC cũng đưa ra dẫn chứng: Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn có vốn chủ sở hữu đăng ký 800 tỷ đồng nhưng tính đến 31/3/2022, tổng số nợ phải thu lên tới 1.539 tỷ đồng, trong đó công nợ các công trình chủ đầu tư là đơn vị quản lý vốn nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng, còn lại là nợ của doanh nghiệp tư nhân; số nợ từ 1 - 3 năm là 505 tỷ đồng, nợ từ 3 - 5 năm là 539 tỷ đồng, nợ trên 5 năm là 149 tỷ đồng. Hay với Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), vốn chủ sở hữu chỉ mấy trăm tỷ đồng nhưng cũng đang bị nợ 1.900 tỷ đồng; Tổng công ty 319 bị nợ gần 2.000 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC).

Theo đại diện doanh nghiệp, nguyên nhân chính khiến nợ đọng xây dựng đối với đầu tư công là do thủ tục thanh quyết toán thường rất phức tạp, đặc biệt là dự án có khối lượng phát sinh vì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thường mất nhiều thời gian.

Đối với dự án có vốn ngoài ngân sách, nhiều chủ đầu tư do năng lực kém nên phải vay mượn tiền để triển khai, đến khi không thể vay mượn thì không có tiền trả cho nhà thầu. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chây ỳ không trả, hoặc trả nhà thầu bằng sản phẩm. Việc trả bằng sản phẩm khiến các doanh nghiệp xây dựng phải xoay xở để bán đi, vì họ không được cấp phép hoạt động lĩnh vực kinh doanh bất động sản nên không có kinh nghiệm.

Doanh nghiệp thích nghi vượt qua hoàn cảnh

Theo khảo sát của Vietnam Report, trước bối cảnh khó khăn như hiện nay, uy tín doanh nghiệp chính là động lực mạnh mẽ nhất giúp 96,6% số doanh nghiệp trong ngành bền bỉ vượt qua những khó khăn và thử thách.

Các doanh nghiệp cho biết, để có thể xây dựng được thương hiệu mạnh, doanh nghiệp phải phát triển đồng thời 7 yếu tố: Sản phẩm, đổi mới, môi trường làm việc, trách nhiệm xã hội, năng lực quản trị, khả năng lãnh đạo và kết quả kinh doanh, chứ không phải chỉ 1 hoặc 2 khía cạnh.

Hiện nay, có gần 2/3 số doanh nghiệp đã nắm bắt công nghệ để duy trì hoạt động kinh doanh trong những thời điểm bị gián đoạn và giải quyết một số vấn đề chính của ngành: tính an toàn, năng suất và tình trạng thiếu lao động khá hiệu quả. Ngoài ra, các doanh nghiệp lớn cũng đã và đang áp dụng mô hình xây dựng xanh theo các tiêu chuẩn gắt gao, tiết kiệm nguyên nhiên liệu, vận hành các khâu khép kín, tuần hoàn để tạo ra thế mạnh cạnh tranh cũng như giá trị cho khách hàng nói riêng và cho xã hội nói chung.

Nhiều doanh nghiệp đang thích nghi để duy trì hoạt động kinh doanh (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia của Vietnam Report, mặc dù hoạt động kinh doanh có phần trầm lắng do ảnh hưởng của những đợt bùng phát dịch nhưng hoạt động truyền thông của doanh nghiệp trong ngành vẫn rất tích cực, phần lớn nhà thầu đều có tần suất xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn năm trước. Đáng chú ý, khoảng cách giữa 3 nhà thầu thu hút truyền thông nhiều nhất là Coteccons, Hòa Bình và Vinaconex đã thu hẹp đáng kể, đặc biệt là khoảng cách giữa Coteccons và Hòa Bình. Bên cạnh đó, Ricons, Fecon là những nhà thầu có hoạt động truyền thông hiệu quả hơn khi xét về mức độ "an toàn" thông tin.

Chuyển biến tích cực từ cơ hội, chính sách

Mặc dù mất đà tăng trưởng từ trước đại dịch, nhưng thị trường xây dựng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng hơn 8,71% trong giai đoạn 2022 - 2027. Điểm sáng có thể nhắc đến là dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam đối với mảng xây dựng công nghiệp. Mặt khác, Chính phủ cũng triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi và bứt tốc.

Tại phiên họp cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với đề xuất của Chính phủ đối với danh mục phân bổ vốn của Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội với số vốn 176.000 tỷ đồng cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật Đầu tư công. Trong đó, đa phần là đầu tư vào hạ tầng giao thông.

Trong năm 2022, Bộ Giao thông Vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hơn 50.300 tỷ đồng - mức lớn nhất từ trước đến nay. Việc hàng loạt các dự án cao tốc sẽ được đẩy mạnh triển khai trong giai đoạn 2022 - 2025 sẽ mở ra cơ hội bứt phá lợi nhuận cho nhóm các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng giao thông.

Cùng với đó, hồi đầu năm, Quốc hội đã thông qua dự án “1 luật sửa 8 luật” tháo gỡ một số nút thắt pháp lý trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản. Ngoài ra, Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành phục hồi và phát triển./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top