Di tích lịch sử bị xâm phạm
Di tích đền Sóc thuộc phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã được xếp hạng cấp Quốc gia tại Quyết định số 2009/QĐ ngày 15/11/1991, hiện do UBND quận Bắc Từ Liêm quản lý trực tiếp theo phân cấp của UBND thành phố. Tuy nhiên, nhiều năm qua, ở đây xảy ra tình trạng sử dụng đất sai mục đích.
Theo quan sát của PV, khuôn viên đất di tích đền Sóc bị Trung tâm đào tạo Lạc Hồng (Trung tâm Lạc Hồng) sử dụng sai mục đích, tập kết nhiều xe ô tô gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến trật tự đô thị trên địa bàn.
Chia sẻ về việc Trung tâm Lạc Hồng sử dụng đất khu di tích đền Sóc nhiều năm qua, ông N.H - người dân địa phương cho biết: “Trung tâm Lạc Hồng sử dụng đất di tích sai mục đích nhiều năm nay gây bức xúc cho người dân ở đây. Là một trung tâm đào tạo nên lượng xe ra vào thường xuyên gây ảnh hưởng đến mỹ quan, an ninh, cũng như tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực”.
Được biết, diện tích 2.438,74m² đất mà Trung tâm Lạc Hồng đang sử dụng thuộc khuôn viên của đền Sóc. Trong đó có: 4 công trình nhà 1 tầng mái proximang, tường xây gạch; 1 công trình nhà 2 tầng, tầng 2 mái lợp tôn, tường xây gạch; 4 công trình kết cấu khung cột sắt, mái lợp tôn và sân bê tông xi măng.
Ngày 26/12/2000, Trung tâm Lạc Hồng bắt đầu ký hợp đồng sân bãi với Ban Di tích lịch sử văn hóa đền Sóc để được tạm quản lý một phần trong khuôn viên của di tích lịch sử đền Sóc.
Trung tâm Lạc Hồng bắt đầu sử dụng một phần đất của di tích lịch sử Đền Sóc từ ngày 26/12/2000 đến nay. Trong thời gian đó, Trung tâm Lạc Hồng có ký 2 biên bản cho mượn sân bãi với Ban Di tích lịch sử văn hóa đền Sóc (Biên bản cho mượn sân bãi số 56/TTLH với Trung tâm Lạc Hồng, có thời hạn là 5 năm từ ngày 1/1/2012 đến ngày 1/1/2017. Biên bản cho mượn sân bãi số 135/TTLH với Trung tâm Lạc Hồng, có thời hạn là 15 năm từ ngày 15/5/2013 đến ngày 15/5/2028). Tuy nhiên, biên bản này không được Tiểu ban di tích và UBND phường công nhận (thời điểm từ ngày 1/4/2014 đến nay, UBND phường Xuân Tảo được thành lập, quản lý).
Theo tìm hiểu, ngày 15/11/1991, Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) đã ban hành quyết định số 2009/QĐ-VH nêu rõ: “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích khi chưa có sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao”. Tuy nhiên, việc cho mượn sân bãi của khu di tích vẫn diễn ra, điều này đã tạo điều kiện để Trung tâm đào tạo Lạc Hồng sử dụng đất sai mục đích nhiều năm qua. Đáng chú ý, khu vực đất Trung tâm này đang sử dụng thuộc vùng lõi của di tích đền Sóc.
Vì sao Trung tâm Lạc Hồng từ chối hợp tác, không chấp nhận di dời?
Liên quan đến việc sử dụng đất sai mục đích di tích lịch sử đền Sóc, các cơ quan ban ngành phường Xuân Tảo đã có nhiều cuộc họp chuyên đề, nghị quyết để xử lý, thu hồi phần diện tích đất do Trung tâm Lạc Hồng đang chiếm dụng và sử dụng đất sai mục đích.
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2015 đến năm 2020, UBND phường Xuân Tảo đã có 6 buổi làm việc chính thức với Trung tâm Lạc Hồng với nội dung tuyên truyền, vận động, yêu cầu Trung tâm di chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi mảnh đất của di tích lịch sử văn hóa đền Sóc và trả lại nguyên trạng trước khi vi phạm.
Ông Đào Xuân Quyết - cán bộ văn hóa phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, UBND phường Xuân Tảo đã kiểm tra và có văn bản gửi cơ quan chức năng cấp trên để hướng dẫn giải quyết theo quy định.
“Bên cạnh đó, tại các cuộc họp, người dân Xuân Tảo đã nhiều lần ý kiến và mong mỏi vấn đề vi phạm đất đai và trật tự xây dựng tại Trung tâm Lạc Hồng sẽ được giải quyết dứt điểm để cảnh quan xung quanh đền Sóc sớm được khôi phục, đảm bảo an ninh trật tự khu vực...”, ông Quyết chia sẻ.
Cũng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2020, Trung tâm Lạc Hồng đã có 4 lần gửi công văn cho UBND phường đề nghị xin gia hạn thời gian di chuyển, xin tiếp tục sử dụng khối nhà 2 tầng để làm văn phòng và kho lưu trữ tài liệu. Phía Trung tâm Lạc Hồng cũng đưa ra nhiều lý do và không đồng ý tự di dời toàn bộ tài sản, thiết bị máy móc và trả lại nguyên trạng đất đang sử dụng cho UBND phường Xuân Tảo.
Trả lời báo chí, đại diện Trung tâm Lạc Hồng cho biết, đơn vị này đang sử dụng đất căn cứ vào các biên bản đã ký kết với Ban Di tích lịch sử văn hóa đền Sóc. Theo biên bản gần nhất (ngày 20/5/2013) về việc cho mượn sân bãi ký với đại diện Ban Di tích lịch sử văn hóa đền Sóc, có thời hạn đến 15/5/2028.
Biên bản thể hiện, đối với diện tích mặt bằng mượn là 4.000m², bên B có trách nhiệm tu sửa, cải tạo phòng làm việc, phòng học và củng cố sân bãi để sử dụng dạy nghề. Đồng thời, bên B (Trung tâm Lạc Hồng) có trách nhiệm công đức mỗi năm là 60 triệu đồng để Ban quản lý tu sửa thêm cho di tích đền Sóc.
“Trung tâm có văn bản gửi UBND phường Xuân Tảo tạo điều kiện cho đơn vị hết hợp đồng. Nếu phải di dời thì hỗ trợ kinh phí để cho Trung tâm di dời theo quy định... Đây là giao dịch dân sự phải tòa án giải quyết...”, đại diện Trung tâm Lạc Hồng cho biết. Nếu đúng như việc Trung tâm Lạc Hồng trình bày, một mặt chính quyền địa phương cần sớm đưa ra hướng giải quyết triệt để nhằm trả lại sự tôn nghiêm, thanh tịnh của khu di tích đền Sóc, một mặt cũng cần xem xét, giải quyết và đảm bảo quyền lợi của đơn vị có liên quan.
Được biết, liên quan đến vụ việc trên, ngày 17/5/2022, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội có văn bản số 1469/SVHTT-DTDT do Giám đốc Đỗ Đình Hồng ký, nêu ý kiến về việc Trung tâm Lạc Hồng chiếm đất trái pháp luật và yêu cầu trả lại nguyên trạng đất tại di tích lịch sử văn hóa đền Sóc.
Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức kiểm tra và hướng dẫn UBND phường Xuân Tảo giải quyết theo quy định của pháp luật đất đai và di sản văn hóa, đồng thời giao cho UBND quận Bắc Từ Liêm quản lý trực và báo cáo với thành phố khi có vướng mắc.
Reatimes sẽ tiếp tục đưa tin.