Aa

Vỉa hè Hà Nội – “Cho thuê để quản” chứ đừng coi là “cuộc chiến”

Thứ Hai, 24/04/2023 - 06:12

Câu chuyện vỉa hè, nhất là ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa bao giờ hết ồn ào, đầu năm nay tiếp tục nóng lên khi Hà Nội lại ra quân “dẹp vỉa hè”, còn TP. HCM nghiên cứu cho thuê thu phí.

1. Câu chuyện thời sự nhất là ngày 9/3/2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội ký ban hành văn bản số 607/UBND-ĐT về việc tăng cường kiểm tra, quản lý sử dụng hè phố, lòng đường và ra quân rầm rộ từ 21/3 dẹp nạn chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, với mục tiêu lập lại trật tự, giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng chỉ đến ngày 31/3, Hà Nội đã phải chuyển sang hướng thí điểm quy hoạch khu vực cho thuê vỉa hè.

Việc chuyển hướng này tạo ra những luồng ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến đồng tình với chủ trương này, không phải từ những hộ có liên quan đến lợi ích sử dụng vỉa hè, mà cho rằng như thế là phù hợp thực tế. Nhưng cũng có không ít ý kiến không đồng tình, cho rằng vỉa hè là phải dành cho người đi bộ, vi phạm cần xử lý theo pháp luật chứ không thể “dĩ hòa vi quý”…

Riêng cá nhân tôi cho rằng, phương án quy hoạch cho thuê vỉa hè dựa vào đặc điểm, tình hình cụ thể từng địa bàn, khu vực là đúng đắn, bởi nó phù hợp thực tế, hợp lý hợp tình, hài hòa lợi ích và nhất là có tính khả thi.

2. Thực ra, vỉa hè có thể chỉ là câu chuyện nhỏ so với bao vấn đề “nước sôi lửa bỏng” khác, vì nó “cũng chưa chết ai”; nhưng lại gây nhức nhối, bức xúc hằng ngày cho mọi tầng lớp, từ các quan chức chính quyền đến người dân bình thường và cả khách du lịch nước ngoài.

Từ điển Tiếng Việt định danh: Vỉa hè là phần dọc theo hai bên đường phố, thường được lát gạch chuyên dùng, dành riêng cho người đi bộ. Ấy thế nhưng, ở các đô thị lớn, hầu hết vỉa hè không còn đảm nhận chức năng ấy nữa mà gánh thêm rất nhiều công năng khác: Để xe, bày hàng, thậm chí còn chiếm luôn làm chỗ bán hàng, nhất là hàng ăn, bia hơi, cà phê… Đó là không tính đến những tình huống đột xuất như tập kết vật liệu xây dựng hay dựng rạp cưới hỏi…

Vỉa hè bị chiếm dụng đẩy người đi bộ xuống lòng đường gây bức xúc trong xã hội

Hậu quả của việc này là làm mất mỹ quan đô thị, gây áp lực lên hạ tầng do tăng lượng rác thải, nước thải, gây nên sự xuống cấp đường giao thông. Đó là chưa kể đến việc hàng hóa che lấp biển báo hoặc che khuất tầm nhìn dẫn đến tai nạn, hay tiềm ẩn những nguy cơ về mất an ninh trật tự… Đặc biệt, việc chiếm dụng vỉa hè, lòng đường gây cản trở giao thông, khiến người đi bộ phải luồn lách giữa trận đồ bát quái những bàn ghế, hàng hóa và nhiều khi phải đi xuống lòng đường rất dễ xảy ra tai nạn giao thông, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Chính vì thế, chính quyền các đô thị lớn, cụ thể là TP. HCM và Hà Nội đã nhiều lần ra quân chấn chỉnh, mà không ít phương tiện truyền thông gọi là “chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ”, thậm chí không ít bài báo gọi đây là “cuộc chiến”… Chính quyền hai thành phố lớn cũng đã từng có những đợt ra quân đầy quyết tâm với những biện pháp rất quyết liệt. Ví dụ như đã từng có phó chủ tịch một quận trung tâm TP. HCM vừa chỉ đạo vừa trực tiếp chỉ huy những tổ xung kích dẹp từng điểm cụ thể, được báo chí ca ngợi là “tả xung hữu đột”… Còn Hà Nội có đợt đồng loạt ra quân ở các quận, điều lực lượng thường xuyên đi tuần tra các tuyến phố, thu giữ hàng hóa, bàn ghế bày bán hàng trái phép và thậm chí thu giữ cả xe máy để trên vỉa hè sai quy định… “Chiến dịch” này của Hà Nội làm mạnh đến mức, ngay ở tuyến phố Bạch Mai toàn cửa hàng nhỏ lẻ đông đúc như thế, cũng đều phải dành chỗ trong cửa hàng cho khách để xe máy khi vào mua hàng…

Báo chí đã thống kê, trong 10 năm qua, Hà Nội đã 5 lần ra quân chấn chỉnh, hay nói cụ thể hơn là chống chiếm dụng vỉa hè, ấy vậy mà sau đó, tất cả đều đâu lại vào đó.

Tại sao lại như vậy?

3. Sau mỗi lần “ra quân” có thể nói thẳng ra là “thất bại”, lý do chính được cho là do không giải quyết được sinh kế cho người dân vốn chủ yếu sống bằng nguồn thu nhập từ việc kinh doanh trên vỉa hè. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng chưa phải là tất cả.

Đúng là bởi vì như các nhà nghiên cứu đã nói, Hà Nội là đô thị thoát thai từ nông thôn, nên hàng rong và buôn bán vỉa hè vừa là nguồn gốc vừa là nguồn sống và cũng là mạch đập của đô thị. Chẳng thế mà vùng lõi Hà Nội được đặc trưng bằng những “phố Hàng”. Mà thử hỏi “Hàng” là gì, nếu chức của nó không phải là buôn bán. Ngày trước, các “phố Hàng” này hình thành từ các phường nghề thủ công tứ xứ kéo về nên vừa sản xuất vừa buôn bán. Ngày nay, việc sản xuất tại chỗ chỉ còn lác đác (như một số cửa hàng bạc trên phố Hàng Bạc…), còn chủ yếu nhập hàng từ các làng nghề về, nhưng kiểu cách buôn bán hầu như vẫn giữ nguyên; tức là nhà mặt phố vừa là nơi sinh sống vừa là cửa hàng, còn nhà bên trong cũng ngoi ra chiếm một chút không gian vỉa hè để buôn bán.

Nói thế để thấy, vỉa hè không chỉ là “sinh kế” của người dân trên phố, mà còn là của cả người dân các làng nghề thủ công khắp cả nước… Nói thế cũng để thấy, vỉa hè không chỉ là sinh kế của một bộ phận người dân, mà còn là một bộ phận của kinh tế đô thị.

Các "phố Hàng" đặc trưng của Hà Nội

Và vỉa hè quả thật trở thành một loại hình chợ. Khách hàng có thể đi bộ dọc phố để chọn mua hàng, cũng có thể ghé xe máy táp vào mua rồi đi luôn. Không những thế, những thị dân bán hàng này còn “đi chợ” tại chỗ bằng những hàng rong với chủng loại phong phú đủ cho bữa ăn hằng ngày, từ quà sáng cho đến các bữa chính. Do đó, vỉa hè còn là một nét sinh hoạt, một khía cạnh gắn liền với cuộc sống thị dân.

Nhưng bây giờ thử tưởng tượng: Tất cả các “phố Hàng” được quy hoạch lại, “xóa cờ chơi lại từ đầu”, san phẳng để xây dựng các chung cư, các trung tâm thương mại, thậm chí cả trung tâm tài chính, trung tâm giải trí… Đường phố sẽ rộng ra, sẽ có nhiều quỹ đất để làm vườn hoa, công viên… vân vân và vân vân… Cả khu vực “phố Hàng” khi đó sẽ khang trang, hiện đại và tất nhiên là văn minh nữa. Nhưng lúc đó nó có còn là phố cổ của Hà Nội ba mươi sáu phố phường nữa không, và khách du lịch nước ngoài, nhất là châu Âu, có còn tìm đến nữa không?

Câu trả lời chắc chắn là: Không!

Bởi một Hà Nội như thế còn có gì để khám phá, để trải nghiệm, để thưởng thức, rồi để mà đắm chìm, để mà cảm nhận… Và nói theo “ngôn ngữ vỉa hè”, thì du khách châu Âu sẽ bảo: “Các trung tâm như thế thì nước tao đầy” (!)…

Muôn mặt hàng rong Hà Nội
Chè chén vỉa hè cũng làm nên nét riêng của Hà Nội

Nói như thế để thấy, đừng chỉ nhìn “kinh tế vỉa hè” ở Hà Nội theo góc nhìn tiêu cực, mà phải biết trong đó còn chứa đựng cả lịch sử, truyền thống, còn là cả không gian văn hóa và đã trở thành hồn cốt để làm nên “một Hà Nội” không thể trộn lẫn. Tôi nói như thế bởi bây giờ, giả định quy hoạch lại và xây dựng khu phố cổ Hà Nội thành những “Trung tâm” hiện đại văn minh các loại, rồi quy hoạch một khu vực nào đó, như ở Mỹ Đình hay sang bên Long Biên chẳng hạn, với các “phố Hàng” như một Hà Nội cũ chẳng hạn, thì thử hỏi nó có “sống” được không?

Tôi cam đoan là: Không!

Nhỡn tiền là rất nhiều đường phố ở các khu vực ấy vỉa hè rộng thênh thang nhưng có mấy ai buôn bán được đâu, có nơi buôn bán được thì nó cũng không phải là “phố Hàng” như trong khu phố cổ được. Có khu du lịch ở đầu đại lộ Thăng Long cũng tổ chức đầy đủ các “làng nghề”, nhưng cũng chỉ thu hút khách tham quan, giải trí vào ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ, chứ không trở thành khu “phố Hàng” được. Điều đó cũng giải mã tại sao Hội An lại thu hút khách du lịch cả trong và ngoài nước, và ngày càng phát triển đến vậy. Câu trả lời đơn giản bởi đó là “di tích sống”; hơi thở, nhịp đập và mạch sống của người dân “sinh” và “sống” trong đô thị mới là nguồn gốc tạo nên hồn cốt và sức sống cho nó.

Nói thế để thấy, nếu nhìn “kinh tế” và “nếp sống”, thậm chí cả “văn hóa” vỉa hè của Hà Nội nói riêng và các đô thị lớn ở nước ta nói chung một cách tổng thể, toàn diện và cụ thể, bằng cái nhìn tích cực, biện chứng và cả duy vật lịch sử, ta sẽ thấy nó không chỉ có mặt tiêu cực, mà mặt tích cực lại là phần nhiều. Vấn đề là làm thế nào để hạn chế mặt tiêu cực, đồng thời khai thác, phát huy và cả phát triển những mặt tích cực, thậm chí là lấy mặt tích cực để hạn chế mặt tiêu cực; lúc đó “vấn nạn vỉa hè” ở Hà Nội mới có lối thoát, và thậm chí là thoát ra khỏi vấn nạn một cách rất nhẹ nhàng, vui vẻ phấn khởi.

4. Nói tóm lại, vấn đề then chốt là ở chỗ, hãy tổ chức lại một cách quy củ, trật tự thay vì dẹp bỏ. Khi đó, hoạt động “kinh tế vỉa hè” được quản lý, kiểm soát, cuộc sống người dân vẫn được đảm bảo, truyền thống được giữ gìn, văn hóa được bảo tồn, kinh tế được phát triển…, và còn rất nhiều lợi ích khác nữa. Còn dẹp bỏ, nếu tập trung lực lượng, thời gian và tâm huyết, thì không phải là không dẹp được, mà câu hỏi ở đây là “dẹp để làm gì”? Và, chẳng lẽ cả bộ máy thành phố ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác chỉ có ăn với đi dẹp vỉa hè? Hay nói như Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng: “Thành phố văn minh hiện đại không thể cứ quanh năm đi dẹp vỉa hè, lòng đường”.

Còn nếu cho thuê vỉa hè thì sao?

Thứ nhất, dư luận lâu nay vẫn âm ỉ rằng, vỉa hè không cho thuê nhưng người sử dụng vẫn phải âm thầm chi đủ các khoản “lót tay” để “được tồn tại”; và đây cũng được cho là một trong những nguyên nhân không “dẹp” được vỉa hè vì nó liên quan đến những “lợi ích đen”. Trong khi đó, Nhà nước không quản lý được vỉa hè cũng chả thu được đồng nào. Bây giờ cho thuê, với giá cả hợp lý, tôi tin người dân sẽ vui vẻ đón nhận, bởi “đằng nào cũng mất tiền” nhưng giờ họ sẽ được làm ăn một cách đàng hoàng vì đã đóng tiền theo quy định.

Thứ hai, việc sử dụng một cách công khai minh bạch sẽ khiến vỉa hè được quy hoạch và quản lý ngăn nắp, trật tự hơn. Người dân sẽ có ý thức giữ gìn trật tự, mỹ quan đối với phần vỉa hè được thuê vì nó ảnh hưởng trực tiến đến việc kinh doanh. Họ cũng sẽ có trách nhiệm hơn trong việc “bảo vệ” vỉa hè không để người khác chiếm dụng trái phép. Chính quyền sở tại cũng dễ quản lý hơn vì có thể thu hồi giấy phép và phạt những hộ vi phạm. Khi chỉ kiểm tra, xử lý một số ít hộ vi phạm sẽ dễ hơn nhiều lần so với việc dẹp cả tuyến phố, cả khu vực, cả địa bàn… Và vỉa hè được quy hoạch ngăn nắp, trật tự sẽ không mất mỹ quan, thậm chí không phản cảm bằng việc người bán hàng co kéo, giằng giật từng chiếc bàn, chiếc ghế với lực lượng giữ gìn trật tự di dẹp vỉa hè.

Khi không được thuê vỉa hè, người bán hàng luôn trông chừng để "chạy"...

Thứ ba, việc quy hoạch vỉa hè một cách bài bản, tỉ mỉ, cụ thể (ví dụ tuyến nào cho bày hàng, tuyến nào cho bán hàng, bán hàng gì, tuyến nào tuyệt đối cấm bày bán…), dần dần sẽ hình thành những tuyến phố, những khu vực đặc thù mang phong cách riêng, từ đó cũng góp phần hình thành nên bản sắc đô thị. Sau từng giai đoạn sẽ tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp. Từ đó có thể lan tỏa, mở rộng diện những tuyến phố không hàng rong, đồng thời mở rộng những tuyến phố đi bộ, bán hàng, ẩm thực cả ở lòng đường. Trật tự đô thị sẽ dần dần đi vào quy củ, nền nếp.

Phố Tạ Hiện và một vài phố cổ khác nên quy hoạch thành phố đi bộ - ẩm thực cho du khách trải nghiệm có lẽ hiệu quả và kinh tế hơn là để phương tiện lưu thông

Thứ tư, chính quyền địa phương có thêm nguồn thu để sử dụng cho chính việc duy trì trật tự và chỉnh trang, nâng cấp tuyến phố, do đó nâng cao hiệu quả khai thác và bộ mặt đô thị.

Thứ năm, khi mọi việc công khai, minh bạch, cộng đồng dân cư sẽ dễ giám sát và cơ quan chức năng cũng dễ quản lý hơn, tạo sự hài hòa lợi ích và cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, giữa kinh tế và văn hóa…

5. Đừng coi “giành lại vỉa hè” là một “cuộc chiến”, vì như thế là đặt chính quyền vào thế đối lập với người dân và tạo ra xung đột. “Cho thuê vỉa hè” là giải pháp tình huống hợp lý, phù hợp với giai đoạn cụ thể hiện nay và tương lai gần. Thà “cho thuê để quản” còn hơn là dẹp vỉa hè bằng những biện pháp cực đoan, tưởng là “siết” nhưng lại không nổi, vừa chẳng thu được gì, vừa không quản lý được, thế là mất cả chì lẫn chài./.

Dần dần sẽ tạo sự lan tỏa và mở rộng diện các tuyến phố mà vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ như phố Tràng Tiền

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top