Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch ngày 26/3 đi theo chiều hướng khiến nhiều nhà đầu tư phải bất ngờ. Các chỉ số mở cửa phiên giao dịch trong sắc xanh nhưng sau đó nhanh chóng giảm trở lại trước áp lực bán ở nhiều cổ phiếu lớn. Diễn biến thị trường trở nên xấu hơn ở nửa sau của phiên sáng khi một số cổ phiếu lớn gặp phải tình trạng bị bán tháo như PVD, GVR, KDC… Các mã này có thời điểm còn bị kéo xuống mức giá sàn. VN-Index đã có lúc giảm hơn 25 điểm.
Tuy nhiên, những bất ngờ diễn ra ngay sau đó, VIC là cái tên tiếp tục khiến nhiều nhà đầu tư phải nhắc đến khi đây là cổ phiếu làm trụ đỡ tốt nhất cho VN-Index và cũng tạo nền giúp chỉ số này hồi phục mạnh mẽ trở lại. VIC chốt phiên tăng 1,8% lên 112.400 đồng/cp.
Một cổ phiếu khác cũng gây được sự chú ý đó là SHB. Cổ phiếu này cũng có thời điểm giảm sâu do áp lực bán mạnh và mất gần 4%. Tuy nhiên, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, những lệnh hàng triệu cổ phiếu bên mua được tung ra đã hút hết toàn bộ lượng cung, vì vậy SHB được kéo lên mức giá trần 19.500 đồng/cp. Dù lực bán vẫn khá mạnh nhưng SHB vẫn chốt phiên ở mức cao nhất. Khối lượng khớp lệnh của SHB cũng vọt lên gần 80 triệu cổ phiếu.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu lớn như HPG, VCS, VJC, ACB… cũng đồng loạt hồi phục trở lại, đà giảm của VN-Index được thu hẹp lại đáng kể và chỉ số này kết phiên với mức giảm nhẹ, còn HNX-Index đảo chiều tăng trở lại.
Bên cạnh sự tích cực đến từ VIC thì BCM cũng là cổ phiếu bất động sản biến động tích cực khi tăng 2,2% lên 57.000 đồng/cp. THD tăng nhẹ 0,1% lên 196.600 đồng/cp. Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn khác gồm VHM, VRE và NVL đều giảm. Chốt phiên, VHM giảm 1% xuống 95.700 đồng/cp, VRE giảm 2% xuống 32.200 đồng/cp, NVL giảm 0,6% xuống 79.500 đồng/cp.
Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ, sắc đỏ có phần chiếm ưu thế hơn, trong đó, các mã như CIG, VPH, FIT, PWA, SCR, PVL, HAR, KDH, ITA, HQC hay DXG đều giảm sâu. DXG gây chú ý khi giảm 2,3% xuống 23.400 đồng/cp, dù vậy, mức giảm này cũng là khiêm tốn khi có lúc cổ phiếu này còn bị kéo xuống mức giá sàn 22.300 đồng/cp. Trên một số phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin DXG công bố ước kết quả kinh doanh quý I/2021 với hơn 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Khoản lợi nhuận này chủ yếu đến từ các dự án tại Bình Dương và Đồng Nai cùng lĩnh vực dịch vụ bất động sản (DXS) của tập đoàn.
Chiều ngược lại, vẫn còn khá nhiều cổ phiếu bất động sản tăng giá tốt, trong đó, PVR, SGR… đều được kéo lên mức giá trần. FLC vẫn tăng 5,7% lên 11.050 đồng/cp, CRE tăng 3,6% lên 31.500 đồng/cp. Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 mới công bố của CRE, HĐQT trình thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với doanh thu dự kiến đạt 4.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 355 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2020.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/3, VN-Index giảm 0,89 điểm (-0,08%) xuống 1.162,21 điểm. Toàn sàn có 122 mã tăng, 339 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 3,77 điểm (1,41%) lên 70,96 điểm. Toàn sàn có 102 mã tăng, 102 mã giảm và 71 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 0,53 điểm (-0,66%) xuống 79,85 điểm.
Thanh khoản thị trường cao hơn so với phiên trước, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch ở mức 20.200 tỷ đồng. FLC đứng thứ 2 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 52,5 triệu cổ phiếu. Bên cạnh đó, ITA cũng là cổ phiếu bất động sản khác nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 14,5 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng trở lại 290 tỷ đồng trong phiên 26/3, trong đó, các cổ phiếu bất động sản gồm VIC, VHM, VRE và NVL đều nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại. Trong khi đó, CII là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị mua ròng của khối ngoại với 24,5 triệu cổ phiếu.
Tính chung cả tuần, VN-Index giảm 31,84 điểm (2,7%) xuống 1.162,21 điểm; HNX-Index giảm 6,74 điểm (-2,4%) xuống 270,96 điểm. Thanh khoản trên hai sàn tăng nhẹ so với tuần trước đó và cao hơn mức trung bình 20 tuần với khoảng gần 20.000 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Giá trị giao dịch trên HoSE tăng 3,8% lên 81.906 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 3,7% lên 33,5 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 3,2% lên 13.069 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 13,1% lên 858 triệu cổ phiếu.
CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tuần tới, thị trường sẽ có diễn biến điều chỉnh vào đầu tuần trước khi hồi phục trở lại về cuối tuần. Vùng 1.150 - 1.155 điểm vẫn là vùng hỗ trợ quan trọng và có tính quyết định đối với xu thế của thị trường ở thời điểm hiện tại. Do đó, nếu để mất vùng điểm này, xu hướng của thị trường sẽ có chuyển biến theo hướng tiêu cực trong ngắn hạn. Trong kịch bản này, VN-Index có thể lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.110 - 1.125 điểm./.