Aa

VN-Index vượt đỉnh lịch sử, nhiều cổ phiếu BĐS đua nhau bứt phá

Thứ Sáu, 02/04/2021 - 06:00

VN-Index chính thức vượt đỉnh lịch sử sau khi tăng đến gần 25 điểm trong phiên 1/4. Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng đi theo xu hướng chung và đồng loạt tăng mạnh.

Phiên giao dịch ngày 1/4, thị trường chứng khoán đánh dấu mốc lịch sử khi VN-Index lập đỉnh và vượt qua được mức 1.204,33 điểm hồi 9/4/2019.

Thị trường mở cửa phiên giao dịch không có quá nhiều điều đặc biệt khi sự phân hóa diễn ra rõ nét hơn, ba cổ phiếu ngân hàng bứt phá thời gian qua là SHB, SSB hay STB đều có sự điều chỉnh đáng kể.

Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ xảy ra khi lực cầu tăng mạnh và giúp hàng loạt cổ phiếu lớn bứt phá. Nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm khi các mã như SHS, MBS, PSI, SSI, IVS, ART... đều được kéo lên mức giá trần.

Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn như SHB, VCG, MBB, HVN, MWG... đều bứt phá và cũng góp phần giúp các chỉ số tăng giá mạnh. VN-Index thậm chí còn vượt xa so với mức đỉnh năm 2018.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index phiên 1/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. Nguồn: Fialda.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản, các cổ phiếu lớn gồm VIC, VHM, VRE và NVL cũng đồng loạt tăng mạnh, VIC tăng 4,3% lên 123.000 đồng/cp, VHM tăng 1,7% lên 99.000 đồng/cp, VRE tăng 3,5% lên 33.850 đồng/cp, NVL tăng 1,6% lên 81.800 đồng/cp. VIC cũng chính là cổ phiếu có đóng góp lớn nhất trong việc giúp VN-Index vượt đỉnh với 4,76 điểm (0,4%).

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index phiên 1/4.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. Nguồn: Fialda.

Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi từ xu hướng tích cực của thị trường chung. Các mã như TIG, HAR hay TNT đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, nhiều mã thanh khoản cao thuộc nhóm ngành này cũng nhận được lực cầu tốt. TCH tăng 5,9% lên 24.250 đồng/cp, DIG tăng 5,1% lên 29.000 đồng/cp, CEO tăng 5% lên 12.700 đồng/cp, SCR tăng 4,5% lên 9.000 đồng/cp.

CII tăng 1,8% lên 26.000 đồng/cp. CII vừa thông báo, 24/3 là ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức đợt 2/2019 và tạm ứng cổ tức 2020 tổng tỷ lệ 14%, tương đương 1 cổ phiếu trả 1.400 đồng/cp. Trong đó, cổ tức đợt 2/2019 là 2% và tạm ứng năm 2020 là 12%. Ngày chi trả cổ tức là 30/7, tổng số tiền thanh toán khoảng 400 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, FLC tiếp tục khiến nhà đầu tư phải bất ngờ, tuy nhiên, khác với phiên trước, cổ phiếu này giảm giá ngay từ đầu phiên giao dịch. Có lúc, FLC bị kéo xuống mức giá sàn 11.900 đồng/cp. Chốt phiên, FLC giảm 5,5% xuống 12.050 đồng/cp - đây cũng là cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao hiếm hoi giảm giá trên 2% trong phiên 1/4.

Hai cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao khác giảm giá là CRE và TDH nhưng mức giảm đều không quá mạnh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 24,66 điểm (2,07%) lên 1.216,1 điểm. Toàn sàn có 334 mã tăng, 106 mã giảm và 47 mã đứng giá. HNX-Index tăng 5,73 điểm (2%) lên 292,4 điểm. Toàn sàn có 47 mã tăng, 71 mã giảm và 59 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,3 điểm (0,37%) lên 81,71 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên hai sàn gia tăng so với phiên trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 phiên với giá trị giao dịch đạt 18.574 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch 824 triệu cổ phiếu. FLC chính là cổ phiếu bất động sản duy nhất lọt vào top 10 mã khớp lệnh mạnh nhất thị trường chứng khoán phiên đầu tháng 4 với 39,4 triệu cổ phiếu.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất phiên 1/4.
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất.
Nguồn: Fialda.

Khối ngoại mua ròng trở lại gần 21 tỷ đồng. Có đến 4 cổ phiếu bất động sản nằm trong danh sách mua ròng mạnh của khối ngoại là VIC, NVL, VHM và PDR, trong đó, VIC tiếp tục được mua ròng mạnh nhất thị trường với 263 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE và FLC là 2 mã bất động sản nằm trong danh sách 10 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt 12,6 tỷ đồng và 12,4 tỷ đồng

CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội cho biết, cuối cùng thì sau bốn lần thử thách (tính từ đầu năm 2021) ngưỡng tâm lý 1.200 điểm, thị trường đã chính thức vượt qua được. Việc bứt phá khỏi ngưỡng này đã giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực hơn và dòng tiền mua lên mạnh mẽ xuất hiện giúp VN-Index vượt luôn đỉnh lịch sử 1.211 điểm (tháng 4/2018) trong phiên 1/4.

Trên góc độ kỹ thuật, thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 với target quanh 1.250 điểm dự kiến đạt được vào nửa đầu tháng 4/2021 nên dư địa trong khoảng 2 tuần nữa là vẫn còn. Theo đó, trong phiên giao dịch cuối tuần, thị trường có thể tiếp tục tăng điểm để hướng đến mục tiêu của sóng tăng 5 quanh 1.250 điểm. Nhà đầu tư trung hạn tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với kỳ vọng VN-Index hoàn tất sóng 5 trong thời gian tới. Những nhà đầu tư ngắn hạn đã mua vào trong phiên 24/3, 25/3, 26/3 khi thị trường điều chỉnh về MA50 và đã chốt lời một phần trong phiên 1/4 nắm giữ danh mục còn lại để hướng đến mục tiêu 1.250 điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top